Ung thư
Ung thư

Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản

Ung thư phổi có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt khi tiến triển đến giai đoạn muộn. Cách tốt nhất để hạn chế những ảnh hưởng này chính là thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh ung thư phổi từ sớm.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-27
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
1. Bỏ hút thuốc lá là cách phòng tránh bệnh ung thư phổi hiệu quả nhất2. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc3. Tránh tiếp xúc với radon4. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư khác5. Giảm thiểu ô nhiễm không khí6. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh7. Tập thể dục thể thao thường xuyên
Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản

Bệnh ung thư phổi không phải do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm… gây ra nên trên thực tế, không có vắc xin ngừa ung thư phổi. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ gặp phải căn bệnh nguy hiểm này. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Bảo hiểm Bowtie bỏ túi ngay 7 cách giúp phòng tránh bệnh ung thư phổi đơn giản nhưng cực hiệu quả nhé.

1. Bỏ hút thuốc lá là cách phòng tránh bệnh ung thư phổi hiệu quả nhất

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư phổi. Theo ước tính, có đến 80 – 90% trường hợp mắc ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ này sẽ tăng theo số lượng thuốc hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Hút thuốc càng nhiều và càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao. Ngược lại, không hút thuốc chính là biện pháp giúp phòng tránh bệnh ung thư phổi hiệu quả nhất. Ngoài bảo vệ chính bản thân, bạn còn góp phần bảo vệ những người xung quanh, nhất là gia đình (hút thuốc lá thụ động).

Nếu chưa từng hút thuốc trước đây, hãy duy trì việc này và đừng thử hút thuốc dù chỉ một lần. Nếu đang hút thuốc, bạn cần bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. 

Việc ngừng hút thuốc sẽ giúp các mô phổi bị tổn thương bắt đầu tự “chữa lành” trước khi kịp phát triển thành ung thư. Nếu bị nghiện thuốc lá nặng hoặc gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc, bạn có thể trao đổi với các chuyên gia y tế về những phương pháp cai thuốc hiệu quả. Bỏ hút thuốc lá ngoài giảm nguy cơ mắc ung thư phổi còn giảm nguy cơ của các bệnh lý khác như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư đầu cổ…

2. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc

Không chỉ người trực tiếp hút thuốc lá mà người tiếp xúc hoặc hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. Theo đó, nguy cơ ở những người sống cùng nhà với người hút thuốc sẽ tăng 30% so với người không cùng hoàn cảnh (hút thuốc lá thụ động).

Vì vậy, nếu sống chung nhà với người đang hút thuốc, bạn hãy khuyến khích họ bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Đồng thời, bạn nên đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh những nơi có nhiều người hút thuốc để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi.

3. Tránh tiếp xúc với radon

Radon là một chất khí phóng xạ không mùi, hình thành từ sự phân hủy tự nhiên của đất, đá và nước. Chất khí này sẽ xâm nhập vào nhà thông qua các vết nứt, lỗ nhỏ hoặc thấm vào đất và sau đó rò rỉ vào không khí, nguồn nước. Theo thời gian, việc hít phải khí radon có thể gây ung thư phổi.

Hạn chế tiếp xúc với khí radon là việc làm rất quan trọng để phòng tránh bệnh ung thư phổi. Theo đó, bạn có thể thực hiện một số cách sau để giảm lượng khí radon trong nhà:

  • Sử dụng máy làm sạch không khí
  • Mở cửa sổ, sử dụng quạt và lỗ thông gió để tăng cường lưu thông không khí
  • Trám, bịt kín các vết nứt trên sàn và tường
  • Trữ nước trong bể trước khi sử dụng
  • Hạn chế thời gian sinh hoạt dưới tầng hầm
  • Mời các nhân viên phòng tránh bức xạ lại nhà khảo sát thêm nếu cần thiết

4. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư khác

Tiếp xúc với các chất độc hại như amiăng, crom, niken, bồ hóng, asen… hoặc các bức xạ như tia X, tia gamma… thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Chẳng hạn như, người hút thuốc có tiếp xúc với amiăng có khả năng mắc bệnh cao gấp 90 lần so với những người không tiếp xúc. 

Vì vậy, nếu thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều bức xạ, hóa chất độc hại, bạn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo hộ và vệ sinh cá nhân cẩn thận trước và sau khi đi làm. Những người sống gần các nhà máy, khu công nghiệp sản sinh ra nhiều hóa chất độc hại cũng cần vệ sinh cá nhân kỹ càng, lựa chọn và chế biến thực phẩm thật kỹ lưỡng.

Cách phòng tránh bệnh ung thư phổi
Người làm việc trong môi trường độc hại cần thực hiện các biện pháp bảo hộ để bảo vệ sức khỏe.

5. Giảm thiểu ô nhiễm không khí

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khói bụi trong không khí bị ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến. Theo Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), trong năm 2010, trên toàn thế giới có 3,2 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí, trong đó có 223.000 người mắc ung thư phổi. Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên bản thân, bạn có thể thực hiện theo một số biện pháp sau:

  • Thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí ở nơi mình sinh sống để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài
  • Thường xuyên vệ sinh không gian sống, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng
  • Hạn chế đốt vàng mã, nhang đèn, rơm rạ…
  • Chuyển sang sử dụng bếp điện, bếp từ để đun nấu thay vì sử dụng bếp than, bếp củi, bếp tổ ong
  • Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ
  • Trồng thêm cây xanh trong không gian nhà ở

6. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh với nhiều trái cây, rau quả, ít chất béo đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng tránh bệnh ung thư phổi. Chế độ ăn này sẽ giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi nguyên phát, ung thư phổi thứ phát hoặc các bệnh mạn tính khác. 

Mỗi ngày, bạn hãy cố gắng ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau củ cũng như ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

7. Tập thể dục thể thao thường xuyên

Việc tập thể dục sẽ giúp tăng cường khả năng “chiến đấu” tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây hại. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc. Nếu bị ung thư phổi, việc hoạt động thể chất cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm…

Theo các chuyên gia y tế, mỗi người nên tập thể dục với cường độ vừa ít nhất 150 phút mỗi tuần. Thêm vào đó, bạn cũng được khuyến khích bổ sung các bài tập rèn luyện sức bền ít nhất 2 ngày một tuần.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp kể trên, chuyên gia y tế cũng khuyên bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề bất thường trong cơ thể và có phương pháp điều trị ung thư phổi kịp thời. Đối tượng có nhiều nguy cơ nên thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ. 

Trên đây là 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực kỳ đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay hôm nay để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh. Hãy cố gắng thay đổi lối sống để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Cách Tầm soát ung thư cổ tử cung: Cách
Ung thư

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Cách "chặn đứng" bệnh ngay từ đầu

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời
Ung thư

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời

8 dấu hiệu ung thư phổi sớm mà bạn cần đặc biệt chú ý 8 dấu hiệu ung thư phổi sớm mà bạn cần đặc biệt chú ý
Ung thư

8 dấu hiệu ung thư phổi sớm mà bạn cần đặc biệt chú ý

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK