Để phòng chống bệnh tăng huyết áp, bạn hãy xây dựng cho mình những thói quen tốt với 9 cách đơn giản sau đây:
Một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa làm giảm nguy cơ mắc cao huyết áp. Theo đó, người chưa bị tăng huyết áp hay đang mắc phải căn bệnh này đều cần có kế hoạch ăn uống khoa học, cân bằng. Việc nhận biết các thực phẩm nên ăn, không nên ăn và xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng phù hợp là biện pháp phòng chống bệnh tăng huyết áp hiệu quả.
Ngoài ra, một điều quan trọng mà bạn cần đặc biệt lưu ý là nên cắt giảm lượng muối tiêu thụ hằng ngày. Natri trong muối được biết đến là một tác nhân gây tăng huyết áp. Càng tiêu thụ nhiều natri thì huyết áp càng dễ tăng cao. Do đó, một cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp đơn giản, hiệu quả chính là giới hạn lượng natri bổ sung mỗi ngày dưới 1,5g.
Thừa cân hoặc béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Để xác định cân nặng của bạn có nằm ở mức khỏe mạnh hay không, các bác sĩ thường dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m).
Theo các chuyên gia y tế, BMI khỏe mạnh cần nằm trong khoảng 18,5 – 22,9 kg/m2. Chỉ số BMI càng cao thì càng có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có cao huyết áp.
Do đó, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, bạn cần giữ mức cân nặng hợp lý. Nếu đang thừa cân, béo phì, bạn nên cố gắng giảm cân lành mạnh bằng cách ăn uống khoa học và tạo thói quen hoạt động thể chất thường xuyên. Hãy nhớ rằng, chỉ cần giảm vài cân cũng sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với huyết áp và sức khỏe tổng thể đấy.
Hoạt động thể chất thường xuyên cũng là biện pháp phòng chống bệnh tăng huyết áp hiệu quả. Việc này sẽ giúp bạn duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tăng cường sức khỏe tim mạch và giữ huyết áp ổn định. Ngoài ra, việc hoạt động thể chất còn giúp hạn chế căng thẳng, một trong những nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp.
Theo đó, các chuyên gia sức khỏe khuyến khích bạn nên dành ra khoảng 150 – 300 phút mỗi tuần để thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đánh cầu lông… Thời gian này tương đương với 30 – 60 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần.
Bài viết liên quan:
Một số thành phần trong thuốc lá có thể gây hại trực tiếp đến các mạch máu trong cơ thể, khiến bạn dễ mắc phải các bệnh lý tim mạch, điển hình là bệnh tăng huyết áp. Do đó, nếu chưa từng hút thuốc thì bạn không nên bắt đầu. Nếu đang hút thuốc lá, bạn cần tìm cách bỏ thuốc vĩnh viễn để phòng chống bệnh tăng huyết áp nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.
Khi lập kế hoạch phòng chống tăng huyết áp, bạn cũng cần lưu ý đến việc hạn chế lượng rượu bia và thức uống có cồn mà mình tiêu thụ. Bởi việc lạm dụng rượu bia có khả năng dẫn đến tăng huyết áp.
Để phòng ngừa tăng huyết áp, tốt nhất bạn nên bỏ hẳn rượu bia và thức uống có cồn. Nếu không thể, hãy cố gắng tiêu thụ ở mức giới hạn, dưới 14 đơn vị cồn một tuần (1 đơn vị tương đương với 10ml hoặc 8g cồn nguyên chất). Nếu phải uống hơn 14 đơn vị một tuần, bạn cần uống cách nhau 3 ngày, không nên uống liên tục.
Việc ngủ đủ giấc giúp giữ cho tim cũng như mạch máu của bạn khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả. Nếu thiếu ngủ thường xuyên, cơ thể bạn sẽ mệt mỏi và làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp cũng như đột quỵ. Các bác sĩ khuyên bạn nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày và tốt hơn hết là đi ngủ đúng giờ, không nên thức quá khuya.
Theo các nghiên cứu, uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày sẽ gây ra tình trạng mất ngủ và có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn hiện đang tiêu thụ quá nhiều cà phê, trà hoặc các loại đồ uống chứa caffeine khác thì hãy cân nhắc cắt giảm nhé.
Theo đó, bạn nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ ở mức dưới 200mg mỗi ngày, tương đương khoảng 240ml cà phê pha. Thay vì các loại thức uống chứa caffeine, bạn có thể cân nhắc đổi sang các loại thức uống chứa nhiều vitamin và khoáng chất như nước ép trái cây (cam, quýt, lựu, ổi, táo…) hoặc nước ép rau củ (cà rốt, cần tây…).
Căng thẳng, stress kéo dài là một nguyên nhân có khả năng dẫn đến tăng huyết áp. Bạn có thể bị căng thẳng do công việc, căng thẳng khi phải xử lý tính toán hoặc căng thẳng trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Tình trạng này không tốt cho não bộ và cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc cao huyết áp.
Do đó, bạn nên kiểm soát căng thẳng bằng cách hạn chế thức khuya, làm việc với cường độ vừa phải, ngủ đủ giấc và đúng giờ. Hãy cố gắng tự tạo cho bản thân một lịch sinh hoạt khoa học, lành mạnh và suy nghĩ tích cực, lạc quan. Bạn cũng có thể thực hiện một số phương pháp để quản lý căng thẳng như tập yoga, thái cực quyền, các bài tập hít thở… hoặc trò chuyện, chia sẻ với người thân, gia đình cũng như các chuyên gia y tế nếu cần.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp là việc bạn nên làm để theo dõi chỉ số huyết áp của bản thân. Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp.
Nếu được, mỗi ngày bạn nên kiểm tra huyết áp 1 lần, đặc biệt đối với những người có nhiều nguy cơ. Bạn hãy ghi lại các chỉ số đo được vào sổ theo dõi. Nếu nhận thấy huyết áp tăng cao, bạn nên chia sẻ với bác sĩ để đưa ra đánh giá khách quan nhất.
Trên đây là 9 cách đơn giản bạn có thể thực hiện ngay tại nhà để phòng chống bệnh tăng huyết áp. Hy vọng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về bệnh tăng huyết áp và cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Hãy cố gắng thay đổi lối sống ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe, bạn nhé!
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.