Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Cập nhật phác đồ điều trị cúm A mới nhất 2023 của Bộ Y tế

Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn về phác đồ điều trị cúm A theo từng chủng virus gây bệnh. Các phác đồ này sẽ giúp bác sĩ biết hướng xử trí đúng khi điều trị và chăm sóc bệnh nhân cúm A.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-26
Cập nhật ngày 2023-07-26
Nội dung chính
Phác đồ điều trị cúm A/H1N1 và A/H3N2 mới nhất của Bộ Y tếPhác đồ điều trị cúm A/H5N1 mới nhất của Bộ Y tếPhác đồ điều trị cúm A/H7N9 của Bộ Y tế
Cập nhật phác đồ điều trị cúm A mới nhất 2023 của Bộ Y tế

Cúm A xảy ra do các chủng virus cúm A, thường dễ bùng phát thành đại dịch hơn so với bệnh do các chủng virus cúm B và C. Các chủng virus cúm A thường gặp ở nước ta là A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9. Các chủng virus cúm có thể biến đổi hàng năm và vẫn có khả năng gây tái nhiễm ở những người từng mắc bệnh. 

Phần lớn trường hợp bị cúm A là lành tính, có thể tự phục hồi nhưng cũng có những ca diễn tiến nặng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Để hiểu thêm về nguyên tắc và các phương thức điều trị bệnh lý này, mời bạn tham khảo phác đồ điều trị cúm A theo các chủng được Bộ Y tế ban hành qua bài viết dưới đây.

Phác đồ điều trị cúm A/H1N1 và A/H3N2 mới nhất của Bộ Y tế

1. Nguyên tắc chung

Người bệnh cúm A/H1N1 và A/H3N2, ngay khi phát hiện nhiễm bệnh cần phải cách ly và báo đến cơ sở y tế dự phòng gần nhất. Sau đó, nhân viên y tế sẽ tiến hành đánh giá tình trạng bệnh và phân loại mức độ bệnh để đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp.

Người bệnh và cả những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh có biểu hiện sốt cần được chỉ định dùng thuốc kháng virus đơn lẻ hoặc kết hợp (gồm oseltamivir, zanamivir) sớm nhất có thể. Trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nguy hiểm phải kết hợp điều trị hỗ trợ, hồi sức tích cực cũng như điều trị căn nguyên. Ưu tiên điều trị người bệnh tại chỗ ở ngay cơ sở y tế được đưa đến, chỉ yêu cầu chuyển lên tuyến trên khi điều kiện cơ sở vật chất tại nơi điều trị không đủ đáp ứng khi bệnh tiến triển nặng.

Tùy theo mức độ bệnh mà bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện hoặc không:

  • Cúm chưa có biến chứng: Bệnh nhân có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị nội trú tại cơ sở y tế nếu biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, khi triệu chứng trở nặng hoặc cảm thấy lo lắng về tình trạng bệnh thì bạn hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
  • Cúm có kèm theo yếu tố nguy cơ hoặc có biến chứng: Bệnh nhân nên được nhập viện để theo dõi, điều trị, sử dụng thuốc kháng virus sớm.

2. Sử dụng thuốc kháng virus

Chỉ định điều trị với thuốc kháng virus thường được bác sĩ đưa ra cho các bệnh nhân nhiễm cúm có yếu tố nguy cơ hoặc đã xuất hiện biến chứng. Các thuốc hiện được sử dụng là oseltamivir, zanamivir với liều lượng như sau:

– Oseltamivir: Liều dùng sẽ dựa theo lứa tuổi và cân nặng với thời gian điều trị là 5 ngày

  • Người lớn và trẻ em lớn hơn 13 tuổi: 75mg/lần, 2 lần/ngày
  • Trẻ em từ 1 – 13 tuổi:
    • Cân nặng từ 15kg trở xuống: 30mg/lần, 2 lần/ngày
    • Cân nặng từ 15 – 23kg: 45mg/lần, 2 lần/ngày
    • Cân nặng từ 23 – 40kg: 60mg/lần, 2 lần/ngày
    • Cân nặng trên 40kg: 75mg/lần, 2 lần/ngày
  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi:
    • Từ 0 – 1 tháng: 2mg/kg/lần, 2 lần/ngày
    • 1 – 3 tháng: 2,5mg/kg/lần, 2 lần/ngày
    • 3 – 12 tháng: 3mg/kg/lần, 2 lần/ngày

– Zanamivir: Thuốc được bào chế ở dạng hít phân liều cố định, dùng trong trường hợp không có, đáp ứng chậm hoặc đề kháng với thuốc oseltamivir với liều lượng như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 10mg (2 lần hít 5mg)/lần, 2 lần/ngày
  • Trẻ em từ 5 – 7 tuổi: 10mg (2 lần hít 5mg)/lần, 1 lần/ngày

Với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể cho dùng phối hợp cả oseltamivir và zanamivir. Thời gian điều trị cũng có khả năng kéo dài cho đến khi xét nghiệm hết virus nếu người bệnh đáp ứng chậm với thuốc kháng virus. Lúc này, bác sĩ thường theo dõi chức năng gan, thận sát sao để điều chỉnh liều dùng phù hợp.

Phác đồ điều trị cúm A/H1N1 và A/H3N2 mới nhất của Bộ Y tế
Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus theo phác đồ điều trị cúm A cho các trường hợp cần thiết.

3. Điều trị hỗ trợ

Việc điều trị hỗ trợ bệnh cúm A/H1N1 hoặc A/H3N2 bao gồm:

  • Hạ sốt: Uống paracetamol khi thân nhiệt tăng cao trên 38,5ºC.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bệnh
    • Cho ăn bằng đường miệng nếu tình trạng bệnh nhẹ, bệnh nhân còn ăn được
    • Cho ăn qua ống thông dạ dày (thường dùng sữa và bột dinh dưỡng) ở những trường hợp nặng
    • Nếu bệnh nhân không thể ăn được thì phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch
  • Hỗ trợ hô hấp cho người bệnh bằng cách vỗ rung vùng ngực, giúp người bệnh ho, khạc đờm hoặc tiến hành hút đờm.
  • Nếu có bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh cần được chỉ định dùng thuốc kháng sinh
  • Hỗ trợ hô hấp tích cực khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp bằng cách kê cao đầu 30 – 45º, cho thở oxy với lưu lượng phù hợp. Nếu không đáp ứng với thở oxy thì bác sĩ cần dùng đến máy thở.
  • Theo dõi tình trạng của bệnh nhân để kịp thời phát hiện và điều trị suy đa phủ tạng.

4. Tiêu chuẩn xuất viện

Theo phác đồ điều trị cúm A/H1N1 và A/H3N2 của Bộ Y tế, người bệnh sẽ được phép xuất viện khi:

  • Hết sốt và không còn các triệu chứng hô hấp trong hơn 48 giờ (trừ ho)
  • Tình trạng lâm sàng đã ổn định

Tại cơ sở y tế điều trị có xét nghiệm Real time RT-PCR thì người bệnh muốn xuất viện cần có kết quả xét nghiệm lại virus cúm A vào ngày thứ tư âm tính. Nếu kết quả lúc đó vẫn dương tính thì chưa được ra viện và cần xét nghiệm lại vào ngày thứ sáu. Sau khi xuất viện, người bệnh vẫn phải cách ly tại nhà cho đến hết 7 ngày, tính từ khi bệnh khởi phát.

Phác đồ điều trị cúm A/H5N1 mới nhất của Bộ Y tế

1. Nguyên tắc chung

Tương tự như trên, người bị nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh cúm A/H5N1 cần phải được cách ly với mọi người. Sau đó, bác sĩ sẽ đảm bảo người bệnh được điều trị như sau:

  • Sử dụng thuốc kháng virus (thường là oseltamivir) sớm nhất có thể
  • Hồi sức hô hấp, giữ độ bão hòa oxy máu SpO2 ≥ 92%
  • Điều trị tình trạng suy đa tạng nếu xảy ra
Phác đồ điều trị cúm A/H5N1 mới nhất của Bộ Y tế
Cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát thành dịch nên người nghi ngờ mắc bệnh cần phải cách ly và điều trị kịp thời.

2. Điều trị bằng thuốc kháng virus, kháng sinh

Người bệnh cúm A/H5N1 được chỉ định dùng thuốc kháng virus chứa hoạt chất oseltamivir với liều lượng như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg/lần, 2 lần/ngày, uống trong 7 ngày. Nếu bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng gấp đôi liều và kéo dài thời gian điều trị đến 10 ngày.
  • Trẻ em từ 1 – 13 tuổi: Sử dụng dung dịch uống, liều lượng phù hợp với cân nặng trong thời gian điều trị là 7 ngày
    • Dưới 15kg: 30mg/lần, 2 lần/ngày
    • Từ 16 – 23kg: 45mg/lần, 2 lần/ngày
    • Từ 24 – 40kg: 60mg/lần, 2 lần/ngày

Khi có nhiễm khuẩn bệnh viện, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một kháng sinh phổ rộng hoặc dùng kết hợp 2 – 3 kháng sinh để điều trị. Trong quá trình dùng thuốc, bác sĩ theo dõi chức năng gan và thận để điều chỉnh liều dùng khi cần thiết. 

3. Phương pháp điều trị suy hô hấp cấp

Đầu tiên, người bệnh cần được nằm ở tư thế kê cao đầu từ 30 – 45º. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định cung cấp oxy khi có dấu hiệu giảm oxy hóa máu (SpO2 ≤ 92% hoặc PaO2 ≤ 65mmHg, thở nhanh, rút lõm ngực). Các lựa chọn cung cấp oxy cho người bệnh gồm:

  • Thở oxy qua gọng mũi: Lưu lượng 1 – 5 lít/phút với mục tiêu đạt được SpO2 > 92%.
  • Thở oxy qua mặt nạ đơn giản: Thực hiện thở oxy qua mặt nạ đơn giản với lưu lượng 6 – 12 lít/phút nếu thở oxy qua gọng mũi không giúp đạt SpO2 mục tiêu.
  • Thở oxy qua mặt nạ có túi: Lưu lượng oxy được điều chỉnh đủ cao để không làm xẹp túi lúc hít vào, được dùng khi các phương pháp trên không có hiệu quả.

Nếu tình trạng giảm oxy máu vẫn không được cải thiện, SpO2 < 92% thì người bệnh được chỉ định dùng máy thở không xâm lấn (CPAP). Nếu được, trẻ em cần dùng CPAP ngay khi thở oxy qua gọng mũi không hiệu quả.

Nếu phương pháp thở CPAP và thở oxy vẫn không cải thiện được tình trạng thiếu oxy máu cộng với bệnh nhân có biểu hiện xanh tím, thở nhanh, thở nông thì cần tiến hành thông khí nhân tạo. Mục tiêu cần đạt được khi thông khí nhân tạo là SpO2 > 92% với FiO2 ≤ 0,6, nếu không được thì có thế chấp nhận mức SpO2 > 85%. Trường hợp có tràn khí màng phổi, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu hút khí màng phổi.

4. Các biện pháp hồi sức

Ngoài ra, người bệnh cúm A/H5N1 cũng có thể tiếp nhận các biện pháp hồi sức trong quá trình điều trị nếu cần thiết, bao gồm:

  • Truyền dịch: Khi truyền dịch, bác sĩ sẽ cần đảm bảo cân bằng ra – vào, duy trì lượng nước tiểu khoảng 1.200-1.500ml/ngày, tránh để phù phổi. Nếu đã truyền hơn 2 lít dung dịch tinh thể mà huyết áp vẫn không tăng thì cần thay thế bằng dung dịch keo phù hợp.
  • Thuốc vận mạch: Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc vận mạch từ sớm để duy trì huyết áp tâm thu ≥ 90mmHg.
  • Thăng bằng kiềm toan, nhất là khi thực hiện thông khí nhân tạo tăng thán cho phép, cần duy trì pH ≥ 7,15.
  • Áp dụng phác đồ hồi sức cho người bệnh bị suy đa tạng nếu bệnh tiến triển nặng gây suy đa tạng hoặc có thể tiến hành lọc máu liên tục để hỗ trợ điều trị tình trạng này.

5. Điều trị hỗ trợ

Các phương pháp điều trị hỗ trợ cho người bệnh cúm A/H5N1 để giảm bớt triệu chứng và nhanh chóng hồi phục gồm:

  • Sử dụng thuốc corticosteroid cho các trường hợp bệnh nặng, ở giai đoạn tiến triển, xuất hiện sốc nhiễm khuẩn. Các thuốc thường được dùng là methylprednisolon, hydrocortisone hemisuccinate, depersolon, prednisolone. Lưu ý, người bệnh cần được theo dõi đường huyết, tình trạng xuất huyết tiêu hóa khi uống thuốc corticosteroid.
  • Hạ sốt bằng paracetamol khi thân nhiệt bệnh nhân tăng trên 39ºC.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bệnh, qua đường ăn uống bình thường hoặc dùng ống thông, thậm chí là nuôi dưỡng đường tĩnh mạch nếu gặp khó khăn khi ăn.
  • Chống loét cho bệnh nhân bằng cách hỗ trợ thay đổi tư thế thường xuyên, massage, thay đệm nước…
  • Chăm sóc hô hấp bằng cách giúp người bệnh ho, khạc đờm, vỗ ngực và hút dịch nhầy để dễ thở hơn.

6. Tiêu chuẩn xuất viện

Sau khi tuân thủ phác đồ điều trị cúm A/H5N1, người bệnh sẽ được xuất viện khi:

  • Hết sốt sau 7 ngày
  • Kết quả xét nghiệm máu, X-quang tim, X-quang phổi ổn định
  • Xét nghiệm virus cúm A/H5N1 âm tính

Phác đồ điều trị cúm A/H7N9 của Bộ Y tế

1. Nguyên tắc chung

Chủng virus cúm A/H7N9 là chủng mới có nguồn gốc từ gia cầm và chim, có khả năng lây nhiễm sang người gây ra viêm phổi nặng, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao. Các trường hợp nghi nhiễm virus A/H7N9 cần được đưa đến bệnh viện thăm khám, tiến hành cách ly và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Nếu được chẩn đoán mắc cúm A chủng H7N9, người bệnh cần được nhập viện điều trị nội trú và cách ly hoàn toàn.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus (oseltamivir hoặc zanamivir) sớm nhất có thể. Đồng thời, người bệnh cần được hồi sức hô hấp để duy trì mức SpO2 ≥ 92% và điều trị suy đa tạng nếu xảy ra.

Phác đồ điều trị cúm A/H7N9 của Bộ Y tế
Người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H7N9 cần được cách ly, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

2. Điều trị thuốc kháng virus

Dựa trên kinh nghiệm sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 mà các chuyên gia đưa ra khuyến cáo về việc dùng các thuốc này trong phác đồ điều trị cúm A/H7N9 như sau:

– Oseltamivir: Dùng trong 7 ngày với liều lượng điều chỉnh theo độ tuổi và cân nặng như sau:

  • Người lớn và trẻ em hơn 13 tuổi: 75mg/lần, 2 lần/ngày
  • Trẻ em từ 1 – 13 tuổi: Sử dụng dung dịch uống với liều lượng tùy theo cân nặng, cụ thể như sau:
    • Dưới 15kg: 30mg/lần, 2 lần/ngày
    • Từ 16 – 23kg: 45mg/lần, 2 lần/ngày
    • Từ 24 – 40kg: 60mg/lần, 2 lần/ngày
    • Trên 40kg: 75mg/lần, 2 lần/ngày
  • Trẻ em dưới 12 tháng:
    • Nhỏ hơn 3 tháng: 12mg/lần, 2 lần/ngày
    • Từ 3 – 5 tháng: 20mg/lần, 2 lần/ngày
    • Từ 6 – 11 tháng: 25mg/lần, 2 lần/ngày

– Zanamivir: Dùng dạng hít định liều, chỉ định khi không có oseltamivir hoặc chậm đáp ứng/đề kháng với oseltamivir dạng uống, thời gian điều trị kéo dài 7 ngày với liều lượng như sau:

  • Người lớn và trẻ em > 7 tuổi: 10mg (2 lần xịt 5mg)/lần, 2 lần/ngày
  • Trẻ em từ 5 – 7 tuổi: 10mg (2 lần xịt 5mg)/lần, 1 lần/ngày

– Zanamivir dạng truyền tĩnh mạch (nếu có) được dùng với liều khuyến cáo là 300 – 600mg/ngày.

Những trường hợp nặng, ít đáp ứng với thuốc thì bác sĩ có thể chỉ định gấp đôi liều và kéo dài thời gian điều trị tới 10 ngày hoặc đến khi xét nghiệm virus cho kết quả âm tính. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi chức năng gan và thận của người bệnh để điều chỉnh liều dùng thích hợp.

3. Điều trị suy hô hấp

Bác sĩ cũng sẽ đánh giá mức độ suy hô hấp ở người bệnh cúm A/H7N9 để lựa chọn cách điều trị phù hợp. Bệnh nhân suy hô hấp mức độ nhẹ cần:

  • Nằm kê cao đầu 30 – 45º
  • Cung cấp oxy khi mức SpO2 ≤ 92% hoặc PaO2 ≤ 65mmHg hoặc khi bệnh nhân khó thở bằng các phương pháp thở oxy qua gọng mũi, qua mặt nạ đơn giản hoặc thở oxy qua mặt nạ có túi không thở lại.

Người bệnh cúm A bị suy hô hấp ở mức độ trung bình cần:

  • Thở máy không xâm lấn (CPAP) để đạt được SpO2 > 92% với FiO2 ≤ 0,6 (có thể chấp nhận mức SpO2  > 85%).
  • Thông khí nhân tạo không xâm nhập BiPAP khi bệnh nhân bị suy hô hấp nhưng vẫn còn tỉnh táo, hợp tác tốt, tự ho khạc được.

Bệnh nhân bị suy hô hấp nặng sẽ phải được:

  • Thông khí nhân tạo xâm nhập khi người bệnh suy hô hấp nặng và không đáp ứng với BiPAP. Mục tiêu là để người bệnh đạt được độ bão hòa oxy máu SpO2 > 92%.
  • Phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) được cân nhắc sử dụng cho người bệnh suy hô hấp cấp tiến triển không đáp ứng với các điều trị ở trên sau 6 – 12 giờ. Nếu muốn thực hiện ECMO ở người bệnh thì bệnh viện tuyến dưới cần đưa ra quyết định sớm và tuân thủ quy trình vận chuyển người bệnh theo quy định của Bộ Y tế vì phương pháp này chỉ có tại một số cơ sở y tế tuyến cuối.

4. Điều trị suy đa tạng

Nếu có biểu hiện suy đa tạng, người bệnh cúm A sẽ được:

  • Điều trị để đảm bảo khối lượng tuần hoàn, cân bằng dịch, mức huyết áp, lợi tiểu
  • Lọc máu nếu có chỉ định của bác sĩ

5. Điều trị hỗ trợ

Tương tự như trong điều trị các chủng virus cúm A khác, người bệnh cũng cần nhận điều trị hỗ trợ, gồm:

  • Hạ sốt: Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao trên 38,5ºC với liều dùng thích hợp.
  • Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, thăng bằng kiềm toan.
  • Nếu có bội nhiễm phế quản phổi thì cần uống kháng sinh có hiệu lực trên vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

6. Tiêu chuẩn xuất viện

Sau khi điều trị cúm A/H7N9 theo phác đồ của Bộ Y tế, người bệnh sẽ được xuất viện nếu:

  • Hết sốt từ 3 – 5 ngày, thể trạng tốt
  • Mạch, huyết áp, nhịp thở, kết quả xét nghiệm máu đã trở về bình thường
  • Kết quả X-quang phổi cho thấy có cải thiện

Sau khi ra viện, người bệnh vẫn cần tự theo dõi thân nhiệt khoảng 12 tiếng/lần. Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38ºC ở hai lần đo liên tục hoặc có biểu hiện bất thường thì bệnh nhân phải tái khám ngay tại cơ sở y tế vừa điều trị bệnh.

Hy vọng với những thông tin tổng hợp về các phác đồ điều trị cúm A theo từng chủng virus gây bệnh trong bài viết, bạn đã biết được các lựa chọn cần thiết để xử trí căn bệnh này. Đừng quên, virus cúm A cũng như các virus gây bệnh đường hô hấp khác có thể lây truyền nhanh chóng qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus và bùng lên thành dịch nên bạn cần chủ động cách ly với những người nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Giang mai bẩm sinh: Căn bệnh truyền từ mẹ sang con Giang mai bẩm sinh: Căn bệnh truyền từ mẹ sang con
Các bệnh lý khác

Giang mai bẩm sinh: Căn bệnh truyền từ mẹ sang con

Tiêu chảy: Vấn đề thường gặp nhưng bạn đã hiểu rõ? Tiêu chảy: Vấn đề thường gặp nhưng bạn đã hiểu rõ?
Các bệnh lý khác

Tiêu chảy: Vấn đề thường gặp nhưng bạn đã hiểu rõ?

Những thông tin cần biết về bệnh đậu mùa khỉ Những thông tin cần biết về bệnh đậu mùa khỉ
Các bệnh lý khác

Những thông tin cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK