Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Phác đồ điều trị bệnh giang mai mới nhất của Bộ Y tế

Bệnh giang mai chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh, thường sử dụng nhất là penicillin. Theo đó, Bộ Y tế hiện đã xây dựng các phác đồ điều trị bệnh giang mai phù hợp cho từng đối tượng với thời gian mắc bệnh khác nhau.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-03-16
Cập nhật ngày 2023-03-16
Nội dung chính
Nguyên tắc điều trị bệnh giang maiPhác đồ điều trị bệnh giang mai cho người lớn và vị thành niênPhác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế cho phụ nữ có thaiPhác đồ điều trị giang mai bẩm sinh
Phác đồ điều trị bệnh giang mai mới nhất của Bộ Y tế

Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như mờ mắt, gãy xương, tổn thương nội tạng… May mắn là, nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị bệnh giang mai được chỉ định thì có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Ngược lại, thời gian trì hoãn điều trị càng lâu thì ảnh hưởng của bệnh càng nặng nề. 

Vậy làm sao chữa bệnh giang mai hiệu quả? Phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế cho từng đối tượng sẽ khác nhau thế nào? Cùng Bowtie tìm hiểu thêm về phác đồ điều trị giang mai mới nhất trong bài viết này nhé. 

Nguyên tắc điều trị bệnh giang mai

Nguyên tắc đầu tiên được áp dụng khi điều trị bệnh giang mai chính là xác định giai đoạn và thời gian mắc bệnh. Phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế được xây dựng dựa theo 2 giai đoạn bệnh chính là giang mai sớm (≤ 2 năm) và giang mai muộn (> 2 năm hoặc không xác định thời gian mắc). 

Trong đó, giang mai sớm bao gồm giang mai thời kỳ I, giang mai thời kỳ II và giang mai tiềm ẩn sớm (không biểu hiện triệu chứng lâm sàng và có thời gian mắc bệnh ≤ 2 năm). Ngược lại, giang mai muộn gồm giang mai tiềm ẩn muộn (không có biểu hiện lâm sàng, thời gian mắc bệnh > 2 năm) và giang mai thời kỳ III.

Việc điều trị giang mai chủ yếu là điều trị ngoại trú, bệnh nhân sẽ được ra về trong ngày sau mỗi đợt điều trị. Trường hợp giang mai thời kỳ III có biểu hiện tim mạch, thần kinh và giang mai bẩm sinh có thể cần điều trị nội trú để được bác sĩ theo dõi sát sao hơn.

Thêm vào đó, không chỉ bệnh nhân mà cả bạn tình hiện tại và bạn tình trong vòng một năm cũng cần được thăm khám và làm xét nghiệm chẩn đoán giang mai. Nếu mắc bệnh, họ được khuyến nghị tiến hành điều trị song song với người bệnh. 

Phác đồ điều trị bệnh giang mai cho người lớn và vị thành niên

Như đã đề cập, Bộ Y tế sẽ xây dựng phác đồ điều trị giang mai dựa trên từng đối tượng và giai đoạn mắc bệnh cụ thể. Theo đó, đối với người lớn và vị thành niên, phác đồ điều trị cụ thể sẽ như sau:

Trường hợp bệnh giang mai sớm

Với bệnh giang mai giai đoạn sớm, thuốc đầu tiên được dùng điều trị cho người lớn và vị thành niên thường là benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị. Thuốc sẽ được tiêm bắp sâu với một liều duy nhất. 

Trong trường hợp không có benzathin penicillin tại cơ sở y tế, bác sĩ có thể điều trị bằng phác đồ thay thế với procain penicillin 1,2 triệu đơn vị. Theo đó, thuốc sẽ được tiêm bắp sâu trong 10 – 14 ngày, mỗi ngày 1 lần. 

Nếu không có cả procain penicillin hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các thuốc nhóm penicillin, phác đồ điều trị thay thế sẽ là một trong 3 lựa chọn sau:

  • Thuốc uống doxycyclin 100mg, uống 2 lần mỗi ngày trong 14 ngày
  • Thuốc tiêm ceftriaxon 1g, tiêm bắp sâu 1 lần mỗi ngày trong 10 – 14 ngày
  • Thuốc uống azithromycin 2g, uống một liều duy nhất

Trường hợp bệnh giang mai muộn

Ở giai đoạn muộn, người lớn và vị thành niên cũng được điều trị bằng cách tiêm bắp sâu benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thay vì tiêm một liều duy nhất, bệnh nhân giang mai giai đoạn muộn phải dùng thuốc trong 3 tuần liên tiếp, mỗi tuần 1 lần. Trong đó, thời gian giữa 2 lần tiêm liên tiếp không quá 14 ngày. 

Nếu không có benzathin penicillin, bệnh nhân có thể được điều trị bằng procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu mỗi ngày 1 lần trong 20 ngày. Trong trường hợp không có cả procain penicillin hoặc bệnh nhân dị ứng với các thuốc nhóm penicillin, phác đồ điều trị bệnh giang mai thay thế sẽ là doxycyclin 100mg, mỗi ngày uống 2 lần, duy trì trong 30 ngày.

Phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế cho phụ nữ có thai

Phác đồ điều trị bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai
Phác đồ điều trị giang mai cho phụ nữ có thai cần được cân nhắc thận trọng hơn vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Việc điều trị giang mai cho phụ nữ có thai thường khó khăn hơn người bình thường bởi một số thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Theo đó, phác đồ điều trị giang mai mới nhất của Bộ Y tế cho phụ nữ có thai sẽ như sau:

Trường hợp bệnh giang mai sớm

Phác đồ điều trị ưu tiên cho phụ nữ có thai mắc giang mai giai đoạn sớm vẫn là benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu với một liều duy nhất. Trong trường hợp không có benzathin penicillin, mẹ bầu có thể được điều trị bằng cách tiêm bắp sâu procain penicillin 1,2 triệu đơn vị trong 10 ngày, mỗi ngày 1 lần.

Với phụ nữ có thai có tiền sử dị ứng với penicillin hoặc trong trường hợp không có procain penicillin, bác sĩ sẽ sử dụng một trong ba loại thuốc sau đây:

  • Thuốc uống erythromycin 500mg, uống mỗi ngày 4 lần trong 14 ngày
  • Thuốc tiêm bắp sâu ceftriaxon 1g, tiêm mỗi ngày 1 lần trong 10 – 14 ngày
  • Thuốc uống azithromycin 2g, sử dụng một liều duy nhất

Trường hợp bệnh giang mai muộn

Khi phụ nữ mang thai được chẩn đoán bệnh giang mai ở giai đoạn muộn (> 2 năm hoặc không biết chính xác thời gian mắc), bác sĩ thường bắt đầu điều trị bằng benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, thời gian sử dụng sẽ dài hơn giai đoạn sớm. Benzathin penicillin sẽ được tiêm bắp sâu mỗi tuần 1 lần trong 3 tuần liên tiếp. Thời gian giữa 2 lần tiêm không quá 14 ngày. 

Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị có thể được sử dụng thay thế cho benzathin penicillin trong trường hợp cơ sở y tế không có thuốc. Bệnh nhân sẽ được tiêm bắp sâu procain penicillin mỗi ngày 1 lần trong 20 ngày. Đối với trường hợp không thể sử dụng cả 2 loại thuốc kể trên, phác đồ điều trị bệnh giang mai muộn cho phụ nữ có thai sẽ là erythromycin 500mg dạng uống, sử dụng kéo dài trong 30 ngày, mỗi ngày uống 4 lần.

Một điều cần lưu ý khi điều trị giang mai cho phụ nữ mang thai bằng erythromycin, azithromycin là các thuốc này không đi qua nhau thai nên trẻ sau khi sinh ra cần được điều trị ngay theo phác đồ điều trị giang mai bẩm sinh. Đồng thời, chống chỉ định doxycyclin cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Phác đồ điều trị giang mai bẩm sinh

Bên cạnh phác đồ điều trị giang mai cho người lớn, vị thành niên và phụ nữ mang thai, Bộ Y tế cũng xây dựng phác đồ điều trị cho trường hợp trẻ em mắc giang mai bẩm sinh được chẩn đoán xác định. Phác đồ này cũng được sử dụng cho trẻ sơ sinh không có biểu hiện lâm sàng nhưng có mẹ bị bệnh giang mai chưa được điều trị, điều trị chưa đầy đủ, điều trị muộn (mới điều trị trong vòng 30 ngày trước khi sinh), điều trị với phác đồ không dùng penicillin hoặc không tuân theo hướng dẫn điều trị cho phụ nữ mang thai như đã nêu trên.

Lúc này, thuốc điều trị giang mai cho trẻ sơ sinh sẽ là benzyl penicillin hoặc procain penicillin. Trong đó, benzyl penicillin thường được ưu tiên sử dụng hơn nếu trẻ có thể tiêm tĩnh mạch. Phác đồ điều trị giang mai bẩm sinh mới nhất của Bộ Y tế cụ thể như sau:

  • Benzyl penicillin 100.000 – 150.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm cho trẻ trong 10 – 15 ngày
  • Procain penicillin 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm bắp trong 10 – 15 ngày

Trường hợp trẻ sơ sinh không có biểu hiện lâm sàng và mẹ đã được điều trị giang mai đầy đủ, không có dấu hiệu tái nhiễm thì chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Nếu bé bị lây nhiễm từ mẹ và cần điều trị, phác đồ được sử dụng sẽ là benzathin penicillin G 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm bắp một liều duy nhất. Trong trường hợp bé dị ứng với penicillin, bác sĩ có thể cần sử dụng các loại kháng sinh khác để điều trị.

Trên đây là thông tin về phác đồ điều trị bệnh giang mai mới nhất của Bộ Y tế. Khi được chẩn đoán giang mai, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị dựa trên từng trường hợp cụ thể. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn này để điều trị bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2 Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2
Các bệnh lý khác

Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết
Các bệnh lý khác

Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết

7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay 7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay
Các bệnh lý khác

7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK