Vậy những món ăn và các loại nước uống nào làm tăng huyết áp? Uống cà phê (cafe), trà xanh, bò húc, rượu bia, nước đường… có làm tăng huyết áp như lời đồn hay không? Đọc ngay bài viết dưới đây để “từ mặt” những thực phẩm làm tăng huyết áp nhé.
Ăn mặn là một trong những nguyên nhân có thể làm tăng huyết áp. Theo đó, muối, cụ thể là natri có trong muối, có khả năng khiến chỉ số huyết áp tăng cao thông qua nhiều cơ chế khác nhau.
Do đó, để phòng ngừa cũng như kiểm soát tình trạng huyết áp cao một cách hiệu quả, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích mọi người nên ăn nhạt và hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối. Lượng muối mà một người tiêu thụ mỗi ngày nên được giới hạn ở mức dưới 2,3g, tốt nhất là dưới 1,5g.
Theo đó, bạn cần tránh ăn muối và những thực phẩm chứa nhiều muối như thịt chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp, dưa cải muối… để hạn chế tăng huyết áp. Bên cạnh các loại thực phẩm kể trên, nhiều người cũng tự hỏi “Uống nước mắm có tăng huyết áp không?”. Câu trả lời là có.
Nước mắm chứa hàm lượng muối rất cao nên có thể làm tăng huyết áp khi ăn thường xuyên, chưa kể đến việc uống một lượng nhiều. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được uống nước mắm, đặc biệt nếu đang bị tăng huyết áp nhé.
Đường có thể làm tăng huyết áp của bạn theo nhiều cách khác nhau. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường sẽ góp phần làm tăng cân ở người lớn và trẻ em, từ đó làm tăng nguy cơ cao huyết áp cũng như khiến việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn.
Một nghiên cứu trên phụ nữ bị tăng huyết áp được thực hiện năm 2019 cho thấy, việc giảm tiêu thụ 2,3 thìa đường có thể làm giảm 8,4mmHg huyết áp tâm thu và 3,7mmHg huyết áp tâm trương. Vì vậy, mỗi chúng ta nên sử dụng đường có giới hạn. Hãy cố gắng hạn chế các loại thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường như bánh kẹo, kem, nước ngọt có ga… Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lượng đường bổ sung nên được giới hạn ở mức 25g đối với phụ nữ và 36g đối với nam giới.
Đứng trước việc đường có thể gây tăng huyết áp, nhiều người tự hỏi “Liệu tiêu thụ các loại thực phẩm, thức uống có vị ngọt khác như uống mật ong, nước mía… có làm tăng huyết áp không?”.
Trên thực tế, mật ong và nước mía là những lựa chọn mà bệnh nhân cao huyết áp có thể cân nhắc thay thế cho đường. Bởi mật ong có khả năng làm giảm huyết áp, trong khi đó nước mía chứa nhiều kali tốt cho người bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, người bị tăng huyết áp cũng có thể uống nước chanh (không bỏ hoặc bỏ ít đường).
Bài viết liên quan:
Để giữ cho trái tim khỏe mạnh và ổn định huyết áp, người bị huyết áp cao nên giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa tiêu thụ. Bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh như thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, mỡ động vật…
Thay vào đó, hãy bổ sung chất béo tốt cho sức khỏe có trong các loại dầu thực vật (dầu ô-liu, dầu hạt cải…), quả bơ, quả hạch, các loại hạt, cá béo…
Có nhiều thông tin cho rằng tiêu thụ nhiều caffeine có thể khiến chỉ số huyết áp tăng cao. Vậy sự thật thì các loại thực phẩm, đồ uống chứa nhiều caffeine như cà phê (cafe), trà xanh, bò húc… có làm tăng huyết áp không?
Câu trả lời là có. Việc tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm, đồ uống chứa caffeine có thể làm tăng huyết áp. Caffeine là một chất có khả năng gây co mạch, từ đó dẫn đến tăng huyết áp tạm thời (có thể kéo dài khoảng 3 tiếng sau khi uống). Vì vậy, để hạn chế nguy cơ huyết áp tăng cao, bạn tốt nhất nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm, đồ uống chứa nhiều caffeine như cà phê, trà xanh, bò húc…
Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp cũng không nên uống trà đường. Bởi khi uống trà đường, bạn vừa bổ sung cả đường và caffeine, những thành phần cực kỳ không tốt cho người tăng huyết áp.
Thịt đỏ bao gồm các loại thịt như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt bê, thịt nai, thịt dê… là những thực phẩm làm tăng huyết áp. Quá trình chuyển hóa thịt đỏ trong cơ thể có khả năng giải phóng các hợp chất làm tăng huyết áp nhiều hơn.
Do đó, nếu đang điều trị huyết áp cao thì lời khuyên dành cho bạn là không nên ăn quá nhiều thịt đỏ. Nếu ăn thì hãy chọn những miếng thịt có nhiều nạc thay vì mỡ. Bởi theo các nghiên cứu, thịt có màu đỏ thẫm và càng nhiều mỡ thì càng có khả năng làm tăng huyết áp.
Theo các chuyên gia y tế, một người bị huyết áp cao không cần phải hạn chế tất cả các loại sốt và gia vị. Tuy nhiên khi lựa chọn, bạn cần kiểm tra nhãn mác của các sản phẩm này bởi chúng có thể chứa lượng đường và natri cao.
Theo đó, bạn nên thận trọng khi ăn các loại sốt và gia vị như sốt cà chua, tương ớt, sốt trộn salad, nước tương… Hãy cố gắng chọn các sản phẩm ít muối, ít đường hoặc cả hai.
Nếu bạn tự hỏi “Uống rượu bia có làm tăng huyết áp không?” thì câu trả lời là có. Đây là một trong những loại thức uống có thể làm tăng đáng kể huyết áp của bạn. Rượu bia và thức uống có cồn cũng là nguyên nhân làm giảm tác dụng của thuốc điều trị huyết áp.
Bên cạnh đó, uống quá nhiều đồ uống có cồn sẽ khiến cơ thể dung nạp nhiều đường và calo, làm tăng nguy cơ béo phì, thừa cân và từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, rượu bia cũng thuộc nhóm những thực phẩm, thức uống làm tăng huyết áp mà bạn cần tránh.
Trên đây là toàn bộ thông tin về những thực phẩm làm tăng huyết áp mà mọi người, đặc biệt là người bị huyết áp cao nên tránh. Để giảm và giữ các chỉ số huyết áp ổn định thì mỗi người nên tự xây dựng một chế độ ăn uống và thói quen sống lành mạnh ngay từ hôm nay.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.