Mỗi năm, ước tính có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới tử vong vì các biến cố tim mạch. Trong đó, bệnh nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này.
Vậy nhồi máu cơ tim là gì mà có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy? Để hiểu rõ hơn về điều này, mời bạn cùng Công ty Bowtie theo dõi các thông tin trong bài viết dưới đây nhé!
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi động mạch vành cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn đột ngột, làm giảm đáng kể lưu lượng máu đến tim và khiến một phần cơ tim không nhận đủ máu để hoạt động.
Theo thời gian, nếu lưu lượng máu không được phục hồi, cơ tim bị thiếu oxy sẽ tổn thương ngày càng nhiều, từ đó gây ra một loạt các triệu chứng theo nhiều mức độ khác nhau. Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có nguy cơ đối mặt với các biến chứng của bệnh tim mạch vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng, dấu hiệu nhồi máu cơ tim
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim ở mỗi người thường không giống nhau. Một số người có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ gặp triệu chứng ở mức độ nhẹ. Trong khi đó, một số trường hợp khác lại có biểu hiện nặng hơn. Nhìn chung, các triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến có thể kể đến như:
Đau thắt ngực: Người bệnh có cảm giác đau dữ dội, đè nặng, căng tức bắt đầu ở ngực và có thể lan rộng đến các vị trí khác như vai, cánh tay trái (đôi khi là cả hai cánh tay), cổ, hàm, lưng hoặc bụng. Trong một số trường hợp, cơn đau thắt ngực biểu hiện không rõ ràng và chỉ gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau nhẹ.
Đột nhiên cảm thấy chóng mặt, hoa mắt và ngất xỉu
Toát mồ hôi lạnh
Mệt mỏi, suy nhược
Các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, khó tiêu hoặc ợ chua
Thở gấp, khó thở hoặc thở khò khè
Lo lắng, hoảng loạn
Tim đập nhanh
Khi bị nhồi máu cơ tim, tỷ lệ gặp phải các cơn đau thắt ngực ở nam và nữ giới là như nhau. Tuy nhiên, phụ nữ có nhiều khả năng gặp phải các dấu hiệu không điển hình của bệnh hơn, bao gồm khó thở, mệt mỏi, buồn nôn, đau lưng hoặc hàm…
Các dấu hiệu, triệu chứng thường xuất hiện đột ngột ngay tại thời điểm cơn nhồi máu cơ tim xảy ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim sớm, trước đó vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần.Chính vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào, đặc biệt là cảm giác đau tức ngực liên tục, không cải thiện sau khi nghỉ ngơi thì bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch. Sự tích tụ các chất béo và cholesterol dư thừa sẽ tạo thành các mảng bám trên thành động mạch, khiến lòng mạch bị thu hẹp dần. Đồng thời, các mảng bám này có thể bị vỡ và tạo ra cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch vành.
Ngoài ra, một số trường hợp nhồi máu cơ tim có thể liên quan đến các nguyên nhân ít phổ biến hơn, chẳng hạn như là:
Co thắt động mạch vành
Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD)
Cục máu đông di chuyển từ nơi khác đến làm tắc nghẽn động mạch vành
Mất cân bằng điện giải
Các chấn thương làm rách hoặc vỡ động mạch vành
Rối loạn ăn uống
Tổn thương cơ tim do một số bệnh lý như COVID-19 hoặc các bệnh nhiễm virus khác.
Yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim
Bạn có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim nếu sở hữu một hoặc một vài yếu tố dưới đây:
Tuổi tác: Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nam giới ≥ 45 tuổi và phụ nữ ≥ 50 tuổi (hoặc sau mãn kinh).
Tiền sử gia đình: Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim của bạn sẽ cao hơn nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tim hoặc bị nhồi máu cơ tim khi còn trẻ (nam < 55 tuổi và nữ < 65 tuổi).
Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc hoặc tiếp xúc lâu dài với khói thuốc có thể phá hỏng mạch máu, làm tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim.
Tình trạng sức khỏe: Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim như tiền sản giật, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ…
Lối sống và chế độ ăn uống: Một số thói quen, lối sống không lành mạnh có thể khiến bạn dễ bị nhồi máu cơ tim hơn như ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, uống nhiều rượu, thường xuyên căng thẳng tinh thần hoặc trầm cảm, lạm dụng chất kích thích…
Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện một cách nhanh chóng và có khả năng đe dọa tính mạng nếu như không điều trị kịp thời. Các biến chứng này thường bao gồm:
Rối loạn nhịp tim: Cơ tim bị tổn thương làm gián đoạn các tín hiệu điện dẫn truyền qua tim, gây ra những thay đổi về nhịp tim. Một số trường hợp loạn nhịp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Sốc tim: Tình trạng sốc xảy ra khi tim bị tổn thương trên diện rộng, không còn khả năng co bóp bình thường để duy trì các hoạt động của cơ thể.
Suy tim: Chức năng bơm máu của tim có thể bị suy giảm tạm thời hoặc lâu dài (mạn tính) do mô tim bị tổn thương.
Viêm màng ngoài tim: Tình trạng này còn được gọi là hội chứng Dressler hoặc hội chứng hậu nhồi máu cơ tim.
Ngừng tim: Nhồi máu cơ tim có khả năng dẫn đến ngừng tim đột ngột. Nếu không được cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân có thể tử vong (đột tử do tim).
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định bệnh nhồi máu cơ tim, các chuyên gia y tế hoặc bác sĩ có thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp và kỹ thuật xét nghiệm khác nhau. Thông thường, quá trình chẩn đoán cơ bản được tiến hành như sau:
Thăm khám và đánh giá tổng quan
Hỏi về các triệu chứng mà bệnh nhân đã gặp phải
Khai thác yếu tố nguy cơ: thông tin cá nhân (tuổi, nghề nghiệp, lối sống,…) cũng như tiền sử bệnh của bản thân và gia đình
Khám sức khỏe: kiểm tra cân nặng, nghe tim phổi, đo huyết áp, theo dõi nhịp tim,…
Thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết:
Điện tâm đồ (ECG)
Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm dấu ấn sinh học đặc hiệu của cơ tim (Troponin T hoặc I)
Siêu âm tim
Chụp động mạch
Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tim
Các nghiệm pháp gắng sức như điện tâm đồ, siêu âm tim gắng sức
Xét nghiệm chức năng thận
Điện giải đồ
Xét nghiệm lipid máu
Phương pháp điều trị và phục hồi sau nhồi máu cơ tim
Điều trị nhồi máu cơ tim có thể ví như một cuộc chạy đua với thời gian, bởi khi thời gian càng trôi qua thì tính mạng bệnh nhân càng bị đe dọa nhiều hơn. Do đó, mục tiêu hàng đầu của việc điều trị là phải nhanh chóng khôi phục lưu lượng máu, đưa oxy trở lại cơ tim để ngăn chặn tổn thương vĩnh viễn và cứu sống người bệnh.
Các phương pháp để điều trị bệnh nhồi máu cơ tim có thể khác nhau dựa vào đặc điểm của từng trường hợp riêng biệt, nhưng chúng thường bao gồm:
Điều trị nội khoa
Thở oxy: Làm tăng lượng oxy lưu thông trong máu và giảm gánh nặng cho tim, thường áp dụng ở bệnh nhân có triệu chứng khó thở hoặc nồng độ oxy trong máu thấp.
Sử dụng các thuốc làm tan cục máu đông bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch (IV): Nhóm thuốc này được sử dụng để tái thông mạch vành cho bệnh nhân.
Các loại thuốc khác: Thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu, thuốc chống rối loạn nhịp tim, thuốc làm hạ huyết áp,…
Điều trị ngoại khoa
Can thiệp động mạch vành qua da (PCI): Các bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, linh hoạt vào vị trí động mạch bị hẹp. Sau đó, một quả bóng nhỏ sẽ được làm căng lên để giúp mở rộng động mạch và cải thiện lưu lượng máu. Bác sĩ cũng có thể đặt stent tại vị trí động mạch bị thu hẹp để giữ cho động mạch luôn mở rộng.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG): Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lấy một mạch máu khỏe mạnh từ các vị trí khác của cơ thể để tạo ra đường đi mới cho dòng máu và cải thiện lưu lượng máu đến tim.
Nếu nhồi máu cơ tim được can thiệp kịp thời, hầu hết bệnh nhân có thể được cứu sống và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Thời gian phục hồi sau quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương cơ tim của mỗi người. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ việc sử dụng thuốc, tích cực tham gia các chương trình phục hồi chức năng và kết hợp thay đổi lối sống để rút ngắn thời gian hồi phục và hạn chế nguy cơ tái phát.
Cách phòng ngừa
Mặc dù nguy cơ bị nhồi máu cơ tim có thể tăng do một số yếu tố không thể kiểm soát được (tuổi tác, tiền sử gia đình,…) nhưng chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách thay đổi các yếu tố còn lại:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm.
Xây dựng lối sống lành mạnh: thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý để giảm thiểu căng thẳng và stress.
Duy trì hoạt động thể chất: Cố gắng dành thời gian luyện tập thể dục thể thao, tốt nhất là 20 – 30 phút mỗi ngày.
Áp dụng chế độ ăn có lợi cho sức khỏe tim mạch: tiêu thụ ít chất béo, đường, muối và tăng cường thêm nhiều chất xơ.
Bỏ hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá
Hạn chế sử dụng rượu bia
Giữ cân nặng hợp lý và giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì.
Kiểm soát tốt các bệnh lý khác (nếu có), chẳng hạn như tăng huyết áp, rối loạn lipid huyết, đái tháo đường,…
Thông qua bài viết này, Bowtie hy vọng bạn đã phần nào hiểu được bệnh nhồi máu cơ tim là gì cũng như mức độ nguy hiểm của tình trạng này để từ đó đưa ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp cho bản thân và gia đình.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.