Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua
Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú bao gồm sự kết hợp của nhiều yếu tố liên quan. Các yếu tố này có thể là tác nhân ảnh hưởng đến việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của bạn.
Vào năm 2020, số ca mắc mới ung thư vú ở nước ta đạt mức 21.555 ca và số ca tử vong chạm mốc 9.345 ca. Với tình hình hiện tại, khi số ca mắc mới cũng như tử vong do bệnh ung thư vú ngày càng gia tăng thì vấn đề được nhiều người quan tâm chính là làm sao nhận biết nguyên nhân, yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú để từ đó ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Hiểu được mong muốn đó, trong bài viết này, Công ty bảo hiểm trực tuyến Bowtie sẽ cung cấp các thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Ung thư vú do nguyên nhân nào gây ra?
Ung thư vú là một bệnh lý ác tính thường gặp phải ở phụ nữ, hiếm khi xảy ra ở nam giới. Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú là do các tế bào vú có sự thay đổi bất thường và phát triển không kiểm soát, dẫn đến hình thành một hoặc nhiều khối u ở vú. Tương tự như hầu hết các bệnh ung thư khác, tế bào ung thư vú có thể xâm lấn các mô xung quanh vú hoặc di căn đến bộ phận khác của cơ thể để tạo thành khối u mới.
Bác sĩ ước tính khoảng 5 – 10% các trường hợp ung thư vú có liên quan đến đột biến gen (BRCA1 và BRCA2) được di truyền qua các thế hệ trong một gia đình, còn lại là các trường hợp liên quan đến yếu tố khác.
Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, yếu tố nội tiết, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, họ chưa thật sự biết rõ vì sao một số người không có yếu tố nguy cơ lại phát triển ung thư, trong khi đó, những người khác có yếu tố nguy cơ lại không mắc bệnh. Theo họ, nguyên nhân dẫn đến ung thư vú có thể đến từ sự tương tác phức tạp giữa cấu tạo gen và môi trường.
Khả năng mắc bệnh ung thư vú của một người có thể tăng hoặc giảm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm các yếu tố có thể thay đổi và các yếu tố không thể thay đổi. Tuy không thể tác động đến nhóm yếu tố không thể thay đổi nhưng bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh nhóm yếu tố còn lại để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.
Các yếu tố không thể thay đổi
Các yếu tố không thể thay đổi thường liên quan đến di truyền, thể trạng, bệnh sử… của một người. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú mà bạn không thể thay đổi được:
Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc ung thư vú hơn nam giới (ung thư vú ở nam giới chỉ chiếm khoảng 1%).
Tuổi tác: Phần lớn các trường hợp ung thư vú xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi, ít phổ biến hơn ở người dưới 40 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Gen di truyền: Khoảng 5 – 10% trường hợp ung thư vú có liên quan đến các gen bất thường đơn lẻ được truyền từ cha mẹ sang con cái và có thể được phát hiện bằng xét nghiệm di truyền. Hai gen đột biến được biết đến nhiều nhất trong ung thư vú là BRCA1 và BRCA2. Ngoài ung thư vú thì ung thư buồng trứng cũng có liên quan đến 2 gen này.
Tiền sử bệnh gia đình: Nếu có cha mẹ, anh chị em, con cái hoặc những người thân khác trong gia đình được chẩn đoán mắc các bệnh ung thư cụ thể, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh vào một thời điểm nào đó trong đời. Nguy cơ càng cao khi số người bị ung thư trong gia đình càng nhiều, đặc biệt là tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng ở lứa tuổi trẻ.
Tiền sử bệnh của bản thân: Bệnh nhân đã từng được chẩn đoán ung thư vú sẽ có nhiều khả năng bị bệnh ở bên vú còn lại. Nguy cơ cũng tăng cao hơn nếu bạn từng mắc các bệnh lý ở vú nhưng không phải ung thư, chẳng hạn như tăng sản vú không điển hình. Thêm vào đó, các bệnh ung thư khác cũng có thể là nguyên nhân gây nên khối u ở vú (ung thư vú thứ phát – di căn từ cơ quan ung thư khác đến).
Tiếp xúc với bức xạ ion hóa (xạ trị): Phương pháp xạ trị (để điều trị một bệnh lý khác trước đó) có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư vú.
Bệnh đái tháo đường: Mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ mắc ung thư vú sẽ tăng nhẹ ở những bệnh nhân đái tháo đường.
Mô vú dày đặc: Nguy cơ ung thư vú thường cao hơn ở những người có cấu tạo mô vú dày đặc, sự hiện diện của mô liên kết nhiều hơn mô mỡ (chất béo).
Tuổi bắt đầu có kinh và mãn kinh: Bắt đầu có kinh nguyệt trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi có thể khiến phụ nữ mang lượng hormone trong cơ thể cao, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Chiều cao: Những người có chiều cao vượt trội hơn mức trung bình có thể tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở thời điểm sau mãn kinh.
Lượng hormone trong cơ thể: Một số hormone sinh dục (estrogen, progesterone) có liên quan đến nguy cơ hình thành ung thư vú. Phụ nữ mãn kinh có nồng độ estrogen cao trong máu cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố có thể thay đổi
Bên cạnh các yếu tố không thể thay đổi, bạn có thể điều chỉnh các yếu tố sau đây để ngăn ngừa ung thư vú:
Thừa cân hoặc béo phì: Tình trạng thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tái phát ung thư vú. Không những vậy, việc lười vận động thể chất cũng làm tăng đáng kể nguy cơ này. Nguy cơ tăng ở cả nam và nữ, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi, đã mãn kinh. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt nguy cơ bằng cách hoạt động thể chất và ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Uống rượu bia và hút thuốc lá: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư vú nếu họ thường xuyên uống rượu bia và sử dụng thuốc lá.
Sử dụng thuốc tránh thai: Phụ nữ uống thuốc tránh thai trong một khoảng thời gian nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, nhưng không đáng kể. Nguy cơ này có xu hướng trở lại bình thường sau 10 năm kể từ khi ngừng dùng thuốc.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT): Một số phụ nữ thường dùng HRT để giảm các triệu chứng mãn kinh, bao gồm 2 loại HRT chính là HRT estrogen và HRT kết hợp (estrogen và progesterone). Cả 2 loại HRT đều làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở người sử dụng HRT kết hợp hoặc sử dụng HRT trong thời gian lâu hơn 5 năm. Nếu cần thiết phải dùng HRT, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những lợi ích và rủi ro đối với tình trạng của bạn.
Lịch sử sinh sản ở nữ giới: Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú cũng có thể liên quan đến “thiên chức” làm mẹ của phụ nữ. Theo đó, những người sinh con đầu lòng sau 30 tuổi, chưa từng mang thai hoặc không cho con bú thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Cách phòng ngừa ung thư vú
Mặc dù nguyên nhân dẫn đến ung thư vú vẫn chưa được xác định rõ và một số yếu tố nguy cơ của bệnh không thể thay đổi được nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát những yếu tố khác để giảm thiểu khả năng mắc bệnh. Theo các chuyên gia, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau để hạn chế nguy cơ mắc ung thư vú:
Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu cần thiết
Hoạt động thể chất, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên
Hạn chế sử dụng rượu bia và các loại thức uống có cồn
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, đồng thời hạn chế một số chất béo
Bỏ thuốc lá
Nếu đã và đang sử dụng liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc tránh thai, hãy trao đổi với bác sĩ về nguy cơ mắc ung thư vú của bản thân
Cho con bú nếu có thể
Trao đổi với bác sĩ về những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc mang các gen di truyền có liên quan đến ung thư vú như BRCA1 và BRCA2
Khám sức khỏe và tầm soát ung thư vú định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nhiều nguy cơ
Tóm lại, nguyên nhân gây bệnh ung thư vú cụ thể vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh nhờ vào việc thay đổi các yếu tố nguy cơ. Vì thế, ngay từ bây giờ, bạn hãy bắt tay vào việc thiết lập một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh ung thư vú nói riêng và các căn bệnh ung thư nguy hiểm khác nói chung nhé.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.