Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân tiêu chảy dễ gặp hơn bạn nghĩ

Nguyên nhân tiêu chảy rất đa dạng, có thể do nhiễm trùng, căng thẳng, chế độ ăn uống hoặc vấn đề sức khỏe nào đó gây ra. Việc xác định được đúng nguyên nhân sẽ giúp quá trình kiểm soát, điều trị tiêu chảy hiệu quả hơn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-11
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấpNguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài

Nguyên nhân tiêu chảy dễ gặp hơn bạn nghĩ

Tiêu chảy là một vấn đề tiêu hóa thường gặp, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng hoặc sụt cân. Tiêu chảy do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, thay đổi chế độ ăn uống, căng thẳng… gây ra và thường sẽ hết sau khoảng 1 – 2 ngày (tiêu chảy cấp tính). Tuy nhiên, một vài trường hợp tiêu chảy kéo dài nhiều ngày đến nhiều tuần, thậm chí lâu hơn (tiêu chảy mạn tính) có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh Celiac hoặc bệnh viêm ruột. 

Vậy vì sao bạn bị tiêu chảy? Hãy cùng Website Bowtie tìm hiểu kĩ hơn về những nguyên nhân tiêu chảy thường gặp qua bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp

Tiêu chảy trong thời gian ngắn thường liên quan đến nhiễm trùng, bao gồm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra, nhiều tác nhân khác cũng có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.

Nhiễm trùng

Nhiễm virus là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến, phần lớn là do virus gây viêm dạ dày ruột như rotavirus hoặc norovirus. Một số loại virus khác như adenovirus, astrovirus, cytomegalovirus and virus viêm gan cũng có thể gây tiêu chảy. Tác nhân này có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác.

Ngoài ra, bạn cũng có khả năng bị tiêu chảy cấp do nhiễm vi khuẩn, thường liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Các loại vi khuẩn thường gặp có thể gây tiêu chảy là E.coli, Salmonella, Shigella, Campylobacter… Trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, ngoài đi tiêu phân lỏng, đôi khi bạn còn bị sốt, thấy máu trong phân hoặc cảm thấy đau quặn thắt ở trực tràng. Đây cũng là nguyên nhân thường gây tiêu chảy khi du lịch.

Ký sinh trùng cũng có thể gây tiêu chảy, nhất là các ký sinh trùng sống trong môi trường nước như sông suối, ao hồ hoặc bể bơi. Giardia và Cryptosporidium là hai tác nhân gây tiêu chảy do ký sinh trùng thường gặp. Vì các loại ký sinh trùng này thường lây truyền qua việc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm nên người bị tiêu chảy không nên đến hồ bơi công cộng trong vòng 2 tuần sau khi hồi phục để tránh lây bệnh cho người khác. 

Chế độ ăn uống

Thay đổi chế độ ăn uống đột ngột là nguyên nhân gây tiêu chảy ở nhiều người. Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc chất béo cũng có thể gây ra một số vấn đề tiêu hóa, trong đó có tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Không những vậy, việc đột nhiên thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn cũng làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy hoặc đầy hơi.

Một số thành phần trong thực phẩm như chất tạo ngọt nhân tạo, đường fructose cũng có thể gây ra tiêu chảy ở vài người. Thêm vào đó, việc uống một lần quá nhiều rượu bia sẽ làm tăng tốc độ tiêu hóa và khiến phân của bạn bị lỏng hơn bình thường.

Căng thẳng

Một nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp khác chính là căng thẳng và lo âu. Những người bị hội chứng ruột kích thích thường gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn bình thường khi bị căng thẳng.

Nguyên nhân tiêu chảy cấp
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân có thể gây tiêu chảy cấp.

Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây nên tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là kháng sinh. Ngoài nhắm đến các vi khuẩn có hại, kháng sinh cũng tiêu diệt cả một số vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Điều này làm thay đổi sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó dẫn đến tiêu chảy cấp. Tình trạng này thường sẽ hết khi ngừng sử dụng kháng sinh.

Ngoài ra, một số loại thuốc khác như thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng axit chứa magie, thuốc chống loạn nhịp, thuốc ung thư…cũng có thể gây tiêu chảy.

Tác dụng phụ của phương pháp y tế

Phẫu thuật cắt một phần ruột hoặc cắt túi mật đôi khi khiến người bệnh bị tiêu chảy. Ngoài ra, các phương pháp xạ trị vùng bụng, xương chậu hoặc hoá trị cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa, bao gồm cả tiêu chảy.

Nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài

Tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt, có khi xen kẽ với táo bón, thường liên quan đến những vấn đề sức khỏe mạn tính như bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, viêm túi thừa. Một số nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy thường xuyên (mạn tính) gồm:

  • Bệnh Celiac: Bệnh làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn ở ruột
  • Bệnh viêm ruột: Các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn… có thể gây bùng phát các triệu chứng ở đường tiêu hóa, bao gồm tiêu chảy phân lỏng và đôi khi có lẫn máu.
  • Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng này gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
  • Viêm túi thừa: Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi với các triệu chứng như đau bụng dưới bên trái kèm theo tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Hội chứng không dung nạp thực phẩm: Hội chứng không dung nạp thực phẩm xảy ra khi cơ thể bạn không thể tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định. Khi tiêu thụ các loại thực phẩm mà cơ thể không dung nạp được, bạn có thể bị đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
  • Rối loạn hấp thu: Tình trạng này khiến hệ tiêu hóa không thể hấp thu đầy đủ dưỡng chất từ thức ăn và dẫn đến nhiều triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy, phân mỡ có mùi hôi.
  • Táo bón mạn tính: Tình trạng táo bón mạn tính khiến ruột bị tắc do phân cứng nhưng dịch có thể thấm qua vị trí bị tắc nghẽn và gây tiêu chảy giả, thường gặp ở người lớn tuổi.
  • Rối loạn hormone: Các tình trạng như đái tháo đường hoặc cường giáp cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài.
  • Ung thư: Các khối u đường tiêu hóa có thể gây ra nhiều vấn đề ở hệ cơ quan này, trong đó có tiêu chảy.
  • Ký sinh trùng: Ký sinh trùng đôi khi gây tiêu chảy kéo dài ở những người vừa đi du lịch về.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng lâu dài các loại thuốc như kháng sinh, thuốc kháng axit chứa magie, thuốc nhuận tràng, thuốc trị tăng huyết áp và thấp khớp… cũng gây tiêu chảy kéo dài ở nhiều người.

Nguyên nhân gây tiêu chảy rất đa dạng. Khi xác định được chính xác nguyên nhân này, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Nếu bị tiêu chảy nặng, kéo dài hoặc không thuyên giảm thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp nếu cần nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những thông tin cần biết về bệnh đậu mùa khỉ Những thông tin cần biết về bệnh đậu mùa khỉ
Các bệnh lý khác

Những thông tin cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Các bệnh lý khác

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Thông tin chi tiết về bệnh sarcoidosis phổi (u hạt phổi) Thông tin chi tiết về bệnh sarcoidosis phổi (u hạt phổi)
Các bệnh lý khác

Thông tin chi tiết về bệnh sarcoidosis phổi (u hạt phổi)

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK