Cho đến thời điểm hiện tại, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mọi nỗ lực điều trị chỉ có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tổn thương não hoặc các biến chứng khác, nhằm hạn chế tình trạng tử vong xảy ra. Tuy là một bệnh lý nguy hiểm nhưng may mắn là đột quỵ vẫn có thể được phòng ngừa khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ theo vài cách khác nhau.
Trong bài viết bên dưới, Bảo hiểm trực tuyến Bowtie sẽ phân tích hai nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ, gợi ý danh sách những người có nguy cơ cao bị đột quỵ và hướng dẫn bạn một số cách để phòng ngừa căn bệnh chết người này. Cùng theo dõi nhé!
Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Mặc dù các nghiên cứu về đột quỵ đã đưa ra nhiều kết luận về nguyên nhân gây bệnh nhưng nhìn chung vẫn xoay quanh hai vấn đề chính là tắc nghẽn mạch máu não và nứt vỡ mạch máu não.
Tắc nghẽn mạch máu não
Đây là nguyên nhân gây nên dạng đột quỵ thiếu máu não cục bộ (đột quỵ nhồi máu não). Khi các mạch máu ở não bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, lưu lượng máu và oxy cung cấp cho não bị sụt giảm nghiêm trọng, từ đó khiến các tế bào não chết dần và phần não bị tổn thương không thể hoạt động như bình thường. Tình trạng tắc nghẽn mạch máu não thường xảy ra do:
Chất béo tích tụ và gây hình thành các mảng xơ vữa trên thành mạch máu não, khiến lòng mạch ngày càng bị thu hẹp và làm cản trở dòng chảy của máu.
Cục máu đông (huyết khối) có thể hình thành trên mạch máu bị xơ vữa, khiến lòng mạch ngày càng thu hẹp. Ngoài ra, các cục máu đông có thể từ tim hoặc những vị trí khác trong cơ thể di chuyển đến não và gây tắc nghẽn mạch máu não.
Bệnh lý mạch máu có thể làm tắc các mạch máu nhỏ (thường là động mạch xuyên nằm sâu trong não), dẫn đến đột quỵ nhồi máu ổ khuyết.
Nứt vỡ mạch máu não
Khi mạch máu não bị rò rỉ hoặc vỡ, máu sẽ tràn ra các nhu mô não, gia tăng áp lực lên các mô và gây nhiều tổn thương nghiêm trọng. Theo chuyên gia, tình trạng này có thể xảy ra do biến chứng của các vấn đề sức khỏe khác hoặc tác dụng phụ của thuốc, cụ thể như:
Tăng huyết áp không được kiểm soát gây ra các thoái hóa vi thể ở thành mạch máu nhỏ tới mạch máu xiên, từ đó dẫn đến các bệnh lý mạch máu.
Bệnh amyloidosis não gây lắng đọng tinh bột (amyloid) trong thành mạch máu và khiến chúng bị suy yếu.
Các bệnh rối loạn đông máu.
Điều trị bằng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) kéo dài.
Liệu pháp tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ thiếu máu não cấp.
Dị dạng động – tĩnh mạch, phình động mạch hoặc các dị tật mạch máu khác.
Chấn thương do tai nạn.
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ (do tắc nghẽn mạch máu não) có thể dẫn đến xuất huyết não.
Khối u tân sinh trong sọ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ
Bất kỳ ai, dù ở độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ do hai nguyên nhân kể trên. Tuy nhiên, khả năng bị đột quỵ sẽ tăng lên nếu người đó có một số yếu tố nguy cơ nhất định. Các yếu tố này được phân thành hai nhóm là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố nguy cơ không thể thay đổi.
Dù không thể tác động vào các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát nhóm yếu tố còn lại để ngăn ngừa bệnh đột quỵ xảy ra.
Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ đột quỵ không thể thay đổi được, bao gồm:
Tuổi tác: Người trên 55 tuổi có khả năng bị đột quỵ cao hơn người trẻ.
Giới tính: Đột quỵ thường xảy ra ở nam giới nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh lại cao hơn ở nữ.
Tiền sử bệnh của bản thân: Người đã từng bị đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc nhồi máu cơ tim có nguy cơ cao bị đột quỵ.
Di truyền: Tiền sử gia đình cũng là một yếu tố gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, một số yếu tố khác liên quan đến lối sống và tình trạng sức khỏe sau có thể được kiểm soát để ngăn ngừa đột quỵ:
Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên có thể làm tổn thương mạch máu và khiến bệnh nhân dễ bị đột quỵ
Các bệnh lý: Một số bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ
Thuốc lá: Việc hút thuốc lá làm tăng gần như gấp đôi nguy cơ mắc đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não (đột quỵ thiếu máu não cục bộ).
Số lượng hồng cầu trong máu cao: Số lượng hồng cầu trong máu càng cao thì máu càng đặc và dễ gây hình thành cục máu đông hơn.
Cholesterol và lipid máu cao: Hai yếu tố này sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ mảng bám, mảng xơ vữa trên thành mạch máu, làm dày hoặc xơ cứng thành mạch, khiến lưu lượng máu lên não bị giảm.
Cân nặng: Tình trạng thừa cân, béo phì và ít vận động thể chất cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Rượu bia: Uống rượu quá mức có thể làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị vỡ và gây ra đột quỵ xuất huyết não.
Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone… có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Cách ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ
Theo các nghiên cứu y tế thì hiện nay vẫn chưa có cách ngăn ngừa đột quỵ hoàn toàn nhưng việc kiểm soát, thay đổi các yếu tố nguy cơ có thể giúp bạn giảm thiểu khả năng gặp phải căn bệnh này.
Việc xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ. Bạn hãy cố gắng thay đổi lối sống theo những cách sau đây:
Hãy bỏ thuốc ngay vì thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ mà còn rất có hại cho sức khỏe.
Ăn uống đủ chất với chế độ dinh dưỡng giàu trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Bên cạnh đó, hãy hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, muối (natri) và đường tinh luyện.
Duy trì cân nặng ở mức hợp lý và thường xuyên hoạt động thể chất để cơ thể khỏe khoắn hơn mỗi ngày.
Hạn chế sử dụng rượu bia hoặc uống với lượng cho phép.
Điều trị và kiểm soát các bệnh lý hiện có như tăng huyết áp, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ… một cách hiệu quả theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, khi bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ, đặc biệt từng bị đột quỵ thiếu máu não cục bộ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số thuốc để dự phòng đột quỵ. Các thuốc này có thể bao gồm thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu.
Trên đây là tất tần tật các thông tin mà bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân đột quỵ. Bowtie hy vọng rằng, sau khi đọc bài viết, bạn sẽ có được những thông tin hữu ích và biết làm thế nào để giảm nguy cơ đột quỵ.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.