Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân đau thần kinh tọa thường có liên quan đến các tình trạng gây chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh tọa. Bên cạnh đó, một số yếu tố như lão hóa, từng bị chấn thương, lối sống tĩnh tại… cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-09
Cập nhật ngày 2023-05-18
Nội dung chính
Nguyên nhân đau thần kinh tọa là gì?Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọaCách phòng ngừa đau thần kinh tọa
Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là cảm giác đau phát triển dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ vùng thắt lưng, sau đó lan xuống mông và chân. Mức độ đau có thể khác nhau ở từng bệnh nhân, từ nhẹ đến cực kỳ dữ dội, đặc biệt tồi tệ hơn khi người bệnh đứng lâu, ngồi lâu, hắt hơi hoặc ho.

Đọc thêm

Đau thần kinh tọa thường liên quan đến tình trạng chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh tọa quá mức do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy các nguyên nhân này là gì? Yếu tố nào khiến bạn dễ bị đau thần kinh tọa? Hãy cùng Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa là gì?

Nguyên nhân đau thần kinh tọa là do dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc kích thích quá mức, từ đó gây nên triệu chứng đau. Tình trạng này có liên quan đến nhiều vấn đề, bao gồm:

Thoát vị đĩa đệm

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm ở phần dưới của cột sống. Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, có cấu tạo gồm 2 phần là bao xơ và nhân nhầy. Chức năng của đĩa đệm là co giãn để giúp các đốt sống hoạt động mà không cọ xát vào nhau. 

Tình trạng thoát vị đĩa đệm xảy ra khi bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị thoái hóa, tổn thương hoặc chịu tác động, dẫn đến rách, nứt. Nhân nhầy sau đó theo các vết rách, nứt này thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép lên ống sống và dây thần kinh tọa, từ đó gây đau. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến hơn ở người trung niên. 

Hẹp ống sống

Ống sống bảo vệ tủy sống và các dây thần kinh chạy bên trong cột sống. Hẹp ống sống là tình trạng diện tích ống sống bị thu hẹp bất thường, làm giảm không gian có sẵn dành cho tủy sống và dây thần kinh. Khi tình trạng này xảy ra, các dây thần kinh có thể bị chèn ép, từ đó gây đau. 

Trượt đốt sống

Các đốt sống xếp chồng lên nhau, ngăn cách bởi đĩa đệm. Trượt đốt sống xảy ra khi một đốt sống trượt ra khỏi vị trí bình thường, khiến nó không còn thẳng hàng so với các đốt sống phía trên và dưới. Điều này làm cho đường đi của các dây thần kinh bị thu hẹp, từ đó tạo nên áp lực và khiến bạn bị đau dây thần kinh tọa.

Gai xương (gai cột sống)

Gai xương là cấu trúc xương cứng, nhẵn, thường được hình thành ở đầu xương gần các khớp bị tổn thương. Đặc biệt, nếu hình thành ở các đốt sống thắt lưng, gai xương có thể gây chèn ép dây thần kinh tại đây, bao gồm cả dây thần kinh tọa. Lúc này, các cơn đau sẽ xuất hiện và lan rộng từ lưng xuống chân.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, thường gặp ở người lớn tuổi. Tình trạng này xảy ra khi lớp sụn bảo vệ các đầu xương bị mòn theo thời gian. Khi tổn thương trở nên tồi tệ hơn, dây thần kinh tọa có thể bị kích thích hoặc viêm, từ đó khiến cơn đau xuất hiện. Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp cũng thường phát triển gai xương, một trong những nguyên nhân gây đau thần kinh tọa.

Chấn thương

Bản thân dây thần kinh tọa dễ bị tổn thương do chấn thương, các tai nạn ảnh hưởng đến vùng thắt lưng, mông hoặc gây kéo căng cơ đùi sau. Trong đó, té ngã, tai nạn xe, chấn thương thể thao là những chấn thương thường gặp nhất gây đau thần kinh tọa.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ
Té ngã có thể gây chấn thương vùng lưng và làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh tọa.

Các khối u chèn ép dây thần kinh tọa

Các khối u hình thành trong ống sống thắt lưng có thể là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Bởi khi phát triển lớn, những khối u này sẽ gây chèn ép và tạo áp lực lên các dây thần kinh. 

Hội chứng cơ tháp chậu

Hội chứng cơ tháp chậu là tình trạng xảy ra khi cơ tháp chậu, một cơ nhỏ nằm sâu trong mông, trở nên căng cứng hoặc co thắt. Tình trạng này có thể tạo áp lực và gây kích thích dây thần kinh tọa

Hội chứng chùm đuôi ngựa

Hội chứng chùm đuôi ngựa là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bó dây thần kinh ở phần cuối của tủy sống. Ít người biết rằng, hội chứng này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa

Bên cạnh các nguyên nhân đau thần kinh tọa kể trên, một số yếu tố cũng được biết đến là có khả năng làm tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau này, bao gồm: 

  • Quá trình lão hóa: Trong quá trình lão hóa bình thường, các mô xương và đĩa đệm ở cột sống sẽ bị mài mòn một cách tự nhiên. Theo đó, các dây thần kinh cũng có nguy cơ bị tổn thương hoặc chèn ép do những thay đổi, dịch chuyển của xương, đĩa đệm và dây chằng.
  • Từng bị chấn thương trước đó: Tiền sử chấn thương ở thắt lưng hoặc cột sống trước đó có thể khiến nguy cơ bị đau thần kinh tọa của bạn tăng lên. 
  • Thừa cân, béo phì: Cột sống phải nâng đỡ phần lớn trọng lượng của cơ thể. Do đó, nếu bị thừa cân, béo phì, trọng lượng dư thừa sẽ làm tăng áp lực lên cột sống cũng như các dây thần kinh tại đây.
  • Cơ ở lưng và bụng yếu: Các cơ ở lưng và bụng đóng vai trò hỗ trợ cho vùng thắt lưng. Khi các cơ này yếu, thắt lưng nhận được sự nâng đỡ và hỗ trợ kém, từ đó gặp nhiều áp lực. 
  • Nghề nghiệp: Những công việc đòi hỏi phải sử dụng lưng nhiều, mang vác vật nặng hoặc lái xe cơ giới trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa. 
  • Bị đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ tổn thương các dây thần kinh, bao gồm cả dây thần kinh tọa.
  • Lối sống tĩnh tại, lười vận động: Ngồi làm việc trong thời gian dài, không tập thể dục và ít vận động cơ bắp có thể làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa.
  • Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá có thể làm tổn thương mô cột sống, gây yếu xương và đẩy nhanh quá trình bào mòn đĩa đệm đốt sống. Việc hút thuốc lá, cả chủ động và thụ động, đều làm tăng nguy cơ này.

Cách phòng ngừa đau thần kinh tọa

Mặc dù không thể ngăn ngừa tất cả các trường hợp đau thần kinh tọa nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để bảo vệ lưng và giảm nguy cơ gặp phải các cơn đau này: 

  • Duy trì tư thế tốt: Bạn hãy cố gắng duy trì tư thế phù hợp khi ngồi, đứng, nâng vật nặng hoặc ngủ để giảm áp lực lên thắt lưng.
  • Không hút thuốc: Như đã đề cập, hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ của đau thần kinh tọa mà bạn có thể thay đổi được. Nếu đang hút thuốc, bạn cần bỏ thuốc ngay.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu đã đạt đến cân nặng lý tưởng, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng này. Nếu bị thừa cân, béo phì, bạn có thể xây dựng kế hoạch giảm cân khoa học bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể dục thể thao. 
  • Tập thể dục thường xuyên: Việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp các cơ bắp trở nên dẻo dai và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên lựa chọn các hoạt động hoặc bài tập ít gây ảnh hưởng đến lưng như bơi lội, đi bộ, yoga, thái cực quyền…  
  • Thực hiện các biện pháp để hạn chế té ngã và chấn thương lưng: Các biện pháp này có thể bao gồm mang giày vừa chân, cẩn trọng khi leo cầu thang hoặc đi trên các bề mặt trơn trượt…. 

Trên đây là một số nguyên nhân đau thần kinh tọa cũng như những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau này. Để ngăn ngừa khả năng bị đau thần kinh tọa, bạn có thể thực hiện các biện pháp mà Công ty Bowtie đã giới thiệu trong bài nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh về hệ thần kinh

"Điểm mặt" các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên

Bệnh đau nửa đầu migraine có nguy hiểm không? Bệnh đau nửa đầu migraine có nguy hiểm không?
Bệnh về hệ thần kinh

Bệnh đau nửa đầu migraine có nguy hiểm không?

Bệnh thần kinh ngoại biên và những điều bạn cần biết Bệnh thần kinh ngoại biên và những điều bạn cần biết
Bệnh về hệ thần kinh

Bệnh thần kinh ngoại biên và những điều bạn cần biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK