Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân bị cúm A: Ai có nhiều nguy cơ, làm sao phòng ngừa?

Virus cúm A là chủng virus cúm duy nhất có thể gây ra đại dịch tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây cúm A cũng như những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ giúp bạn dễ dàng bảo vệ bản thân và gia đình trong những thời điểm dịch cúm A bùng phát mạnh mẽ.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-27
Cập nhật ngày 2023-07-27
Nội dung chính
Những tác nhân gây bệnh cúm ANguyên nhân khiến bạn mắc cúm ANhững đối tượng dễ bị lây nhiễm cúm AMách bạn những cách phòng ngừa cúm A
Nguyên nhân bị cúm A: Ai có nhiều nguy cơ, làm sao phòng ngừa?

Vậy nguyên nhân gây ra bệnh cúm A là gì? Những ai có nguy cơ cao nhiễm cúm A? Cúm A cần được phòng ngừa như thế nào? Mời bạn xem tiếp những thông tin được chia sẻ bên dưới của Bowtie để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Những tác nhân gây bệnh cúm A

Cúm A là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp có thể gây nhiễm trùng mũi, cổ họng và kể cả phổi. Bệnh có khả năng diễn tiến từ nhẹ đến nặng và một số trường hợp thậm chí dẫn đến tử vong. Theo đó, tác nhân gây bệnh cúm A chính là virus cúm A.

Virus cúm A là một trong 4 type virus cúm đã được tìm thấy, bao gồm A, B, C, D. Các chủng virus cúm A và B là “thủ phạm” chính gây ra các đợt cúm mùa hàng năm. Bệnh do virus cúm C thường nhẹ và ít khi bùng phát thành dịch. Trong khi đó, virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và lây sang các động vật khác chứ vẫn chưa ghi nhận trường hợp lây sang người.

Hiện virus cúm A là chủng duy nhất trong 4 chủng có thể gây ra đại dịch trên toàn thế giới. Đại dịch cúm A xảy ra khi có một chủng virus cúm A mới xuất hiện và lây lan nhanh sang người trong khi con người có ít hoặc không có yếu tố miễn dịch để chống lại. Các chủng virus cúm A có thể được chia thành nhiều phân nhóm dựa theo 2 loại kháng nguyên nằm trên vỏ bọc của chúng, bao gồm:

  • Hemagglutinin (H): Hiện có 18 cấu trúc, được ký hiệu từ H1 đến H18
  • Neuraminidase (N): Hiện có 11 cấu trúc, được ký hiệu từ N1 đến N11

Hiện có 130 loại virus cúm A cấu thành từ các cấu trúc đã được xác định kể trên. Trong đó, các chủng phổ biến, hay được nhắc đến là:

  • Cúm A/H1N1: Đây là chủng virus cúm A có liên quan đến đại dịch cúm năm 2009. Loại virus này được phát hiện vào mùa xuân năm 2009 và còn được gọi là cúm lợn.
  • Cúm A/H3N2: Chủng virus cúm A này được ghi nhận lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1968. Trong giai đoạn 2017 – 2018, số lượng ca mắc cúm A/H3N2 chiếm phần đông các trường hợp. Ngoài ra, các mùa cúm do chủng A/H3N2 gây ra cũng thường nghiêm trọng hơn.
  • Cúm A/H5N1: Đây là chủng virus cúm A được tìm thấy lần đầu trên chim hải yến vào năm 1961. Đến năm 1997, trường hợp lây nhiễm cúm A/H5N1 ở người đầu tiên được ghi nhận trong dịch cúm gia cầm ở Hồng Kông. Lúc này, bệnh đã cướp đi mạng sống của gần 60% bệnh nhân. 
  • Cúm A/H7N9: Chủng virus cúm A này được tìm thấy lần đầu tại Trung Quốc vào năm 2013. Virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và có thể lây truyền từ gia cầm sang người thông qua việc tiếp xúc và sử dụng sản phẩm gia cầm nhiễm virus cúm. 

Nguyên nhân khiến bạn mắc cúm A

Nguyên nhân khiến bạn bị cúm A là do virus cúm A xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp. Virus cúm A có thể được lan truyền trong không khí thông qua các giọt bắn khi bệnh nhân cúm A ho, hắt hơi, nói chuyện… Những giọt bắn này có thể văng vào miệng, mũi của những người ở gần trong phạm vi 2 mét hoặc cũng có thể khiến những người ở gần hít phải. 

Bên cạnh đó, những giọt bắn chứa virus cũng có thể dính lên bề mặt các vật dụng như tay nắm cửa, bàn phím, điện thoại… Nếu bạn chạm vào các bề mặt có chứa virus cúm A rồi vô tình đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng thì virus cúm cũng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Không chỉ lây lan từ người sang người qua các con đường kể trên, một số chủng virus cúm A còn có thể lây từ động vật nhiễm bệnh sang người. Bạn sẽ bị nhiễm cúm A nếu tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh, chất thải hoặc các bề mặt mà chúng đã tiếp xúc. Ngoài ra, việc tiêu thụ thịt động vật nhiễm bệnh chưa chín kỹ, không được chế biến hợp vệ sinh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến mắc cúm A.

Nguyên nhân khiến bạn mắc cúm A
Virus cúm A có thể bám vào bề mặt tay nắm cửa và tồn tại trong một khoảng thời gian.

Thông thường, virus cúm A có thể được phát hiện ở người bị bệnh chỉ sau 1 ngày phơi nhiễm. Trong khi đó, các biểu hiện của cúm A thường bắt đầu khởi phát sau khoảng 2 – 8 ngày, một số chủng mất đến trên 2 tuần mới biểu hiện triệu chứng. Điều đó có nghĩa là người nhiễm virus cúm A có khả năng lây bệnh cho những người tiếp xúc gần ngay cả khi cơ thể chưa có triệu chứng. Thậm chí, khả năng này còn kéo dài đến 5 – 7 ngày sau khi bệnh đã khỏi. Trong đó, thời gian dễ lây nhiễm nhất sẽ là khoảng 3 – 4 ngày đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng. 

Những đối tượng dễ bị lây nhiễm cúm A

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm cúm và lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, sẽ có những nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh cúm A hơn, bao gồm:

  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi
  • Người từ 65 tuổi trở lên
  • Những người mắc các bệnh mạn tính từ trước như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính
  • Phụ nữ có thai
  • Những người đang gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như những người bị ung thư máu hoặc HIV/AIDS, người đang điều trị ung thư hoặc những người đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Ngoài nguy cơ mắc bệnh cao, những nhóm đối tượng này cũng dễ gặp phải các biến chứng liên quan đến cúm như viêm phổi, viêm phế quản, các vấn đề tim mạch, viêm màng não, viêm não…

Mách bạn những cách phòng ngừa cúm A

Sau khi biết nguyên nhân dẫn đến cúm A, bạn có thể dễ dàng tìm được cách phòng ngừa căn bệnh này. Dưới đây là những cách giúp phòng ngừa cúm A đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể thử:

Tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm A và các biến chứng liên quan đến cúm A là tiêm vaccine ngừa cúm A hàng năm. Các chủng virus cúm liên tục thay đổi, đặc biệt là cúm A. Mỗi năm, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để xác định đâu là chủng virus cúm có nguy cơ gây bệnh và đưa là một loại vaccine chủng ngừa phù hợp: 

  • Tất cả những đối tượng trên 6 tháng tuổi nên được chủng ngừa cúm hàng năm. Trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi thường cần tiêm hai liều vaccine cúm để được bảo vệ toàn diện.
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ gặp biến chứng cúm nhiều hơn các đối tượng khác nhưng còn quá nhỏ để chủng ngừa. Do đó, nếu bạn sống cùng hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, bạn và những người khác trong gia đình nên tiêm vaccine để góp phần bảo vệ trẻ.
  • Thời điểm tốt nhất để chủng ngừa cúm là trước khi dịch cúm bùng phát mạnh trong cộng đồng (thường là vào tháng 9 hoặc tháng 10). Tuy nhiên, việc tiêm vaccine trễ hơn thời điểm này cũng vẫn mang lại nhiều lợi ích.
Tiêm vaccine là một cách phòng ngừa nguyên nhân gây cúm A
Tiêm vaccine là một trong những cách phòng ngừa cúm A hiệu quả nhất.

Duy trì các thói quen giúp ngừa cúm A

Bên cạnh việc tiêm vaccine, bạn cũng cần duy trì những thói quen phòng bệnh như tránh tiếp xúc với những người bị bệnh, che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của virus. Dưới đây là một số cách phòng ngừa cụ thể:

  • Tránh tiếp xúc gần với người có các biểu hiện cúm. Nếu bạn bị bệnh, hãy hạn chế tiếp xúc hoặc giữ khoảng cách với người khác để tránh lây cho họ Nếu được, bạn nên xin nghỉ học, nghỉ làm và tự cách ly tại nhà.
  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. 
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong khoảng 30 giây, bạn cũng có thể dùng nước rửa tay khô có cồn để thay thế. 
  • Hạn chế đưa tay chạm vào mắt, mũi hay miệng, đặc biệt khi chưa rửa tay sạch sẽ. Điều này sẽ giảm nguy cơ bạn bị nhiễm virus cúm A khi lỡ tay chạm vào các bề mặt có “tồn tại” virus cúm.
  • Vệ sinh nhà cửa, không gian xung quanh thường xuyên, nhất là nếu ở nhà có người bị cúm A. Đồng thời, bạn hãy chú ý ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng, uống nhiều nước và duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường đề kháng.

Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân cúm A cũng như cách ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Cúm A là bệnh có khả năng lây lan rất nhanh và dễ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh ngay hôm nay, nhất là nếu bạn và người thân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm hoặc dễ gặp phải biến chứng khi bị cúm A.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa
Các bệnh lý khác

Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa

Chữa bệnh giang mai ở nam giới - Muốn hiệu quả cần điều trị đúng Chữa bệnh giang mai ở nam giới - Muốn hiệu quả cần điều trị đúng
Các bệnh lý khác

Chữa bệnh giang mai ở nam giới - Muốn hiệu quả cần điều trị đúng

6 phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản 6 phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Các bệnh lý khác

6 phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK