Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Ngủ dậy miệng đắng và hôi: Tưởng không hại mà hại không tưởng

Sáng ngủ dậy miệng đắng và hôi có thể là kết quả từ những thói quen vệ sinh răng miệng kém hằng ngày. Đôi khi, tình trạng này còn liên quan tới các vấn đề sức khỏe răng miệng hoặc một số bệnh lý khác trong cơ thể mà bạn không nghĩ đến.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-25
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
9 nguyên nhân khiến miệng đắng và hôi khi ngủ dậyCách khắc phục tình trạng ngủ dậy miệng đắng và hôi
Ngủ dậy miệng đắng và hôi: Tưởng không hại mà hại không tưởng

Để tìm hiểu tình trạng sáng ngủ dậy miệng bị đắng và hôi là bệnh gì, cũng như một số biện pháp có thể khắc phục tình trạng này, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam theo dõi các nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!

9 nguyên nhân khiến miệng đắng và hôi khi ngủ dậy

Nguyên nhân khiến miệng đắng và hôi sau khi ngủ dậy thường bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, đôi khi có thể không được xác định rõ ràng. Nhưng nhìn chung, phần lớn các trường hợp ngủ dậy miệng đắng và hôi là do:

1. Vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng không đúng cách là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng miệng đắng và hôi khi ngủ dậy. Răng miệng không được làm sạch mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ khiến các vụn thức ăn dư thừa còn đọng lại trong kẽ răng và khoang miệng là cơ hội để vi khuẩn phát triển, tạo thành các mảng bám.

Mảng bám thức ăn và vi khuẩn tích tụ trên lưỡi, răng và nướu cả đêm sẽ khiến hơi thở có mùi hôi, đồng thời làm thay đổi vị giác khiến bạn cảm thấy miệng có vị đắng. Nếu không được loại bỏ, các mảng bám sẽ dính chặt theo thời gian và dẫn đến một số vấn đề như bệnh sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi, cũng như làm nặng hơn tình trạng miệng đắng và hôi.

Để chăm sóc răng miệng đúng cách, ít nhất bạn nên duy trì việc đánh răng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và dụng cụ cạo lưỡi thường xuyên để đảm bảo răng miệng và lưỡi đều được làm sạch, không còn các mảng bám hoặc thức ăn. 

2. Khô miệng

Khô miệng là một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sáng ngủ dậy miệng có vị đắng và hôi. Bình thường, nước bọt có tác dụng làm sạch răng miệng giúp hạn chế bớt vi khuẩn để loại bỏ mùi hôi. Bất kỳ vấn đề nào làm giảm lượng nước bọt trong khoang miệng cũng đều góp phần khiến cho hơi thở có mùi, phổ biến là chứng khô miệng (xerostomia).

Chứng khô miệng xảy ra do cơ thể không tiết đủ nước bọt, thường có liên quan đến việc hút thuốc lá, mất nước, sự lão hóa, tác dụng phụ của thuốc hoặc một số vấn đề rối loạn khác. Khô miệng tự nhiên trong lúc ngủ cũng là một tình trạng thường gặp phải, đặc biệt ở những người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ hoặc các trường hợp không thể thở đúng cách do một số bệnh lý.

Ngoài ra, nước bọt còn cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó, khô miệng không chỉ gây ra mùi hôi làm bạn mất tự tin trong giao tiếp mà còn ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ăn uống và khẩu vị. Theo đó, miệng khô rát ít nước bọt có thể gây khó nuốt và làm thay đổi mùi vị trong miệng khiến bạn cảm thấy mọi thứ có vị đắng hơn.

3. Hút thuốc

Ngủ dậy miệng đắng, hôi và lưỡi vàng không phải là một tình trạng hiếm gặp ở những người thường xuyên hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Lý do là khi hút thuốc lá sẽ để lại mùi vị khó chịu bên trong khoang miệng, dẫn đến hơi thở bị ám mùi, đồng thời làm giảm khả năng cảm nhận vị giác.

Hơn nữa, cặn thuốc lá bám chặt vào răng lâu ngày cũng là nguyên nhân làm cho sáng ngủ dậy miệng hôi và đắng. Đồng thời, thói quen hút thuốc lá có thể gây khô miệng, cũng như tăng nguy cơ gặp phải một số bệnh lý ở răng và nướu. Tất cả những vấn đề này đều có khả năng dẫn đến tình trạng đắng và hôi miệng. 

Bài viết liên quan:

Ngủ dậy miệng đắng và hôi do hút thuốc
Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng ngủ dậy miệng đắng và hôi.

4. Bệnh nướu răng

Đối với một số trường hợp, biểu hiện ngủ dậy miệng đắng và hôi có thể cảnh báo các tình trạng bệnh liên quan đến nướu răng, chẳng hạn như viêm nướu, nhiễm trùng nướu hoặc viêm nha chu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của bệnh nướu răng là do vệ sinh răng miệng kém và không đúng cách.

Tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng ở nướu răng có thể làm tổn thương mô nướu dẫn đến các triệu chứng sưng đỏ, đau, chảy máu, cảm giác miệng có vị đắng và mùi hôi. Nếu không được điều trị và chăm sóc hiệu quả, bệnh viêm nướu răng có thể phát triển thành viêm nha chu khiến vấn đề hôi, đắng miệng càng thêm nghiêm trọng. Thêm vào đó, người mắc bệnh viêm nha chu còn đối diện với nhiều nguy cơ mất răng và các xương tại khu vực bị ảnh hưởng. 

5. Trào ngược dạ dày – thực quản

GERD hay trào ngược axit dạ dày – thực quản là chứng bệnh xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu, không thể thực hiện nhiệm đóng chặt để ngăn cản những thứ ở dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng. 

Ngoài thức ăn, bên trong dạ dày còn chứa dịch lỏng (dịch vị) bao gồm axit và một số enzyme tiêu hóa khác. Khi dịch vị trào ngược lên thực quản và cổ họng, người bệnh có thể cảm nhận ngay được vị đắng xen lẫn vị chua ở trong miệng, kèm theo đó là hơi thở có mùi hôi do quá trình tiêu hóa thức ăn tại dạ dày. 

Buổi tối khi nằm ngủ là thời điểm mà bệnh trào ngược dạ dày – thực quản xuất hiện thường xuyên nhất. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi hầu hết những người mắc bệnh GERD đều trải qua tình trạng sáng ngủ dậy miệng đắng và hôi. Bên cạnh đó, axit dịch vị còn gây bào mòn men răng và các tổ chức ở xung quanh, làm tăng khả năng phát triển các bệnh lý khác dẫn đến hôi miệng.

6. Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiều người thường nhận thấy tình trạng sáng ngủ dậy miệng có vị đắng và hôi rõ rệt hơn khi đang mắc phải các vấn đề nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó có thể kể đến một số bệnh lý như cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm phế quản… Điều này có thể hiểu tương tự như khi bạn bị nhiễm trùng răng miệng. Chính sự hiện diện của virus, vi khuẩn và các sản phẩm phụ mà chúng sinh ra là nguyên nhân dẫn đến vị đắng và mùi hôi khó chịu ở khoang miệng. 

Không những vậy, khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, cơ thể bạn sẽ giải phóng một loại protein để thúc đẩy tình trạng viêm. Các nhà khoa học cho rằng, loại protein này có thể gây ảnh hưởng đến vị giác và gây đắng miệng.

Ngủ dậy miệng đắng và hôi do nhiễm trùng hô hấp
Nhiễm trùng hô hấp có thể khiến miệng đắng và hôi khi ngủ dậy.

7. Các vấn đề ở gan hoặc thận

Sáng ngủ dậy miệng hôi, đắng và bị khô đôi khi có thể liên quan đến một số vấn đề bất thường ở gan và/hoặc thận. Ngoài việc duy trì các hoạt động chuyển hóa bình thường, gan và thận còn đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe nhờ vai trò lọc và đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, khi sức khỏe của gan hoặc thận gặp phải vấn đề, độc tố sẽ bắt đầu tăng lên và gây ra các phản ứng trong cơ thể, dẫn đến một số biểu hiện trên da, mắt và đường tiêu hóa. 

Nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, miệng đắng và có mùi hôi là những biểu hiện phổ biến khi cơ thể tích tụ quá nhiều chất độc. Ngay lúc này, thăm khám và kiểm tra chức năng gan thận là việc làm cần thiết để tránh nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng. 

8. Hội chứng Sjogren

Một vấn đề bất thường ở hệ miễn dịch, gọi là hội chứng Sjogren được xem là nguyên nhân gián tiếp gây nên tình trạng sáng ngủ dậy miệng có vị đắng và hôi. Cụ thể, hội chứng Sjogren xảy ra khi tế bào miễn dịch nhận diện sai và tấn công nhầm vào các tuyến ngoại tiết của cơ thể gây viêm, trong đó bao gồm tuyến nước bọt.

Dưới tác động của hệ miễn dịch, lượng nước bọt tiết ra bị giảm đi đáng kể và lâu dần không còn đủ để duy trì độ ẩm cho khoang miệng. Cuối cùng, bệnh dẫn đến khô miệng, làm phát triển tình trạng miệng đắng và hôi khi ngủ dậy. 

Mặt khác, miệng bị khô còn là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh lý răng miệng. Đó cũng là những nguyên nhân phổ biến có thể khiến miệng bị đắng và có mùi hôi. 

Ngủ dậy miệng đắng và hôi do bệnh Sjogren
Ngủ dậy miệng đắng và hôi có thể liên quan đến viêm tuyến nước bọt trong hội chứng Sjogren.

9. Dùng một số thuốc

Thỉnh thoảng, việc sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng cũng có thể ảnh hưởng đến hơi thở và vị giác của bạn, làm xuất hiện tình trạng miệng đắng và hôi khi ngủ dậy. Trong đó, các thuốc và sản phẩm được nhắc đến thường xuyên nhất là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tim hoặc bệnh gout, lithium, vitamin tổng hợp và các khoáng chất…

Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến một số thành phần trong thuốc có khả năng lưu lại vị đắng kim loại ở miệng sau khi sử dụng, kết hợp với việc dùng thuốc thường xuyên có thể gây khô miệng làm thay đổi vị giác và góp phần dẫn đến hơi thở có mùi.

Cảm giác ngủ dậy miệng đắng và khô do dùng thuốc có thể cải thiện dần rồi biến mất sau vài ngày và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc thông báo cho bác sĩ để được tư vấn về một loại thuốc khác nếu như tình trạng này diễn ra trong thời gian lâu hơn và khiến bạn cảm thấy khó chịu. 

Cách khắc phục tình trạng ngủ dậy miệng đắng và hôi

Sáng ngủ dậy miệng đắng và hôi có thể không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, chúng thường khiến bạn cảm thấy khó chịu, cũng như giao tiếp kém làm cản trở công việc và cuộc sống hằng ngày. Khi đó, việc áp dụng một số thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt có thể là giải pháp hiệu quả để giúp bạn cải thiện vấn đề này. 

Một số cách đơn giản mà bạn có thể tham khảo để khắc phục nhanh tình trạng miệng bị đắng và hôi khi ngủ dậy là:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Bạn hãy cố gắng chải răng đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày, kết hợp với việc sử dụng nước súc miệng để loại bỏ vi khuẩn nhằm giảm mùi hôi và cảm giác đắng miệng. Song song đó, bạn nên luyện tập thói quen sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch toàn bộ thức ăn và mảng bám ở kẽ răng sau khi ăn.
  • Chế độ ăn uống phù hợp: Tránh xa các loại thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ là cách hữu ích để cải thiện tình trạng miệng đắng và hôi, đặc biệt nếu nguyên nhân có liên quan đến trào ngược dạ dày – thực quản. Bên cạnh đó, bạn nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau xanh và trái cây để hơi thở không bị ám mùi.
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Bổ sung nước cho cơ thể giúp làm giảm tình trạng khô miệng, từ đó có thể khắc phục được hiện tượng ngủ dậy miệng đắng và hôi. Nhai kẹo cao su cũng là một “mẹo nhỏ” để kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn, giữ cho miệng không bị khô. 
  • Không hút thuốc lá: Bỏ thuốc lá không những có hiệu quả làm giảm mùi hôi miệng, cải thiện vị giác mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể, giúp hạn chế được một số bệnh lý liên quan đến tim mạch, hô hấp.
  • Kiểm soát việc sử dụng rượu bia, trà và cà phê: Tiêu thụ quá nhiều bia rượu và caffeine có thể dẫn đến cảm giác khô miệng. Đồng thời, trà và cà phê cũng làm tăng khả năng hình thành các mảng bám trên răng. 
  • Điều trị nguyên nhân: Thăm khám tìm ra nguyên nhân cụ thể và tiến hành điều trị thích hợp là biện pháp duy nhất để có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngủ dậy miệng đắng và hôi. Ngược lại, chúng có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu nguyên nhân không được loại bỏ.  

Như vậy, bài viết đã phần nào giúp bạn giải thích được lý do vì sao sáng ngủ dậy miệng đắng và hôi. Qua đó, Bowtie cũng chia sẻ thêm một số cách có thể giúp bạn khắc phục tình trạng này. Nếu liên tục nhận thấy các bất thường xảy ra, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ, nha sĩ để được kiểm tra và tư vấn điều trị tốt nhất nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tìm hiểu đôi nét về tỷ lệ nước ngoại bào (ECW/TBW) Tìm hiểu đôi nét về tỷ lệ nước ngoại bào (ECW/TBW)
Kiến thức sức khỏe

Tìm hiểu đôi nét về tỷ lệ nước ngoại bào (ECW/TBW)

Nên uống bao nhiêu viên dầu cá mỗi ngày? Liều cho mỗi đối tượng Nên uống bao nhiêu viên dầu cá mỗi ngày? Liều cho mỗi đối tượng
Kiến thức sức khỏe

Nên uống bao nhiêu viên dầu cá mỗi ngày? Liều cho mỗi đối tượng

Xoài xanh, xoài chín chứa bao nhiêu calo? Ăn xoài có béo không? Xoài xanh, xoài chín chứa bao nhiêu calo? Ăn xoài có béo không?
Kiến thức sức khỏe

Xoài xanh, xoài chín chứa bao nhiêu calo? Ăn xoài có béo không?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK