Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Bác sĩ lý giải lý do nằm ngủ bị ho nhiều và cách giảm ho hiệu quả

Nằm ngủ bị ho nhiều, nhất là vào ban đêm thường khiến bản thân người bệnh và những người xung quanh không thể ngủ sâu giấc. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến một số quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể, lâu dần sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-18
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Tại sao khi ngủ lại bị ho nhiều hơn bình thường?Các vấn đề sức khỏe khiến bạn bị ho khi nằm ngủLàm sao để giảm bớt tình trạng bị ho nhiều khi ngủ?
Bác sĩ lý giải lý do nằm ngủ bị ho nhiều và cách giảm ho hiệu quả

Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc vì nguyên nhân gì mà cứ đi nằm ngủ là bị ho? Trong bài viết dưới đây, Bảo hiểm Bowtie sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vì sao lại như vậy, cũng như chia sẻ với bạn một số cách để cải thiện tình trạng bị ho vào ban đêm khi ngủ. Mời bạn hãy cùng theo dõi nhé!

Tại sao khi ngủ lại bị ho nhiều hơn bình thường?

Đang ngủ bị sặc ho không phải là một tình trạng hiếm gặp, chủ yếu thường xảy ra ở những người đang có một số bệnh lý trong cơ thể. Theo phân tích của các chuyên gia, yếu tố khiến cơn ho xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm khi nằm ngủ là do:

  • Tư thế ngủ: Bình thường, theo cấu trúc của cơ thể thì tư thế đứng hoặc ngồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp dịch nhầy ứ đọng tại các hốc xoang có thể dễ dàng thoát ra khỏi mũi và/hoặc miệng để giúp thông thoáng đường hô hấp. Trong khi ở tư thế nằm, lượng dịch nhầy có xu hướng chảy ngược vào bên trong và dồn xuống khu vực phía sau cổ họng, dẫn đến phản xạ ho.
  • Chất lượng không khí: Hiện tượng nằm ngủ bị ho đặc biệt xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm. Bởi vì đó là thời điểm mà nhiệt độ và độ ẩm thường xuống thấp khiến không khí trở nên khô hanh, từ đó làm tăng sự kích ứng ở cổ họng và gây ra cảm giác ngứa, ho.

Nhìn chung, bị ho nhiều vào ban đêm khi ngủ có thể không trực tiếp tác động đến sức khỏe nếu như chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trường hợp ngủ bị ho khan lâu ngày không khỏi có thể gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, dẫn đến một số vấn đề như sau:

  • Căng thẳng thần kinh, suy giảm nhận thức
  • Miễn dịch cơ thể kém hơn làm tăng mức độ trầm trọng của các bệnh đang mắc phải
  • Dễ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp… 
  • Giảm hiệu quả của vaccine và các thuốc điều trị bệnh đang dùng

Các vấn đề sức khỏe khiến bạn bị ho khi nằm ngủ

Biểu hiện tối ngủ bị ho ít khi được ghi nhận ở những người khỏe mạnh. Thay vào đó, một số vấn đề sức khỏe có thể khiến người lớn và cả những bé nhỏ thường xuyên bị ho lúc ngủ, chẳng hạn như là:

Phản ứng dị ứng

Hệ miễn dịch của cơ thể thường kích hoạt quá trình phóng thích histamine để đáp trả lại sự hiện diện của các tác nhân lạ mặt từ bên ngoài. Ở những người có cơ địa mẫn cảm, khi lượng histamine được sinh ra quá nhiều sẽ dẫn đến phản ứng dị ứng với các triệu chứng đặc trưng bao gồm ho, ngứa, phát ban, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu, khó thở…

Đồng thời, histamine cũng làm tăng tiết dịch mũi. Vì vậy, khi nằm ngủ, một lượng dịch đáng kể có thể liên tục chảy xuống họng khiến người bệnh cảm giác khó thở và bị ho nhiều hơn vào ban đêm. 

Tác nhân gây dị ứng ở mỗi người có thể khác nhau nhưng phần lớn là do một số yếu tố thường gặp trong môi trường, ví dụ như thời tiết, nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất, mùi nước hoa, vảy da thú cưng, côn trùng, thực phẩm…

Bài viết liên quan:

Nguyên nhân gây ngủ bị ho
Dị ứng có thể làm tăng nguy cơ bị ho vào ban đêm khi đi ngủ.

Ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn gây ra và có khả năng lây lan rất cao. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vaccine có thể đem đến hiệu quả ngăn ngừa bệnh cho hầu hết các trường hợp. 

Ở những người có chẩn đoán mắc bệnh ho gà, triệu chứng chính và nghiêm trọng nhất đã được ghi nhận là những cơn ho dữ dội vào ban đêm. Tuy nhiên trước đó, bệnh cũng làm xuất hiện một số triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với chứng cảm lạnh thông thường như sốt, nghẹt mũi, chảy nước mắt, chảy nước mũi…

Viêm xoang, viêm phổi

Buổi tối khi ngủ bị ho nhiều, ho khò khè thỉnh thoảng cũng có thể là hậu quả do viêm xoang hoặc viêm phổi. Phản ứng viêm xảy ra ở đường hô hấp sẽ gây giãn mạch và làm tăng tiết dịch tại chỗ, sau đó dịch hô hấp có thể trở nên đặc hơn và khó đào thải ra khỏi mũi. 

Cuối cùng, lượng dịch nhầy được giữ lại có thể làm đầy các hốc xoang, gây ra cảm giác đau nhức tại vị trí xoang bị ảnh hưởng. Mặt khác, bởi vì không thể thoát ra ngoài bằng đường mũi nên khi nằm xuống, dịch nhầy thường di chuyển về hướng cổ họng khiến vị trí này bị kích ứng, dẫn đến tình trạng ho trong lúc ngủ.

Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Đa số các nguyên nhân gây hẹp đường thở đều là yếu tố chung làm khởi phát triệu chứng của hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Quen thuộc trong đó là các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, ho khan, đau tức ngực, ho đờm khi có biểu hiện viêm… 

Vào ban đêm, nhiệt độ môi trường có khả năng giảm xuống đáng kể làm các mạch máu trong cơ thể có xu hướng co lại, khiến đường thở bị thu hẹp. Lý do này giúp giải thích vì sao bệnh nhân hen suyễn và những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường cho biết họ rất hay bị ho và thở khò khè vào buổi tối trong lúc nằm ngủ. 

Hội chứng chảy dịch mũi sau

Nằm ngủ hay bị ho cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng chảy dịch mũi sau. Đây là tình trạng được mô tả bởi sự tích tụ dịch và chất nhầy ở cổ họng do một nguyên nhân nào đó khiến chúng từ mũi đổ xuống cổ họng quá nhiều.

Dịch mũi ở những người có sức khỏe ổn định thường rất ít, không đủ làm kích ứng cổ họng và gây ho. Nhưng khi bất thường xảy ra do nhiễm trùng hoặc dị ứng, cơ thể sẽ tăng sản xuất dịch nhầy trong mũi để bảo vệ đường hô hấp, từ đó khiến một lượng lớn dịch nhầy có thể rò rỉ vào cổ họng. Thêm vào đó, cấu trúc mũi không hoàn thiện cũng là một yếu tố góp phần làm phát triển hội chứng chảy dịch mũi sau và dẫn đến hay bị ho khi ngủ.

Thiếu sắt

Nhiều người có thể cho rằng tình trạng thiếu sắt không liên quan đến vấn đề nằm ngủ hay bị ho vào ban đêm. Nhưng trên thực tế, hậu quả của chứng thiếu sắt lâu ngày có thể dẫn đến một số phản ứng ở cổ họng và làm kích thích cơn ho ngay cả trong lúc ngủ. 

Để phòng tránh nguy cơ bị ho khi nằm ngủ do thiếu sắt, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến khích mọi người lựa chọn những loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt để thêm vào bữa ăn hằng ngày. Điều này cũng giúp cơ thể có đầy đủ lượng sắt để đảm bảo các hoạt động bình thường. 

Trào ngược dạ dày – thực quản

Đêm ngủ bị ho kèm theo ợ hơi, ợ chua và cảm giác nóng rát khó chịu từ ngực lan đến cổ họng là những biểu hiện thường gặp phải của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Bởi quá trình nằm ngủ vào ban đêm là thời điểm thích hợp để lượng axit dư thừa tại dạ dày chảy ngược lên thực quản và cổ họng, gây ra tình trạng kích ứng.

Tình trạng trào ngược axit dạ dày – thực quản có thể diễn ra mạnh mẽ khiến cơn ho vào ban đêm càng trở nên trầm trọng hơn nếu như người bệnh tiêu thụ quá nhiều thức ăn và/hoặc sử dụng rượu bia vào gần giờ đi ngủ. 

Tác dụng phụ của thuốc

Song song với tác dụng điều trị bệnh, đôi khi thuốc cũng gây ra các phản ứng không mong muốn đối với cơ thể. Điển hình như thuốc ức chế men chuyển thường được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp có khả năng gây ho khan nghiêm trọng ở một số đối tượng sử dụng.

Trường hợp nhận thấy tình trạng nằm ngủ bị ho nhiều chỉ mới xảy ra sau khi bạn bắt đầu quá trình điều trị thì rất có thể nguyên nhân là do thuốc. Khi đó, dù là bất kỳ loại thuốc nào, bạn cũng cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xem xét điều chỉnh thuốc nếu cần.

Tác dụng phụ của thuốc gây ngủ bị ho
Một số thuốc có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ho khi nằm ngủ.

Ung thư phổi

Một khối u ác tính đang phát triển ở phổi cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ho nhiều hơn vào ban đêm khi ngủ. Nguy cơ này dễ gặp phải ở những người đã hút thuốc lá trong khoảng thời gian dài. 

Ung thư phổi là tình trạng có thể tiến triển rất nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Do đó, bệnh cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt để có biện pháp điều trị kịp thời. Hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra ngay nếu như bạn liên tục ho dữ dội vào ban ngày, sau đó khi nằm ngủ thở lại bị ho, thậm chí còn xuất hiện triệu chứng ho ra máu. 

Làm sao để giảm bớt tình trạng bị ho nhiều khi ngủ?

Đêm ngủ hay bị ho có thể gây ra cảm giác vô cùng khó chịu và mệt mỏi ở nhiều người. Nếu bạn gặp phải tình trạng này và đang lo lắng tìm biện pháp khắc phục thì dưới đây là một số cách bớt ho khi ngủ mà bạn có thể tham khảo để áp dụng:

  • Gối đầu cao khi ngủ: Việc kê thêm gối hoặc nâng đầu giường cao là cách đơn giản nhất giúp bạn hạn chế tần suất bị ho khi nằm ngủ. Bởi việc này có thể ngăn dịch nhầy chảy xuống cổ họng quá nhiều cũng như tình trạng trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản. Ngoài ra, tư thế nằm nghiêng trong lúc ngủ cũng là một lựa chọn hữu ích.
  • Dùng máy tạo độ ẩm: Bổ sung độ ẩm cho không khí trong phòng giúp cổ họng không bị kích ứng và khô, từ đó làm dịu bớt cơn ho lúc ngủ, đặc biệt khi bạn ngủ trong phòng điều hòa. Lưu ý, môi trường phòng ngủ nên duy trì độ ẩm ở mức 30 – 50% là phù hợp nhất, bởi vì độ ẩm cao hơn có thể gây phát triển nấm mốc và vi khuẩn làm tăng nguy cơ ho do dị ứng.
  • Xịt mũi bằng nước muối: Nước muối sinh lý có hiệu quả trong việc rửa trôi bụi bẩn ra bên ngoài và làm loãng dịch nhầy. Từ đó góp phần giảm nhẹ mức độ kích ứng niêm mạc họng để hạn chế tình trạng ngủ bị ho.
  • Tắm nước ấm trước khi đi ngủ: Nếu bạn hay bị ho khi nằm ngủ, hãy thử cách tắm nước ấm ngay trước thời điểm đi ngủ. Mục đích của việc này là để cơ thể “hấp thụ” được một lượng hơi nước cần thiết giúp làm thông thoáng đường thở. 
  • Vệ sinh không gian ngủ thường xuyên: Lau sạch sàn nhà, bàn ghế, giặt chăn mền, rèm cửa và giữ phòng ngủ luôn được thông thoáng là cách để loại bỏ một số tác nhân có thể gây kích ứng hô hấp dẫn đến tối ngủ hay bị ho.
  • Uống nước ấm trước khi ngủ: Cổ họng bị khô rát là yếu tố quan trọng có thể làm tăng phản xạ ho của cơ thể. Vì vậy, uống một cốc nước trước khi đi ngủ khoảng 45 – 60 phút có thể giúp bạn tránh được việc đang nằm ngủ lại bị ho. Lựa chọn tốt nhất là nước ấm nhưng ngoài ra bạn có thể cân nhắc một số loại thức uống có tác dụng làm dịu cổ họng như nước mật ong, nước gừng, trà hoa cúc, trà bạc hà, trà cam thảo… 
  • Giữ ấm cơ thể khi ngủ: Nhiệt độ cơ thể vừa đủ ấm không chỉ làm giảm các triệu chứng ở đường hô hấp mà còn giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ cũng như ngủ ngon hơn.
  • Không hút thuốc và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc: Hệ hô hấp của chúng ta thường rất nhạy cảm với khói thuốc. Bất kể việc hút thuốc trực tiếp hay thụ động cũng đều khiến cơn ho xảy ra nhiều hơn khi bạn nằm ngủ. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ phổ biến của nhiều bệnh lý hô hấp có khả năng gây ho. Vì vậy, bạn không nên hút thuốc và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc. 
  • Tìm kiếm và điều trị hiệu quả nguyên nhân gây ho: Để chấm dứt tình trạng nằm ngủ hay bị ho, bạn phải điều trị khỏi hoàn toàn các nguyên nhân liên quan. Vì vậy, bạn nên tiến hành thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho và chỉ định điều trị hiệu quả.

Trên đây là những cách bớt ho khi ngủ ở người lớn và có thể không phù hợp đối với trẻ nhỏ do sự khác biệt về sức khỏe. Vì vậy, nếu trẻ hay bị ho và quấy khóc vào ban đêm thì tốt hơn hết là bố mẹ nên tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ về một số cách giúp bé bớt ho khi ngủ. 

Như vậy, các nguyên nhân phổ biến của tình trạng nằm ngủ bị ho đã được Bowtie giới thiệu đến bạn thông qua nội dung bài viết. Hy vọng những thông tin này kết hợp với một số cách giảm ho khi ngủ tại nhà có thể phần nào giúp bạn cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.  

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cẩn trọng với 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi Cẩn trọng với 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi
Kiến thức sức khỏe

Cẩn trọng với 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi

Tỷ lệ mỡ cơ thể: Bao nhiêu là chuẩn? Cách tính lượng mỡ cơ thể Tỷ lệ mỡ cơ thể: Bao nhiêu là chuẩn? Cách tính lượng mỡ cơ thể
Kiến thức sức khỏe

Tỷ lệ mỡ cơ thể: Bao nhiêu là chuẩn? Cách tính lượng mỡ cơ thể

Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu của viêm mũi, nhiễm trùng Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu của viêm mũi, nhiễm trùng
Kiến thức sức khỏe

Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu của viêm mũi, nhiễm trùng

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK