Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Mang thai đau bụng lâm râm có sao không? Khi nào cần đến bác sĩ?

Trong thời gian mang thai, một số biểu hiện bất thường có thể xuất hiện và khiến mẹ bầu lo không “ngớt” vì sợ ảnh hưởng đến bé. Một trong những biểu hiện gây lo lắng nhất được nhiều mẹ bầu chia sẻ là đau bụng lâm râm. Hiểu rõ nguyên nhân phụ nữ mang thai bị đau bụng lâm râm sẽ giúp các mẹ đỡ lo lắng hơn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-29
Cập nhật ngày 2023-08-19
Nội dung chính
Triệu chứng đau bụng lâm râm khi nào là bình thường và không nguy hiểm?Nguyên nhân gây đau bụng lâm râm theo từng giai đoạnHướng dẫn mẹ bầu cách khắc phục tình trạng đau bụng âm ỉ tại nhàDấu hiệu đau bụng lâm râm bất thường khi có thai cần đến bệnh viện
Mang thai đau bụng lâm râm có sao không? Khi nào cần đến bác sĩ?

Vậy có thai mà đau bụng lâm râm là bị gì? Bị đau bụng lâm râm khi mang thai có nguy hiểm không? Mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn nhé!

Triệu chứng đau bụng lâm râm khi nào là bình thường và không nguy hiểm?

Theo chia sẻ, trong thời gian mang thai, đau bụng là một trong những triệu chứng bà bầu rất hay gặp phải. Nhiều bà bầu cho biết, các cơn đau không dữ dội mà cứ lâm râm, âm ỉ khiến họ rất lo lắng, không biết mình bị gì và có nguy hiểm cho bé không.

Nếu chia sẻ này giống với những gì bạn đang trải qua thì cũng đừng quá lo lắng. Tình trạng đau bụng lâm râm ở những tuần đầu của thai kỳ rất có thể là do thai làm tổ trong tử cung. Còn nếu xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ 2 hay thứ 3, nguyên nhân có thể đến từ việc em bé phát triển khiến tử cung to ra, từ đó làm các cơ và dây chằng bị kéo căng, gây đau bụng lâm râm ở mẹ bầu. 

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp đau bụng lâm râm là do các vấn đề tiêu hóa thường gặp khi mang thai như đầy hơi, táo bón… Với những nguyên nhân này, tình trạng đau bụng lâm râm ở mẹ bầu không quá đáng ngại. Tuy nhiên, nếu có những biểu hiện bất thường đi cùng hoặc tình trạng đau bụng lâm râm kéo dài khi mang thai, mẹ sẽ cần hết sức cảnh giác vì đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều biến chứng sản khoa nguy hiểm.

Nguyên nhân gây đau bụng lâm râm theo từng giai đoạn

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau bụng lâm râm khi có thai theo từng giai đoạn của thai kỳ:

Đau bụng lâm râm khi mới mang thai ở tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu)

Trong tam cá nguyệt đầu tiên (tháng thứ 1, 2, 3), nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng đau bụng lâm râm tự hỏi “Mới có thai đau bụng lâm râm có sao không?”. Khi bạn mới có bầu, tình trạng đau bụng lâm râm có thể là do:

Thai làm tổ trong tử cung

Mới mang thai mà bị đau bụng lâm râm có thể là dấu hiệu của việc thai làm tổ trong tử cung. Bạn có thể thấy đau giống như đau khi hành kinh với cảm giác đau âm ỉ ở bụng dưới. Ngoài ra, song song với cảm giác đau bụng, bạn cũng có thể thấy xuất hiệu dấu máu báo thai – những đốm máu nhỏ, màu hồng nhạt hoặc nâu xuất hiện trên quần lót trong khoảng vài ngày.

Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là tình trạng tuy hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ nếu không được can thiệp kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng.

Khi trứng phát triển, ống dẫn trứng có khả năng bị vỡ và gây xuất huyết nghiêm trọng. Bạn có thể nghi ngờ mình mang thai ngoài tử cung nếu bị đau bụng lâm râm khi mới mang thai đi cùng với các biểu hiện như xuất huyết âm đạo, đau thắt lưng, đau quặn ở 1 bên vùng chậu…

Sảy thai sớm

Sảy thai là hiện tượng mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là một tình trạng không hiếm gặp với khoảng 15 – 20% bà bầu gặp phải. Sảy thai thường xảy ra nhất trong 13 tuần đầu thai kỳ với các biểu hiện như đau bụng lâm râm hoặc đau bụng co thắt (tùy tuần thai), đau lưng từ nhẹ đến nặng, xuất huyết âm đạo với máu màu nâu hoặc đỏ tươi, trong máu có lẫn mô hoặc các cục máu lớn giống như cục máu đông. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy các triệu chứng thai kỳ khác bỗng nhiên giảm đột ngột.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là vấn đề khá thường gặp khi mang thai và có thể được điều trị dễ dàng bằng kháng sinh. Tình trạng này có khả năng xuất hiện vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ và thường đi kèm với các biểu hiện như:

  • Có cảm giác đau hoặc áp lực ở vùng bụng dưới, cơn đau có thể cứ lâm râm, âm ỉ
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Sốt
  • Cảm thấy vô cùng mệt mỏi
  • Ớn lạnh, rét run
  • Thường xuyên mắc tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Nước tiểu có màu đỏ hoặc đục

Bụng đau lâm râm khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa)

Ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng có thể bị đau bụng lâm râm do những nguyên nhân kể trên. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai bị đau bụng lâm râm ở tam cá nguyệt thứ 2 (tháng thứ 4, 5, 6) còn xảy ra do các cơ và dây chằng bị kéo căng. Cụ thể, khi em bé phát triển, tử cung to ra sẽ khiến dây chằng và cơ nâng đỡ tử cung cũng bị kéo giãn theo. Điều này có thể gây khó chịu và khiến mẹ bầu bị đau bụng.

Cơn đau do nguyên nhân này có thể là cơn đau nhói khi đổi tư thế hoặc cơn đau lâm râm, âm ỉ, kéo dài. Nhìn chung, nếu đau bụng lâm râm do căng cơ và dây chằng, mẹ không cần quá lo lắng. Bởi vì cơn đau này thường vô hại và là một biểu hiện thường thấy trong thai kỳ.

Bài viết liên quan:

Mang thai đau bụng lâm râm ở tam cá nguyệt thứ 2
Tình trạng đau bụng lâm râm khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 có thể do căng cơ và dây chằng.

Hiện tượng đau bụng lâm râm khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)

Phụ nữ mang thai bị đau bụng lâm râm vào 3 tháng cuối thai kỳ có thể do các nguyên nhân như:

Cơn co thắt Braxton-Hicks

Cơn co thắt Braxton-Hicks còn được gọi với một tên khác là cơn gò chuyển dạ giả. Đây có thể được xem là một sự chuẩn bị của cơ thể trước quá trình sinh nở sắp diễn ra. Do đó, chúng thường chỉ gây khó chịu chứ không nguy hiểm cho mẹ hay bé. 

Cơn co thắt này có xu hướng xuất hiện vào khoảng 1 tuần trước ngày sinh để cổ tử cung mềm và mỏng hơn nhằm chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Nhiều phụ nữ chia sẻ cơn đau thường biến mất khi họ đi bộ hoặc thay đổi tư thế.

Bong nhau non

Bong nhau non là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nên cần được cấp cứu ngay lập tức. Đây là tình trạng nhau thai tách một phần hoặc hoàn toàn khỏi tử cung của người mẹ trước khi em bé được sinh ra. 

Bạn có thể nghi ngờ mình bị bong nhau non nếu xuất hiện những cơn đau liên tục, âm ỉ khiến bụng căng cứng trong thời gian dài mà không thuyên giảm. Đi cùng với đó, bạn cũng có thể gặp các biểu hiện như chảy máu âm đạo, vỡ ối sớm, đau lưng…

Sinh non

Nếu bạn bị đau bụng âm ỉ, cơn đau không biến mất ngay cả khi bạn di chuyển, thay đổi tư thế thì có khả năng là dấu hiệu sinh non – tình trạng em bé muốn “chào thế giới” trước 37 tuần. Ngoài biểu hiện đau bụng, nếu có các dấu hiệu sau, bạn cũng có thể nghi ngờ sinh non:

  • Đau lưng âm ỉ mà không hết
  • Đau quặn bụng
  • Xuất hiện các cơn co thắt
  • Tiêu chảy
  • Dịch âm đạo có sự thay đổi về số lượng, tính chất, chẳng hạn trở nên nhiều nước, nhầy hoặc có lẫn máu

Dấu hiệu sắp sinh

Nếu đã gần ngày dự sinh mà bạn lại xuất hiện những cơn đau bụng lâm râm, vậy hãy nghĩ đến việc rất có thể đây là dấu hiệu sắp sinh. Với trường hợp này, bạn sẽ cần theo dõi thêm các biểu hiện của cơ thể. Nếu bạn nhận thấy dịch âm đạo tiết ra nhiều với màu trắng, nâu sẫm hoặc đi kèm màu hồng, bụng dưới nặng hơn, ra dịch hồng, vỡ ối hoặc tử cung co thắt theo từng đợt… thì nên đi bệnh viện ngay.

Hướng dẫn mẹ bầu cách khắc phục tình trạng đau bụng âm ỉ tại nhà

Khi mang thai mà bụng bị đau lâm râm âm ỉ, mẹ bầu có thể thử một số cách khắc phục đơn giản để giảm tình trạng này tại nhà. Tuy nhiên, nếu cơn đau tiếp tục kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, mẹ bầu cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay.

Nếu phụ nữ mang thai bị đau bụng lâm râm và không đi cùng với bất cứ triệu chứng bất thường nào khác hoặc cơn đau chỉ mới xuất hiện, không quá nghiêm trọng thì có thể theo dõi thêm và thực hiện các biện pháp giảm đau tại nhà như:

  • Nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn
  • Chườm ấm bằng cách dùng túi chườm hoặc bình nước ấm áp lên bụng (có lót khăn ở giữa)
  • Massage bụng nhẹ nhàng
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga
  • Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng

Dấu hiệu đau bụng lâm râm bất thường khi có thai cần đến bệnh viện

Nếu bạn bị đau bụng lâm râm kéo dài khi mang thai hoặc cơn đau đi cùng với các biểu hiện sau thì nên đi khám ngay để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị kịp thời:

  • Đau dữ dội hoặc dai dẳng
  • Xuất hiện các đốm máu nhỏ ở quần lót hoặc chảy máu âm đạo dữ dội
  • Sốt, ớn lạnh
  • Dịch tiết âm đạo bất thường
  • Chóng mặt
  • Khó chịu khi đi tiểu
  • Buồn nôn và ói mửa

Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến bà bầu bị đau bụng lâm râm, từ nhẹ cho đến các vấn đề nghiêm trọng, có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé. Do đó, khi mang thai và bị đau bụng lâm râm, mẹ sẽ cần chú ý nhiều hơn đến cơ thể. Nếu phát hiện các bất thường thì cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Cần lưu ý những gì? Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Cần lưu ý những gì?
Sản phụ khoa

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Cần lưu ý những gì?

Suy giáp và những điều bạn chưa biết Suy giáp và những điều bạn chưa biết
Sản phụ khoa

Suy giáp và những điều bạn chưa biết

9 dấu hiệu có thai giúp bạn tự nhận biết sau chuyển phôi 9 dấu hiệu có thai giúp bạn tự nhận biết sau chuyển phôi
Sản phụ khoa

9 dấu hiệu có thai giúp bạn tự nhận biết sau chuyển phôi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK