Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Lạnh sống lưng khi ngủ: 13 nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Bạn thường xuyên bị lạnh sống lưng khi ngủ nhưng không biết lý do vì sao. Vậy hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây nên tình trạng này cũng như cách khắc phục hiệu quả và khi nào cần đến bệnh viện thăm khám.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-04
Cập nhật ngày 2023-08-04
Nội dung chính
Vì sao bạn bị lạnh sống lưng khi ngủ?Bạn nên làm gì nếu thường xuyên bị lạnh sống lưng khi ngủ?Nếu lạnh sống lưng về đêm, khi nào bạn nên đến bệnh viện thăm khám?
Lạnh sống lưng khi ngủ: 13 nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Lạnh sống lưng khi ngủ là một trong những tình trạng mà nhiều người thường gặp phải. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và khiến bạn cảm thấy lo lắng thì hãy tham khảo ngay những thông tin trong bài viết dưới đây. Bài viết này của Bowtie Việt Nam sẽ điểm qua 13 nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị ớn lạnh phần sống lưng khi ngủ, đồng thời giới thiệu một số cách giúp bạn khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Vì sao bạn bị lạnh sống lưng khi ngủ?

Lạnh sống lưng khi ngủ là cảm giác bị lạnh vùng cột sống và khiến bạn cảm thấy rùng mình hoặc rét run trong khoảng vài phút hoặc có thể lâu hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là: 

1. Môi trường ngủ quá lạnh

Bạn có thể cảm thấy ớn lạnh hoặc rét run nếu như ngủ trong môi trường quá lạnh, chẳng hạn như đang nằm điều hòa bật ở nhiệt độ thấp, nằm trong phòng ngủ mùa đông nhưng chưa đóng kín cửa… hoặc không đắp chăn. Việc môi trường ngủ quá lạnh sẽ khiến bạn bị hạ thân nhiệt và gây cảm giác ớn lạnh vùng cột sống lưng. 

2. Mất nước

Việc uống đủ nước trước khi đi ngủ sẽ giúp cơ thể bạn tăng cường quá trình trao đổi chất, đồng thời tạo ra năng lượng để giúp ổn định thân nhiệt. Nếu bạn uống quá ít nước trong một ngày thì sẽ gây ra tình trạng thiếu nước, mất nước và có thể khiến thân nhiệt giảm khi ngủ, dẫn đến cảm giác lạnh sống lưng về đêm. 

3. Thiếu máu

Tình trạng thiếu máu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cảm giác ớn lạnh sống lưng khi ngủ. Tình trạng này làm giảm lượng máu, oxy và dưỡng chất đến nuôi các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Nếu bị thiếu máu, bạn không những có cảm giác ớn lạnh mà còn kèm theo nhiều biểu hiện khác như mệt mỏi, chán ăn, nhịp thở không đều, da nhợt nhạt, nhịp tim bất thường, đau đầu… và gây nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe. 

4. Thiếu cơ

Cơ là một trong những yếu tố quan trong giúp tạo ra năng lượng và giữ ấm bên trong cơ thể. Nếu bạn bị thiếu cơ, khối lượng cơ trong cơ thể thấp thì sẽ không tạo đủ năng lượng để duy trì thân nhiệt. Tình trạng này cũng làm giảm sự trao đổi chất và khiến cho bạn dễ bị lạnh sống lưng khi ngủ, nhất là vào ban đêm.  

5. Thiếu ngủ

Cơ thể chúng ta luôn cần được nghỉ ngơi và thư giãn sau một ngày hoạt động vất vả, căng thẳng. Khi bạn nghỉ ngơi, các cơ quan sẽ hoạt động hiệu quả hơn để duy trì sự trao đổi chất và tạo ra nhiệt lượng giúp giữ ấm cơ thể. 

Nếu bạn thức quá khuya, làm việc quá sức dẫn đến thiếu ngủ thì sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. Lúc này, thân nhiệt bắt đầu hạ xuống nhằm giúp tiết kiệm năng lượng, từ đó  khiến bạn cảm thấy ớn lạnh vào ban đêm. Thiếu ngủ còn gây ra các vấn đề khác như tăng cảm giác thèm ăn, giảm trí nhớ, không tập trung…

Thiếu ngủ là nguyên nhân gây lạnh sống lưng khi ngủ
Ngủ không đủ giấc, thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và làm hạ thân nhiệt.

6. Thời kỳ tiền mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ có sự thay đổi về nội tiết tố khiến phái đẹp mất kinh và gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, trong đó có tình trạng ớn lạnh sống lưng khi ngủ. Tình trạng này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đi kèm sau một cơn bốc hỏa.

7. Trạng thái tâm lý

Cảm giác ớn lạnh, lạnh sống lưng khi ngủ có thể xảy ra nếu bạn có phản ứng cảm xúc sâu sắc hoặc mãnh liệt với một số tình huống, chẳng hạn như lo lắng hoặc sợ hãi về một việc gì đó. Đôi khi, việc mơ thấy ác mộng cũng khiến bạn ngủ bị lạnh sống lưng.

8. Suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không thể sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp cần thiết giúp điều hòa tốc độ trao đổi chất, thân nhiệt hoặc hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể. Theo các nghiên cứu khoa học thì những người bị suy giáp thường nhạy cảm hơn với nhiệt độ lạnh, từ đó dễ bị ớn lạnh khi ngủ. 

9. Suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là cụm từ chỉ tình trạng cơ thể quá gầy ốm, bị thiếu chất dinh dưỡng và không đủ lượng mỡ để ổn định thân nhiệt khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Theo đó, người bị suy dinh dưỡng thường cảm thấy lạnh sống lưng khi ngủ, đồng thời chán ăn, mệt mỏi, suy nhược, khô tóc, dễ bị bầm tím, chóng mặt… 

10. Hạ đường huyết

Bất kỳ ai cũng có thể bị hạ đường huyết nhưng tình trạng này dễ xảy ra hơn ở bệnh nhân đái tháo đường. Một trong những triệu chứng của hạ đường huyết là cảm giác run hoặc ớn lạnh. Bên cạnh đó, hạ đường huyết còn gây ra các triệu chứng khác như đổ nhiều mồ hôi, mờ mắt, tim đập nhanh, ngứa ran quanh miệng, co giật… Trường hợp này cần được xử lý ngay lập tức để đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường.

11. Giảm lưu lượng tuần hoàn

Lưu lượng tuần hoàn máu bị giảm cũng là nguyên nhân gây ớn lạnh vào ban đêm. Lúc này, các mạch máu co lại và lưu lượng máu di chuyển đến các cơ quan ít hơn so với bình thường. Máu không chỉ giúp mang oxy và dưỡng chất đến các cơ quan trong cơ thể mà còn hỗ trợ quá trình duy trì thân nhiệt. 

Vì vậy, giảm lưu lượng tuần hoàn sẽ dễ dẫn đến lạnh sống lưng khi ngủ. Theo đó, tình trạng này có thể do bạn uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định trước khi đi ngủ.

Giảm lưu lượng tuần hoàn là nguyên nhân gây lạnh sống lưng khi ngủ
Việc uống cà phê trước khi đi ngủ có thể làm giảm lưu lượng tuần hoàn và khiến bạn bị ớn lạnh.

12. Bệnh Raynaud

Bệnh Raynaud là một rối loạn tự miễn gây nên tình trạng co thắt các mạch máu và khiến cho máu khó lưu thông. Điều này làm thân nhiệt giảm xuống và có thể gây ra cảm giác ớn lạnh, chóng mặt, chuột rút và nhức đầu. 

13. Tác dụng phụ của thuốc

Tình trạng lạnh sống lưng khi ngủ còn có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Các loại thuốc này có thể kể đến như thuốc chống trầm cảm, opioid và một số thuốc điều trị ung thư. Thêm vào đó, việc cai nghiện thuốc, chẳng hạn như thuốc opioid, cũng có thể gây ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi.

Bài viết hữu ích: 

Bạn nên làm gì nếu thường xuyên bị lạnh sống lưng khi ngủ?

Việc quan trọng nhất cần làm để “xử lý” tình trạng ngủ bị lạnh sống lưng chính là tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này. Từ những nguyên nhân đó, bạn sẽ có cách cải thiện và hạn chế tình trạng bị lạnh sống lưng khi ngủ. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể tham khảo:

  • Uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày 
  • Có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn nhiều chất béo không lành mạnh và tăng cường lượng chất béo lành mạnh có trong quả bơ, quả óc chó, hạt bí…, đồng thời dùng dầu ăn thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành thay cho mỡ động vật. Bạn cũng nên ưu tiên ăn thực phẩm nhiều sắt như thịt đỏ, ngũ cốc, cải bó xôi…, đặc biệt nếu đang bị thiếu máu do thiếu sắt.
  • Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12, bạn nên tìm cách bổ sung thêm loại vitamin này cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống và các sản phẩm hỗ trợ khác
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng khối lượng và sức mạnh của cơ 
  • Ăn đúng giờ, ngủ đúng và đủ giấc (ít nhất 8 tiếng mỗi ngày) 
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát nhưng đủ ấm khi ngủ, có thể đắp thêm chăn nếu thời tiết lạnh
  • Thực hiện vận động nhẹ nhàng hoặc massage trước khi ngủ để làm tăng nhiệt độ cho cơ thể 
  • Có thể uống một cốc nước ấm hoặc trà ấm trước khi đi ngủ để giữ ấm cơ thể
  • Điều chỉnh điều hòa hoặc các thiết bị làm mát ở nhiệt độ vừa phải, nếu thời tiết lạnh thì có thể sử dụng thêm quạt sưởi hoặc chăn điện

Nếu lạnh sống lưng về đêm, khi nào bạn nên đến bệnh viện thăm khám?

Lạnh sống lưng khi ngủ là cảm giác mà nhiều người đã từng trải qua. Tình trạng này thường không quá nguy hiểm và chỉ xuất hiện 1 – 2 lần không liên tục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ớn lạnh đi kèm với các triệu chứng khác sau đây là dấu hiệu cho thấy một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn: 

  • Thay đổi về ý thức như đang ngủ chuyển sang tỉnh táo hẳn hoặc bất tỉnh, thậm chí không phản ứng
  • Ớn lạnh kèm sốt cao hơn 38,5°C 
  • Da, môi, móng tay nhợt nhạt hoặc hơi xanh
  • Xuất hiện tình trạng tiêu chảy kéo dài, có thể có máu lẫn trong phân
  • Gặp các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như khó thở hoặc thở khò khè
  • Người bị co giật, cứng cổ, buồn nôn, nôn và lú lẫn
  • Đau đầu dữ dội

Khi bạn gặp phải các triệu chứng trên thì cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạnh sống lưng khi ngủ cùng với đó là cách xử lý tại nhà khi gặp phải tình trạng này. Trong trường hợp bạn bị ớn lạnh kèm các triệu chứng như sốt, người mệt mỏi, da tím tái, khó thở, co giật… thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ngủ dậy mắt bị sưng: Áp dụng ngay 14 mẹo khắc phục dưới đây Ngủ dậy mắt bị sưng: Áp dụng ngay 14 mẹo khắc phục dưới đây
Kiến thức sức khỏe

Ngủ dậy mắt bị sưng: Áp dụng ngay 14 mẹo khắc phục dưới đây

Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản
Kiến thức sức khỏe

Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản

Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP
Kiến thức sức khỏe

Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK