Ung thư
Ung thư

Hướng dẫn cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà

Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không có dấu hiệu rõ ràng nên khó được nhận biết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh có thể được phát hiện nhờ kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà. Tuy nhiên, để xác nhận chính xác tình trạng bệnh cũng như giai đoạn của bệnh, người bệnh sẽ cần tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm ung thư phổi chuyên sâu hơn tại bệnh viện.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-27
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhàKiểm tra ung thư phổi tại bệnh viện
Hướng dẫn cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà

Vậy vì sao kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay lại giúp nhận biết bệnh? Làm thế nào để kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà? Phương pháp này liệu có chính xác? Bạn hãy cùng Bowtie dành vài phút xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về cách kiểm tra ung thư phổi tại nhà này nhé!  

Kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà

Đứng trước sự nguy hiểm của bệnh, nhiều người không biết mình có thể kiểm tra ung thư phổi bằng cách nào. Hiện nay, việc kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà là một cách giúp nhận biết bệnh khá phổ biến. Theo đó, lợi ích và cách thực hiện phương pháp này như sau:

Vì sao kiểm tra ngón tay có thể giúp phát hiện ung thư phổi?

Thực tế, phương pháp kiểm tra ngón tay được tiến hành nhằm phát hiện tình trạng ngón tay dùi trống, một trong những triệu chứng có thể gặp phải của bệnh ung thư phổi. Theo đó, ung thư phổi nói riêng và nhiều bệnh lý ở phổi nói chung có khả năng làm giảm lượng oxy trong máu của bệnh nhân. Điều này dẫn đến những thay đổi ở móng tay như giường móng trở nên mềm, mất góc với nếp móng; móng tay có xu hướng cong xuống, phát triển lớn hơn, phồng lên trông giống như chiếc thìa úp ngược; đầu ngón tay sưng lên, chuyển đỏ hoặc có thể hơi nóng…

Việc phát hiện được tình trạng ngón tay dùi trống thông qua kiểm tra ngón tay tại nhà sẽ giúp người bệnh nhận biết những bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị. Điều trị càng sớm thì cơ hội thành công càng cao, tiên lượng của người bệnh càng khả quan.

Kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay dùi trống
Hình ảnh ngón tay dùi trống.

Cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà

Hiện nay, có hai cách kiểm tra để xác định tình trạng ngón tay dùi trống tại nhà mà bạn có thể thực hiện. Hai cách kiểm tra này là phương pháp thử nghiệm cửa sổ Schamroth và phương pháp so sánh chiều cao giữa 2 vị trí. 

Phương pháp thử nghiệm cửa sổ Schamroth

Dưới đây là các bước thực hiện phương pháp thử nghiệm cửa sổ Schamroth: 

  • Bước 1: Áp 2 đầu ngón tay trỏ lại với nhau 
  • Bước 2: Quan sát kẽ hở giữa hai móng tay. Nếu quan sát thấy xuất hiện một khoảng trống hình thoi (hay còn gọi là khoảng trống kim cương hoặc cửa sổ Schamroth) giữa hai đầu ngón tay thì bạn không bị ngón tay dùi trống.

Phương pháp so sánh chiều cao giữa 2 vị trí

Với phương pháp này, bạn sẽ tiến hành so sánh chiều cao của đốt xa ngón tay (DPD) và gian đốt ngón giữa xa (IPD). Nếu DPD > IPD thì được xác định là ngón tay dùi trống.

Kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà
Chiều cao của đốt xa ngón tay (DPD) và gian đốt ngón giữa xa (IPD).

Kiểm tra ngón tay tại nhà là một trong những cách giúp bạn phát hiện bệnh ung thư phổi từ sớm. Khi nhận thấy dấu hiệu ngón tay dùi trống, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm, đặc biệt nếu tình trạng này xuất hiện kèm theo các triệu chứng ung thư phổi khác như:

  • Ho không hết sau 3 tuần
  • Ho kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng
  • Ho ra máu
  • Đau ngực khi thở hoặc ho
  • Khó thở dai dẳng, thở khò khè
  • Mệt mỏi dai dẳng hoặc luôn trong tình trạng thiếu năng lượng
  • Chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Khàn giọng
  • Sưng mặt, cổ, cánh tay hoặc ngực
  • Đồng tử nhỏ, mí mắt rũ xuống ở một bên mắt

Kiểm tra ung thư phổi tại bệnh viện

Dù kiểm tra ngón tay tại nhà là một trong những cách hiệu quả giúp phát hiện các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi nhưng phương pháp này không giúp xác định chính xác bệnh. Tình trạng ngón tay dùi trống có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý không phải ung thư như các bệnh lý khác ở phổi (giãn phế quản, viêm phổi màng mủ, lao phổi, xơ nang…), viêm ruột, bệnh tim mạch, bệnh gan, cường giáp, AIDS… 

Vì vậy, để chẩn đoán chính xác ung thư phổi, cách tốt nhất là bạn cần đến bệnh viện để thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu hơn. Theo đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số kiểm tra ung thư phổi tại bệnh viện, bao gồm:

Tầm soát ung thư phổi ở những người có nhiều nguy cơ

Với những đối tượng có nhiều nguy cơ, bác sĩ thường khuyến khích thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Theo đó, các phương pháp kiểm tra, tầm soát ung thư phổi tại bệnh viện thường được sử dụng là:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra nồng độ các chất chỉ điểm khối u trong máu của bệnh nhân, chẳng hạn như SCC, CEA, cyfra 21-1, pro –GRP, NSE… Nồng độ các chất chỉ điểm này tăng cao đóng vai trò tham chiếu để định hướng bệnh.
  • Chụp X-quang phổi thường quy: Chụp X-quang phổi sẽ cung cấp cho bác sĩ hình ảnh của phổi. Qua phim X-quang, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương hoặc khối u tại phổi.
  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp: Tương tự như X-quang, phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp sẽ cung cấp các hình ảnh chi tiết của phổi để giúp bác sĩ tìm kiếm dấu hiệu ung thư. Ưu điểm của kỹ thuật này là liều chụp thấp nên giảm nguy cơ tiếp xúc với bức xạ.
  • Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang hoặc nguồn sáng NBI: Phương pháp nội soi có thể giúp bác sĩ quan sát và phát hiện sớm các tổn thương tại phổi hoặc khí phế quản.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh

Các triệu chứng lâm sàng cũng như hình ảnh tổn thương trên phim X-quang, phim cắt lớp vi tính thường chỉ có giá trị gợi ý ung thư phổi. Để chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ cần dựa vào kết quả giải phẫu trên mẫu bệnh phẩm lấy từ khối u nguyên phát hoặc từ tổn thương thứ phát của người bệnh. Theo đó, các phương pháp lấy mẫu để chẩn đoán ung thư phổi bao gồm:

  • Sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn chụp cắt lớp vi tính hoặc nội soi khí phế quản: Kim sinh thiết sẽ được đưa vào vị trí tổn thương nghi ngờ dưới sự hướng dẫn của phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực hoặc nội soi tùy vào vị trí của khối u. Nhờ đó, bác sĩ sẽ trích lấy một mẫu mô từ vị trí này để tiến hành quan sát dưới kính hiển vi. 
  • Sinh thiết màng phổi: Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp nghi ngờ ung thư phổi đã xâm lấn đến màng phổi mà không thể thực hiện 2 phương pháp bên trên. 
  • Chọc hút dịch màng phổi: Thay vì bệnh phẩm sinh thiết mô, bác sĩ có thể sử dụng dịch màng phổi để tiến hành phân tích và chẩn đoán xác định ung thư phổi.  
  • Sinh thiết hạch ngoại vi (hạch cổ, thượng đòn, nách): Trong trường hợp nghi ngờ tế bào ung thư đã lan đến các hạch ngoại vi, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết hạch.

Kiểm tra giúp xác định mức độ di căn của ung thư phổi

Khi kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân mắc ung thư phổi, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định giai đoạn ung thư nhằm lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các xét nghiệm này có thể bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và xạ hình xương.

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam với tỷ lệ mắc mới và tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay, với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi đã giảm đi đáng kể. Để việc điều trị ung thư phổi đạt kết quả tốt, điều quan trọng là bệnh nhân cần phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Theo đó, bạn hãy thử áp dụng ngay cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà mà Bowtie vừa giới thiệu trong bài viết trên. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, hãy đi khám để điều trị kịp thời nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không? Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng bạn cần đặc biệt chú ý Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng bạn cần đặc biệt chú ý
Ung thư

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng bạn cần đặc biệt chú ý

Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh
Ung thư

Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK