Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp, đồng thời điểm danh một số cách kiểm soát huyết áp cao hiệu quả, mời bạn hãy cùng Bảo hiểm Bowtie theo dõi ngay nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!
Tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó trường hợp nặng nhất có thể khiến bệnh nhân tử vong. Một số biến chứng thường gặp ở người có chỉ số huyết áp tăng cao không được kiểm soát tốt bao gồm: đột quỵ (tai biến mạch máu não), nhồi máu cơ tim, suy tim, đau thắt ngực, phình tách động mạch chủ, suy thận mạn tính…
Chính vì vậy, mục đích và giá trị lớn nhất của việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng tăng huyết áp (hay nói cách khác là kiểm soát các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp) là để duy trì chỉ số huyết áp ở mức bình thường. Việc này nhằm hạn chế khả năng phát triển các biến chứng của bệnh tăng huyết áp, hoặc tối thiểu cũng giúp bệnh nhân giảm nhẹ được mức độ nghiêm trọng nếu không may gặp phải các vấn đề này.
Dưới đây là 11 cách kiểm soát tăng huyết áp tại nhà mà người bệnh có thể tham khảo:
Dù một số trường hợp có thể không cần điều trị thuốc nhưng phần lớn bệnh nhân có chẩn đoán mắc tăng huyết áp đều được chỉ định dùng thuốc hàng ngày để kiểm soát bệnh. Cụ thể, trong các nhóm thuốc huyết áp phổ biến như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi… bác sĩ có thể kê toa cho bệnh nhân một thuốc duy nhất hoặc kết hợp nhiều loại khác nhau tùy vào tình trạng bệnh. Do đó, bước đầu tiên cần thực hiện khi bắt đầu quá trình kiểm soát tăng huyết áp tại nhà chính là phải tuân thủ việc sử dụng đúng thuốc và đúng liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến khích người bệnh nên thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp bằng cách tự đo tại nhà để theo dõi hiệu quả dùng thuốc. Nếu nhận thấy huyết áp vẫn cao, bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ để kịp thời điều chỉnh thuốc nhằm đảm bảo huyết áp luôn được kiểm soát tốt.
Mặt khác, tự đo huyết áp tại nhà còn là cách giúp bệnh nhân nhận biết và ghi nhớ các dấu hiệu của bản thân khi huyết áp tăng cao. Việc này cũng giúp người bệnh phát hiện và phòng tránh được một số hoạt động có thể làm tăng huyết áp.
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch đặc biệt đáng quan tâm. Bởi vì khi trọng lượng cơ thể càng tăng thì áp lực tác động lên tim và mạch máu càng lớn, theo thời gian có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp.
Đặc biệt, nguy cơ tăng huyết áp thường cao hơn ở những người có kích thước vòng bụng quá lớn do tích tụ nhiều mỡ thừa. Ngoài ra, thừa cân cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ khiến huyết áp tăng lên ở một số trường hợp.
Theo đó, giảm cân là cách kiểm soát huyết áp cao phù hợp nhất nếu bạn thừa cân hoặc béo phì. Việc giảm bớt cân nặng dù chỉ là một ít cũng có thể giúp chỉ số huyết áp được cải thiện tích cực.
Theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, để kiểm soát tốt tăng huyết áp, bệnh nhân nên cố gắng giữ cân nặng ở mức lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) khoảng 18,5 đến 22,9 kg/m2. Đồng thời, số đo vòng bụng không nên vượt quá 90cm đối với nam giới và tối đa ở nữ là 80cm (áp dụng với người Châu Á).
Kế hoạch kiểm soát tăng huyết áp hiệu quả không thể thiếu việc xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh với nhiều loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn uống tốt cho người có huyết áp cao cần hạn chế lượng thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, đường và đặc biệt là muối.
Thay vào đó, hãy tăng cường các loại thực phẩm giàu protein, chất xơ, kali, vitamin, khoáng chất… để bổ sung đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng giúp duy trì trạng thái khỏe mạnh cho cơ thể. Một số loại thực phẩm mà bệnh nhân được khuyến nghị nên thêm vào thực đơn ăn uống mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tim mạch và kiểm soát tăng huyết áp là:
Chế độ ăn quá mặn, nhiều natri có thể làm giảm khả năng đào thải của thận, gây ra hiện tượng tích muối và nước bên trong cơ thể khiến huyết áp tăng lên. Đối với hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp, việc tiêu thụ ít hơn 6 gam (khoảng 1 thìa cà phê) muối ăn mỗi ngày là biện pháp hữu ích giúp ổn định huyết áp, đồng thời giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý ở thận.
Để kiểm soát lượng muối (natri) đưa vào cơ thể, bạn nên lưu ý đọc kỹ nhãn thành phần trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào và tránh xa các loại thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn hoặc thực phẩm đóng hộp. Bên cạnh đó, chế độ ăn giàu kali cũng thúc đẩy quá trình loại bỏ muối ra khỏi cơ thể để kiểm soát tăng huyết áp. Một số thực phẩm chứa nhiều kali tự nhiên có thể kể đến như là quả bơ, chuối, cam, khoai lang, cà chua, cá hồi, cá ngừ, rau chân vịt, sữa chua ít béo…
Ngoài ra, đã có nghiên cứu cho thấy các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp còn bao gồm cả đường. Vì vậy, cắt giảm lượng đường và carbohydrate tinh chế từ thức ăn cũng là một cách kiểm soát huyết áp cao thường được đề nghị, nhất là ở các trường hợp thừa cân hoặc béo phì.
Uống rượu bia với lượng vừa phải được chứng minh là có lợi cho tim mạch. Tuy nhiên, lạm dụng thức uống có cồn hoặc uống quá nhiều rượu bia có thể khiến huyết áp tăng lên đột ngột ngay cả khi bạn không mắc bệnh. Không chỉ vậy, một số loại thuốc kiểm soát huyết áp cũng có thể bị giảm hoặc mất tác dụng do sự hiện diện của bia rượu. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp.
Nếu không thể cai rượu bia hoàn toàn, tốt hơn hết bạn nên đảm bảo sử dụng chúng ở mức giới hạn cho phép để kiểm soát chặt chẽ tình trạng tăng huyết áp. Theo các chuyên gia tim mạch, tổng lượng rượu bia bệnh nhân sử dụng không được vượt quá 2 ly mỗi ngày (đối với nam giới) và 1 ly mỗi ngày (đối với nữ giới). Với mỗi ly tương đương khoảng 330ml bia, 120ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh nguyên chất.
Thành phần caffeine trong các loại trà, cà phê, bò húc… có thể gây ra hiện tượng tim đập nhanh làm huyết áp tăng cao trong một số trường hợp. Mặc dù chỉ số huyết áp có thể trở lại bình thường sau đó không lâu, tuy nhiên rủi ro xuất hiện các vấn đề nguy hiểm sẽ tăng lên nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp từ trước.
Mức độ nhạy cảm với caffeine của mỗi người là khác nhau. Do đó, nếu cần thiết, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cân nhắc về việc hạn chế hoặc tránh xa các loại sản phẩm chứa caffeine để kiểm soát tăng huyết áp.
Vận động thể chất phù hợp là biện pháp bảo vệ sức khỏe chung, có thể áp dụng thực hiện đối với bất kỳ trường hợp nào. Riêng ở những người bị tăng huyết áp, thường xuyên vận động với cường độ vừa phải có thể mang đến lợi ích đáng kể trong việc ổn định huyết áp, đồng thời cải thiện cân nặng, giảm căng thẳng và rèn luyện sức bền cho cơ thể giúp phòng tránh bệnh tật.
Một số hoạt động lý tưởng cho bệnh nhân tăng huyết áp gồm có đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ, yoga, aerobic… Bạn nên bắt đầu luyện tập khoảng 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần thời gian để giúp cơ thể thích nghi tốt nhất. Thời gian tối ưu được khuyến khích cho việc vận động thể chất là khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày.
Ngừng hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc cũng là cách để kiểm soát các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp và biến chứng của bệnh. Bởi các loại hóa chất có trong thuốc lá có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Bài viết hữu ích:
Trên thực tế, huyết áp thường giảm thấp hơn khi cơ thể đang ở trạng thái ngủ sâu. Do đó, thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, đặc biệt nếu sự gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ kém còn ảnh hưởng tới sự chuyển hóa bình thường trong cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành một số bệnh mạn tính.
Vì thế, lời khuyên chung để cải thiện sức khỏe cũng như kiểm soát tăng huyết áp là hãy cố gắng tạo thói quen đi ngủ sớm trước 11 giờ tối và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, sao cho thời gian ngủ vừa đủ khoảng 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp với một số biện pháp để giúp đảm bảo chất lượng giấc ngủ, chẳng hạn như:
Các vấn đề căng thẳng thần kinh hoặc cảm xúc là nguyên nhân khiến cơ thể sản xuất ra một số loại hormone có khả năng làm co mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Trong khi đó, tình trạng căng thẳng mạn tính có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như cao huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Mặc dù không thể tránh khỏi các tình huống căng thẳng trong cuộc sống thường ngày nhưng chúng ta có thể khắc phục chúng bằng cách dành thời gian để sắp xếp lại suy nghĩ và tìm ra hướng giải quyết vấn đề phù hợp. Tập trung sự chú ý của bản thân vào một số hoạt động thú vị như đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn, đi dạo, xem phim… để “phớt lờ” cảm giác căng thẳng cũng là một cách cải thiện tâm trạng hiệu quả, có thể giúp kiểm soát tăng huyết áp. Thêm vào đó, bệnh nhân cao huyết áp cũng có thể thử các phương pháp giải tỏa căng thẳng khác như tập yoga, thiền, tập hít thở sâu…
Cuối cùng, đừng bỏ qua các cuộc hẹn tái khám với bác sĩ. Bởi vì thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá được hiệu quả của biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp đang áp dụng. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra sự tư vấn điều trị tốt nhất đối với tình trạng tăng huyết áp của người bệnh.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ với bạn 11 cách đơn giản để kiểm soát tăng huyết áp tại nhà giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Trường hợp gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc, bạn hãy nhanh chóng thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh tăng huyết áp và điều trị thích hợp nhé!
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.