Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Khí phế thũng: Bệnh phổi mạn tính bạn chớ xem thường

Khí phế thũng là một kiểu hình thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh có thể phát triển nhiều triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây cản trở khả năng hoạt động của cơ thể. Nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-11-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Khí phế thũng là gì?Triệu chứng khí phế thũngNguyên nhân, yếu tố nguy cơKhí phế thũng có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách sống khỏe cùng bệnh khí phế thũng
Khí phế thũng: Bệnh phổi mạn tính bạn chớ xem thường

Vậy bệnh khí phế thũng là gì và nguyên nhân gây bệnh do đâu? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị khí phế thũng? Mời bạn hãy cùng Công ty Bowtie tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Khí phế thũng là gì?

Khí phế thũng là tình trạng liên quan đến sự tổn thương mạn tính của các túi khí nhỏ (phế nang) ngay bên dưới tiểu phế quản tận. Bình thường khi bạn hít thở, phế nang căng ra để nhận oxy đưa vào máu và co lại giúp đẩy carbon dioxide ra khỏi cơ thể.

Trong bệnh khí phế thũng, nhu mô phổi bị phá hủy dẫn đến vách phế nang suy yếu dần và vỡ ra, khiến chúng không thể hoạt động bình thường, đồng thời làm giảm diện tích bề mặt phổi và giảm lượng oxy đi vào máu. Các phế nang vỡ ra cũng khiến không khí bị giữ lại bên trong phổi, gây nên sự tắc nghẽn và có xu hướng làm xẹp đường thở với nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Đọc thêm

Triệu chứng khí phế thũng

Triệu chứng của bệnh khí phế thũng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tùy theo mức độ tổn thương phổi. Ban đầu, các biểu hiện thường ít được chú ý và có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác ở đường hô hấp. Khi bệnh tiến triển hơn, các triệu chứng dần trở nên rõ ràng, thường bao gồm: 

  • Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động thể chất (tập thể dục nhẹ hoặc leo cầu thang)
  • Ho kéo dài
  • Thở nhanh, thở khò khè
  • Ho có nhiều đờm
  • Tức ngực
  • Thường xuyên mệt mỏi, suy nhược
  • Nghe thấy tiếng rít khi thở
  • Giảm cân
  • Lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Bệnh khí phế thũng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc lâu dài với các tác nhân kích thích và gây hại cho phổi, trong đó tác nhân chính là khói thuốc lá. Ngoài ra, cũng có một số ít trường hợp khí phế thũng phát triển do sự thiếu hụt alpha-1 antitrypsin di truyền.

Nguy cơ phát triển bệnh khí phế thũng thường cao hơn ở những người có một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:

  • Hút thuốc lá trong thời gian dài, kể cả hút thuốc thụ động
  • Trên 40 tuổi
  • Sinh sống ở nơi bị ô nhiễm không khí và nhiều khói bụi
  • Môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh COPD hoặc bị thiếu hụt alpha-1 antitrypsin
  • Dị ứng hoặc nhiễm trùng hô hấp
  • Trẻ nhẹ cân lúc sinh
Nguyên nhân gây khí phế thũng

Khí phế thũng có nguy hiểm không?

Những người mắc bệnh khí phế thũng không được kiểm soát tốt có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đôi khi có thể đe dọa tính mạng. Một số biến chứng thường xảy ra là:

  • Các vấn đề tim mạch
  • Suy hô hấp
  • Viêm phổi
  • Tràn khí màng phổi
  • Xẹp phổi mạn tính
  • Bệnh phổi
  • Khí phế thũng kẽ
  • Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát
  • Nhiễm toan hô hấp, thiếu oxy và hôn mê

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh khí phế thũng, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh cũng như những triệu chứng đã gặp phải. Đồng thời, người bệnh có thể được bác sĩ kiểm tra phổi bằng ống nghe. 

Tuy nhiên, việc chẩn đoán khí phế thũng không chỉ dựa vào các triệu chứng. Thay vào đó, một loạt kiểm tra, xét nghiệm cần thiết có thể được đề nghị, bao gồm:

  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang ngực có thể hỗ trợ quá trình chẩn đoán khí phế thũng tiến triển và loại trừ các nguyên nhân khác gây khó thở. Đôi khi, bác sĩ có thể kết hợp thêm chụp cắt lớp vi tính ngực (CT ngực) để quan sát cấu trúc đường thở rõ hơn. 
  • Đo phế dung: Với phương pháp này, bác sĩ kiểm tra thể tích phổi bằng cách đo luồng không khí trong khi bệnh nhân hít vào và thở ra. 
  • Đo khí máu động mạch: Phương pháp này sẽ đo được lượng oxy và carbon dioxide trong máu từ động mạch, từ đó giúp kiểm tra chức năng phổi. 
  • Điện tâm đồ (ECG): ECG được sử dụng để kiểm tra chức năng tim và loại trừ các nguyên nhân tim mạch gây khó thở.

Phương pháp điều trị

Bệnh khí phế thũng chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện khả năng hoạt động của người bệnh. 

Sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào mức độ và các triệu chứng của bệnh khí phế thũng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc cho bệnh nhân, bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc sẽ làm giãn các cơ xung quanh đường thở giúp giảm ho và khó thở do co thắt. Hầu hết các thuốc giãn phế quản được dùng qua ống hít để cho hiệu quả nhanh và hạn chế tác dụng phụ.
  • Thuốc corticosteroid dạng hít hoặc bình xịt: Thuốc giúp giảm viêm nhanh chóng để cải thiện tình trạng khó thở trong những trường hợp nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc có thể được sử dụng nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn.

Liệu pháp bổ sung oxy

Liệu pháp này sử dụng các thiết bị cung cấp oxy được chỉ định để duy trì lượng oxy trong máu khi bệnh nhân mắc bệnh khí phế thũng nặng, không có khả năng hấp thụ đủ oxy từ không khí bên ngoài. 

Phục hồi chức năng phổi

Chương trình phục hồi chức năng phổi thường bao gồm các bài tập thở và một số kỹ thuật có thể giúp người bệnh giảm được tình trạng khó thở và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Phẫu thuật

Trường hợp khí phế thũng không thể kiểm soát được bằng thuốc hoặc các liệu pháp khác, bệnh nhân có thể được cân nhắc điều trị bằng một trong các phương pháp phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi: Bác sĩ thực hiện loại bỏ các mô phổi bị tổn thương để giúp phần còn lại mở rộng và hoạt động hiệu quả hơn.
  • Phẫu thuật ghép phổi: Đây là lựa chọn cuối cùng nếu phổi bị tổn thương nghiêm trọng và không thể đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. 

Cách sống khỏe cùng bệnh khí phế thũng

Nếu bị khí phế thũng, bạn có thể thực hiện một số bước để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và bảo vệ bản thân khỏi các biến chứng:

  • Bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc càng nhiều càng tốt
  • Tránh xa các chất có thể gây kích thích đường hô hấp, bao gồm bụi bặm, khói sơn, nước hoa, lông thú cưng, khí thải ô tô… 
  • Vệ sinh nơi ở sạch sẽ để hạn chế các chất gây ô nhiễm
  • Thường xuyên luyện tập thể dục không chỉ tăng cường sức bền cho cơ thể mà còn giúp cải thiện đáng kể dung tích phổi
  • Giữ ấm đường hô hấp khi sinh hoạt trong môi trường có không khí lạnh để tránh gây co thắt phế quản, khiến bạn khó thở hơn. 
  • Tránh để nhiễm trùng hô hấp bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị cảm lạnh hoặc cúm
  • Tham gia tiêm phòng cúm và viêm phổi do phế cầu khuẩn đầy đủ vì bệnh nhân khí phế thũng thường có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến những bệnh lý này

Tóm lại, khí phế thũng là một tình trạng mạn tính và không có khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát tốt nhờ vào các phương pháp điều trị. Người bệnh hoàn toàn có thể duy trì chất lượng cuộc sống bình thường. 

Điều quan trọng là bệnh cần được phát hiện sớm và có hướng điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác 10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác
Các bệnh lý khác

10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác

Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết
Các bệnh lý khác

Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết

Cúm A nên uống gì? 7 đồ uống giúp nhanh hồi phục, giảm triệu chứng Cúm A nên uống gì? 7 đồ uống giúp nhanh hồi phục, giảm triệu chứng
Các bệnh lý khác

Cúm A nên uống gì? 7 đồ uống giúp nhanh hồi phục, giảm triệu chứng

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK