Những điều bạn cần biết về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một vấn đề đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc cao. Bệnh tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vậy hội chứng ruột kích thích là bệnh gì? Làm thế nào để phát hiện, chẩn đoán và điều trị hội chứng này? Hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie tìm hiểu chi tiết về hội chứng ruột kích thích nhé.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà khi thăm khám, làm xét nghiệm không nhận thấy bất kỳ tổn thương về tổ chức sinh hóa hay giải phẫu nào ở ruột. Hội chứng này còn được biết đến với các tên gọi khác như viêm đại tràng chức năng, viêm đại tràng mạn tính hay viêm đại tràng co thắt.
Theo thống kê, đây là một trong những căn bệnh về đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc tương đối cao, ảnh hưởng đến 5 – 20% dân số thế giới. Ở Việt Nam, nghiên cứu khảo sát bệnh tiêu hóa tại khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai năm 2004 cho thấy, hội chứng ruột kích thích chiếm 83,4% trong tổng số các bệnh lý đại trực tràng và hậu môn.
Hội chứng ruột kích thích thường được chia làm 4 dạng:
IBS-D: Biểu hiện tiêu chảy chiếm ưu thế, bệnh nhân thường đi phân lỏng, nhiều nước
IBS-C: Biểu hiện táo bón chiếm ưu thế, phân của bệnh nhân cứng và vón cục
IBS-M: Bệnh nhân biểu hiện cả hai tình trạng tiêu chảy và táo bón
IBS: Không phân loại
Triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Trong đó, đau bụng, táo bón và tiêu chảy là 3 triệu chứng chính thường gặp.
Đau bụng
Đau bụng thường là biểu hiện đầu tiên bệnh nhân gặp phải khi mắc hội chứng này. Người bệnh có thể không xác định được vị trí đau cụ thể hoặc bị đau dọc khung đại tràng. Đặc biệt, triệu chứng đau sẽ dữ dội hơn trong lúc ăn hoặc sau khi ăn và thuyên giảm sau khi đi đại tiện.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là một dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột kích thích. Theo đó, bệnh nhân thường đi phân lỏng hoặc phân có nhiều nước nhiều lần trong ngày.
Táo bón
Táo bón cũng là một dấu hiệu nhận biết hội chứng ruột kích thích. Người bệnh sẽ đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần, phân thường cứng, vón cục và khó di chuyển ra ngoài. Bệnh nhân phải dùng hết sức để tống xuất phân, đồng thời thường có cảm giác không thể làm rỗng ruột hoàn toàn.
Đọc thêm
Warning: Illegal string offset 'url' in /bitnami/wordpress/wp-content/themes/bowtie-blog-vietnam/template-parts/post--acf-component.php on line 99
Notice: Uninitialized string offset: 0 in /bitnami/wordpress/wp-content/themes/bowtie-blog-vietnam/template-parts/post--acf-component.php on line 99
Bên cạnh 3 triệu chứng cơ bản kể trên, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích có thể gặp thêm một số triệu chứng khác như:
Đầy hơi, nặng bụng
Chất nhầy trong phân
Mệt mỏi, suy nhược, thiếu năng lượng
Đau lưng
Mất ngủ, đau đầu
Chán ăn, sụt cân
Các triệu chứng rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được chứng minh có liên quan đến nguy cơ mắc hội chứng này, bao gồm:
Yếu tố di truyền
Căng thẳng thần kinh kéo dài
Chế độ ăn uống, không dung nạp một số loại thực phẩm
Tổn thương dây thần kinh trong đường tiêu hóa
Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc kháng axit, thuốc giảm đau…
Thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt
Thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột
Đặc biệt, hội chứng ruột kích thích dễ xảy ra ở một số đối tượng như:
Người dưới 50 tuổi
Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới
Người có tiền sử gia đình bị hội chứng ruột kích thích
Người thường xuyên lo âu, căng thẳng tâm lý
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích tuy không quá nguy hiểm nhưng vẫn có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như:
Ứ đọng phân trong đường tiêu hóa:Hội chứng ruột kích thích với biểu hiện táo bón lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng phân bị ứ đọng trong đại tràng, từ đó có thể làm tổn thương ruột.
Không hấp thu được một số chất dinh dưỡng: Người bệnh có thể gặp vấn đề trong việc hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Trĩ: Tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài có thể làm tăng nguy cơ bị trĩ.
Giảm chất lượng cuộc sống:Các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón liên tục hoặc kéo dài có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người mắc hội chứng ruột kích thích làm việc kém hiệu quả hơn những người bình thường.
Rối loạn cảm xúc: Việc phải đối mặt với các triệu chứng của bệnh có thể dẫn đến lo lắng hoặc trầm cảm.
Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, không có xét nghiệm đặc hiệu nào giúp chẩn đoán chính xác hội chứng ruột kích thích. Để xác định bệnh lý này, các bác sĩ thường sẽ khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, khám sức khỏe lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác. Sau khi đã loại trừ hết các nguyên nhân khác, bác sĩ có thể sử dụng một trong các tiêu chí chẩn đoán hội chứng ruột kích thích sau:
Tiêu chuẩn Rome II: Theo đó, các tiêu chuẩn dùng để chẩn đoán hội chứng này bao gồm: đau bụng hoặc khó chịu ở bụng trung bình 1 ngày mỗi tuần trong 3 tháng liên tiếp, thay đổi hình dạng khuôn phân, thay đổi số lần đi đại tiện…
Phân loại hội chứng ruột kích thích: Với mục đích điều trị, các bác sĩ sẽ chia hội chứng ruột kích thích thành 4 dạng khác nhau là IBS, IBS-D, IBS-C và IBS-M.
Một số kiểm tra, xét nghiệm có thể được chỉ định để giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác và khẳng định chẩn đoán, bao gồm:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn
Chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp dạ dày – ruột, chụp đại tràng có cản quang kép, chụp X-quang khung đại tràng, siêu âm, chụp cắt lớp bụng
Xét nghiệm khả năng dung nạp lactose hoặc fructose
Test hơi thở
Nội soi đại trực tràng hoặc nội soi đường tiêu hóa
Sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích không quá nguy hiểm nhưng dễ tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là những phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích hiện nay:
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng kéo dài sẽ khiến cho hội chứng ruột kích thích trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, người bệnh cần cố gắng thư giãn tinh thần, giữ một tâm lý thoải mái, đừng quá lo âu. Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thực hiện các phương pháp giúp giải tỏa căng thẳng như yoga, thiền, các bài tập thở…
Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hội chứng ruột kích thích. Theo đó, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn, uống nhiều nước, đồng thời hạn chế một số thực phẩm có thể khiến triệu chứng bệnh xuất hiện. Người bệnh cũng nên chia nhỏ bữa ăn thay vì ăn nhiều bữa lớn trong ngày.
Ngoài ra, việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng giúp bệnh nhân sống khỏe cùng hội chứng ruột kích thích, bao gồm:
Tập thể dục thường xuyên
Bỏ hút thuốc
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
Sử dụng thuốc
Nếu các phương pháp trên không giúp kiểm soát hội chứng ruột kích thích thì bệnh nhân có thể cần dùng đến thuốc. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc khác nhau như thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc nhuận tràng, thuốc chống co thắt, thuốc giảm đau…
Câu hỏi thường gặp về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn hội chứng ruột kích thích. Bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần và có quá trình điều trị kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát và ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng bệnh bằng cách thay đổi lối sống và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích nên ăn gì, kiêng gì?
Theo các chuyên gia, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống:
Thực phẩm sạch, an toàn, không chứa chất bảo quản
Trái cây như chuối, việt quất, bưởi, kiwi, chanh, cam, dâu tây…
Rau củ như măng, giá đỗ, cà rốt, hẹ, cà tím, khoai tây…
Quả hạch và các loại hạt
Ngũ cốc như yến mạch, cám gạo, ngô…
Ngoài ra, người mắc hội chứng ruột kích thích nên hạn chế:
Sữa và các sản phẩm từ sữa vì chứa lactose
Thực phẩm chứa nhiều fructose, fructans, GOS
Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn
Thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng
Chất kích thích như rượu, bia, cà phê
Trên đây là những thông tin chi tiết về hội chứng ruột kích thích. Nếu đã được chẩn đoán mắc hội chứng này, bệnh nhân nên cố gắng thay đổi lối sống và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.