Hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản gồm những gì? Quy trình nộp hồ sơ
Bảo hiểm thai sản giúp bạn giảm bớt một phần gánh nặng tài chính khi mang thai, đi sinh và chăm sóc bé sơ sinh. Việc nắm rõ bảo hiểm thai sản chi trả cho những trường hợp nào, hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản gồm những gì và quy trình nộp ra sao sẽ giúp bạn đảm bảo nhận được đầy đủ quyền lợi.
Bảo hiểm thai sản là một loại bảo hiểm tự nguyện hỗ trợ mẹ bầu chi trả các chi phí khi mang thai và đi sinh như chi phí khám thai, phí sinh thường và sinh mổ, phí điều trị biến chứng thai sản… tại hầu hết các bệnh viện trên cả nước. Nếu bạn đang có kế hoạch đón thiên thần nhỏ, bảo hiểm thai sản sẽ là “người bạn đồng hành” giúp san sẻ gánh nặng kinh tế khi sinh nở cho bạn đấy.
Vậy bảo hiểm thai sản chi trả cho những trường hợp nào? Hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản ra sao và quy trình nộp như thế nào? Cùng Bowtie tìm hiểu thêm về hồ sơ và quy trình nhận bảo hiểm thai sản để quá trình yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm của bạn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn nhé!
Bảo hiểm thai sản chi trả cho những trường hợp nào?
Tương tự như những loại bảo hiểm sức khỏe khác, hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản không phải lúc nào cũng được chấp thuận dù bạn đã đóng tiền tham gia đầy đủ. Để đảm bảo nhận được tiền bảo hiểm, bạn cần chú ý thỏa mãn các điều kiện chi trả bảo hiểm sau:
1. Hợp đồng bảo hiểm đã qua thời gian chờ
Đối với bảo hiểm thai sản, một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc bạn có được chi trả tiền bảo hiểm hay không chính là thời gian chờ. Thời gian chờ là quãng thời gian mà nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra (mang thai hay sinh con) thì công ty bảo hiểm sẽ không chi trả quyền lợi bảo hiểm như đã cam kết.
Chương trình bảo hiểm thai sản của từng công ty sẽ có thời gian chờ mang thai và sinh con khác nhau, thường là 7 – 12 tháng từ khi bắt đầu hợp đồng. Điều này có nghĩa là nếu bạn “cấn bầu” trong quãng thời gian này thì sẽ không nhận được phúc lợi từ bảo hiểm. Đối với những hồ sơ nhận bảo hiểm có quyền lợi chi trả cho biến chứng thai sản, thời gian chờ thường là 90 ngày kể từ ngày bảo hiểm có giá trị. Bạn hãy nhớ rằng, để được chi trả quyền lợi bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm của bạn phải qua thời gian chờ nhé.
2. Sự kiện bảo hiểm không thuộc trường hợp loại trừ
Không phải trường hợp nào cũng được bảo hiểm thai sản chi trả quyền lợi. Ngay cả khi hợp đồng bảo hiểm đã qua thời gian chờ nhưng nếu bạn thuộc trường hợp loại trừ của bảo hiểm thai sản thì cũng không được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Theo đó, các trường hợp loại trừ có thể kể đến như:
Người được bảo hiểm cố tình gây thương tích hoặc có những hành động làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể của bản thân
Người được bảo hiểm bị tác động bởi chất kích thích, chất gây nghiện, thuốc không được bác sĩ kê đơn, rượu bia… và những ảnh hưởng này là nguyên nhân gây nên sự kiện bảo hiểm
Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, bạo loạn
Tử vong do các sự cố sai sót y khoa trong quá trình can thiệp thai sản và điều trị khắc phục hậu quả
Thuốc hỗ trợ điều trị (không phải thuốc điều trị chính có chỉ định của bác sĩ), thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học, các loại vitamin tăng cường sức khỏe
Kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm kiểm tra sức khỏe tổng quát hay khám thai định kỳ trừ khi trong hợp đồng có thỏa thuận khác
Khám, xét nghiệm, nằm viện hoặc tư vấn y tế chỉ với mục đích kiểm tra, tầm soát mà không có chỉ định của bác sĩ
Xét nghiệm theo yêu cầu hoặc chỉ định của bác sĩ nhưng chỉ mang tính chất kiểm tra, tầm soát hay dự phòng
Các chi phí bất hợp lý mà không tuân theo quy trình điều trị và các chỉ định của bác sĩ hoặc không cần thiết về mặt y tế
Bạn hãy lưu ý rằng, điều khoản loại trừ của mỗi chương trình bảo hiểm thai sản là khác nhau. Vì vậy, bạn cần đọc hợp đồng bảo hiểm của mình thật kỹ để biết chính xác những khoản loại trừ này nhé. Nếu bạn không thuộc trường hợp loại trừ và thỏa mãn thêm các yêu cầu khác thì sẽ được chi trả quyền lợi bảo hiểm.
3. Chi phí y tế phát sinh nằm trong phạm vi và quyền lợi bảo hiểm được chi trả
Ngoài việc hợp đồng bảo hiểm qua thời gian chờ cũng như sự kiện bảo hiểm không thuộc điều khoản loại trừ, bạn cũng cần đảm bảo các chi phí y tế phát sinh trong quá trình mang thai và sinh nở nằm trong phạm vi và quyền lợi bảo hiểm được chi trả. Mỗi công ty bảo hiểm sẽ có những quy định khác nhau nhưng phạm vi và quyền lợi bảo hiểm thai sản thường bao gồm:
Chi phí sinh thường và sinh mổ: Bảo hiểm thai sản chi trả các chi phí y tế cho dịch vụ sinh thường và sinh mổ, bao gồm các chi phí đỡ đẻ, phí nằm viện, phí cho bác sĩ chuyên khoa, phí cắt may tầng sinh môn ngoại trừ may thẩm mỹ, chăm sóc mẹ trước và sau khi sinh… Tuy nhiên, đối với sinh mổ, bảo hiểm thường chỉ chi trả cho trường hợp cần sinh mổ do bác sĩ chỉ định, không bao gồm trường hợp sinh mổ theo yêu cầu của người mua bảo hiểm.
Chi phí phát sinh do biến chứng thai sản: Các chi phí y tế phát sinh do biến chứng trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh thường nằm trong diện bảo hiểm. Một số biến chứng thai sản có thể được bảo hiểm là phá thai bệnh lý, thai trứng, thai ngoài tử cung, sót nhau, băng huyết, tiền sản giật, sản giật, đẻ chỉ huy, sinh non…
Chi phí chăm sóc trẻ sơ sinh: Một số bảo hiểm có thể sẽ chi trả chi phí y tế điều trị nội trú cần thiết cho trẻ sơ sinh liên quan đến những triệu chứng xuất hiện khi sinh hoặc trong một khoảng thời gian nhất định sau khi sinh với điều kiện người mẹ vẫn nằm viện.
Giấy tờ hưởng bảo hiểm thai sản do người được bảo hiểm hay người đại diện hợp pháp của người được bảo hiểm thu thập và cung cấp cho công ty bảo hiểm. Khi nộp hồ sơ nhận tiền bảo hiểm thai sản, bạn phải gửi toàn bộ các chứng từ, tài liệu bản chính và thông tin liên quan cho công ty bảo hiểm kể cả các chứng từ, tài liệu liên quan được đăng ký tại cơ sở y tế hoặc bên bán bảo hiểm khác.
Nếu bạn chỉ nộp bản sao y bản chính hợp lệ, công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để kiểm tra. Một số loại giấy tờ cần có để thực hiện quy trình nhận bảo hiểm thai sản có thể là:
Giấy yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm (có thể dùng mẫu của công ty bảo hiểm)
Giấy chứng nhận bảo hiểm
Giấy tờ chứng minh quyền thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm hợp pháp. Nếu người được bảo hiểm ủy quyền cho người khác nhận thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp.
Giấy ra viện
Giấy chứng nhận phẫu thuật (nếu phải phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ)
Giấy chuyển viện (nếu có chuyển viện)
Chỉ định hoặc kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (nếu có)
Sổ khám bệnh/đơn thuốc ghi rõ chẩn đoán, kết luận bệnh và chỉ định điều trị
Các chứng từ y tế như báo cáo y tế, lịch sử bệnh, bệnh án, tóm tắt bệnh án, tình trạng khi xuất viện… Các chứng từ y tế này phải có đầy đủ thông tin của người được bảo hiểm, thủ tục hành chính về việc thăm khám, sinh nở theo quy định của Bộ Y tế.
Chứng từ thanh toán như hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu tiền bảo hiểm và các loại tem, vé khác.
Các giấy tờ cần thiết khác liên quan đến việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng của bạn.
Bạn cần lưu ý rằng, quy định về hồ sơ lấy bảo hiểm thai sản của mỗi công ty sẽ có sự khác nhau. Vì vậy, bạn nên tham khảo hợp đồng hoặc hỏi kỹ nhân viên tư vấn khi tìm hiểu về các chương trình bảo hiểm thai sản.
Ngoài ra, bạn chỉ cần nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản cho trường hợp ứng tiền trước, nhận bồi thường sau. Đối với trường hợp bảo lãnh viện phí, bạn sẽ không cần nộp giấy tờ. Nếu các hóa đơn, chứng từ thanh toán bằng tiếng nước ngoài, bạn cần nộp kèm một bản dịch tiếng Việt có công chứng.
Bạn cần nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản ở đâu?
Phương thức nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm của bạn. Thông thường, bạn có thể đến công ty bảo hiểm để nộp giấy tờ nhận bảo hiểm thai sản trực tiếp hoặc nộp qua ứng dụng điện thoại/website của công ty.
Thời gian nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản là bao lâu?
Thông thường, công ty bảo hiểm sẽ cho bạn một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị và nộp giấy tờ nhận bảo hiểm thai sản. Bạn có thể tham khảo thời hạn thông báo sự kiện bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản và thời hạn nhận bảo hiểm thông thường như sau:
Thời hạn thông báo sự kiện bảo hiểm: Bạn cần thông báo sự kiện bảo hiểm bằng văn bản cho công ty bảo hiểm trong khoảng 30 ngày kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.
Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm: Thời hạn nộp yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là khoảng một năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, không tính đến thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng khách quan.
Thời hạn trả tiền bảo hiểm: Công ty bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về thời hạn trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm thường sẽ chi trả cho bạn trong 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Quy trình nộp và nhận bảo hiểm thai sản như thế nào?
Việc nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản chỉ áp dụng cho trường hợp ứng tiền trước, nhận bồi thường sau. Nếu đến khám, sinh nở tại các bệnh viện liên kết thì bạn có thể sử dụng thẻ do công ty bảo hiểm cấp để thanh toán các chi phí trong phạm vi và hạn mức bảo hiểm (bảo lãnh viện phí). Mỗi hợp đồng sẽ quy định cách nộp và nhận bảo hiểm thai sản riêng. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo quy trình nhận bảo hiểm thai sản sau:
Bước 1: Sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra (thường là sau khi sinh xong), bạn cần thông báo về sự kiện bảo hiểm bằng văn bản cho công ty bảo hiểm trong thời gian quy định.
Bước 2: Bạn thu thập các chứng từ, hóa đơn chi phí y tế phát sinh để nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản. Sau đó, bạn có thể nộp hồ sơ này tại công ty bảo hiểm hoặc qua ứng dụng/website.
Bước 3: Bạn có thể cần bổ sung hồ sơ nếu công ty bảo hiểm yêu cầu. Công ty bảo hiểm sẽ phải thông báo cho người tham gia về việc có chi trả bảo hiểm hay không trong thời gian quy định.
Bước 4: Nếu hồ sơ không có vấn đề gì, công ty bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm ngay sau khi bạn xác nhận phương án bồi thường.
Bảo hiểm thai sản giúp bạn san sẻ gánh nặng tài chính khi sinh con để mẹ và bé được hưởng thật nhiều dịch vụ chu đáo. Để có thể nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ bảo hiểm, bạn cần hiểu hồ sơ nhận bảo hiểm thai sản gồm giấy tờ gì, quy trình nộp ra sao và thời hạn nộp thế nào. Khi đã nắm rõ thông tin, bạn sẽ càng vững vàng trong hành trình chào đón bé yêu đấy.
Nguồn tham khảo
1Quy tắc bảo hiểm chăm sóc sức khỏe - Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội
2Bảo hiểm Thai sản của VBI-Sinh con với chi phí 0đ
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.