Bệnh thận - tiết niệu
Bệnh thận - tiết niệu

Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết

Tình trạng hẹp niệu đạo làm giảm hoặc ngăn chặn dòng nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể, từ đó gây nên nhiều vấn đề tiểu tiện như đau khi đi tiểu, dòng nước tiểu yếu, không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn… Nếu kéo dài, bệnh có thể gây bí tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các biến chứng khác.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-14
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Hẹp niệu đạo là gì?Triệu chứng hẹp niệu đạoNguyên nhân gây hẹp niệu đạo là gì?Hẹp niệu đạo có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán hẹp niệu đạoPhương pháp điều trị hẹp niệu đạoCách phòng ngừa hẹp niệu đạoCâu hỏi thường gặp về bệnh hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết

Vậy hẹp niệu đạo là gì? Bệnh có những biểu hiện nào? Làm sao để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh? Trong bài viết dưới đây, Bảo hiểm trực tuyến Bowtie sẽ tổng hợp một số thông tin để giúp bạn hiểu hơn về hẹp niệu đạo nhé. 

Hẹp niệu đạo là gì?

Hẹp niệu đạo là tình trạng giảm không gian và diện tích ở một đoạn hoặc toàn bộ niệu đạo, thường do tổ chức xơ hóa (sẹo xơ) gây ra. Sẹo có thể hình thành ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo, gây hẹp ống dẫn nước tiểu và ngăn chặn dòng nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Dòng nước tiểu bị cản trở có khả năng gây ra nhiều vấn đề ở đường tiết niệu, bao gồm viêm và nhiễm trùng đường tiểu. 

Dựa vào vị trí bị ảnh hưởng mà hẹp niệu đạo được chia làm 2 dạng chính là:

  • Hẹp niệu đạo sau: Hẹp niệu đạo sau xảy ra ở khoảng 2,5 – 5cm đầu tiên của niệu đạo (tính từ bàng quang). Tình trạng này thường do các chấn thương gây gãy xương chậu hoặc các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt và các bệnh lý đường tiết niệu khác gây ra.
  • Hẹp niệu đạo trước: Hẹp niệu đạo trước xảy ra ở đoạn niệu đạo cuối cùng, cách bàng quang khoảng 23 – 25cm. Tình trạng này thường do các chấn thương trực tiếp ở dương vật, cơ quan sinh dục hoặc do đặt ống thông tiểu.

Triệu chứng hẹp niệu đạo

Niệu đạo được ví von giống như “một vòi nước”. Theo đó, khi vòi nước có sự gấp khúc hoặc bị hẹp, dù ngắn hay dài, đều có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy của nước tiểu và gây ra các triệu chứng như: 

  • Dòng nước tiểu yếu, chảy chậm hoặc giảm
  • Không còn khả năng phun dòng nước tiểu ở nam giới
  • Không thể làm trống bàng quang hoàn toàn
  • Gặp khó khăn, căng thẳng hoặc đau khi đi tiểu
  • Tăng nhu cầu đi tiểu hoặc tiểu thường xuyên hơn
  • Nước tiểu có máu hoặc sẫm màu
  • Máu xuất hiện trong tinh dịch
  • Đau ở bụng dưới và vùng chậu
  • Sưng dương vật ở nam giới
  • Mất kiểm soát bàng quang
  • Dễ bị nhiễm trùng đường tiết  niệu

Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo là gì?

Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây hẹp niệu đạo không được xác định rõ. Ngược lại, ở những trường hợp khác, người bệnh có thể bị hẹp niệu đạo do: 

  1. Chấn thương niệu đạo hoặc vùng chậu
  2. Các thủ thuật y tế liên quan đến việc đưa một dụng cụ vào niệu đạo, chẳng hạn như ống nội soi
  3. Đặt ống thông liên tục hoặc lâu dài để dẫn lưu nước tiểu
  4. Bị nhiễm trùng niệu đạo nhiều lần, chẳng hạn như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm niệu đạo…
  5. Mắc bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt) hoặc thực hiện các phẫu thuật để điều trị bệnh lý này
  6. Các khối u ở niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt
  7. Xạ trị
  8. Thiếu hụt nội tiết tố
Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo
Việc đặt ống thông tiểu trong thời gian dài có thể gây hẹp niệu đạo.

Hẹp niệu đạo có nguy hiểm không?

Tình trạng hẹp niệu đạo làm giảm hoặc ngăn chặn dòng nước tiểu, nếu kéo dài có thể gây bí tiểu. Lúc này, người bệnh không đi tiểu được hoặc chỉ đi tiểu với một lượng rất ít, nhỏ giọt. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có khả năng gây tổn thương bàng quang hoặc thận vĩnh viễn. Một số trường hợp bị hẹp niệu đạo nghiêm trọng có thể gây suy thận.

Ngoài ra, hẹp niệu đạo còn dẫn đến một số biến chứng khác nếu không được điều trị hiệu quả, chẳng hạn như:

  • Làm dày thành bàng quang
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Viêm mào tinh hoàn
  • Thận ứ nước
  • Áp xe quanh niệu đạo
  • Sỏi thận, bàng quang hoặc sỏi niệu đạo

Phương pháp chẩn đoán hẹp niệu đạo

Để chẩn đoán hẹp niệu đạo, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi bệnh sử, các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải và tiến hành kiểm tra lâm sàng để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm, bao gồm:

  • Nội soi niệu đạo: Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ có gắn thiết bị ghi hình vào niệu đạo. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ quan sát cấu tạo bên trong niệu đạo và phát hiện vị trí bị hẹp. 
  • Chụp niệu đạo ngược dòng (RUG) có cản quang: Một loại thuốc cản quang sẽ được đưa vào niệu đạo của người bệnh. Sau đó, bác sĩ tiến hành chụp X-quang để quan sát hình ảnh của niệu đạo và xác định số lượng chỗ hẹp, vị trí bị hẹp, mức độ hẹp… Đôi khi, chụp niệu đạo ngược dòng sẽ được kết hợp với chụp niệu đạo xuôi dòng.
  • Đo niệu dòng đồ: Phương pháp này được thực hiện để đo tốc độ dòng nước tiểu, lượng nước tiểu được thải ra ngoài cũng như thời gian đi tiểu, từ đó giúp bác sĩ đánh giá chức năng của đường tiểu dưới (gồm bàng quang và niệu đạo). Với bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, tốc độ dòng nước tiểu sẽ giảm và người bệnh thường mất nhiều thời gian hơn để làm rỗng bàng quang.
  • Siêu âm: Siêu âm giúp bác sĩ quan sát hình ảnh của hệ tiết niệu và đánh giá lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang của bệnh nhân sau khi vừa đi tiểu xong. 

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thực hiện các kiểm tra khác như phân tích nước tiểu, nuôi cấy nước tiểu, xét nghiệm máu… để củng cố, khẳng định chẩn đoán hẹp niệu đạo.

Bài viết liên quan:

Phương pháp điều trị hẹp niệu đạo

Phương pháp điều trị hẹp niệu đạo sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên vị trí, số lượng và độ dài của vết hẹp. Theo đó, các phương pháp điều trị hẹp niệu đạo thường được áp dụng là: 

  • Nong niệu đạo: Với phương pháp này, bác sĩ sử dụng que nong, bóng hoặc các dụng cụ khác để mở rộng vị trí niệu đạo bị hẹp. Tuy nhiên, phương pháp nong niệu đạo không điều trị triệt để bệnh nên sẽ phải thực hiện nhiều lần. 
  • Nội soi cắt đoạn hẹp: Một ống nội soi sẽ được đưa vào vị trí bị hẹp ở niệu đạo của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ dùng lưỡi dao hoặc tia laser gắn ở đầu ống nội soi để loại bỏ đoạn hẹp và đặt vào đó một ống thông nhằm giúp bệnh nhân thải nước tiểu cho đến khi vết thương lành lại. Cuối cùng, bác sĩ tiến hành loại bỏ ống thông này.
  • Đặt stent niệu đạo: Một stent kim loại có thể được đưa vào niệu đạo thông qua ống nội soi để giúp mở rộng lòng niệu đạo bị hẹp. Dù là phương pháp ít xâm lấn nhưng đặt stent niệu đạo chỉ phù hợp với một số bệnh nhân.
  • Phẫu thuật tạo hình niệu đạo: Nhiều phẫu thuật tạo hình niệu đạo khác nhau có thể được lựa chọn để điều trị hẹp niệu đạo, tùy vào vị trí và độ dài của chỗ hẹp. Nếu đoạn hẹp ngắn, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật cắt nối hai đầu. Nếu đoạn hẹp dài hoặc không thể cắt nối, một tổ chức mô (da ở thân dương vật, niêm mạc miệng…) có thể được sử dụng để mở rộng vị trí hẹp. 
Phương pháp điều trị hẹp niệu đạo
Dụng cụ được dùng để nong niệu đạo.

Cách phòng ngừa hẹp niệu đạo

Về cơ bản, chúng ta có thể phòng ngừa và giảm thiểu khả năng bị hẹp niệu đạo bằng cách:

  • Thận trọng để hạn chế các chấn thương ở niệu đạo và vùng chậu
  • Thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Không tự thông tiểu tại nhà
  • Nếu bị nhiễm trùng đường tiểu, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả

Câu hỏi thường gặp về bệnh hẹp niệu đạo

Vì sao nam giới dễ bị hẹp niệu đạo hơn nữ giới?

Niệu đạo của nam giới dài hơn phụ nữ nên có nhiều nguy cơ bị chấn thương hoặc gặp phải các bệnh lý gây hẹp niệu đạo hơn. Ngoài ra, việc niệu đạo của nam giới nằm bên ngoài cũng làm tăng nguy cơ này. 

Hẹp niệu đạo có thể quay trở lại sau điều trị không?

Tình trạng hẹp niệu đạo vẫn có thể “quay trở lại” sau khi điều trị, đặc biệt nếu bệnh nhân áp dụng phương pháp nong niệu đạo. Vì vậy, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh tiến hành theo dõi định kỳ ngay cả khi đã điều trị thành công. 

Khi bệnh quay trở lại, một số bệnh nhân không cần điều trị thêm. Nếu tình trạng này gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, bác sĩ thường chỉ định nong niệu đạo hoặc nội soi cắt đoạn hẹp. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo lần 2 có thể được thực hiện trong các trường hợp hẹp niệu đạo nghiêm trọng.

Trên đây là một số thông tin tổng quan về bệnh hẹp niệu đạo. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Vì sao sỏi thận gây đau lưng? Vì sao sỏi thận gây đau lưng?
Bệnh thận - tiết niệu

Vì sao sỏi thận gây đau lưng?

Những điều cần biết về bệnh sỏi thận Những điều cần biết về bệnh sỏi thận
Bệnh thận - tiết niệu

Những điều cần biết về bệnh sỏi thận

Tiểu không tự chủ: Tình trạng Tiểu không tự chủ: Tình trạng
Bệnh thận - tiết niệu

Tiểu không tự chủ: Tình trạng "khó nói" của nhiều người

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK