Vậy cụ thể, hen suyễn nguy hiểm như thế nào? Các biến chứng hen phế quản ra sao? Mời bạn cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh lý đường hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm và hẹp đường thở. Bệnh khiến các đường dẫn khí nhỏ ở phổi bị sưng lên, tăng tiết chất nhầy và làm co thắt các cơ xung quanh, từ đó gây cản trở sự lưu thông của không khí bên trong phổi. Triệu chứng phổ biến của hen suyễn là khó thở, thở khò khè, đau tức ngực và ho dai dẳng.
Hiện nay, bệnh hen suyễn được xem là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh đang không ngừng gia tăng trên toàn thế giới. Mặc dù bệnh thường được kiểm soát hiệu quả bằng cách dùng thuốc nhưng trong nhiều trường hợp, hen suyễn có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Một số bệnh nhân hen suyễn còn gặp phải các cơn hen nghiêm trọng gây ngưng thở và dẫn đến tử vong.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc hen phế quản chiếm khoảng 3,9% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người và mỗi năm có khoảng 3.000 – 4.000 người tử vong do căn bệnh này.
Để có câu trả lời rõ ràng hơn cho câu hỏi “Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?”, mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm về một số biến chứng mà bệnh nhân hen suyễn có thể gặp phải. Theo đó, nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh hen suyễn có khả năng dẫn đến các vấn đề sức khỏe sau:
Hen suyễn gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Bệnh nhân hen suyễn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, từ đó dẫn đến làm việc, học tập kém hiệu quả, đôi khi phải nghỉ học, nghỉ làm vì bệnh. Việc không thể hoạt động mạnh, gắng sức cũng ngăn cản người bệnh tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Một số triệu chứng hen suyễn còn có thể xuất hiện vào ban đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến bệnh nhân ngủ không ngon giấc hoặc không thể ngủ được. Đặc biệt, người bệnh luôn phải mang theo ống hít bên người để đề phòng trường hợp cơn hen xuất hiện bất cứ lúc nào.
Việc phải sống cùng với bệnh hen suyễn lâu dài có thể khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, lo lắng và sợ hãi, đặc biệt nếu các triệu chứng của bệnh xuất hiện thường xuyên hoặc nghiêm trọng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân hen suyễn có nguy cơ bị trầm cảm rất cao. Tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh không được kiểm soát tốt.
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ, kể cả thuốc điều trị hen suyễn. Đặc biệt, bệnh nhân dễ gặp phải các tác dụng không mong muốn nếu quá lạm dụng thuốc.
Chẳng hạn như, tác dụng phụ phổ biến của các thuốc ngăn ngừa hen suyễn corticosteroid dạng hít là khàn giọng, đau miệng, đau họng và nhiễm nấm ở họng. Trong khi đó, các thuốc cắt cơn hen có thể gây run, nhịp tim nhanh, nhức đầu…
Không những thế, một số loại thuốc còn gây ra các tác dụng phụ khác nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ vấn đề nào trong quá trình dùng thuốc, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định sử dụng các loại thuốc khác phù hợp hơn.
Nhiễm khuẩn phế quản là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị hen mạn tính. Thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm không khí cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới xâm nhập vào cơ thể của người bệnh. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn phế quản và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.
Tình trạng xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng có thể gặp phải ở khoảng 10% số bệnh nhân vào viện. May mắn là tình trạng này sẽ hồi phục khi hen suyễn được điều trị ổn định.
Khoảng 5% bệnh nhân bị hen mạn tính gặp phải tình trạng tràn khí màng phổi hoặc tràn khí trung thất. Lúc này, các phế nang phổi bị giãn rộng, tại vùng phế nang giãn, mạch máu thưa thớt và nuôi dưỡng kém, từ đó làm tăng áp lực bên trong phế nang.
Với trường hợp này, nếu người bệnh làm việc gắng sức hoặc ho mạnh, thành phế nang có thể bị bục vỡ. Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi hoặc tràn khí trung thất cần được cấp cứu ngay lập tức. Tình trạng tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân phổ biến gây đột tử ở người bị hen phế quản.
Biến chứng này thường gặp ở bệnh nhân hen mạn tính đã chuyển nặng với các biểu hiện như khó thở khi gắng sức, tím tái liên tục, đau vùng hạ sườn phải, gan có thể to hoặc mấp mé bờ sườn…
Ở bệnh nhân hen suyễn, vách các phế nang trong phổi mất dần tính đàn hồi, phế nang trở nên yếu và dễ vỡ, từ đó gây tắc nghẽn đường dẫn khí và làm giảm khả năng trao đổi oxy, CO2. Điều này khiến bệnh nhân bị khó thở khi gắng sức, thở ra ít, ho khạc đờm nhiều, môi và đầu chi tím tái, thể tích khí cặn tăng, gọi chung là khí phế thũng.
Suy hô hấp là một trong những biến chứng nguy hiểm của hen suyễn, có thể gặp phải ở những bệnh nhân bị hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy khó thở, tím tái liên tục, đôi khi ngừng thở và phải thở máy hỗ trợ. Nếu không được xử lý kịp thời, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
Tình trạng suy hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu oxy não, đôi khi gây ngừng hô hấp hoặc ngừng tim. Với những trường hợp này, người bệnh thường có cơn ngạt thở đột ngột, dẫn đến tăng CO2 trong máu và gây nên tình trạng nhiễm toan hỗn hợp. Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Khi lên cơn hen nghiêm trọng, kịch phát, nếu không được dùng thuốc hoặc xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị đột tử. Ngoài ra, các biến chứng nguy hiểm của bệnh hen suyễn kể trên cũng có khả năng đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Trên thực tế, bệnh nhân hen suyễn hoàn toàn có thể kiểm soát và sống khỏe cùng bệnh mà không gặp phải bất kỳ biến chứng nào. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, một số cách đơn giản sau đây cũng có thể giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh cùng hen suyễn:
Hy vọng các thông tin trong bài viết này đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?”. Trên thực tế, bệnh hen suyễn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát hiệu quả. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, đồng thời duy trì lối sống khoa học để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.