Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Bệnh giời leo có lây cho người khác không? Làm sao phòng ngừa?

Bệnh giời leo có thể xuất hiện ở tất cả những người từng bị thủy đậu với các triệu chứng gây đau đớn, khó chịu. Nhiều người mắc bệnh hoặc có người thân mắc bệnh tự hỏi “Người bị bệnh giời leo có lây cho người khác hay không và làm sao phòng ngừa?”. Tìm được đáp án cho câu hỏi này sẽ giúp bạn bớt lo lắng cũng như biết cách hạn chế được đáng kể khả năng mắc bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-24
Cập nhật ngày 2023-05-30
Nội dung chính
Tìm hiểu chung về bệnh giời leoBệnh giời leo có lây hay không?Virus varicella-zoster gây giời leo lây truyền qua các con đường nào?Đối tượng nào có nguy cơ cao phát triển giời leo khi nhiễm virus varicella-zoster?Biện pháp giúp phòng ngừa lây nhiễm virus varicella-zoster
Bệnh giời leo có lây cho người khác không? Làm sao phòng ngừa?

Bệnh giời leo có thể xảy ra nhiều lần ở một người, do virus gây thủy đậu tái hoạt động trên những người đã từng bị thủy đậu. Vậy bệnh giời leo có lây lan cho người khác không? Bạn có thể phòng tránh bệnh giời leo bằng cách nào? Hãy cùng Bowtie giải đáp các thắc mắc này qua bài viết sau đây nhé.

Tìm hiểu chung về bệnh giời leo

Bệnh giời leo (zona, zona thần kinh) do virus varicella-zoster (VZV) gây ra. Đây chính là loại virus gây bệnh thủy đậu. Virus vẫn trú ngụ bên trong cơ thể của người đã bị thủy đậu ở dạng bất hoạt trong nhiều năm. Sau đó, nếu gặp điều kiện thuận lợi (người bệnh bị suy giảm miễn dịch, gặp vấn đề về tâm lý…), virus có thể tái hoạt động và gây ra bệnh giời leo.

Triệu chứng đặc trưng ở người bệnh giời leo là phát ban đỏ rồi tiến triển thành các dải mụn nước với cảm giác ngứa và đau rát. Các dải mụn rộp thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, có thể ở mặt, ngực, lưng, bụng hoặc vùng chậu.

Bệnh giời leo không gây đe dọa đến tính mạng nhưng sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu. Biến chứng giời leo thường gặp nhất là đau dây thần kinh sau zona khi cơn đau vẫn tiếp tục kéo dài một khoảng thời gian dù bệnh nhân đã điều trị hết bệnh. Nếu bệnh ảnh hưởng đến vùng mặt xung quanh mắt có thể gây nhiễm trùng mắt và dẫn đến mất thị lực.

Bệnh giời leo có lây hay không?

“Bị giời leo có lây cho người khác hay không?” có lẽ là câu hỏi mà nhiều người bệnh và người thân đặt ra. Trên thực tế, bệnh giời leo sẽ không lây từ người sang người. Tuy nhiên, virus gây bệnh có thể lây truyền. 

Khi virus varicella-zoster lây từ người bệnh giời leo sang cho người chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine ngừa thủy đậu thì sẽ gây ra bệnh thủy đậu trước, không phải giời leo. Sau đó, virus có thể tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhiều năm và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động, dẫn đến bệnh giời leo.

Thời điểm bệnh nhân giời leo dễ lây truyền virus cho người khác nhất là khi các vùng da nổi ban đỏ bắt đầu chuyển sang mụn nước đến khi mụn vỡ ra và đóng vảy. Thời gian này thường kéo dài khoảng 7 – 10 ngày. Sau đó, khi các vùng da nổi mụn nước khô lại và đóng vảy thì bệnh nhân sẽ không còn khả năng truyền nhiễm virus cho người khác, có thể mất đến 2 – 4 tuần.

Bài viết liên quan:

Virus varicella-zoster gây giời leo lây truyền qua các con đường nào?

Virus varicella-zoster lây qua sự tiếp xúc trực tiếp với chất dịch bên trong các mụn nước của người bệnh giời leo. Điều này có nghĩa là, nếu bạn chạm lên vùng da bị ảnh hưởng hoặc dùng chung quần áo, đồ cá nhân có dính dịch nước của người bệnh thì có thể bị nhiễm virus. Trong một số trường hợp vô cùng hiếm hoi, virus này cũng lây lan bằng đường không khí thông qua dịch tiết của mụn nước hoặc dịch tiết đường hô hấp.

Vậy nên, mọi người nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh giời leo khi họ đang ở giai đoạn xuất hiện các nốt mụn nước chứa đầy dịch bên trong cho đến khi các nốt mụn nước khô lại và đóng mài, thành các vảy khô trên da.

Đối tượng nào có nguy cơ cao phát triển giời leo khi nhiễm virus varicella-zoster?

Những người từng bị thủy đậu đều có thể phát triển thành bệnh giời leo sau khi đã hết thủy đậu rất nhiều năm, đặc biệt là những nhóm đối tượng sau:

  • Người đã từng bị giời leo trước đó
  • Người lớn trên 50 tuổi, đặc biệt người lớn trên 60 tuổi có nguy cơ gặp phải biến chứng của bệnh rất cao
  • Mắc bệnh hoặc gặp phải các tình trạng sức khỏe gây suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS, ung thư, cấy ghép nội tạng…
  • Điều trị bệnh ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị
  • Đang dùng một số loại thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch như steroid, thuốc chống thải ghép…
  • Từng trải qua chấn thương trước đây
  • Đang bị căng thẳng, stress về cả thể chất và tâm lý
Giời leo có lây không và đối tượng dễ mắc bệnh
Người lớn tuổi dễ có khả năng phát triển bệnh giời leo khi trước đây từng mắc bệnh thủy đậu.

Biện pháp giúp phòng ngừa lây nhiễm virus varicella-zoster

Sau khi biết “Bệnh giời leo có lây không?”, bạn cũng nên tìm hiểu thêm một số biện pháp giúp phòng ngừa lây nhiễm virus varicella-zoster. Để hạn chế lây truyền virus cho người khác, bệnh nhân giời leo hãy chú ý:

  • Che chắn vùng da bị tổn thương: Khi vùng da nổi ban có dấu hiệu tiến triển thành các cụm, dải mụn nước, bệnh nhân nên thực hiện che chắn để tránh lây truyền virus cho người khác. Bạn nên lựa chọn các loại băng gạc chống dính và hạn chế việc băng cọ xát lên mụn nước vì có thể khiến chúng vỡ ra làm virus lan rộng.
  • Tránh chạm trực tiếp hoặc gãi lên vùng da tổn thương: Việc chạm hoặc gãi lên vùng da tổn thương có thể làm vỡ mụn nước, khiến bệnh lan rộng cũng như làm người khác có nguy cơ tiếp xúc với dịch nước nhiều hơn. Nếu bị ngứa, bạn có thể làm dịu cảm giác khó chịu bằng cách tắm mát hoặc chườm lạnh lên vùng bị tổn thương.
  • Rửa tay thường xuyên: Tay của bạn có thể đụng vào dịch nước trong các mụn rộp rồi sau đó chạm lên nhiều vị trí khác khiến các vị trí này bị nhiễm virus. Vì vậy, bạn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi chạm vào hoặc vệ sinh vùng da bị bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác: Bệnh nhân giời leo nên tránh tiếp xúc với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai chưa từng bị thủy đậu hoặc tiêm vaccine thủy đậu, trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc sinh non, người có hệ miễn dịch suy yếu…

Trong khi đó, những người không mắc bệnh cũng có thể áp dụng một số cách sau đây để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm virus varicella-zoster:

  • Tiêm vaccine ngừa virus varicella-zoster để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm nhẹ biến chứng đau dây thần kinh sau zona nếu có mắc bệnh
  • Tránh tiếp xúc với những người bị thủy đậu hoặc giời leo
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân, quần áo với người bị bệnh
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước
  • Vệ sinh không gian sống, nơi làm việc bằng các dung dịch có tính sát khuẩn, đặc biệt là những nơi mà bệnh nhân giời leo từng chạm vào
  • Tăng cường miễn dịch bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, luyện tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích
  • Vệ sinh mũi và họng thường xuyên

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết được bệnh giời leo có lây không và làm sao để phòng ngừa bệnh. Giời leo là một bệnh lý gây ra nhiều ngứa ngáy, đau đớn, khổ sở cho người bệnh. Nếu bạn thấy có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh giời leo, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Đồng thời, khi mắc bệnh, bạn nên lưu ý một số điểm để tránh lây nhiễm virus cho người khác nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Quả nhãn chứa bao nhiêu calo? Ăn nhãn có tốt cho sức khỏe không? Quả nhãn chứa bao nhiêu calo? Ăn nhãn có tốt cho sức khỏe không?
Kiến thức sức khỏe

Quả nhãn chứa bao nhiêu calo? Ăn nhãn có tốt cho sức khỏe không?

Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây! Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây!
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây!

Sốt xuất huyết có đau họng không? 7 cách giảm đau họng hiệu quả Sốt xuất huyết có đau họng không? 7 cách giảm đau họng hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Sốt xuất huyết có đau họng không? 7 cách giảm đau họng hiệu quả

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK