Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Những điều bạn chưa biết về bệnh giãn phế quản

Bệnh giãn phế quản khiến đường thở bị tổn thương, không thể làm sạch chất nhầy như bình thường nên dễ bị viêm nhiễm tái phát. Việc này có thể làm phổi bị tổn thương nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-05
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh giãn phế quản là gì?Triệu chứng giãn phế quảnNguyên nhân gây giãn phế quảnPhương pháp chẩn đoán giãn phế quảnPhương pháp điều trị giãn phế quảnCách phòng ngừa giãn phế quảnCâu hỏi thường gặp về giãn phế quản
Những điều bạn chưa biết về bệnh giãn phế quản

Vậy bệnh giãn phế quản là gì? Làm thế nào để phát hiện và điều trị kịp thời? Mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây nhé.

Bệnh giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là tình trạng xảy ra khi các ống dẫn không khí vào và ra khỏi phổi (phế quản) bị tổn thương, dẫn đến giãn rộng. Đường thở bị tổn thương không thể làm sạch chất nhầy như bình thường, từ đó khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển, gây viêm và làm tổn thương phổi nhiều hơn. Lúc này, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng thường xuyên. 

Triệu chứng giãn phế quản

Các triệu chứng giãn phế quản mà bệnh nhân có thể gặp phải là:

  • Ho dai dẳng nhiều tháng
  • Ho có nhiều đờm và chất nhầy
  • Cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát nhiều lần
  • Dịch nhầy hoặc hơi thở có mùi hôi
  • Vấn đề về xoang
  • Khó thở, thở khò khè
  • Tức ngực
  • Ho ra máu
  • Sưng các đầu ngón tay, móng tay cong xuống đáng kể (móng tay dùi trống)
  • Đau khớp

Người bệnh thường có những khoảng thời gian mà triệu chứng không xuất hiện hoặc không quá nặng xen kẽ với các đợt bùng phát (đợt cấp) khi triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Các triệu chứng giãn phế quản nghiêm trọng bao gồm:

  • Cực kỳ mệt mỏi, suy nhược
  • Sốt, ớn lạnh
  • Cảm giác khó thở gia tăng
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm

Nguyên nhân gây giãn phế quản

Giãn phế quản gồm hai giai đoạn tổn thương đường thở. Trong giai đoạn đầu tiên, tổn thương có thể do nhiễm trùng, viêm hoặc một tình trạng khác gây ảnh hưởng đến phổi. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 40% tổng số trường hợp giãn phế quản chưa xác định được nguyên nhân ban đầu cụ thể. Các tổn thương ban đầu này khiến bệnh nhân có xu hướng bị viêm và nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần, từ đó gây ảnh hưởng thêm cho phổi. 

Một số nguyên nhân có thể gây tổn thương ban đầu cho phế quản và phổi là:

  • Nhiễm trùng phổi khi còn bé, chẳng hạn như viêm phổi, ho gà… gây tổn thương phế quản
  • Xơ nang 
  • Nhiễm trùng mycobacteria
  • Rối loạn tự miễn hoặc viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, lupus…
  • Dị vật, khối u, hạch bạch huyết chèn ép đường thở và cản trở quá trình loại thải chất nhầy
  • Các tình trạng làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Rối loạn vận động lông mao nguyên phát
  • Cấy ghép nội tạng
  • Xơ hóa phế quản do bức xạ
  • Thiếu alpha-1 antitrypsin
  • Các bệnh ở phổi như hen suyễn, COPD…
  • Bệnh aspergillosis phế quản – phổi dị ứng
  • Bệnh bạch cầu và các bệnh ung thư liên quan
  • Thường xuyên hít phải thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi
  • Các vấn đề bẩm sinh ở phổi

Phương pháp chẩn đoán giãn phế quản

Để chẩn đoán giãn phế quản, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi tiền sử bệnh của bệnh nhân, những triệu chứng mà họ gặp phải và dùng ống nghe để nghe tim phổi. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán giãn phế quản hoặc để loại trừ các tình trạng khác có thể gây triệu chứng tương tự. Các kiểm tra, xét nghiệm này bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp cắt lớp vi tính ngực (CT ngực)
  • Xét nghiệm máu 
  • Xét nghiệm da PPD
  • Cấy đờm
  • Xét nghiệm chức năng phổi
  • Xét nghiệm di truyền
  • Kiểm tra clorua trong mồ hôi
  • Nội soi phế quản
Phương pháp chẩn đoán giãn phế quản

Phương pháp điều trị giãn phế quản

Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn giãn phế quản. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp làm giảm và kiểm soát triệu chứng của bệnh. Các phương pháp điều trị thường tập trung làm sạch đờm trong đường hô hấp, ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng có thể xảy ra. Các phương pháp điều trị sẽ bao gồm:

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị giãn phế quản nhằm loại bỏ đờm nhầy, tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm như:

  • Kháng sinh: Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp chính được sử dụng trong điều trị tình trạng nhiễm trùng phổi lặp đi lặp lại do giãn phế quản gây ra. 
  • Thuốc long đờm và làm loãng chất nhầy: Các thuốc này có tác dụng làm loãng chất nhầy để giúp bệnh nhân ho ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc giúp mở rộng đường thở để giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
  • Corticosteroid dạng hít: Corticosteroid dạng hít sẽ giúp giảm tình trạng viêm đường hô hấp. 

Phương pháp trị liệu

Phương pháp dẫn lưu đờm theo tư thế kết hợp vỗ rung có thể hỗ trợ bệnh nhân khạc đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Các bài tập thở cũng giúp mở rộng đường thở cho bệnh nhân.

Sử dụng các thiết bị hỗ trợ

Các thiết bị tạo áp suất thở dương có thể được sử dụng để phá vỡ và đưa chất nhầy ra khỏi phổi của bệnh nhân.

Liệu pháp oxy

Liệu pháp oxy được sử dụng để cung cấp oxy cho những bệnh nhân bị thiếu oxy máu. Liệu pháp này thường được thực hiện trong các đợt cấp.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để cải thiện bệnh. Theo đó, nếu bệnh nhân bị ho ra máu nặng hoặc dai dẳng, tắc do khối u… thì phẫu thuật cắt thùy phổi hoặc một bên phổi sẽ giúp kiểm soát tình trạng chảy máu. 

Cách phòng ngừa giãn phế quản

Bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm nguy cơ phát triển bệnh giãn phế quản: 

  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine như ho gà, cúm, bệnh do phế cầu khuẩn, sởi…
  • Điều trị hiệu quả các bệnh lý hiện có, đặc biệt là các bệnh ảnh hưởng đến phổi
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây tổn thương phổi như khói thuốc lá, bụi, không khí ô nhiễm…

Câu hỏi thường gặp về giãn phế quản

Bệnh giãn phế quản có lây không?

Giãn phế quản không phải bệnh truyền nhiễm và không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng cấu trúc phổi (phế quản) bị tổn thương, làm tích tụ chất nhầy và khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển, từ đó gây nhiễm trùng tái phát.

Giãn phế quản có nguy hiểm không?

Bệnh giãn phế quản nghiêm trọng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng. Một số biến chứng của bệnh là:

  • Suy hô hấp
  • Chảy máu đường thở nghiêm trọng gây ho ra máu
  • Kháng thuốc kháng sinh
  • Viêm phổi tái phát
  • Giảm nồng độ oxy trong máu
Ăn gì tốt cho bệnh giãn phế quản?

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh giãn phế quản hiệu quả hơn. Một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh. Ngược lại, nếu ăn uống không tốt, bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn. Theo đó, bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Chọn ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, thanh đạm, dễ tiêu hóa như gạo, đậu Hà Lan, kiều mạch, đậu nành, đậu phụ, trứng gà…
  • Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như củ sắn, bắp cải, mướp, bầu bí, ngó sen, lê, quýt, táo, dứa, mía, hồng, đào…
  • Thực phẩm có tác dụng nhuận phổi, giảm ho như hạnh nhân, hạt bí đao, hạch đào nhân…

Đồng thời, người bệnh nên kiêng ăn:

  • Thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ như ớt, hạt cải, hạt tiêu, mỡ động vật… vì sẽ kích thích niêm mạc đường thở và gây ho
  • Rượu bia vì có khả năng gây tê liệt trung khu hô hấp, dễ xuất hiện tình trạng khó thở
  • Đồ lạnh vì kích thích lạnh sẽ làm họng dễ bị viêm, gây ho và khiến bệnh nặng hơn

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về giãn phế quản. Đây là một bệnh lý về phổi mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nếu có phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu của giãn phế quản, bạn hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị hiệu quả nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa
Các bệnh lý khác

Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Các bệnh lý khác

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2 Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2
Các bệnh lý khác

Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK