Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn cầu, chiếm tỷ lệ 11%. Trung bình cứ khoảng 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.
Vậy đột quỵ là gì và nguy hiểm thế nào? Ai có nguy cơ mắc bệnh? Làm sao để phòng ngừa hiệu quả? Hãy cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Bệnh đột quỵ là gì?
Đột quỵ (đột quỵ não hay tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần của não bị giảm hoặc mất hoàn toàn do tắc, vỡ mạch máu não. Bệnh đột quỵ được chia thành hai dạng:
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ (nhồimáu não) là tình trạng mạch máu não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn, dẫn tới việc lưu lượng máu cung cấp tới não giảm đột ngột. Dạng này chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ.
Đột quỵ xuất huyết não là một dạng đột quỵ não hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số ca. Tình trạng này xảy ra khi các động mạch trong não bị nứt vỡ đột ngột, khiến máu chảy trong não hoặc xung quanh não, từ đó dẫn đến tổn thương não.
Dấu hiệu đột quỵ phổ biến
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ với tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh là vô cùng quan trọng nhằm giúp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và hạn chế tối đa di chứng sau hồi phục.
Tê hoặc mất cảm giác ở mặt, tay hoặc chân: Tình trạng này thường ảnh hưởng đến một bên cơ thể nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai bên. Người bệnh sẽ đột ngột mệt mỏi, cơ thể không còn sức lực. Khuôn mặt có thể xệ xuống một bên, không thể cười, miệng hoặc mắt bị sụp. Họ cũng không thể nhấc và giữ yên hai cánh tay qua khỏi đầu.
Khó nói chuyện và hiểu ý người khác: Giọng nói của bệnh nhân có thể thay đổi, khó nói, nói ngọng, phát âm không rõ chữ. Đôi khi, họ nhầm lẫn hoặc không thể hiểu lời người khác nói.
Vấn đề thị lực ở một hoặc cả hai mắt: Bệnh đột quỵ não có thể gây mất thị lực đột ngột, mắt mờ, không thấy rõ ở một hoặc cả hai mắt.
Đau đầu: Tình trạng đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, có hoặc không kèm theo nôn là một trong những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Vấn đề về đi lại: Bệnh nhân có thể bị hoa mắt, chóng mặt đột ngột, cơ thể mất thăng bằng hoặc không thể di chuyển theo ý muốn.
Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ là do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, gây gián đoạn quá trình vận chuyển máu nuôi dưỡng não và khiến các tế bào não bị chết.
Tình trạng tắc nghẽn thường do chất béo tích tụ (xơ vữa động mạch) hoặc do cục máu đông, các mảnh vụn khác di chuyển trong lòng mạch máu. Trong khi đó, tình trạng rò rỉ hoặc vỡ mạch máu có thể liên quan đến nhiều vấn đề như tăng huyết áp không được kiểm soát, điều trị bằng thuốc chống đông máu quá nhiều, các bệnh rối loạn đông máu, dị dạng mạch máu não, viêm mạch, khối tân sinh trong sọ, chấn thương…
Đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao
Bệnh lý về hệ thần kinh này thường xuất hiện phổ biến ở người trung và cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ lên đến 10-15%.
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ của một người:
Tuổi tác:Người trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ.
Giới tính: Nam giới có khả năng bị đột quỵ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ thường gặp phải tình trạng này ở độ tuổi lớn hơn và dễ tử vong do bệnh hơn nam giới.
Tiền sử bệnh của bản thân:Người mắc phải một số vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, cholesterol cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, Covid-19, từng bị đột quỵ, thiếu máu não cục bộ thoáng qua… có nguy cao bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Tiền sử bệnh gia đình: Nếu bạn có người thân từng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu não cục bộ thoáng qua thì nên cẩn thận với bệnh lý này.
Lối sống:Các yếu tố liên quan đến lối sống như béo phì, thừa cân, ít vận động, ít tập thể dục thể thao, uống nhiều rượu bia, dùng chất kích thích, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đột quỵ có nguy hiểm không? Các biến chứng của bệnh
Đột quỵ là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm bởi có thể gây hậu quả tạm thời hoặc vĩnh viễn, thường để lại những di chứng hết sức nặng nề, thậm chí là tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Thời gian hồi phục sau đột quỵ não có thể mất vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm.
Bệnh đột quỵ có khả năng để lại nhiều di chứng đi theo người bệnh đến suốt cuộc đời như:
Liệt hoặc mất khả năng vận động cơ
Khó nói hoặc khó nuốt, nói ngọng, méo miệng
Mất trí nhớ hoặc gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, phán đoán
Không biểu đạt hay kiểm soát được cảm xúc
Rối loạn hoạt động của bàng quang gây tiểu không tự chủ
Thay đổi tâm trạng, lo âu, trầm cảm
Phương pháp chẩn đoán
Ngoài việc quan sát các dấu hiệu nhận biết, khai thác tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp để chẩn đoán xác định bệnh đột quỵ, bao gồm:
Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu
Chụp cắt lớp vi tính sọ não
Chụp mạch não (CT mạch não)
Chụp cộng hưởng từ sọ não
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp mạch máu (CTA), chụp mạch cộng hưởng từ (MRA), chụp XQ ngực, chụp động mạch não qua da, siêu âm Doppler, đo điện tâm đồ (ECG) hoặc siêu âm tim
Phương pháp điều trị
Thời gian vàng để điều trị cho bệnh nhân là từ 3 – 6 tiếng. Vì vậy, khi thấy người bị đột quỵ não, bạn cần phải tiến hành các bước sơ cứu sau và đưa họ đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
Đỡ hoặc dìu người bệnh, tránh té ngã gây tổn thương
Gọi điện thoại cho cấp cứu 115
Trong thời gian chờ đợi, bạn để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, hơi nghiêng người sang một bên nếu bị nôn. Hãy dùng tay làm sạch hết đàm, nhớt trong miệng của người bệnh để họ dễ thở, tránh gây ngạt.
Bạn cần thường xuyên kiểm tra xem bệnh nhân còn thở không. Nếu không, hãy tiến hành hồi sức tim phổi. Trong trường hợp người bị đột quỵ khó thở, hãy nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo không cần thiết.
Trò chuyện và trấn an bệnh nhân, có thể đắp chăn cho họ để giữ ấm
Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay hoặc cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào
Khi xe cấp cứu đến, bạn cần nói lại tất cả triệu chứng mà người bệnh gặp phải cho nhân viên y tế
Phác đồ điều trị tại bệnh viện sẽ phụ thuộc vào dạng đột quỵ mà bệnh nhân gặp phải:
Đối với đột quỵ do thiếu máu não cục bộ: Mục tiêu trung tâm trong xử lý, điều trị là bảo tồn nhu mô não ở vùng giảm tưới máu nhưng bị hoại tử bằng cách khôi phục lưu lượng máu đến và tối ưu hóa tuần hoàn bàng hệ. Chiến lược tái tưới máu, bao gồm cả việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rt-PA) và các phương pháp tiếp cận trong động mạch sẽ được bác sĩ thực hiện để cứu sống các tế bào não trước khi chúng tổn thương không hồi phục, từ đó giảm nguy cơ tử vong và hạn chế tối đa các di chứng của bệnh.
Đối với đột quỵ xuất huyết não: Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Xử lý bắt đầu bằng ổn định các dấu hiệu sinh tồn, kiểm soát chảy máu, co giật, huyết áp và áp lực nội sọ, đồng thời theo dõi đường huyết và dự phòng viêm loét dạ dày – tá tràng.
Sau đó, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cũng được tiến hành để giúp bệnh nhân cải thiện các di chứng sau đột quỵ não. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các phương pháp khác để giúp dự phòng tái phát.
Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ
Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bệnh thông qua việc:
Xây dựng lối sống lành mạnh, thói quen sinh hoạt khoa học
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
Ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ dầu mỡ
Hạn chế rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn
Kiểm soát huyết áp, lượng đường và cholesterol trong máu
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn bệnh đột quỵ là gì, dấu hiệu, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị bệnh. Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bạn cần đến bệnh viện ngay.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.