Ung thư
Ung thư

5 phương pháp điều trị ung thư vòm họng hiệu quả bạn cần biết

Xạ trị thường là phương pháp chính dùng trong điều trị ung thư vòm họng. Các phương pháp khác như hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu cũng có thể được sử dụng. Việc kết hợp các phương pháp điều trị ung thư vòm họng giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, thậm chí chữa khỏi bệnh nếu được phát hiện sớm.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư vòm họng có điều trị được không?5 phương pháp điều trị ung thư vòm họngChi phí điều trị bệnh ung thư vòm họng là bao nhiêu?10 địa chỉ điều trị ung thư vòm họng tốt, uy tín
5 phương pháp điều trị ung thư vòm họng hiệu quả bạn cần biết

Để tìm hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị ung thư vòm họng cũng như chi phí và địa chỉ điều trị tốt, uy tín, mời bạn hãy tham khảo thêm thông tin trong bài viết được Công ty Bowtie chia sẻ bên dưới nhé.

Ung thư vòm họng có điều trị được không?

Ung thư vòm họng có điều trị được không, có chữa khỏi được không?” là thắc mắc được rất nhiều người quan tâm. Về cơ bản, ung thư vòm họng có thể điều trị khỏi nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu và người bệnh đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị. 

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn đầu, các tế bào ung thư còn khu trú trong vòm họng có thể lên đến 82%. Tỷ lệ này giảm xuống 72% nếu ung thư vòm họng ở giai đoạn khu vực (giai đoạn II, III) và chỉ còn 49% nếu tiến triển đến giai đoạn di căn (giai đoạn cuối).

Như vậy, bệnh ung thư vòm họng có cơ hội chữa khỏi nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm. Ngược lại, tỷ lệ điều trị thành công giảm dần khi phát hiện bệnh ở giai đoạn càng muộn.

Bài viết liên quan:

5 phương pháp điều trị ung thư vòm họng

Trên thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị ung thư vòm họng khác nhau. Bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ phù hợp cho bệnh nhân dựa trên nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, loại ung thư, sức khỏe tổng thể, tình hình kinh tế, mong muốn của người bệnh… Tuy nhiên nhìn chung, 5 phương pháp sau đây có thể được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng: 

Xạ trị

Hiện nay, xạ trị là phương pháp được ưu tiên sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng bởi theo các chuyên gia, tế bào ung thư vòm họng đặc biệt nhạy cảm với bức xạ. Theo đó, phương pháp này sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Xạ trị sẽ gồm hai loại là xạ trị bên ngoài và xạ trị bên trong, cụ thể như sau:

Xạ trị bên ngoài

Với phương pháp xạ trị ngoài, một loại máy chuyên dụng sẽ được sử dụng để tạo ra và chiếu các chùm tia bức xạ từ bên ngoài vào khu vực bị ung thư (vòm họng và các hạch cổ). Hai phương pháp xạ trị bên ngoài được dùng phổ biến trong điều trị ung thư vòm họng là:

  • Xạ trị điều biến cường độ chùm tia (Intensity Modulated Radiation Therapy – IMRT): Phương pháp này sử dụng máy gia tốc tuyến tính để định hình các chùm tia và hướng chúng vào khối u từ nhiều góc độ khác nhau. Cùng với đó, cường độ các chùm tia cũng được điều chỉnh để hạn chế sự ảnh hưởng đến các mô bình thường xung quanh. Nhờ đó, so với xạ trị tiêu chuẩn, bác sĩ có thể sử dụng liều bức xạ cao hơn với ít tác dụng phụ hơn.
  • Xạ trị lập thể (Stereotactic Body Radiation Therapy – SBRT): Một phần khung cứng được sử dụng để cố định đầu cho bệnh nhân trong quá trình xạ trị. Sau đó, một máy chuyên dụng sẽ tạo ra các chùm tia nhắm trực tiếp vào vị trí khối u. Tổng liều bức xạ được chia nhỏ và thực hiện trong vài ngày.
Điều trị ung thư vòm họng bằng xạ trị
Phương pháp xạ trị ngoài trong điều trị ung thư vòm họng.

Xạ trị bên trong (xạ trị áp sát)

Với phương pháp xạ trị trong, bác sĩ sẽ đưa các thanh, hạt hoặc dây có chứa chất phóng xạ vào trong hoặc gần vị trí khối u. Bức xạ sẽ được giải phóng từ các vật liệu này để tiêu diệt tế bào ung thư mà không ảnh hưởng nhiều đến các mô khỏe mạnh gần đó.

Xạ trị bên trong thường được sử dụng để điều trị ung thư tái phát hoặc không biến mất hoàn toàn sau hóa trị. Đôi khi, xạ trị trong và xạ trị ngoài sẽ được sử dụng kết hợp với nhau.

Hóa trị

Hóa trị là cách điều trị bệnh ung thư vòm họng sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn quá trình phân chia, nhân lên của chúng trong cơ thể. Các thuốc hóa trị có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm.

Trong điều trị ung thư vòm họng, hóa trị thường được tiến hành đồng thời với xạ trị (hóa xạ trị) để nâng cao hiệu quả của xạ trị. Bởi thuốc hóa trị có thể giúp tế bào ung thư vòm họng nhạy cảm hơn với bức xạ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với việc sử dụng một phương pháp riêng lẻ. 

Đôi khi, hóa trị sẽ được thực hiện trước hoặc sau xạ trị đơn thuần hoặc hóa xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Hóa trị toàn thân cũng là một lựa chọn được cân nhắc khi ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Phẫu thuật

Vòm họng là vị trí có cấu trúc phức tạp, khó tiếp cận và nằm gần nhiều dây thần kinh sọ cũng như mạch máu nên phẫu thuật cắt bỏ khối u thường không phải là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh nhân bị ung thư vòm họng. Theo đó, phẫu thuật thường chỉ được thực hiện để loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ có tế bào ung thư. Ngoài ra, phẫu thuật đôi khi cũng được lựa chọn trong trường hợp ung thư vòm họng không đáp ứng với xạ trị. 

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Dù không phổ biến nhưng liệu pháp nhắm mục tiêu cũng là một lựa chọn có thể được cân nhắc trong điều trị ung thư vòm họng. Theo đó, các thuốc nhắm mục tiêu sẽ nhắm trực tiếp vào các protein đặc hiệu trên tế bào ung thư để giúp tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. 

Cetuximab là thuốc nhắm mục tiêu thường được sử dụng để chữa bệnh ung thư vòm họng. Thuốc này sẽ nhắm vào thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (Epidermal growth factor receptor – EGFR), một loại protein giúp tế bào ung thư vòm họng phát triển và phân chia. Bằng cách ngăn chặn EGFR, cetuximab có thể giúp làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của tế bào ung thư.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch có thể được dùng để điều trị cho một số trường hợp ung thư vòm họng. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc để tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch, từ đó giúp hệ thống này tự tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Một số thuốc miễn dịch thường gặp là pembrolizumab, nivolumab, ipilimumab…

Tuy nhiên, tùy vào giai đoạn và đặc điểm cụ thể của khối u mà phương pháp này mới được chỉ định. Thêm vào đó, chi phí để điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cũng khá lớn, không phải bệnh nhân nào cũng có thể tiếp cận.

Điều trị ung thư vòm họng bằng liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng dưới dạng tiêm.

Chi phí điều trị bệnh ung thư vòm họng là bao nhiêu?

Trên thực tế, rất khó để biết chữa ung thư vòm họng hết bao nhiêu tiền bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, phương pháp lựa chọn, thời gian điều trị, loại thuốc sử dụng, liều lượng thuốc… Chi phí điều trị ở giai đoạn đầu sẽ có sự khác biệt so với chi phí điều trị ở những giai đoạn sau cuối bởi các phương pháp được lựa chọn cũng như thời gian điều trị sẽ có phần khác biệt. Ngoài ra, chi phí điều trị còn thay đổi tùy mỗi cơ sở y tế cũng như phụ thuộc vào việc bệnh nhân có bảo hiểm hay không. 

Theo đó, dưới đây là mức phí tham khảo của một số phương pháp điều trị ung thư vòm họng (chưa có bảo hiểm y tế):

  • Chi phí xạ trị dao động khoảng từ 5 – 7 triệu đồng/lần 
  • Chi phí hóa trị dao động khoảng 7 – 10 triệu/đợt
  • Chi phí cho một chu kỳ điều trị kéo dài 21 ngày bằng thuốc miễn dịch là khoảng 60 – 120 triệu

Ngoài ra, chi phí điều trị ung thư vòm họng còn bao gồm nhiều khoản phụ phí khác như viện phí (tiền giường bệnh), chi phí ăn uống, sinh hoạt, chi phí thuốc men, tái khám định kỳ…

10 địa chỉ điều trị ung thư vòm họng tốt, uy tín

Điều trị ung thư vòm họng ở đâu tốt nhất có lẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bệnh nhân. Theo đó, khi không may mắc bệnh, người bệnh có thể lựa chọn điều trị tại các bệnh viện uy tín và có chất lượng phục vụ tốt trên toàn quốc. Dưới đây là top 10 địa chỉ bạn có thể tham khảo: 

  • Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Đường Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh viện K: 
    • Cơ sở 1: Số 43 Đường Quán Sứ và số 9A – 9B Đường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
    •  Cơ sở 2: Tựu Liệt, Phường Tam Hiệp, Quận Thanh Trì, Hà Nội 
    • Cơ sở 3: Số 30 Đường Cầu Bươu, Phường Tân Triều, Quận Thanh Trì, Hà Nội 
  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương: Số 78 Đường Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội (nằm cạnh Bệnh viện Bạch Mai)
  • Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Số 42A Đường Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Số 1 Đường Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Bệnh viện Ung bướu TP. HCM: 
    • Cơ sở 1: Số 3 Đường Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM hoặc số 6 (hoặc số 47) Đường Nguyễn Huy Lượng, Phường 14, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
    • Cơ sở 2: Đường 400, Ấp Cây Dầu, Phường Tân Phú, Quận 9, TP. HCM
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
    • Cơ sở 1: 215 Đường Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
    • Cơ sở 2: 201 Đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM
    • Cơ sở 3: 221B Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM
  • Bệnh viện Nhân dân Gia Định: Số 1 Đường Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
  • Bệnh viện Nhân dân 115: 527 Đường Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM

Trên đây là một số thông tin về các phương pháp điều trị ung thư vòm họng mới nhất hiện nay. Bạn có thể tham khảo các thông tin này và trao đổi với bác sĩ để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất với bản thân hoặc người thân đang mắc bệnh nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

9 dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang 9 dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang
Ung thư

9 dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang

Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam
Ung thư

Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam

Tổng hợp những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn III (giai đoạn 3) Tổng hợp những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn III (giai đoạn 3)
Ung thư

Tổng hợp những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn III (giai đoạn 3)

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK