Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây!

Đã là phụ nữ thì chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần gặp phải tình trạng đến tháng đau bụng. Thế nhưng, dù được xem là “chị em bạn dì” với phái đẹp nhưng thực tế, nhiều chị em vẫn còn rất bối rối, không biết nên làm gì khi đến tháng đau bụng hoặc làm sao để giảm đau bụng khi đến tháng hiệu quả, an toàn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-19
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Đau bụng đến tháng là gì?Đặc điểm của các cơn đau bụng khi đến thángTại sao phụ nữ khi đến tháng lại đau bụng dữ dội?Đau bụng khi đến tháng có sao không, có nguy hiểm không?Phụ nữ, con gái đến tháng nên làm gì cho đỡ đau bụng?Đến tháng nên ăn gì, uống gì để đỡ đau bụng?
Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây!

Nếu bạn cũng đang rơi vào tình huống trên, vậy hãy cùng Website Bowtie dành vài phút xem qua những chia sẻ bên dưới nhé! Trong bài viết này, Bowtie sẽ “vén màn bí ẩn” về lý do vì sao con gái đến tháng lại đau bụng dữ dội cũng như gợi ý một vài bí quyết giúp giảm đau bụng khi đến tháng hiệu quả.

Đau bụng đến tháng là gì?

Đau bụng khi đến tháng, đau bụng tới tháng hay đau bụng kinh là những cơn đau quặn, co thắt ở vùng bụng dưới, thường xảy ra ngay trước và trong thời gian hành kinh của người phụ nữ. Đau bụng đến tháng ở phụ nữ thường được chia thành 2 loại là:

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Đây là các cơn đau bụng kinh không do tình trạng khác gây ra. Đau bụng kinh nguyên phát là loại đau bụng đến tháng phổ biến nhất, thường gặp ở những năm đầu khi mới có kinh.
  • Đau bụng kinh thứ phát: Đây là tình trạng đau bụng đến tháng do bệnh lý tiềm ẩn ở tử cung hoặc các cơ quan sinh sản khác gây ra. Loại đau bụng kinh này thường hay gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Trong đó, phụ nữ từ 30 – 45 tuổi là đối tượng hay bị nhất. 

Đặc điểm của các cơn đau bụng khi đến tháng

Như đã đề cập ở trên, các cơn đau bụng khi đến tháng thường là những cơn đau xảy ra ở vùng bụng dưới. Tuy nhiên, theo chia sẻ đến từ nhiều chị em, cơn đau bụng kinh mà mỗi người gặp phải sẽ khác nhau và thậm chí sẽ khác nhau giữa các kỳ hành kinh ở cùng 1 người. 

Một số người sẽ có cảm giác đau quặn, đau tức ở vùng bụng dưới, có thể lan ra bụng trên, đùi hoặc lưng. Một số người có thể chỉ đau âm ỉ gây khó chịu, trong khi một số khác lại đau liên tục, dữ dội và cơn đau thậm chí có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, cũng có trường hợp chị em gặp phải tình trạng đau bụng kinh kèm với các vấn đề khác, chẳng hạn như đến tháng bị đau bụng đi ngoài, buồn nôn, đau lưng, đau đầu.

Bài viết liên quan: 

Tại sao phụ nữ khi đến tháng lại đau bụng dữ dội?

Dưới đây là các nguyên nhân giải thích tại sao con gái mỗi lần đến tháng lại bị đau bụng dữ dội:

Đau bụng kinh nguyên phát

Đau bụng kinh nguyên phát xảy ra do sự co thắt của tử cung để làm bong lớp niêm mạc trong thời kỳ kinh nguyệt. Khi thành tử cung co thắt, các mạch máu trong tử cung sẽ bị đè ép khiến nguồn cung cấp máu và oxy đến các mô trong tử cung bị gián đoạn. Nếu không nhận đủ oxy, các mô này sẽ “phóng thích” một số loại hóa chất gây đau. 

Trong quá trình giải phóng các hóa chất gây đau này, cơ thể cũng sẽ sản xuất các hóa chất khác gọi là prostaglandin. Hóa chất này sẽ khiến các cơ tử cung co bóp nhiều hơn, làm tăng thêm mức độ đau. Một số phụ nữ bị đau bụng đến tháng nhiều được cho là do cơ thể có nồng độ prostaglandin cao nên dễ gặp phải các cơn co thắt mạnh.

Đau bụng kinh thứ phát

Đau bụng kinh thứ phát thường sẽ ít phổ biến hơn so với đau bụng kinh nguyên phát. Nguyên nhân gây ra loại đau bụng kinh này có thể là do bạn mới đặt vòng tránh thai gần đây hoặc do các bệnh lý như:

  • Lạc nội mạc tử cung
  • U xơ tử cung
  • Viêm vùng chậu
  • Bệnh cơ tuyến tử cung 
  • Hẹp cổ tử cung

Đau bụng khi đến tháng có sao không, có nguy hiểm không?

Đau bụng khi đến tháng là tình trạng rất thường gặp và bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể gặp phải. Hầu hết các trường hợp đau bụng kinh là bình thường và không có gì nguy hiểm nếu: 

  • Bạn bị đau 1 – 2 ngày trước khi hành kinh hoặc bạn bị đau khi kinh nguyệt bắt đầu và kéo dài khoảng 3 ngày. Cơn đau nặng nhất thường là trong 2 ngày hành kinh đầu tiên.
  • Cơn đau thuyên giảm khi bạn dùng thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, cơn đau bụng kinh của bạn có thể là dấu hiệu bất thường. Theo đó, bạn nên đến bệnh viện thăm khám khi các cơn đau bụng kinh: 

  • Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, khiến bạn không thể thực hiện bất cứ hoạt động nào khác 
  • Ngày một dữ dội hoặc bạn nhận thấy sự thay đổi trong cơn đau bụng kinh (ví dụ nếu cảm thấy đau hơn hoặc kéo dài hơn bình thường) 
  • Tự nhiên xuất hiện trong khi trước đây bạn chưa từng bị
  • Nghiêm trọng hơn sau 25 tuổi
  • Đau bụng kinh đi kèm với sốt
Đến tháng đau bụng có nguy hiểm không?
Đau bụng đến tháng là tình trạng rất thường gặp và đa phần các trường hợp đều không nguy hiểm.

Phụ nữ, con gái đến tháng nên làm gì cho đỡ đau bụng?

Đến tháng làm gì cho hết đau bụng? Đâu là cách hết đau bụng khi đến tháng? Con gái đến tháng đau bụng phải làm sao? Đây là những băn khoăn mà hầu hết chị em phụ nữ đều có. Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm đau bụng khi tới tháng hiệu quả:

Chườm ấm

Nhiệt độ cao có thể giúp thư giãn các cơ tử cung và làm giảm tình trạng co thắt tử cung gây đau bụng dưới khi đến tháng. Do đó, việc chườm ấm lên bụng hoặc lưng được xem là cách làm giảm đau bụng khi đến tháng hiệu quả. Bạn có thể đặt một bình nước ấm hoặc túi chườm lên bụng để giảm đau khi tới tháng.

Massage với tinh dầu

Massage với tinh dầu trong khoảng 20 phút là một trong những giải pháp giúp chị em “vượt qua” các cơn đau bụng đến tháng. Một số loại tinh dầu bạn có thể sử dụng để massage bụng là:

  • Tinh dầu hoa oải hương
  • Tinh dầu bạc hà
  • Tinh dầu hoa hồng
  • Tình dầu kinh giới
  • Tinh dầu quế

Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn cần pha loãng tinh dầu với dầu nền. Tỷ lệ pha loãng thường được khuyến cáo là 1 giọt tinh dầu và 1 muỗng cà phê dầu nền.

Vận động nhẹ nhàng

Khi bị đau bụng đến tháng, nhiều chị em chỉ muốn đi nằm và rất ngại vận động. Tuy nhiên, thực tế, vận động lại là “một liều thuốc” có thể giúp giảm đau tự nhiên. Bởi vận động sẽ kích thích cơ thể giải phóng endorphin, một chất có tác dụng ngăn chặn cảm giác đau. Ngoài ra, vận động, tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp giảm căng thẳng. Điều này sẽ góp phần giúp bạn giảm cảm giác đau khi tới tháng.

Tắm nước nóng

Ngâm mình trong bồn nước nóng trong khoảng 15 phút cũng là cách giúp các cơ ở bụng, vùng chậu và lưng được thư giãn. Bạn có thể tăng hiệu quả của phương pháp giảm đau bụng kinh này bằng cách thêm một vài giọt tinh dầu (như tinh dầu oải hương, xô thơm, hoa hồng…) và một ít dầu nền vào nước tắm. 

Bổ sung đủ nước

Khi cơ thể bị mất nước hoặc thiếu nước, các cơn đau bụng kinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Nếu thời tiết nóng hoặc nếu bạn vận động, tập thể dục, hãy uống nhiều nước hơn.

Bổ sung đủ nước để giảm tình trạng đến tháng đau bụng
Bổ sung đủ nước là một cách giúp bạn giảm bớt tình trạng đau bụng khi đến tháng.

Hạn chế căng thẳng

Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc làm giảm ngưỡng chịu đau. Do đó, để giảm đau bụng khi tới tháng, tốt nhất bạn nên cố gắng nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng. Dưới đây là một số cách giúp giảm căng thẳng bạn có thể thử:

  • Tập yoga
  • Thực hiện các bài tập hít thở sâu
  • Thiền
  • Chia sẻ muộn phiền với người thân, bạn bè….

Đến tháng nên ăn gì, uống gì để đỡ đau bụng?

Ngoài việc thực hiện các biện pháp giúp giảm đau khi đến tháng kể trên, để đỡ đau bụng, bạn cũng có thể thử dùng các thực phẩm và thức uống sau:

Nước ấm

Nước ấm có thể thư giãn các cơ trong tử cung, làm giảm đau bụng kinh và giúp máu lưu thông khắp cơ thể. Ngoài ra, uống nước ấm còn có thể giúp giảm đầy hơi, táo bón, nhức đầu và những khó chịu khác trong thời gian hành kinh. Do đó, nếu bạn đang chịu đựng sự “hành hạ” của những cơn đau bụng kinh, hãy thử uống nước ấm thay vì nước lạnh trong ngày để xem có bớt đau chút nào không nhé!

Rau củ quả

Rau củ, trái cây không chỉ là nguồn cung cấp chất xơ, khoáng chất cho cơ thể mà còn hữu ích trong việc giảm đau bụng kinh. Trong thời gian hành kinh, bạn có thể bổ sung thêm các loại rau lá xanh như súp lơ, bắp cải, bông cải xanh và rau bina. Đây là những loại rau giàu sắt, magie và canxi, giúp cung cấp năng lượng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm đau bụng kinh và tránh mệt mỏi. Đối với trái cây, bạn có thể thử các loại trái cây họ cam quýt, táo, ổi, dâu tây… vì những loại quả này chứa nhiều vitamin C, hỗ trợ tăng cường miễn dịch và có thể giúp cơ thể khỏe hơn để chống lại các cơn đau. 

Cá và hải sản

Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, hàu là những thực phẩm rất giàu axit béo omega-3 – dưỡng chất có tác dụng giảm viêm và giảm đau khi hành kinh. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy việc bổ sung omega-3 có thể giúp giảm đáng kể tình trạng đau bụng kinh ở phụ nữ từ 18 – 22 tuổi. 

Sô-cô-la đen

Nếu tự hỏi “Đau bụng đến tháng nên làm gì?” thì bạn có thể “nhâm nhi” một thanh sô-cô-la đen hoặc thưởng thức một ly sô-cô-la nóng để giảm đau bụng kinh. Sô-cô-la đen có công dụng này là nhờ thành phần có chứa kali, magie, sắt và các chất oxy hóa có thể giúp điều hòa máu huyết, hormone và giảm đau.

Các loại đậu

Nếu bạn đang tìm kiếm các món ăn giúp giảm đau bụng đến tháng, vậy hãy thử thêm các loại đậu vào thực đơn. Đậu là thực phẩm có hàm lượng kẽm và protein cao. Kẽm có thể góp phần làm giảm tình trạng đau bụng khi đến tháng trong khi protein lại là dưỡng chất rất quan trọng, có khả năng giúp bạn giảm cảm giác thèm các món ăn vặt không lành mạnh.

Trà hoa cúc

Một đáp án cho câu hỏi “Đến tháng đau bụng uống gì?” chính là trà hoa cúc. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, trà hoa cúc có thể làm tăng nồng độ glycine trong nước tiểu, từ đó giúp giảm co thắt cơ. Để giảm đau bụng với trà hoa cúc, bạn có thể “nhâm nhi” 2 tách trà hoa cúc mỗi ngày trong khoảng 1 tuần trước khi hành kinh nhé!

Trà gừng

Khi bị đau bụng đến tháng, bạn cũng có thể thử trà gừng. Gừng được biết đến là có tác dụng “phục hồi” cơ thể cùng với đó là đặc tính chống viêm, giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả. Để giảm đau bụng kinh theo cách này, bạn hãy hãm một ít gừng tươi trong nước ấm và nhâm nhi suốt cả ngày. 

Sinh tố, nước ép rau củ, trái cây

Ngoài việc thêm vào thực đơn các loại rau củ, trái cây, bạn cũng có thể thử các loại sinh tố và nước ép từ rau củ, trái cây để giảm đau bụng kinh. Một lựa chọn vô cùng phù hợp là nước ép cam và cà rốt. Loại nước ép này không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa nhiều kali, magie, có thể giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả. Một loại thức uống khác cũng có chứa các dưỡng chất này là sinh tố chuối, kiwi hoặc các loại nước ép từ rau lá xanh như rau chân vịt, cải xanh….

Trên đây là một số bí quyết giúp giảm đau bụng đến tháng hiệu quả mà bạn có thể thử. Với những bí quyết này, Bowtie hy vọng bạn sẽ có những ngày “đèn đỏ” thật nhẹ nhàng và có thể tự tin, vui vẻ để hoàn thành những mục tiêu trong công việc và cuộc sống nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hít đất tiêu hao bao nhiêu calo? Cách hít đất giảm mỡ hiệu quả Hít đất tiêu hao bao nhiêu calo? Cách hít đất giảm mỡ hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Hít đất tiêu hao bao nhiêu calo? Cách hít đất giảm mỡ hiệu quả

Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu của viêm mũi, nhiễm trùng Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu của viêm mũi, nhiễm trùng
Kiến thức sức khỏe

Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu của viêm mũi, nhiễm trùng

Lý giải tình trạng nghẹt mũi khi nằm xuống và cách khắc phục tại nhà Lý giải tình trạng nghẹt mũi khi nằm xuống và cách khắc phục tại nhà
Kiến thức sức khỏe

Lý giải tình trạng nghẹt mũi khi nằm xuống và cách khắc phục tại nhà

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK