Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Đau dây thần kinh tọa ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người

Đau thần kinh tọa là một tình trạng khá phổ biến. Mặc dù phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục sau khoảng thời gian điều trị nhưng một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-01-09
Cập nhật ngày 2023-05-18
Nội dung chính
Đau thần kinh tọa là gì?Biểu hiện đau thần kinh tọaNguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa là gì?Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọaĐau thần kinh tọa có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán đau thần kinh tọaPhương pháp điều trị đau thần kinh tọaCách phòng ngừa bệnh đau dây thần kinh tọaCâu hỏi thường gặp về đau dây thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người

Vậy bệnh đau thần kinh tọa là gì? Những phương pháp nào có thể giúp bệnh nhân khắc phục tình trạng này? Mời bạn cùng Công ty Bowtie tìm hiểu thêm các thông tin về đau thần kinh tọa trong bài viết dưới đây nhé!

Đau thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và dày nhất (gần bằng ngón tay) trong cơ thể con người. Ở mỗi bên thân đều có dây thần kinh tọa chạy dọc từ vùng thắt lưng – xương cùng, đi qua hông và mông đến dưới đầu gối. Sau đó, dây thần kinh này phân nhánh thành nhiều sợi thần kinh rồi tiếp tục chạy xuống chân, bàn chân và ngón chân.

Đau thần kinh tọa là thuật ngữ chung dùng để mô tả các cơn đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ vùng thắt lưng và lan xuống chân. Tình trạng đau này thường liên quan đến sự chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh tọa do nhiều nguyên nhân.

Biểu hiện đau thần kinh tọa

Thông thường, biểu hiện liên quan đến đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng tới một bên của cơ thể. Trong đó, các cơn đau sẽ xuất hiện dọc theo thắt lưng xuống đến mông và mặt sau của đùi. Mức độ đau có thể thay đổi từ nhẹ đến cực kỳ dữ dội, đặc biệt tồi tệ hơn khi bệnh nhân ngồi lâu, đứng lâu, ho hoặc hắt hơi.

Ngoài ra, người bị đau dây thần kinh tọa cũng có khả năng gặp phải một vài triệu chứng khác, bao gồm:

  • Yếu cơ ở thắt lưng, mông, chân hoặc bàn chân
  • Đau nặng hơn khi di chuyển, vận động khó khăn
  • Ngứa ran, tê và nóng rát như bị điện giật, kim châm ở chân, ngón chân hoặc bàn chân 
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang 

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa là gì?

Nguyên nhân chính dẫn đến đau thần kinh tọa là do dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc kích thích quá mức làm xuất hiện các triệu chứng đau. Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, trong đó bao gồm:

  • Thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm
  • Hẹp ống sống 
  • Trượt đốt sống 
  • Gai xương (gai cột sống) 
  • Thoái hóa khớp
  • Chấn thương cột sống thắt lưng hoặc dây thần kinh tọa
  • Các khối u chèn ép dây thần kinh tọa
  • Hội chứng cơ tháp chậu 
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa (liên quan đến bó dây thần kinh ở phần cuối của tủy sống)

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa

Bạn thường có nhiều nguy cơ bị đau thần kinh tọa hơn do sự ảnh hưởng của một hoặc một số yếu tố sau đây:

  • Tuổi tác: Các mô xương và đĩa đệm ở cột sống thường bị mài mòn do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, sự thay đổi này khiến dây thần kinh có nguy cơ bị tổn thương hoặc chèn ép.
  • Thoái hóa xương khớp hoặc chấn thương trước đó: Tổn thương ở thắt lưng hoặc cột sống có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng đau dây thần kinh tọa ở một số người.
  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ tạo áp lực lên lưng và cột sống, từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
  • Nghề nghiệp: Những công việc đòi hỏi phải sử dụng lưng nhiều, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới trong thời gian dài đều làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa. 
  • Lối sống tĩnh tại: Ngồi lâu, lười vận động và ít luyện tập thể dục là những yếu tố góp phần gây ra các vấn đề ở cột sống – thắt lưng.  
  • Bệnh đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh, bao gồm cả dây thần kinh tọa. 
  • Tiếp xúc với khói thuốc: Nicotin trong thuốc lá có thể làm hỏng mô cột sống, yếu xương và đẩy nhanh quá trình bào mòn đĩa đệm đốt sống.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa
Mang vác vật nặng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng đau thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Bệnh đau dây thần kinh tọa có khả năng thuyên giảm và biến mất theo thời gian sau khi thực hiện một số phương pháp tự chăm sóc. Phần lớn các trường hợp (khoảng 80 – 90%) sẽ hồi phục hoàn toàn sau một đợt điều trị kéo dài 6 tuần mà không cần phẫu thuật. 

Tuy nhiên, các trường hợp nghiêm trọng và không được điều trị hiệu quả sẽ làm tăng áp lực lên các dây thần kinh. Dây thần kinh bị chèn ép và tổn thường có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Yếu cơ mạn tính, không thể đi lại bình thường
  • Tổn thương thần kinh vĩnh viễn dẫn đến mất cảm giác ở chân bị ảnh hưởng
  • Mất kiểm soát chức năng ruột và/hoặc bàng quang

Phương pháp chẩn đoán đau thần kinh tọa

Bên cạnh việc khám sức khỏe tổng quát, thăm hỏi tiền sử bệnh và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa bằng cách:

  • Kiểm tra cột sống và tìm kiếm vị trí đau: Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đi bộ bằng mũi chân, gót chân hoặc thực hiện các động tác kéo giãn cơ để quan sát độ dẻo dai và sức mạnh của cơ bắp. Ngoài ra, động tác nâng cao chân khi nằm cũng giúp bác sĩ xác định các dây thần kinh đang bị ảnh hưởng.
  • Chụp X-quang: Phương pháp này có thể giúp phát hiện tình trạng gãy xương cột sống, các vấn đề về đĩa đệm, nhiễm trùng, khối u và gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Kết quả hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm ở lưng giúp bác sĩ xác định các yếu tố có thể gây đè ép lên dây thần kinh.
  • Nghiên cứu tốc độ dẫn truyền thần kinh và đo điện cơ (EMG và NCS): Các phương pháp này giúp kiểm tra quá trình xung điện di chuyển qua dây thần kinh tọa và theo dõi phản ứng của cơ bắp. 
  • Chụp tủy đồ: Giúp chẩn đoán cơn đau liên quan đến đốt sống hoặc đĩa đệm.

Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa

Biểu hiện đau dây thần kinh tọa ở mỗi người thường khác nhau do nguyên nhân gây bệnh và một số yếu tố ảnh hưởng khác. Vì vậy, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân sau khi được chẩn đoán. Với trường hợp không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được hướng dẫn tự chăm sóc và giảm nhẹ tại nhà trước khi cân nhắc đến việc điều trị chuyên sâu. Quá trình điều trị thường bao gồm các phương pháp sau:

Các phương pháp tự chăm sóc tại nhà

  • Chườm đá và/hoặc chườm nóng: Bệnh nhân đau thần kinh tọa có thể áp dụng cách này mỗi ngày hoặc khi xuất hiện các triệu chứng. Nhiệt độ từ túi chườm có khả năng cải thiện sự lưu thông máu và thư giãn các cơ bắp giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Dùng thuốc không kê đơn: Paracetamol, aspirin, ibuprofen hay naproxen là những loại thuốc mà bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà để giảm đau, viêm, sưng và khắc phục tình trạng đau dây thần kinh tọa.
  • Thực hiện các bài tập kéo giãn: Một số động tác giãn cơ nhẹ nhàng có thể hỗ trợ người bị đau dây thần kinh tọa cải thiện tình trạng của bản thân. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trị liệu trước khi bắt đầu luyện tập.
Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa
Các bài tập phù hợp có thể giúp giảm bớt cơn đau thần kinh tọa.

Thuốc kê đơn

Ở một số trường hợp đau thần kinh tọa nghiêm trọng, các loại thuốc không kê đơn đôi khi chưa đủ để cải thiện tình trạng của bệnh nhân. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kê đơn khác bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và/hoặc thuốc giãn cơ với mục đích giúp người bệnh giảm bớt sự khó chịu.

Vật lý trị liệu

Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể xây dựng và hướng dẫn cho bệnh nhân đau dây thần kinh tọa một chương trình luyện tập phù hợp để cải thiện tính linh hoạt cũng như tăng cường sức mạnh cho các khối cơ ở lưng, bụng và chân. Các bài tập này sẽ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục diễn ra tốt hơn, hạn chế sự xuất hiện của những cơn đau thần kinh tọa.

Tiêm cột sống

Tiêm corticosteroid (một loại thuốc kháng viêm) vào vùng thắt lưng có thể giúp làm giảm bớt cơn đau và tình trạng sưng ở rễ thần kinh bị ảnh hưởng. Hiệu quả của phương pháp này thường kéo dài trong một khoảng thời gian, có thể lên đến 3 tháng. Trước khi tiến hành tiêm thuốc, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ cho bệnh nhân. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy châm chích hoặc nóng rát trong quá trình tiêm.

Các liệu pháp thay thế

Một số liệu pháp thay thế có thể mang lại hiệu quả tích cực trong việc điều trị và kiểm soát cơn đau do nhiều bệnh lý, bao gồm cả đau thần kinh tọa. Những phương pháp phổ biến để cải thiện chứng đau dây thần kinh tọa là yoga, xoa bóp, châm cứu hoặc kỹ thuật nắn chỉnh cột sống được thực hiện bởi bác sĩ chỉnh hình hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cột sống có thể được áp dụng đối với một số trường hợp đau thần kinh tọa không thể cải thiện bằng những phương pháp trước đó, đặc biệt là khi tình trạng có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ xem xét và đề nghị phẫu thuật trong vòng một năm kể từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện liên tục. Tuy nhiên, phẫu thuật cần được tiến hành sớm hơn nếu cơn đau trở nên dữ dội và dai dẳng khiến người bệnh không thể đứng hoặc duy trì các hoạt động hằng ngày, đặc biệt khi bị yếu cơ nghiêm trọng ở chi dưới hoặc mất kiểm soát bàng quang và ruột. 

Với mục tiêu chung là giải phóng áp lực đang đè ép lên dây thần kinh và đảm bảo cột sống được ổn định, các phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Vi phẫu thuật loại bỏ nhân đệm (microdisectomy): Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng nhằm loại bỏ các mảnh đĩa đệm thoát vị đang đè lên dây thần kinh tọa.
  • Phẫu thuật cung đốt sống (laminectomy): Trong thủ thuật này, một phần cung sau đốt sống có thể được cắt bỏ để làm giảm sức ép lên cột sống.

Cách phòng ngừa bệnh đau dây thần kinh tọa

Mặc dù không thể ngăn ngừa tất cả trường hợp đau dây thần kinh tọa nhưng thực hiện các biện pháp sau có thể giúp bạn bảo vệ lưng và giảm được một số yếu tố nguy cơ liên quan:

  • Đảm bảo tư thế ngồi, đứng và nằm ngủ phù hợp
  • Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài
  • Tìm hiểu kỹ thuật mang vác vật nặng đúng cách để tránh đặt áp lực quá lớn lên lưng 
  • Không hút thuốc
  • Điều chỉnh và duy trì cân nặng hợp lý
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh
  • Thường xuyên luyện tập thể dục, tuy nhiên nên tránh các hoạt động có thể gây tổn thương lưng
  • Thực hiện các biện pháp để hạn chế té ngã và chấn thương vùng lưng như mang giày vừa vặn, cẩn thận khi đi trên các bề mặt trơn trượt…

Câu hỏi thường gặp về đau dây thần kinh tọa

Người bị đau thần kinh tọa nên nằm tư thế nào?

Lựa chọn tư thế ngủ phù hợp là một yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân đau thần kinh tọa có được giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, không có tư thế nào được xem là tốt cho tất cả bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau để tìm ra tư thế nằm ngủ phù hợp nhất cho bản thân mình. Theo chuyên gia vật lý trị liệu, các tư thế nằm có thể giúp ích cho người mắc bệnh đau thần kinh tọa là:

  • Nằm thẳng lưng: Tư thế ngủ đầu tiên mà bệnh nhân đau thần kinh tọa có thể tham khảo chính là nằm thẳng lưng sao cho đầu, vai và hông thẳng hàng. Người bệnh nên đặt một chiếc gối nhỏ ở dưới đầu cũng như kê thêm gối dưới đầu gối để tránh lưng bị cong quá nhiều. 
  • Nằm nghiêng một bên: Nằm nghiêng về phía đối diện với bên bị đau có thể làm giảm áp lực lên các dây thần kinh và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tác dụng này sẽ tốt hơn khi bạn đặt một chiếc gối giữa hai chân hoặc ở sau lưng.
  • Nằm cong người: Với người bị đau thần kinh tọa do hẹp cột sống, tư thế nằm hơi cong người về phía trước có khả năng mang lại lợi ích bất ngờ. Bạn có thể thực hiện bằng những cách sau: kê một chiếc gối lớn bên dưới phần thân trên (từ đầu đến giữa lưng); nằm nghiêng và co đầu gối lại (tư thế bào thai) hoặc ngủ trên các loại ghế, giường có chức năng điều chỉnh độ cao của phần đầu.
  • Tư thế nằm sấp: Ngủ nằm sấp không phải là tư thế thường được khuyến khích nhưng một số người bị đau thần kinh tọa có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi ngủ ở tư thế này. 
Bệnh nhân đau thần kinh tọa nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một trong những yếu tố có thể góp phần cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa. Vì vậy, lời khuyên dành cho người mắc bệnh là nên bổ sung các loại thực phẩm có khả năng giảm đau và kháng viêm, chẳng hạn như:

  • Các loại cá giàu omega-3 (cá hồi, cá trích, cá mòi…) 
  • Đậu nành
  • Quả anh đào (cherry)
  • Quả việt quất
  • Các loại gia vị như ớt cay, củ nghệ, củ gừng, quế, bạc hà
  • Rượu vang đỏ, uống một ly rượu vang đỏ trước khi đi ngủ có thể giúp giảm đau lưng đáng kể

Bên cạnh đó, bạn cần chú ý tránh xa thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc chủ động và bị động. Bởi vì lượng nicotin trong khói thuốc lá có thể làm giảm lưu lượng máu cung cấp đến xương, từ đó tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề ở lưng và cột sống.

Qua những chia sẻ của bài viết, hy vọng bạn đã phần nào hiểu được đau dây thần kinh tọa là gì cũng như một số cách giúp cải thiện tình trạng bệnh về hệ thần kinh này. Đau thần kinh tọa không quá nguy hiểm nhưng để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, bạn nên chú ý đến các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, đừng quên đến gặp bác sĩ nếu như nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ nhé! 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh đa xơ cứng có chữa được không và điều trị thế nào? Bệnh đa xơ cứng có chữa được không và điều trị thế nào?
Bệnh về hệ thần kinh

Bệnh đa xơ cứng có chữa được không và điều trị thế nào?

Tầm soát đột quỵ: Cách chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả Tầm soát đột quỵ: Cách chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả
Bệnh về hệ thần kinh

Tầm soát đột quỵ: Cách chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý
Bệnh về hệ thần kinh

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK