Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Đau nửa đầu migraine là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh

Đau nửa đầu migraine thường đặc trưng bởi cảm giác đau nhói hoặc đau kiểu mạch đập, xuất hiện ở một bên đầu có thể đi kèm các triệu chứng khác.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-04
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Đau nửa đầu migraine là gì?Biểu hiện của các cơn đau nửa đầu migraineNguyên nhânYếu tố nguy cơĐau nửa đầu migraine có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách ngăn ngừa

Đau nửa đầu migraine là gì?

Đau nửa đầu migraine có thể gây suy nhược nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Có rất nhiều loại đau nửa đầu và mỗi người sẽ trải qua những triệu chứng khác nhau với tần suất không giống nhau. Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, mời bạn cùng Công ty Bowtie đọc tiếp bài viết sau đây.

Đau nửa đầu migraine là gì?

Đau nửa đầu (tiếng anh là migraine) là một rối loạn phức tạp có tính chất di truyền, đặc trưng bởi các cơn đau đầu từ vừa đến nặng, thường xảy ra ở một bên đầu và đi kèm với các triệu chứng buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Phần lớn các cơn đau nửa đầu kéo dài trong khoảng 4 đến 72 giờ và có thể ảnh hưởng đến nhiều hoạt động thường ngày.

Biểu hiện của các cơn đau nửa đầu migraine

Chứng đau nửa đầu có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên cũng như người lớn, thường tiến triển qua 4 giai đoạn là tiền triệu, thoáng qua (aura), khởi phát cơn đau và sau cơn đau. Thế nhưng, không phải ai cũng trải qua đủ các giai đoạn này.

Tiền triệu (prodrome)

Người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu rất nhỏ, không rõ ràng cảnh báo cơn đau nửa đầu sắp xuất hiện từ trước đó 1 – 2 ngày, như:

  • Táo bón
  • Thay đổi tâm trạng, từ trầm cảm sang hưng phấn
  • Thèm ăn
  • Cứng cổ
  • Tiểu nhiều
  • Giữ nước trong cơ thể
  • Hay ngáp

Thoáng qua (aura)

Một số người có thể trải qua giai đoạn thoáng qua ngay trước khi bị đau nửa đầu hoặc trong lúc cơn đau diễn ra. Những triệu chứng bạn có thể gặp phải trong giai đoạn này là:

  • Các vấn đề liên quan đến thị giác như nhìn thấy nhiều hình dạng khác nhau, điểm sáng hoặc tia sáng xuất hiện
  • Mất thị lực
  • Cảm giác như bị kim châm ở cánh tay hoặc chân
  • Tê, yếu một bên mặt hoặc một bên cơ thể
  • Gặp khó khăn khi nói chuyện

Khởi phát cơn đau nửa đầu

Nếu không điều trị, cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ 4 – 72 giờ. Tần suất xuất hiện cơn đau ở mỗi người sẽ khác nhau, hiếm khi xảy ra nhiều lần trong một tháng. Khi xuất hiện cơn đau nửa đầu, bạn có thể cảm thấy:

  • Đau ở một bên đầu nhưng cũng có khi ở cả hai bên
  • Cảm giác đau nhói hoặc đau kiểu mạch đập
  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và đôi khi ảnh hưởng đến cả khứu giác, xúc giác
  • Buồn nôn, nôn mửa

Cơn đau nửa đầu thường tăng mức độ dần dần và trở nên nặng hơn khi di chuyển, ho hoặc hắt hơi.

Sau cơn đau

Sau khi cơn đau nửa đầu diễn ra, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, mất hết năng lượng trong khoảng tối đa 1 ngày. Thế nhưng, một số người lại nói rằng họ cảm thấy phấn chấn hơn sau cơn đau. Bạn cần lưu ý là nếu cử động đầu đột ngột có thể khiến cơn đau xuất hiện lại trong thời gian ngắn.

Chứng đau nửa đầu đa phần xảy ra vào buổi sáng, khi thức dậy. Một số người bị đau nửa đầu vào những thời điểm có thể dự đoán trước như trước khi đến kỳ kinh nguyệt hoặc vào cuối tuần sau khi làm việc căng thẳng.

Biểu hiện của các cơn đau nửa đầu migraine
Sau khi cơn đau nửa đầu đi qua, bạn có thể cảm thấy cực kỳ mệt mỏi.

Nguyên nhân gây đau nửa đầu migraine

Chứng đau nửa đầu được cho là xảy ra do có sự thay đổi tạm thời của các hóa chất, dây thần kinh và mạch máu trong não bộ. Dù thế, nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, yếu tố di truyền và tác nhân môi trường có thể đóng vai trò trong quá trình bệnh sinh của đau nửa đầu.

Ngoài ra, một số tác nhân có thể kích thích cơn đau nửa đầu xảy ra, bao gồm:

  • Căng thẳng, lo âu
  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ
  • Ánh sáng quá chói hoặc nhấp nháy
  • Tiếng ồn lớn
  • Mùi gây kích thích mạnh
  • Một số loại thuốc
  • Ngủ quá nhiều hoặc thiếu ngủ
  • Thay đổi thời tiết hoặc môi trường đột ngột
  • Vận động quá mức
  • Hút thuốc
  • Dùng chất kích thích như caffein hoặc cai nghiện caffein
  • Bỏ bữa nhiều
  • Lạm dụng thuốc

Vài người còn nhận thấy rằng, một số loại thực phẩm hoặc thành phần sẽ góp phần gây ra cơn đau đầu, đặc biệt khi kết hợp cùng những tác nhân khác. Các thực phẩm và thành phần đó là:

  • Rượu, bia
  • Sô-cô-la
  • Phô mai được ủ lên men
  • Bột ngọt
  • Một số loại hạt và trái cây
  • Thực phẩm lên men hoặc ngâm chua
  • Thịt chế biến sẵn

Yếu tố nguy cơ

Bạn sẽ dễ bị đau nửa đầu migraine nếu có các yếu tố nguy cơ như sau:

  • Tiền sử gia đình có người bị đau nửa đầu
  • Đang ở độ tuổi vị thành niên, cơn đau có xu hướng tăng dần, nặng nhất ở độ tuổi khoảng 30 và sau đó bớt nghiêm trọng hơn
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu cao hơn nam giới khoảng 3 lần
  • Thay đổi nội tiết tố ở nữ ở các thời điểm như có kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh
  • Có những bệnh lý khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn giấc ngủ, động kinh.

Đau nửa đầu migraine có nguy hiểm không?

Cơn đau nửa đầu nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến bạn không thể thực hiện những hoạt động bình thường hàng ngày. Khi dùng thuốc giảm đau thường xuyên để điều trị đau nửa đầu sẽ gây ra tác dụng phụ ngược lại, khiến bạn bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Tình trạng này dễ xảy ra khi dùng kết hợp nhiều loại thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol và caffein.

Phương pháp chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán đau nửa đầu migraine
Bác sĩ có thể tiến hành thăm khám để chẩn đoán đau nửa đầu migraine.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng đau nửa đầu migraine dựa trên tiền sử bệnh, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải cũng như kết quả thăm khám sức khỏe thể chất và thần kinh. Nếu bạn có biểu hiện bất thường, phức tạp hoặc đột nhiên trở nên trầm trọng, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện thêm một vài phương pháp để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra cơn đau, bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Phương pháp điều trị

Đau nửa đầu không có phương pháp chữa trị đặc hiệu. Việc điều trị tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các đợt đau đầu tiếp theo xảy ra. Có rất nhiều loại thuốc được dùng trong điều trị đau nửa đầu, có thể chia làm 2 nhóm lớn như sau:

  • Thuốc giảm đau, dùng để giảm nhanh các cơn đau nửa đầu. Tác dụng của thuốc sẽ tốt nhất nếu được dùng ngay khi dấu hiệu đầu tiên xuất hiện. 
  • Thuốc dự phòng đau, được dùng thường xuyên để giảm bớt mức độ nghiêm trọng cũng như tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu. Các thuốc có thể được chỉ định bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh…

Ngoài ra, bạn có thể thử các phương pháp giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ cơn đau tại nhà như:

  • Nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh
  • Đặt một miếng vải mát hay chườm lạnh lên trán và uống nhiều nước
  • Lên thời gian biểu cho việc ăn, ngủ hợp lý
  • Cố gắng ăn đúng bữa, đúng giờ mỗi ngày
  • Tập luyện thể dục thường xuyên nhưng nên từ từ và tăng dần cường độ tập theo thời gian

Ngoài ra, một số liệu pháp thay thế có thể hữu ích cho những người bị đau nửa đầu mạn tính, bao gồm:

  • Châm cứu
  • Phản hồi sinh học
  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Thiền và yoga
  • Sử dụng thảo dược, vitamin và khoáng chất

Hãy trao đổi với bác sĩ để lựa chọn phương pháp kiểm soát đau nửa đầu phù hợp và hiệu quả nhất.

Cách ngăn ngừa đau nửa đầu

Nếu bạn nghi ngờ một tác nhân cụ thể nào đó góp phần gây ra cơn đau nửa đầu thì hãy tránh xa chúng để giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng.

Bạn cũng nên duy trì lối sống lành mạnh bao gồm tập luyện thể dục thường xuyên, ăn ngủ khoa học, uống đủ nước và hạn chế các chất kích thích như caffein, rượu, bia. Kiểm soát căng thẳng (stress) bằng nhiều cách như tập thể dục, thư giãn cũng giúp giảm bớt tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt đau nửa đầu.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết đau nửa đầu migraine là gì và những thông tin liên quan đến chứng bệnh về hệ thần kinh này. Đau nửa đầu có thể gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, bạn hãy cố gắng hạn chế các tác nhân gây khởi phát cơn đau cũng như thay đổi thói quen sống để nâng cao sức khỏe tổng thể nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nguyên nhân bệnh Alzheimer và các yếu tố nguy cơ Nguyên nhân bệnh Alzheimer và các yếu tố nguy cơ
Bệnh về hệ thần kinh

Nguyên nhân bệnh Alzheimer và các yếu tố nguy cơ

Giờ vàng cấp cứu đột quỵ: Giai đoạn giành giật sự sống Giờ vàng cấp cứu đột quỵ: Giai đoạn giành giật sự sống
Bệnh về hệ thần kinh

Giờ vàng cấp cứu đột quỵ: Giai đoạn giành giật sự sống

Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ
Bệnh về hệ thần kinh

Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK