Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI, nhiễm trùng đường tiểu) có thể gặp phải ở mọi đối tượng, bất kể giới tính, độ tuổi. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập qua niệu quản để vào đường tiết niệu và gây viêm nhiễm.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể được điều trị khỏi và không để lại biến chứng nếu người bệnh phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh. Dưới đây là 6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu, cùng Website Bowtie tham khảo ngay nhé:
Nếu bạn nhận thấy bản thân thường xuyên đi tiểu mặc dù không gặp phải bất kỳ vấn đề tiết niệu nào khác thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Cảm giác này là do tình trạng nhiễm trùng khiến niêm mạc bên trong đường tiết niệu bị kích thích, từ đó làm tăng nhu cầu đi tiểu.
Ngoài ra, người mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cũng thường xuyên nhận thấy cảm giác thôi thúc mãnh mẽ, buộc mình phải đi tiểu gấp. Điều này là do tình trạng viêm nhiễm tạo áp lực lên các thụ thể báo hiệu thời điểm bạn cần đi vệ sinh, từ đó có thể tạo ra cảm giác cần phải đi tiểu gấp.
Tình trạng nhiễm trùng có thể gây hẹp lỗ mở niệu đạo, nơi nước tiểu đi qua, từ đó khiến bệnh nhân chỉ đi tiểu được một lượng rất ít mỗi lần. Bệnh nhân mắc nhiễm trùng đường tiểu thường phải dành nhiều thời gian hơn để đi vệ sinh nhằm cố gắng đi tiểu hết nước.
Một triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu khác mà bệnh nhân có thể gặp phải là tình trạng tiểu buốt, tiểu rát. Khi bị nhiễm trùng, niêm mạc đường tiết niệu sẽ bị kích thích và trở nên vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, nếu dòng nước tiểu đi qua có thể gây nên cảm giác buốt, rát cho bệnh nhân.
Bình thường, nước tiểu của bạn sẽ trong và có màu vàng hoặc vàng sẫm. Tuy nhiên, khi mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, nước tiểu có thể bị đục hoặc trở nên sẫm màu, đôi khi có lẫn máu.
Tình trạng nước tiểu bị đục là kết quả của phản ứng miễn dịch trong cơ thể để chống lại nhiễm trùng. Cụ thể hơn, khi bị nhiễm trùng tiểu, các tế bào bạch cầu sẽ nhanh chóng “tìm đến” khu vực bị viêm nhiễm để tiêu diệt vi khuẩn. Bạch cầu sau đó được bài tiết trong nước tiểu và khiến nước tiểu bị đục. Bên cạnh đó, niêm mạc bị viêm nhiễm cũng có thể rỉ máu vào trong nước tiểu, khiến nước tiểu đôi khi chuyển sang màu hồng.
Về cơ bản, nước tiểu sẽ luôn có mùi khai nhẹ. Tuy nhiên, nếu ngửi thấy nước tiểu có mùi nồng, chua hoặc khác thường thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu mà bạn cần cảnh giác. Khi nhận thấy tình trạng này kèm theo các triệu chứng khác, bạn nên đến bệnh viện sớm để được bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Đau ở vùng chậu, bụng dưới và thắt lưng cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu. Cảm giác đau thường do niêm mạc đường tiết niệu bị kích thích do viêm nhiễm. Biểu hiện đau nhức còn có thể xuất hiện ở phần thân dưới cơ thể khi bệnh đã ở mức độ nặng và nguy hiểm.
Ngoài các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu kể trên, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, suy nhược.
Trên đây là những dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu bạn cần cảnh giác để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.