Một số dấu hiệu mang thai có thể xuất hiện khá sớm, từ 1 – 2 tuần đầu sau thụ thai, trong khi một số khác lại xuất hiện trễ hơn. Vậy mang thai có dấu hiệu gì?
Trong bài viết dưới đây, Website Bowtie sẽ tiết lộ với bạn 25 dấu hiệu mang thai sớm chuẩn xác nhất. Với 25 dấu hiệu này, bạn có thể dự đoán được sự tồn tại của một sinh linh bé bỏng trong bụng mình đấy!
Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều thì đây là một trong những dấu hiệu nhận biết mang thai sớm và chuẩn xác nhất. Khi quá trình thụ thai xảy ra, cơ thể sẽ sản xuất các nội tiết tố làm ngừng quá trình rụng trứng và làm bong lớp niêm mạc tử cung. Điều này đồng nghĩa với việc chu kỳ kinh nguyệt sẽ dừng lại và bạn sẽ không có kinh cho đến khi sinh xong.
Tuy nhiên, để xác định chính xác mình có mang thai hay không, bạn vẫn nên dùng que thử thai hoặc đi khám ở những cơ sở y tế uy tín. Bởi trễ kinh cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như căng thẳng, tập thể dục quá mức, mất cân bằng nội tiết tố… Ngoài ra, dấu hiệu mang thai này cũng dễ gây “nhầm lẫn” nếu kinh nguyệt của bạn không đều.
Đây có thể là một trong các dấu hiệu nhận biết mang thai đầu tiên, cho thấy trứng được thụ tinh đã làm tổ trong niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường dễ bị “ngó lơ” do nhiều người nhầm lẫn với kinh nguyệt bình thường. Thậm chí, một số trường hợp còn khiến chị em phụ nữ băn khoăn không biết tại sao có thai nhưng vẫn có kinh.
Nhìn chung, tình trạng này thường chỉ là một vài đốm máu màu hồng hoặc nâu trên quần lót, ra tương đối ít, có người chỉ ra vài giọt, không đặc hoặc đỏ như máu kinh. Dấu hiệu mang thai trên thường xuất hiện khoảng 10 ngày đến 2 tuần sau khi trứng được thụ tinh và kéo dài vài ngày. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng có dấu hiệu này.
Bầu ngực thay đổi kích thước và trở nên nhạy cảm với cảm giác đau là một biểu hiện thường gặp khác khi mang thai. Sau khi thụ thai, cơ thể sẽ có sự thay đổi về nội tiết tố và đây cũng chính là nguyên nhân khiến bầu ngực trở nên nhạy cảm hơn. Cảm giác đau này thường chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần sau khi cơ thể “thích ứng”. Ngoài tình trạng nhạy cảm với đau nhiều hơn, bầu ngực cũng có thể trở nên lớn hơn, quầng vú (vùng da xung quanh núm vú) và núm vú cũng trở nên sậm màu và thay đổi kích thước.
Tăng tiết dịch âm đạo khiến vùng kín trở nên ẩm ướt hơn cũng là một trong các dấu hiệu mang thai sớm, có thể xuất hiện trong 1 – 2 tuần đầu sau thụ thai. Tình trạng này xảy ra do thay đổi nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Dịch tiết âm đạo sẽ thường hơi dính, trong hoặc có màu trắng đục, hơi có mùi nhẹ. Hãy nên lưu ý để giữ gìn vệ sinh vùng kín, vì khi cô bé trở nên ẩm ướt hơn thì nguy cơ viêm nhiễm cũng sẽ tăng lên.
Đau đầu, choáng váng, chóng mặt cũng là những biểu hiện rất thường gặp ở giai đoạn đầu mang thai. Nguyên nhân của tình trạng này thường do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sau của thai kỳ, nếu bạn bị đau đầu thường xuyên, không thuyên giảm thì nên trao đổi ngay với bác sĩ. Bởi đau đầu khi mang thai có thể liên quan đến tăng huyết áp và tiền sản giật, một tình trạng bệnh lý nặng có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu phổ biến khi bạn mang thai, thường xuất hiện trong vài tuần đầu sau khi thụ thai và kể các ở những tháng cuối của thai kỳ. Một số mẹ bầu nhận thấy dấu hiệu mang thai này trước cả khi trễ kinh. Nguyên nhân khiến bạn đi tiểu thường xuyên có thể là do lượng máu trong cơ thể tăng lên đáng kể, thận phải “làm việc” nhiều hơn để lọc bỏ chất thải và từ đó làm tăng lượng nước tiểu.
Tình trạng mệt mỏi thường xuyên cũng hay xảy ra trong giai đoạn đầu mang thai. Nguyên nhân có thể là do sự gia tăng mạnh mẽ của progesterone, một loại nội tiết tố cần thiết cho thai kỳ và sự phát triển của thai nhi. Cũng giống như các dấu hiệu mang thai khác, tình trạng mệt mỏi có xu hướng thuyên giảm sau tuần thứ 11-13 của thai kỳ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể quay trở lại vào những tháng cuối của thai kỳ.
Thèm ăn cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết mang thai phổ biến. Bạn có thể cảm thấy đói liên tục và bắt đầu thèm một số món ăn, kể cả những món mà trước đó không thích.
Thậm chí, một số phụ nữ còn thèm ăn những thứ không phải thực phẩm như đất, giấy. Tình trạng này được gọi là hội chứng Pica và thường liên quan đến việc thiếu hụt dinh dưỡng. Nếu gặp phải tình trạng này, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ.
Bài viết liên quan:
- 12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý
- 11 dấu hiệu mang thai con gái giúp mẹ bầu tự kiểm tra ngay tại nhà
- 10 dấu hiệu có thai ở tuổi dậy thì mà các bạn nữ và bố mẹ nên biết
- 9 dấu hiệu có thai sau chuyển phôi giúp bạn tự kiểm tra ngay
- Tổng hợp 23+ câu hỏi đáp về dấu hiệu mang thai dành cho mẹ bầu
Buồn nôn, có hoặc không kèm theo nôn là một trong những dấu hiệu mang thai sớm điển hình. Tình trạng này còn được gọi là ốm nghén, có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả buổi tối.
Theo thống kê, hơn một nửa số phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Bạn thường bắt đầu gặp phải dấu hiệu mang thai này ở khoảng 4 – 6 tuần sau khi thụ thai và sẽ hết vào tuần thứ 12. Một số trường hợp có thể kéo dài lâu hơn hoặc trở lại vào tuần thứ 32. Dù buồn nôn, nôn khi mang thai là điều rất thường gặp nhưng nếu bạn nôn quá nhiều và có dấu hiệu mất nước, tốt nhất hãy đi khám bác sĩ.
Khi mang thai, bạn có xu hướng nhạy cảm hơn với một số mùi hương nhất định, đồng thời vị giác cũng có thể thay đổi. Điều này đôi khi khiến bạn cảm thấy khó chịu và bắt đầu không thích hoặc không muốn ăn những món mà mình yêu thích trước đây.
Ngoài ra, nhiều phụ nữ cũng chia sẻ rằng ở giai đoạn đầu thai kỳ, họ thường cảm thấy vị lạ trong miệng, chẳng hạn như vị kim loại. Tình trạng này có thể gặp khi ăn một số món ăn nhất định hoặc xuất hiện ngẫu nhiên trong ngày.
Đau bụng dưới cũng là một trong những dấu hiệu mang thai thường gặp mà bạn cần lưu ý. Bạn có thể cảm thấy đau nhẹ ở phần bụng dưới, giống như cơn đau khi có kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bị đau dữ dội, cơn đau xuất hiện chủ yếu ở một bên thì bạn nên đi khám, bởi đây có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung hoặc các biến chứng khác.
Đây cũng là một biểu hiện mang thai thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Nguyên nhân gây đầy hơi, khó tiêu thường là do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ đầu mang thai. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể chia các bữa ăn lớn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn ngay trước khi đi ngủ và tránh các món chứa nhiều chất béo (các món chiên, xào nhiều dầu mỡ, bánh ngọt), các món cay, thực phẩm và thức uống chứa cồn hoặc caffeine.
Một dấu hiệu mang thai khác bạn cũng cần quan tâm là tình trạng nổi mụn hoặc thay đổi trên da. Khi mang thai, sự thay đổi nồng độ nội tiết tố có thể là “thủ phạm” gây ra những thay đổi trên da, chẳng hạn như da nổi mụn nhiều hơn.
Cứ 3 phụ nữ mang thai thì sẽ có 1 người bị đau lưng. Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến dây chằng ở vùng xương chậu và các khớp bị kéo dãn để chuẩn bị cho việc sinh nở. Bạn có thể giảm đau lưng bằng cách đi giày đế bằng, sử dụng ghế có tựa lưng, tránh nâng vật nặng, tập thể dục nhẹ nhàng…
Một trong những dấu hiệu mang thai điển hình mà bạn có thể gặp phải là thay đổi tâm trạng thất thường. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố làm ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh của não.
Một số phụ nữ có thể thấy quá phấn khích hoặc quá u buồn, một số khác xen kẽ giữa cảm giác hạnh phúc và lo lắng. Điều này là bình thường và có thể xảy ra trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn thấy lo lắng, chán nản quá mức hoặc có ý nghĩ làm hại bản thân thì tốt nhất nên chia sẻ với bác sĩ.
Thân nhiệt tăng cũng là dấu hiệu nhận biết mang thai sớm cần lưu ý. Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố và gia tăng lưu lượng máu đến da có thể khiến cơ thể nóng hơn bình thường và đổ nhiều mồ hôi. Những thay đổi này thường không gây hại nhưng có thể làm bạn khó chịu. Để khắc phục, bạn có thể mặc quần áo rộng rãi làm từ sợi tự nhiên thấm hút và thoáng khí, dùng quạt hoặc điều hòa để không khí trong phòng mát mẻ…
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến răng dễ hình thành mảng bám, từ đó dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở nướu răng. Ngoài ra, lượng máu đến cung cấp cho các mô nướu cũng giảm xuống, khiến nướu trở nên nhạy cảm hơn và dễ gây ra các vấn đề liên quan đến vệ sinh răng miệng (đau, dễ viêm nhiễm, chảy máu…).
Một dấu hiệu mang thai khác được nhiều phụ nữ chia sẻ đó là họ khá nhạy cảm với nhiệt độ. Vào buổi sáng, bạn có thể cảm thấy lạnh run. Trong khi một khoảng thời gian ngắn sau lại cảm thấy khó chịu, bực bội vì nóng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là có liên quan đến sự thay đổi nội tiết trong thai kỳ.
Khi mang thai, đa số mẹ bầu đều gặp phải tình trạng buồn nôn và nôn ói nhiều. Lúc này, cơ thể có xu hướng tăng tiết nước bọt để giúp bảo vệ miệng, răng và họng khỏi tác động ăn mòn của acid dạ dày.
Táo bón cũng là một trong những dấu hiệu mang thai phổ biến mà bạn có thể gặp phải. Tình trạng này xảy ra do nồng độ progesterone tăng lên làm chậm nhu động ruột hoặc do tử cung phát triển gây đè ép lên trực tràng, từ đó khiến phân di chuyển chậm trong đường tiêu hóa và dẫn đến táo bón. Mẹ bầu có xu hướng bị táo bón thường xuyên hơn ở các giai đoạn sau của thai kỳ.
Tăng cân cũng là một trong những biểu hiện mang thai mà bạn có thể nhận thấy. Tuy nhiên, biểu hiện này thường không xuất hiện sớm như các biểu hiện trước. Tăng cân rõ rệt có thể được ghi nhận từ tháng thứ 5 của thai kỳ.
Khi mang thai, dung tích phổi của bạn tăng lên, điều này cho phép bạn cung cấp nhiều oxy hơn cho bé và loại bỏ được lượng carbon dioxide mà cả hai tạo ra. Vì vậy, ở mỗi nhịp thở, bạn sẽ cần thở sâu hơn và lượng không khí hít thở cũng tăng lên đáng kể, từ đó tạo nên cảm giác khó thở.
Ngoài ra, ở giai đoạn sau của thai kỳ, em bé phát triển ngày càng lớn, gây đè ép cơ hoành cũng có thể khiến mẹ bầu bị khó thở, thở hụt hơi.
Tình trạng thân nhiệt tăng cao có thể khiến cơ thể bạn không kịp thải mồ hôi. Điều này sẽ gây nên hiện tượng nổi rôm sảy trên da, đặc biệt ở những vùng có nhiều nếp gấp.
Nếu bạn tự hỏi “Mang thai có dấu hiệu gì?” thì chuột rút cũng là một trong những biểu hiện mang thai mà mẹ bầu có thể nhận thấy. Tuy nhiên, dấu hiệu mang thai này thường xuất hiện trễ ở những giai đoạn sau của thai kỳ chứ ít khi xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên. Mẹ bầu có xu hướng bị chuột rút vào ban đêm.
Thay đổi nồng độ nội tiết tố và tăng lưu lượng máu trong cơ thể sẽ khiến các màng nhầy trong mũi sưng lên, khô và dễ chảy máu. Điều này giải thích lý do vì sao mẹ bầu thường gặp phải các vấn đề ở mũi như nghẹt mũi, sổ mũi hoặc chảy máu mũi thường xuyên trong thai kỳ.
Trên đây là 25 dấu hiệu nhận biết mang thai sớm và chuẩn xác mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Nhìn chung, phần lớn dấu hiệu này có thể “trùng lặp” với biểu hiện của một số bệnh lý cũng như các vấn đề xảy ra trong giai đoạn kinh nguyệt. Do đó, nếu có các biểu hiện trên và nghi ngờ mình mang thai, tốt nhất bạn nên dùng que thử thai hoặc đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để biết chắc chắn mình có mang thai hay không nhé!
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.