Hầu như mọi người đều từng trải qua những cơn đau bụng trong đời, có thể ở nhiều vị trí với mức độ đau khác nhau. Trong đó, đau bụng xung quanh rốn khá thường gặp.
Vậy đau bụng xung quanh rốn là bị làm sao? Nguyên nhân gây nên tình trạng này cũng rất đa dạng. Đôi khi, cơn đau là dấu hiệu cảnh báo cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Để tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng đau bụng xung quanh rốn và cách để giảm nhẹ cơn đau hiệu quả, mời bạn cùng đọc tiếp bài viết dưới đây.
Cơn đau bụng xung quanh rốn diễn ra ở khu vực gần rốn hoặc ở đằng sau rốn, nơi có sự hiện diện của một phần các cơ quan như dạ dày, ruột non, ruột già và tuyến tụy. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bạn có thể cảm thấy đau ở ngay rốn hoặc bên trên, bên dưới, xung quanh rốn, đôi khi cơn đau lan dần đến các khu vực khác như ngực, xương chậu, chân.
Khi bị đau bụng xung quanh rốn, bạn có thể cảm thấy đau âm ỉ, râm ran hoặc đau nhói, dữ dội. Cơn đau có khi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi hết hoặc kéo dài dai dẳng. Bên cạnh cảm giác đau bụng, các triệu chứng khác có thể cùng xuất hiện, bao gồm:
Hầu hết các cơn đau bụng không phải vấn đề nguy hiểm và thường tự hết trong khoảng thời gian ngắn. Bạn chỉ cần biết cách giảm đau hiệu quả và nghỉ ngơi để cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, nếu bị đau bụng xung quanh rốn dữ dội và kéo dài mà không thấy dấu hiệu thuyên giảm hoặc đi kèm với những triệu chứng đáng lo ngại khác thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Bài viết liên quan:
Đau bụng xung quanh rốn có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy đau bụng xung quanh rốn là bị bệnh gì? Dưới đây là 17 nguyên nhân thường gặp có khả năng gây nên tình trạng này.
Đau bụng xung quanh rốn kèm theo cảm giác nóng rát, khó chịu ở vùng bụng hoặc gần xương ức có thể do tình trạng khó tiêu, đầy hơi gây ra. Vấn đề này thường liên quan đến chế độ ăn uống, chẳng hạn như ăn quá cay hoặc nhiều dầu mỡ, ăn quá nhanh hoặc uống nhiều rượu bia, cà phê, đồ uống có gas.
Đôi khi, chứng khó tiêu xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc hoặc do một bệnh lý nào khác gây nên. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên gặp phải hiện tượng đau bụng xung quanh rốn, hãy đến bệnh viện thăm khám.
Nếu bạn bị đau quặn bụng xung quanh rốn kèm theo tình trạng đi ngoài khó khăn, số lần đi ngoài ít hơn hoặc bằng 3 lần/ tuần thì có thể do bị táo bón. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy đau ở xung quanh vùng rốn cũng như vùng bụng dưới.
Táo bón thường xảy ra do chế độ ăn ít chất xơ hoặc lối sống nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Để cải thiện tình trạng táo bón, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, tích cực vận động và có thể dùng thêm một số thuốc hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần.
Mang thai cũng có khả năng gây ra hiện tượng đau bụng xung quanh rốn với cơn đau thường xuất hiện đột ngột trong thời gian ngắn rồi hết và không đi kèm triệu chứng khác. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau bụng khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ hai là căng đau dây chằng tròn. Dây chằng này nằm giữa tử cung và vùng chậu, bị kéo giãn ra để thích ứng với tử cung đang to dần khi mang thai.
Phụ nữ mang thai có thể cảm thấy đau ở giữa bụng xung quanh rốn hoặc hai bên vùng bụng, thường nhói lên trong vài giây. Cơn đau có xu hướng xuất hiện khi cười, ho, đứng dậy hoặc khi thực hiện các cử động đột ngột khác. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài, kèm theo chảy máu âm đạo thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nguy hiểm cần được thăm khám ngay.
Việc ăn phải những thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn hoặc có chất gây ngộ độc sẽ dẫn đến các cơn đau dữ dội, đau quặn ở vùng bụng xung quanh rốn kèm theo nhiều triệu chứng khác như:
Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhẹ, người bệnh sau khi nôn hết ra ngoài hoặc đại tiện nhiều lần sẽ tự hết. Lưu ý, trong thời gian đó cần phải bù đủ nước và điện giải cho cơ thể. Nếu ngộ độc nặng gây nôn mửa nhiều, đau bụng dữ dội, sốt cao, tiêu chảy hơn 3 ngày thì bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Hiện tượng đau bụng ở xung quanh rốn quặn lên theo từng cơn, đau lan lên vùng thượng vị, xuất hiện sau khi ăn no hoặc ăn nhiều dầu mỡ có thể là do hội chứng ruột kích thích gây ra. Bên cạnh đau bụng, các triệu chứng khác có khả năng cùng xuất hiện là táo bón, tiêu chảy, ợ chua, ợ nóng, đầy hơi…
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi với tên bệnh đại tràng co thắt. Đây là một bệnh lý rối loạn chức năng của đại tràng mà không phát hiện tổn thương khi nội soi. Hội chứng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như nhiễm khuẩn, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn uống không khoa học…
Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội xung quanh vùng rốn kèm theo các triệu chứng rối loạn đại tiện có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường tiêu hóa. Khi đó, bạn có khả năng gặp phải những triệu chứng khác như:
Viêm đường tiêu hóa thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn quá nhiều đường hoặc do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Đa số trường hợp bệnh tự phục hồi và các triệu chứng sẽ hết sau vài ngày khi bạn nghỉ ngơi và bổ sung đủ nước, điện giải cho cơ thể.
Đau bụng xung quanh rốn cũng có khả năng do bệnh Crohn gây ra. Thực tế, cơn đau bụng có thể diễn ra ở bất kỳ vị trí nào của bụng, từ nhẹ đến nặng, có khi co thắt từng cơn, kéo dài trong một khoảng thời gian hoặc tự hết. Ngoài đau bụng, người mắc bệnh Crohn thường gặp những triệu chứng khác như tiêu chảy hoặc táo bón, nôn mửa, phân có máu, sụt cân và mệt mỏi.
Bệnh Crohn là một bệnh lý mạn tính gây viêm chủ yếu ở các cơ quan của hệ tiêu hóa. Bệnh đôi khi có liên quan đến một số bệnh mạn tính khác, chẳng hạn như viêm khớp, vẩy nến. Nếu phát hiện cơn đau bụng ở xung quanh rốn do bệnh Crohn gây ra, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc kết hợp với hướng dẫn thay đổi lối sống. Một số trường hợp sẽ cần phải phẫu thuật.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau bụng nói chung hoặc đau xung quanh vùng rốn nói riêng. Các triệu chứng khác kèm theo gồm tiểu gấp, đau khi tiểu tiện, tiểu ra máu, có cảm giác không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn, sốt, buồn nôn… Khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu, tốt nhất bạn nên đi thăm khám sớm nhất có thể.
Nếu bạn cảm thấy đau bụng ở trên rốn phía bên phải hoặc ngay xung quanh rốn, có khi đau lan đến lưng, vai phải thì có thể liên quan đến sỏi mật. Cơn đau do sỏi mật gây ra thường dữ dội và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Tuy nhiên, tùy theo vị trí và kích thước của sỏi mà có những trường hợp sỏi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Nếu xuất hiện tình trạng đau quặn bụng xung quanh rốn từng cơn và kèm theo những triệu chứng tiêu hóa khác như khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy thì có khả năng là do viêm dạ dày – ruột gây ra. Tình trạng viêm này có thể xảy ra do nhiễm virus hoặc vi khuẩn có trong thực phẩm hoặc nguồn nước.
Thông thường, viêm dạ dày – ruột sẽ tự khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị đặc hiệu. Bạn chỉ cần tìm cách giảm nhẹ các triệu chứng, nghỉ ngơi và uống đủ nước. Tuy nhiên, khi các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Đau bụng âm ỉ xung quanh vùng rốn đôi khi là dấu hiệu ban đầu của viêm ruột thừa. Trong trường hợp viêm ruột thừa, cơn đau sẽ từ từ trở nên dữ dội hơn, đau kéo dài, lan dần xuống góc dưới, bên phải của bụng và/hoặc lưng. Cùng với đó, người bệnh có thể gặp thêm những triệu chứng khác gồm:
Đau do viêm ruột thừa cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Do đó, nếu trải qua cơn đau bụng bất thường và kéo dài cùng với những triệu chứng nghi ngờ do viêm ruột thừa, hãy đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Loét dạ dày – tá tràng có thể khiến bạn cảm thấy đau rát ở vùng bụng xung quanh rốn hoặc đau lan lên xương ức. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác thường xuất hiện cùng, bao gồm đau dạ dày, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, ợ hơi…
Nguyên nhân dẫn đến loét dạ dày – tá tràng thường là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Một số trường hợp, tình trạng loét này xảy ra do tác dụng phụ khi sử dụng một số thuốc trong thời gian dài, như thuốc kháng viêm. Tùy theo tình trạng loét mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Nếu bạn trải qua cơn đau bụng xuất hiện đột ngột, bắt đầu âm ỉ và dần dần dữ dội theo thời gian thì có khả năng là triệu chứng của viêm tụy. Bạn có thể cảm nhận thấy cơn đau ở vùng bụng xung quanh rốn hoặc lan ra đằng sau lưng. Cùng với đó, bạn cũng gặp phải những triệu chứng khác như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đầy hơi…
Viêm tụy thường liên quan đến sỏi mật nhưng cũng có trường hợp do nhiễm trùng hoặc tình trạng dị ứng qua trung gian miễn dịch gây ra. Bệnh thường được điều trị trong vòng một vài tuần.
Khi cảm thấy đau bụng ở dưới rốn, nhìn thấy bụng sưng lên, đó có thể liên quan đến tình trạng thoát vị rốn. Những người bị thoát vị thường thấy đau, căng tức hoặc cảm giác khó chịu kéo từ rốn xuống vùng bụng dưới. Triệu chứng này nặng hơn khi ho, hắt hơi, tập thể dục hoặc duỗi căng người.
Nếu phát hiện bạn bị thoát vị rốn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị. Phần lớn trường hợp mổ thoát vị khá đơn giản.
Tắc ruột có thể gây ra cơn đau bụng dữ dội xung quanh rốn hoặc vùng bụng dưới, kèm theo buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, chướng bụng… Tình trạng này xảy ra khi đường ruột bị tắc nghẽn bởi vật cản nào đó, ngăn chặn quá trình di chuyển của chất thải bên trong ruột.
Những nguyên nhân dẫn đến tắc ruột có thể kể đến là phân cứng, mô sẹo ở bụng, bệnh viêm ruột, nhiễm trùng, khối u… Nếu phát hiện bị tắc ruột, bạn sẽ được can thiệp y tế ngay lập tức.
Phình động mạch chủ bụng cũng có khả năng gây ra cơn đau bụng xung quanh rốn trong một khoảng thời gian, cơn đau có khi nhói lên. Nếu chỗ phình động mạch bị vỡ, bạn có thể cảm thấy đau đột ngột và đau như dao đâm ở bụng. Sau đó, cơn đau có khi lan đến những bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, một số triệu chứng khác như khó thở, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, ngất xỉu, yếu đột ngột ở một bên… cũng xuất hiện cùng lúc.
Phình động mạch chủ là một vấn đề nguy hiểm xảy ra do sự suy yếu hoặc phình lên của thành động mạch chủ. Tình trạng chỗ phình bị vỡ là tình huống cần được cấp cứu vì nó có thể đe dọa đến tính mạng.
Thiếu máu cục bộ mạc treo là tình trạng dòng máu đi đến ruột bị gián đoạn, thường do cục máu đông hoặc tắc mạch gây ra. Những người bị thiếu máu cục bộ mạc treo có thể cảm thấy đau bụng dữ dội hoặc nhạy cảm khi ấn vào, sau đó dần xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn như tăng nhịp tim, có máu trong phân… Nếu nghi ngờ bị thiếu máu cục bộ mạc treo, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Khi bạn bị đau bụng xung quanh rốn kéo dài hơn vài ngày, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng nghiêm trọng khác kèm theo cơn đau bụng, bạn cần đến cơ sở y tế ngay:
Nếu hiện tượng đau bụng xung quanh rốn xảy ra ở trẻ em thì tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện vì một số nguyên nhân gây ra cơn đau này cần phải được điều trị kịp thời, chẳng hạn như viêm ruột thừa.
Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau bụng xung quanh rốn nên để đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần xem xét các triệu chứng, bệnh sử và tiến hành khám lâm sàng. Một số xét nghiệm bổ sung cũng có thể được thực hiện, bao gồm:
Dựa vào nguyên nhân gây đau bụng, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp, thường xoay quanh các lựa chọn sau:
Khi cơn đau bụng xung quanh vùng rốn mới xuất hiện và không có thêm triệu chứng nào đáng lo ngại, bạn có thể xoa dịu cơn đau bằng các cách sau:
Nếu cơn đau vẫn không thuyên giảm và còn xuất hiện thêm triệu chứng bất thường khác thì bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Đau bụng xung quanh rốn có thể xảy ra vì nhiều nguyên do khác nhau. Tình trạng này có khi tự hết mà không cần điều trị đặc hiệu nhưng cũng có khả năng liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này nhé.
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.