Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng thường xuyên: Yếu tố thời điểm tiết lộ nguyên nhân

Đau bụng là tình trạng rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Khi gặp phải tình trạng này, bạn rất khó xác định được chính xác lý do bởi đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể nhận diện “thủ phạm” gây đau bụng thường xuyên thông qua thời điểm xuất hiện cơn đau, chẳng hạn như sáng sớm hoặc sau khi ăn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-21
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Thường xuyên đau bụng vào sáng sớmThường xuyên đau bụng sau khi ăn
Đau bụng thường xuyên: Yếu tố thời điểm tiết lộ nguyên nhân

Khi được hỏi, nhiều người cho biết họ thường bị đau bụng vào sáng sớm và sau khi ăn mà không rõ nguyên nhân. Vậy đau bụng thường xuyên là bị bệnh gì? 

Trong bài viết này, Bowtie Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn danh sách các “thủ phạm” thường gây đau bụng vào sáng sớm và đau bụng sau khi ăn. Bạn hãy cùng Bowtie dành vài phút theo dõi để dễ nhận biết nguyên nhân nếu hay bị đau bụng vào 2 thời điểm này nhé!

Thường xuyên đau bụng vào sáng sớm

Nếu bị đau bụng thường xuyên vào sáng sớm, bạn hãy xem tiếp các nội dung sau để biết được một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này cũng như cách giảm đau bụng thường xuyên vào buổi sáng hiệu quả nhé. 

Nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị đau bụng vào sáng sớm

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến bạn thường xuyên bị đau bụng vào sáng sớm:

1. Thiếu nước, mất nước

Uống không đủ nước có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng vào sáng sớm. Bởi việc này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa trong cơ thể. Khi quá trình tiêu hóa diễn ra không tốt, bạn có thể bị đau bụng vào sáng sớm.

2. Khó tiêu

Một “thủ phạm” khác có thể khiến bạn bị đau bụng vào sáng sớm là chứng khó tiêu. Đây là vấn đề về tiêu hóa rất phổ biến và thường xuất phát từ lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh như uống nhiều cà phê, thức uống có cồn, căng thẳng, hút thuốc, ăn quá nhanh, ăn các món nhiều dầu mỡ, cay, nóng… Khi bị đau bụng vào sáng sớm do nguyên nhân này, bạn cũng có thể gặp phải một số biểu hiện khác như buồn nôn, đầy hơi, mau no khi ăn sáng…

3. Không dung nạp thức ăn

Không dung nạp thức ăn cũng có thể gây đau bụng vào sáng sớm. Một số thực phẩm mà nhiều người thường không dung nạp là sữa và các sản phẩm từ sữa; thực phẩm chứa gluten như thực phẩm từ lúa mì, lúa mạch; các loại quả hạch… Khi không dung nạp thức ăn, ngoài đau bụng, bạn cũng có thể bị phát ban, thở khò khè, buồn nôn, nôn… Bạn sẽ bị đau bụng vào sáng sớm nếu ăn các thực phẩm không dung nạp trước khi đi ngủ.

4. Táo bón

Táo bón được định nghĩa là tình trạng bạn đi ngoài ít hơn 3 lần trong 1 tuần, mỗi lần đi ngoài cực kỳ khó khăn và luôn có cảm giác đi không hết. Khi bị táo bón, khí ga có thể “mắc kẹt” trong đường ruột và dẫn đến các cơn đau bụng dưới vào buổi sáng hoặc các thời điểm khác trong ngày. 

Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng vào sáng sớm và có biểu hiện của táo bón, hãy cố gắng uống nhiều nước, ăn các thực phẩm giàu chất xơ, tập thể dục để cải thiện. Còn nếu tình trạng này kéo dài, tốt nhất bạn nên đi khám. 

5. Trào ngược dạ dày – thực quản

Một “thủ phạm” khác gây đau bụng vào sáng sớm cũng rất thường gặp là trào ngược dạ dày – thực quản. Đây là tình trạng axit và các thành phần khác trong dạ dày đi ngược lên thực quản, gây nóng rát ở vùng ngực, cổ họng. 

Triệu chứng thường gặp khi bị trào ngược dạ dày – thực quản là ợ nóng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng hay bị đau ở phần bụng trên hoặc bụng quanh rốn. Đặc biệt, cơn đau có khả năng xuất hiện vào sáng sớm do tư thế nằm ngủ sẽ tạo điều kiện để dịch dạ dày trào ngược lên thực quản dễ dàng hơn.

6. Viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày xuất hiện vết loét, gây đau rát hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng. Cơn đau có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng bạn thường thấy đau nhiều hơn vào sáng sớm, thời điểm dạ dày “trống rỗng”.

7. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm, sưng tấy. Bạn có thể nghi ngờ mình gặp phải tình trạng này nếu bị đau bụng dữ dội, đột ngột ở quanh rốn vào sáng sớm. Sau đó, cơn đau có thể lan dần xuống vùng bụng dưới và ngày càng trở nên dữ dội hơn. 

Một số triệu chứng khác có thể đi cùng với đau bụng là buồn nôn, sốt. Viêm ruột thừa là tình trạng khẩn cấp, cần được can thiệp y tế ngay để tránh biến chứng vỡ ruột thừa. Do đó, nếu nghi ngờ mình bị viêm ruột thừa, hãy đi khám ngay bạn nhé!

Viêm ruột thừa gây đau bụng thường xuyên
Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng vào sáng sớm.

8. Viêm ruột

Viêm ruột (IBD) là thuật ngữ chung dùng để chỉ hai tình trạng là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Cả hai bệnh lý này đều có thể gây đau bụng quanh rốn hoặc đau bụng dưới bên phải vào buổi sáng. 

Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng khác như tiêu chảy, sút cân, thiếu máu, nôn, buồn nôn, mệt mỏi. Còn viêm loét dạ dày thường chỉ ảnh hưởng đến đại tràng (ruột già) và có thể khiến bạn gặp các triệu chứng như tiêu chảy ra máu, thiếu năng lượng, sút cân… 

9. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể là “thủ phạm” gây ra các cơn đau bụng dưới bên phải hoặc bên trái vào sáng sớm. Bạn có thể nghi ngờ bệnh lý này nếu bị đau bụng thường xuyên kèm các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón luân phiên, phân có chất nhầy, đầy hơi, chướng bụng…

10. Viêm, sẹo dính

Nếu đã từng thực hiện phẫu thuật ở vùng bụng trước đây, bạn có thể nghi ngờ “thủ phạm” gây đau bụng vào sáng sớm là do các vết sẹo dính sau phẫu thuật. Hầu hết các trường hợp, các vết sẹo dính này không để lại biến chứng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, chúng sẽ gây ra các cơn đau bụng mạn tính cùng với các triệu chứng như đầy hơi, táo bón, buồn nôn… 

11. Bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa là tình trạng lớp niêm mạc của ống tiêu hóa, thường gặp nhất là lớp niêm mạc đại tràng, xuất hiện những túi nhỏ, phình ra. Khi những túi này bị nhiễm trùng hoặc viêm, nó có thể gây đau bụng dưới bên trái ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả sáng sớm. Tuy nhiên, cơn đau bụng vào sáng sớm thường sẽ dữ dội hơn và có thể đỡ hơn sau khi đi ngoài hoặc xì hơi. Ngoài ra, bạn cũng có khả năng gặp một số triệu chứng khác như táo bón, sốt, buồn nôn, nôn.

12. Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu (PID) là tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng và cổ tử cung. Bệnh lý này thường phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 24. Triệu chứng thường gặp của viêm vùng chậu là đau thường xuyên tại vùng bụng dưới ở bất cứ thời điểm nào, kể cả buổi sáng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sốt, dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc đi tiểu.

13. Bệnh Celiac

Nếu mắc bệnh Celiac, bạn có thể bị đau bụng vào sáng sớm đi cùng với các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng… Đây là một bệnh lý tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công ruột non nếu bạn ăn phải các thực phẩm chứa gluten như thực phẩm làm từ lúa mì, lúa mạch… Các triệu chứng của bệnh Celiac có thể khác nhau ở mỗi người nhưng đau bụng và tiêu chảy là 2 triệu chứng thường gặp nhất.

14. Bệnh lý túi mật

Các bệnh lý về túi mật cũng có thể là nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng thường xuyên vào sáng sớm. Nếu là do bệnh về túi mật, bạn có thể thấy đau ở phần trên bên phải của bụng, thường đau quặn từng cơn. Còn nếu có sỏi mật làm tắc nghẽn các ống dẫn trong túi mật, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, vàng da…

15. Viêm tụy

Viêm tụy cũng có thể khiến bạn bị đau bụng thường xuyên vào sáng sớm. Đây là tình trạng tụy bị viêm, phần lớn là do sỏi mật. Cơn đau bụng do viêm tụy vào sáng sớm thường xuất hiện đột ngột, dữ dội ở vùng bụng trên và có thể đi cùng với các triệu chứng như buồn nôn, nôn. 

Cách giảm triệu chứng đau bụng thường xuyên vào sáng sớm

Nếu bạn chỉ mới bị đau bụng thường xuyên vào sáng sớm trong thời gian gần đây, cơn đau không quá nghiêm trọng và bạn cũng không có những biểu hiện bất thường khác như sốt, buồn nôn, nôn…, bạn có thể theo dõi thêm và thực hiện các biện pháp giúp giảm đau tại nhà như:

  • Uống một cốc nước hoặc trà ấm vào buổi sáng như trà gừng, trà hoa cúc… để làm dịu dạ dày, giúp ấm bụng
  • Chườm ấm bụng bằng cách đặt túi chườm hoặc một chai nước ấm lên bụng
  • Massage bụng nhẹ nhàng
  • Ngủ đủ giấc, đảm bảo chất lượng giấc ngủ
  • Thay đổi tư thế ngủ, tránh nằm co quắp hoặc để bụng hở, lạnh khi ngủ
  • Hạn chế ăn khuya, nhất là ăn các món cay nóng, nhiều dầu mỡ vì rất dễ khiến bạn bị đầy hơi, khó tiêu
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng như thực phẩm làm từ sữa, thực phẩm chứa gluten…
  • Hạn chế đồ uống chứa caffeine, rượu bia và tránh hút thuốc lá

Bài viết liên quan:

Cách giảm triệu chứng đau bụng thường xuyên vào sáng sớm
Uống một cốc nước ấm là cách giúp giảm tình trạng đau bụng thường xuyên vào sáng sớm.

Khi nào bạn cần đến bệnh viện thăm khám?

Trong những trường hợp sau, bạn nên đi khám ngay:

  • Cơn đau quá mức nghiêm trọng đến nỗi bạn không thể đứng dậy hoặc thực hiện bất cứ hoạt động nào khác
  • Thường xuyên bị đau bụng vào sáng sớm trong thời gian dài, tình trạng này kéo dài càng lâu thì càng cần đi khám gấp
  • Cơn đau khởi phát đột ngột, dữ dội, không cải thiện sau 24 – 48 giờ hoặc trở nên dữ dội và thường xuyên hơn
  • Đau bụng đi cùng với các triệu chứng khác như sốt, đi tiểu thường xuyên, đau rát khi đi tiểu, chán ăn, chảy máu âm đạo, sút cân không rõ nguyên nhân, không thể đi đại tiện, nôn mửa, phân có máu, nôn ra máu, khó thở….
  • Bạn đang điều trị ung thư, đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, vừa bị chấn thương vùng bụng gần đây

Thường xuyên đau bụng sau khi ăn

Cũng giống như tình trạng thường xuyên bị đau bụng vào sáng sớm, đau bụng thường xuyên sau khi ăn cũng có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra.

Đau bụng thường xuyên sau khi ăn là dấu hiệu của bệnh gì?

Dưới đây là một số “thủ phạm” có thể gây đau bụng thường xuyên sau khi ăn:

Ăn quá no và quá nhanh

Trung bình, dạ dày của bạn chỉ có thể chứa khoảng 1 hoặc 2 chén thức ăn. Nếu bạn ăn vượt quá số lượng trên, dạ dày sẽ phải “căng ra” để chứa phần thức ăn dư thừa. Và điều này có thể khiến bụng trở nên khó chịu hoặc đau. Trong khi đó, nếu ăn quá nhanh, bạn sẽ nuốt nhiều không khí hơn và tình trạng này có khả năng gây đầy hơi, chướng bụng. 

Ăn quá no, quá nhanh là 2 nguyên nhân gây đau bụng sau khi ăn rất thường gặp. Nếu có thói quen ăn uống này và thường xuyên bị đau bụng sau khi ăn, tốt nhất bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống của mình.

Không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm

Cả 2 tình trạng không dung nạp thực phẩm và dị ứng thực phẩm đều có thể khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn, đồng thời kèm với tiêu chảy, nôn mửa. Không dung nạp thực phẩm được hiểu là tình trạng cơ thể không có khả năng tiêu hóa một thành phần nào đó trong thực phẩm. Chẳng hạn như, cơ thể thiếu enzyme lactase, dẫn đến việc không thể tiêu hóa các thực phẩm từ sữa.

Trong khi đó, nếu bị dị ứng thực phẩm, bạn sẽ cần kiêng hoàn toàn một số loại thực phẩm gây dị ứng. Bởi nếu ăn, loại thực phẩm này có thể “kích hoạt” các phản ứng miễn dịch và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng thường thấy là trứng, sữa, đậu phộng, lúa mì, động vật có vỏ…

Các bệnh lý về tiêu hóa

Cũng giống như tình trạng thường xuyên bị đau bụng vào sáng sớm, đau bụng sau khi ăn cũng có thể do các bệnh lý về tiêu hóa gây ra, chẳng hạn như:

  • Chứng khó tiêu
  • Táo bón
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Loét dạ dày – tá tràng
  • Bệnh túi thừa
  • Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
  • Bệnh viêm ruột
  • Các bệnh về túi mật
  • Viêm tụy
Nguyên nhân đau bụng thường xuyên sau khi ăn
Tình trạng đau bụng thường xuyên sau khi ăn có thể do các bệnh lý về tiêu hóa gây ra.

Các bệnh lý khác

Một số nguyên nhân gây đau bụng sau khi ăn ít phổ biến hơn là:

  • Thiếu máu cục bộ đường ruột hoặc có vấn đề về cung cấp máu cho ruột non
  • Ung thư dạ dày hoặc thực quản
  • Nhiễm nấm Candida

Cách giảm tình trạng đau bụng thường xuyên sau khi ăn

Khi gặp phải tình trạng đau bụng sau khi ăn, bạn có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm tình trạng này. Nếu các phương pháp chăm sóc tại nhà không có hiệu quả, có lẽ bạn chưa xác định đúng nguyên nhân hoặc đang gặp một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị chuyên khoa. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà bạn có thể thử:

  • Thay đổi chế độ ăn và thói quen ăn uống: Cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây và khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa nói, ăn quá nhanh hoặc quá nhiều. 
  • Nếu bạn mắc các chứng không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng thức ăn, hãy loại bỏ các thực phẩm bạn không thể tiêu hóa hoặc bị dị ứng ra khỏi thực đơn
  • Sau khi ăn, bạn nên đi lại, vận động nhẹ nhàng để tiêu thực, tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu
  • Massage bụng theo chiều kim đồng hồ, đặt tay ở rốn rồi xoa đều khắp vùng bụng 
  • Uống một số thức uống, trà thảo mộc giúp giảm đau bụng như nước ấm, trà gừng ấm, trà bạc hà…
  • Chườm nóng bằng cách đặt túi ấm hoặc bình nước nóng lên vùng bụng bị đau

Khi nào bạn cần đến bệnh viện thăm khám?

Nếu bạn chỉ mới bị đau sau bữa ăn trong thời gian gần đây, cơn đau không nghiêm trọng và cũng không đi cùng với bất cứ triệu chứng nào khác, bạn có thể theo dõi và thực hiện các biện pháp giảm đau tại nhà kể trên. Còn nếu thỉnh thoảng bạn mới thấy đau và cơn đau cũng không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hàng ngày, bạn có thể ghi chú lại và trao đổi với bác sĩ trong lần khám sức khỏe định kỳ tiếp theo. 

Còn nếu bạn bị đau bụng thường xuyên sau khi ăn trong thời gian dài hoặc cơn đau rất dữ dội, khiến bạn không thể làm được bất cứ điều gì thì tốt nhất nên đi khám ngay lập tức. Ngoài ra, nếu có các triệu chứng sau đi kèm thì bạn cũng cần thăm khám ngay:

  • Sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi
  • Vàng da
  • Tim đập nhanh
  • Nôn nặng
  • Phân có màu sắc bất thường, đau bụng càng tăng ngay cả khi ngừng ăn

Trên đây là một số nguyên nhân bị đau bụng thường xuyên vào sáng sớm và đau bụng sau khi ăn phổ biến mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Nhìn chung, đau bụng, dù là ở thời điểm nào thì cũng rất thường gặp và cần chú ý theo dõi. Nếu cơn đau ngày một nghiêm trọng và có các dấu hiệu bất thường khác đi cùng thì tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trật cổ khi ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách xử lý ngay hiệu quả Trật cổ khi ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách xử lý ngay hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Trật cổ khi ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách xử lý ngay hiệu quả

Đau bụng xung quanh rốn là dấu hiệu gì? Mẹo giúp giảm đau hiệu quả Đau bụng xung quanh rốn là dấu hiệu gì? Mẹo giúp giảm đau hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng xung quanh rốn là dấu hiệu gì? Mẹo giúp giảm đau hiệu quả

Ức gà rán bao nhiêu calo? Cách giúp ức gà rán lành mạnh, ít béo hơn Ức gà rán bao nhiêu calo? Cách giúp ức gà rán lành mạnh, ít béo hơn
Kiến thức sức khỏe

Ức gà rán bao nhiêu calo? Cách giúp ức gà rán lành mạnh, ít béo hơn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK