Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng do rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện và cách khắc phục

Đau bụng do rối loạn tiêu hóa là một tình trạng không hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều khó chịu. Biết được một số cách giảm đau bụng rối loạn tiêu hóa sẽ giúp bạn hạn chế đáng kể ảnh hưởng của tình trạng này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-14
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Rối loạn tiêu hóa là gì và có bị đau bụng không?Đặc điểm của cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóaVì sao bạn bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến đau bụng kéo dài?Đau bụng rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?Khi bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, bạn nên làm gì?
Đau bụng do rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện và cách khắc phục

Vậy rối loạn tiêu hóa là gì và có gây đau bụng không? Tại sao bạn lại bị rối loạn tiêu hóa? Đau bụng rối loạn tiêu hóa mấy ngày thì khỏi và làm sao giảm tình trạng này? Mời bạn hãy cùng Bowtie khám phá thêm trong các nội dung bên dưới nhé.

Rối loạn tiêu hóa là gì và có bị đau bụng không?

Rối loạn tiêu hóa là những thay đổi, xáo trộn gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa cũng như quá trình “xử lý” thức ăn. Điều này gây ra các triệu chứng tiêu hóa nhất định. 

Vậy người bị rối loạn tiêu hóa có biểu hiện gì? Rối loạn tiêu hóa có gây đau bụng không? Theo đó, đau bụng là một trong các biểu hiện thường gặp của rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh còn nhận thấy một số triệu chứng khác, bao gồm:

  • Đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu
  • Ợ nóng, ợ chua
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Ăn mất ngon, đắng miệng
  • Giảm cân nhanh 
  • Yếu sức, cơ thể suy nhược
  • Đi tiêu bất thường, tiêu chảy hoặc táo bón

Đặc điểm của cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóa

Đau bụng là một trong những biểu hiện đầu tiên và rõ ràng nhất của các vấn đề về tiêu hóa. Cơn đau có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bụng tùy vào vị trí bị ảnh hưởng, chẳng hạn như bụng trên, bụng dưới, vùng bụng bên trái, bên phải hoặc quanh rốn. 

Ban đầu, bạn có thể cảm thấy đau nhẹ, sau đó tình trạng đau trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn (có thể lan ra sau lưng). Đặc biệt, cảm giác đau thường tồi tệ hơn sau khi ăn đồ chua và các món cay nóng. Một số người bị rối loạn tiêu hóa có thể đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn bụng từng cơn

Vậy tình trạng đau bụng do rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi? Tùy vào nguyên nhân cụ thể mà thời gian rối loạn tiêu hóa sẽ khác nhau. Thông thường, tình trạng này kéo dài khoảng 3 ngày đến một tuần. Tuy nhiên, một số người có thể bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài hơn, khoảng 2 – 4 tuần.

Đặc điểm của cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có thể gây đau bụng ở nhiều vị trí như bụng trên, bụng dưới, bên trái, bên phải hoặc quanh rốn.

Vì sao bạn bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến đau bụng kéo dài?

Trên thực tế, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Theo đó, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất có thể gây rối loạn tiêu hóa. Nếu bạn ăn phải các loại thực phẩm không hợp vệ sinh, bị hư hỏng, ôi thiu sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và từ đó dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Việc ăn không đúng bữa, không điều độ cũng có thể gây đau bụng do rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, uống quá nhiều rượu bia cũng làm mất cân bằng pH ở dạ dày, “đánh bay” men tiêu hóa và ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ thức ăn.
  • Tập luyện quá mức: Các tế bào ở đường ruột cũng có thể bị ảnh hưởng do luyện tập thể dục thể thao quá sức hoặc trong thời gian quá dài. 
  • Căng thẳng: Tình trạng căng thẳng có thể kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều hormone serotonin gây ảnh hưởng đến hoạt động của đường tiêu hóa. Không những vậy, tình trạng này còn làm giảm lưu thông máu, giảm co bóp dạ dày, khiến thức ăn bị ứ đọng, từ đó dẫn đến đầy bụng và khó tiêu. 
  • Dùng kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt các lợi khuẩn, từ đó gây mất cân bằng hệ khuẩn đường ruột và dẫn đến đau bụng rối loạn tiêu hóa. 
  • Các bệnh lý ở đường tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa còn là hệ quả của một số bệnh lý như viêm loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích…

Bài viết liên quan:

Đau bụng rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?

Thông thường, tình trạng đau bụng cũng như các triệu chứng khác do rối loạn tiêu hóa sẽ xuất hiện trong thời gian ngắn và tương đối nhẹ. Lúc này, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn, bạn bị đi tiêu ra máu, sụt cân nhanh, phân rắn lỏng xen kẽ… thì hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám. Bởi rối loạn tiêu hóa lâu ngày có khả năng gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Mất nước: Rối loạn tiêu hóa có thể làm thay đổi thói quen đi đại tiện, đặc biệt là gây tiêu chảy, dẫn đến mất nước và chất điện giải, từ đó khiến người bệnh mệt mỏi, xanh xao.
  • Hạ huyết áp: Việc thay đổi nồng độ chất điện giải trong cơ thể đột ngột có thể gây hạ huyết áp, từ đó dẫn đến choáng váng, ngất xỉu…
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài làm tiêu diệt cái lợi khuẩn trong đường tiêu hóa, tạo cơ hội để các vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập và phát triển, từ đó gây nhiễm trùng tiêu hóa.
  • Tử vong: Các vấn đề như mất nước, tiêu chảy, thủng ruột hoặc ung thư có thể đe dọa đến tính mạng của bạn nếu không được can thiệp kịp thời.

Khi bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, bạn nên làm gì?

Trong trường hợp đau bụng do rối loạn tiêu hóa nhẹ, bạn có thể thử một số cách sau đây để làm giảm các triệu chứng:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ giúp hạn chế hoặc giảm bớt đáng kể tình trạng đau bụng rối loạn tiêu hóa. Theo đó, nếu bạn đang ăn nhiều các loại thực phẩm kích thích đường tiêu hóa kể trên thì việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. 

Vậy người bị đau bụng rối loạn tiêu hóa nên ăn gì và cần lưu ý gì trong quá trình ăn uống? Dưới đây là một số cách làm giảm đau bụng do rối loạn tiêu hóa mà bạn có thể thử áp dụng:

  • Nấu kỹ thức ăn, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, hạn chế đồ ăn sống hoặc tái
  • Hạn chế đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, các món kích thích đường tiêu hóa, đồ uống có ga, các chất kích thích như rượu bia, cà phê
  • Nên ăn các món dễ tiêu hóa, thanh đạm như súp, cháo, canh…
  • Ăn nhiều rau củ quả nhưng lưu ý cần rửa sạch trước khi ăn
  • Ăn thêm sữa chua, dưa cải, các loại quả mọng… để bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
  • Ăn uống đúng bữa, tránh ăn quá nhanh và quá no, cố gắng ăn chậm, nhai kỹ
  • Tránh ăn khuya, nên ăn trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ
Những việc cần làm khi bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa
Bạn nên rửa sạch rau củ quả trước khi ăn để giảm đau bụng do rối loạn tiêu hóa.

Điều chỉnh chế độ tập luyện thể chất

Việc vận động thường xuyên đã được chứng minh là có thể giúp thức ăn di chuyển dễ dàng hơn, từ đó cải thiện tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn cần chú ý cường độ luyện tập để không quá sức vì điều này ngược lại sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. 

Theo đó, bạn nên ưu tiên các hoạt động hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, cầu lông, bơi lội, yoga, thái cực quyền… Đồng thời, bạn cần cố gắng duy trì vận động thường xuyên, tốt nhất là mỗi ngày 30 – 60 phút.

Giảm thiểu căng thẳng

Căng thẳng có thể gây ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu hóa. Vì vậy, nếu thường xuyên bị stress, căng thẳng, lo âu dẫn đến đau bụng rối loạn tiêu hóa, bạn hãy cố gắng tìm cách thả lỏng tinh thần, giải tỏa căng thẳng. 

Theo đó, bạn nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, làm các việc mình yêu thích như nghe nhạc, đọc sách, xem phim hoặc mua sắm. Một số bài tập như yoga, thiền, bài tập hít thở… cũng là lựa chọn hay giúp bạn giảm thiểu căng thẳng rất hiệu quả.   

Trao đổi với bác sĩ về việc dùng kháng sinh

Nếu bạn bị đau bụng rối loạn tiêu hóa trong quá trình dùng kháng sinh, hãy trao đổi với bác sĩ. Lúc này, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn các loại thuốc khác cho bạn hoặc chỉ định thêm các thuốc giúp giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa do kháng sinh.

Điều trị các bệnh lý tiêu hóa nếu có

Nếu đang mắc các bệnh lý đường tiêu hóa gây ra tình trạng đau bụng, khó tiêu hoặc các triệu chứng khác, tốt nhất bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi khi kéo dài, các bệnh lý đường tiêu hóa này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đôi khi dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác. 

Khi được chẩn đoán mắc các bệnh lý tiêu hóa, bạn nên tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả. Việc điều trị dứt điểm các bệnh lý này là một trong những cách giảm đau bụng rối loạn tiêu hóa hiệu quả nhất.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc để giảm đau bụng rối loạn tiêu hóa. Tùy vào triệu chứng mà bạn gặp phải mà các thuốc được sử dụng sẽ khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm rối loạn tiêu hóa cũng như các triệu chứng do tình trạng này gây ra. 

Nhìn chung, tình trạng đau bụng do rối loạn tiêu hóa thường không quá nguy hiểm và có thể thuyên giảm trong vài ngày nếu bạn điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như áp dụng một số biện pháp giảm rối loạn tiêu hóa tại nhà. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài, tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó điều trị hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bữa tối nên nạp bao nhiêu calo để giảm cân? Bí kíp xem tối nay ăn gì Bữa tối nên nạp bao nhiêu calo để giảm cân? Bí kíp xem tối nay ăn gì
Kiến thức sức khỏe

Bữa tối nên nạp bao nhiêu calo để giảm cân? Bí kíp xem tối nay ăn gì

Bạch cầu: Chức năng, phân loại và vai trò đối với sức khỏe Bạch cầu: Chức năng, phân loại và vai trò đối với sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Bạch cầu: Chức năng, phân loại và vai trò đối với sức khỏe

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK