Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng âm ỉ nhiều ngày là bệnh gì? Cẩn trọng với 13 bệnh lý này

Hầu hết mọi người đều từng bị đau bụng ít nhất một lần trong đời. Nhiều lúc, bạn chỉ bị đau bụng bất chợt rồi hết nhưng cũng có khi bị đau bụng kéo dài 2 - 3 ngày liên tục hoặc lâu hơn mà không khỏi. Nếu bị đau bụng nhiều ngày, bạn cần thận trọng bởi đó có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-19
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Đau bụng âm ỉ nhiều ngày là bệnh gì?Bạn cần làm gì khi bị đau bụng nhiều ngày liên tiếp?
Đau bụng âm ỉ nhiều ngày là bệnh gì? Cẩn trọng với 13 bệnh lý này

Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu một số nguyên nhân có thể gây đau bụng âm ỉ kéo dài nhiều ngày không khỏi.

Đau bụng âm ỉ nhiều ngày là bệnh gì?

Nhiều vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác nhau có thể gây đau bụng. Tùy mỗi nguyên nhân mà tình trạng đau bụng của bạn sẽ khác nhau. Bạn có thể bị đau bụng dữ dội hay âm ỉ với cơn đau xuất hiện rồi biến mất ngay hoặc kéo dài. Trong đó, tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài nhiều ngày liền có thể liên quan đến 13 bệnh lý mà bạn cần cảnh giác sau đây: 

1. Nhiễm giun sán

Giun sán có thể xâm nhập và sống ký sinh trong đường tiêu hóa của con người. Khi bị nhiễm giun sán, người bệnh có thể gặp phải nhiều vấn đề tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, nôn cũng như đau bụng âm ỉ. 

Đối tượng dễ nhiễm giun sán nhất là trẻ nhỏ bởi chúng có thói quen hay mút tay và cho các đồ vật vào miệng. Theo đó, tình trạng này thường không quá nguy hiểm và bạn có thể “tiêu diệt” các ký sinh trùng trên bằng thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ấu trùng giun sán có khả năng di chuyển đến mắt và não, từ đó gây nhiều biến chứng.

2. Rối loạn tiêu hóa

Bụng yếu, khó chịu vùng bụng, ăn uống không thấy ngon miệng có thể do rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này còn gây ra những cơn đau bụng âm ỉ và có thể kéo dài vài ngày không khỏi. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa thường là ăn phải thức ăn ôi thiu, không vệ sinh, ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc kháng sinh gây tác dụng phụ hoặc một số bệnh lý đường tiêu hóa. 

Trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với một số biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng. Trong khi đó, với tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng gây đau bụng kéo dài, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. 

3. Viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày, tá tràng bị viêm cũng như xuất hiện các vết loét. Đau bụng âm ỉ kéo dài là một trong những triệu chứng mà người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng dễ gặp phải. Đôi khi, cơn đau có thể trở nên dữ dội, quằn quại nếu bệnh nhân uống rượu bia, ăn cay nóng và sử dụng chất kích thích. 

4. Viêm đại tràng mạn tính

Viêm đại tràng mạn tính cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng âm ỉ nhiều ngày liên tiếp. Các cơn đau do viêm đại tràng mạn tính thường xuất hiện ở hai bên hạ sườn và dọc theo khung đại tràng khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, thậm chí cần nằm xuống giường để giảm bớt đau. 

Ngoài ra, một số triệu chứng khác của bệnh là tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy – táo bón xen kẽ, trong phân có máu kèm chất nhầy, đau khi đi vệ sinh, phân sống… Bệnh được gọi là mạn tính vì có thể tái lại và rất khó để chữa khỏi dứt điểm. Viêm đại tràng nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến cơ thể mất nước, gầy yếu, mệt mỏi và nguy hiểm hơn là dẫn tới tử vong.

5. Hẹp môn vị

Là bộ phận nằm giữa dạ dày và tá tràng, nếu môn vị bị hẹp hoặc tắc nghẽn thì thức ăn không thể lưu thông xuống đường ruột. Tình trạng này kéo dài sẽ gây đau bụng liên tục nhiều ngày, kèm các triệu chứng khác như nôn mửa, đầy bụng và táo bón. Các cơn đau thường xuất hiện sau khi bạn ăn no do lượng thức ăn dồn xuống và bị tắc nghẽn ở môn vị. 

6. Lao ruột

Theo các chuyên gia y tế, lao ruột là một trong các bệnh lý nguy hiểm không nên xem thường. Đúng như tên gọi, bệnh xảy ra do trực khuẩn lao gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. 

Triệu chứng lao ruột có nhiều nét tương đồng với rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, sôi bụng… nên rất dễ nhầm lẫn. Tình trạng đau bụng do lao ruột có thể xuất hiện ở một vị trí hoặc toàn bộ bụng. Khi lao ruột gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể bị đau bụng dữ dội. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh dễ dẫn đến biến chứng như thủng ruột, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm phúc mạc, thậm chí đe dọa tính mạng.

Đau bụng nhiều ngày do lao ruột
Các cơn đau bụng âm ỉ kéo dài có thể do bạn mắc bệnh lao ruột.

7. Bệnh Crohn

Bệnh Crohn xảy ra khi các cơ quan trong đường tiêu hóa bị viêm. Các vị trí viêm phổ biến nhất là tá tràng và đại tràng. Nguyên nhân gây bệnh thường không rõ ràng nhưng được cho là có liên quan đến những bất thường ở gen và sự mất cân bằng hormone. 

Bất kể vị trí nào trong đường tiêu hóa bị viêm cũng có thể gây đau bụng. Ngoài ra, người mắc bệnh Crohn còn bị loét miệng, đi tiêu ra máu, chán ăn, suy nhược. Đặc biệt, do bệnh Crohn có xu hướng kéo dài nên các triệu chứng của bệnh, kể cả đau bụng, cũng thường dai dẳng. 

8. Viêm tụy mạn tính

Viêm tụy mạn tính cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau bụng liên tục nhiều ngày không khỏi. Theo đó, các cơn đau do viêm tụy thường xuất hiện ở thượng vị, vùng bụng phía trên bên trái và có thể lan ra sau lưng. Đi kèm các cơn đau lâm râm kéo dài, bệnh nhân còn gặp phải một số triệu chứng như đầy hơi, táo bón, cơ thể mệt mỏi, giảm cân… thậm chí đi ngoài phân có váng mỡ và có mùi khó chịu. 

9. Các bệnh lý ở thận, niệu đạo

Các bệnh lý ở thận và niệu đạo cũng có thể gây đau bụng nhiều ngày. Bệnh ở niệu đạo thường là nhiễm trùng và viêm. Trong khi đó, các bệnh lý ở thận đa dạng hơn, có thể kể đến như thận yếu, thận hư, sỏi thận… Ngoài đau bụng âm ỉ nhiều ngày, người mắc các bệnh lý ở thận và niệu đạo còn có nhiều triệu chứng khác như đi tiểu bị đau buốt, dòng nước tiểu chảy chậm hoặc trong nước tiểu có máu.

10. Mang thai ngoài tử cung

Đau bụng âm ỉ kéo dài nhiều ngày ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ ở bên ngoài tử cung, thường gặp là ở ống dẫn trứng. 

Mang thai ngoài tử cung được đánh giá là một tình trạng nguy hiểm bởi có thể gây vỡ cơ quan nơi thai phát triển, từ đó gây chảy máu ồ ạt. Các triệu chứng ban đầu của tình trạng này là đau bụng dưới và vùng chậu âm ỉ nhiều ngày, chảy máu âm đạo, buồn nôn, mệt mỏi. 

11. Viêm buồng trứng hay viêm phần phụ

Viêm buồng trứng và viêm phần phụ là những bệnh lý rất phổ biến ở nữ giới.  Nguyên nhân gây viêm có thể do vệ sinh kém, quan hệ tình dục không an toàn, thực hiện các biện pháp tránh thai qua tử cung… Đau bụng âm ỉ kéo dài, rong kinh, ra nhiều khí hư là những dấu hiệu cảnh báo viêm buồng trứng hoặc viêm phần phụ.

12. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là các khối chứa dịch hoặc chất rắn như bã đậu, xuất hiện bên trong hoặc trên buồng trứng. Những u nang kích thước lớn có thể chèn ép xung quanh và gây nên các cơn đau ở vùng chậu và bụng dưới. Một số phụ nữ bị u nang buồng trứng nhận thấy các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, kinh nguyệt không đều, tăng cân, tiểu nhiều lần trong ngày… 

13. Khối u trong ổ bụng

Ổ bụng là nơi chứa nhiều cơ quan nội tạng. Bất kỳ khối u nào, dù là lành tính hay ác tính, xuất hiện ở các cơ quan này cũng có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng. 

Cơn đau thường nhẹ với những khối u lành tính. Tuy nhiên, với các khối u ác tính, cơn đau thường xuất hiện đột ngột và dữ dội hơn. Ngoài ra, tùy việc khối u xuất hiện ở cơ quan nào mà bệnh nhân còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như nôn mửa, đi ngoài ra máu, cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon miệng…

Bài viết liên quan:

Bạn cần làm gì khi bị đau bụng nhiều ngày liên tiếp?

Nếu như bị đau bụng nhiều ngày liên tiếp, bạn có thể thử áp dụng một số cách giảm đau tại nhà để làm dịu triệu chứng. Trong trường hợp tình trạng đau bụng vẫn không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp này hoặc nếu đau bụng vẫn kéo dài, đi kèm với các triệu chứng khác thì bạn cần sắp xếp thời gian để đến bệnh viện thăm khám ngay. 

Một số cách giảm đau bụng tại nhà

Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để giảm đau bụng tại nhà:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn
  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Chườm khăn ấm, túi ấm lên bụng
  • Massage bụng theo chiều chuyển động kim đồng hồ để điều hòa nhu động ruột
  • Hãy chắc chắn rằng bữa ăn của bạn cân bằng dinh dưỡng, cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể, nên ưu tiên ăn nhiều trái cây và rau quả
  • Hạn chế ăn các món ăn quá đặc, thực phẩm có khả năng sinh ra khí, thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm chiên hoặc nhiều dầu mỡ, thực phẩm chua cay, caffeine, rượu và đồ uống có ga…
Cách giảm đau bụng nhiều ngày tại nhà
Chườm ấm là cách giảm đau bụng hiệu quả.

Khi nào bạn cần đến bệnh viện gặp bác sĩ?

Trường hợp đau bụng âm ỉ kéo dài trên 7 ngày liên tiếp, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân cụ thể. Nếu gặp phải các triệu chứng sau, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện:

  • Bị đau bụng nhiều ngày liên tiếp khi đang điều trị ung thư hoặc mang thai
  • Đi đại tiện đau, khó chịu hoặc không thể đi đại tiện
  • Máu xuất hiện trong phân, đặc biệt nếu có màu đỏ tươi, màu hạt dẻ hoặc màu sẫm, đen 
  • Cơ thể mệt mỏi, khó thở, tức ngực
  • Đau ngực và lan sang vùng cổ, vai gáy
  • Bụng bị căng cứng và cảm thấy như muốn nổ tung
  • Bụng đau kèm triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, mất nước
  • Tình trạng đầy hơi kéo dài hơn 2 ngày
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu nhiều hoặc tiểu ra máu
  • Tiêu chảy hơn 5 ngày
  • Sốt cao trên 38°C 
  • Chảy máu âm đạo kéo dài

Nếu đang gặp phải tình trạng đau bụng nhiều ngày, bạn không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nguy hiểm. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có thêm thông tin để “đối phó” với những cơn đau bụng ngay tại nhà. Tuy nhiên, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu thấy cơn đau trở nên tồi tệ, nghiêm trọng hoặc kéo dài nhiều ngày không khỏi nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mật ong bao nhiêu calo? Những lưu ý khi sử dụng mật ong Mật ong bao nhiêu calo? Những lưu ý khi sử dụng mật ong
Kiến thức sức khỏe

Mật ong bao nhiêu calo? Những lưu ý khi sử dụng mật ong

Dưa leo bao nhiêu calo? Bí quyết ăn dưa leo giúp giảm cân hiệu quả Dưa leo bao nhiêu calo? Bí quyết ăn dưa leo giúp giảm cân hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Dưa leo bao nhiêu calo? Bí quyết ăn dưa leo giúp giảm cân hiệu quả

Ngủ dậy đau vai: Do tư thế ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn? Ngủ dậy đau vai: Do tư thế ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn?
Kiến thức sức khỏe

Ngủ dậy đau vai: Do tư thế ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK