Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau vùng bụng dưới là bệnh gì? 27+ nguyên nhân gây đau vùng hạ vị

Đau bụng dưới là tình trạng thường gặp và nguyên nhân gây ra cũng rất đa dạng. Các nguyên nhân này có thể bao gồm những vấn đề ở đường tiêu hóa, tiết niệu hoặc hệ thống sinh sản. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây đau phần bụng dưới sẽ giúp bạn có hướng điều trị, xử lý hiệu quả để hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn hoặc gây ra biến chứng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-14
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Thế nào là đau bụng dưới?Đau bụng dưới là dấu hiệu của bị bệnh gì?Các biện pháp giúp giảm cơn đau tức bụng dưới tại nhàNếu bị đau co thắt bụng dưới, khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Đau vùng bụng dưới là bệnh gì? 27+ nguyên nhân gây đau vùng hạ vị

Trong bài viết này, Bowtie sẽ cung cấp cho bạn danh sách 27 “thủ phạm” gây đau tức bụng dưới thường gặp nhất. Bạn hãy dành vài phút theo dõi để phần nào xác định được mình bị đau bụng dưới do đâu nhé!

Thế nào là đau bụng dưới?

Đau bụng dưới hay đau vùng hạ vị có thể được hiểu là cơn đau xuất hiện ở vùng bụng bên dưới rốn. Ở vị trí này, cơn đau sẽ liên quan đến bất cứ cơ quan nào nằm giữa rốn và xương mu như:

  • Ruột non
  • Ruột già
  • Ruột thừa
  • Buồng trứng
  • Tử cung
  • Tinh hoàn
  • Tuyến tiền liệt
  • Mào tinh, thừng tinh
  • Niệu quản
  • Bàng quang
  • Tuyến tụy

Tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ quan bị ảnh hưởng mà cơn đau bụng dưới bạn cảm nhận được sẽ khác nhau. Bạn có thể thấy bụng dưới đau âm ỉ, đau co thắt bụng dưới, đau nặng bụng dưới hoặc căng tức vùng bụng dưới. Cơn đau có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Với trường hợp cấp tính, cơn đau thường xuất hiện đột ngột và có tính chất tạm thời. Trong khi đó, trường hợp đau mạn tính là khi bạn thường xuyên bị đau bụng dưới hoặc bị đau trong thời gian dài. 

Đau bụng dưới là dấu hiệu của bị bệnh gì?

Rất khó để xác định chính xác đau vùng bụng dưới là bệnh gì bởi nguyên nhân gây đau bụng dưới vô cùng đa dạng. Bạn có thể chỉ bị đau bụng dưới do đầy bụng, rối loạn tiêu hóa nhưng cũng có trường hợp, đau bụng dưới lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau vùng hạ vị, bụng dưới phổ biến:

Các vấn đề đường tiêu hóa

Các vấn đề về tiêu hóa dưới đây có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau phần bụng dưới:

1. Đầy hơi, chướng bụng

Đầy hơi, chướng bụng là một trong những “thủ phạm” gây đau phần bụng dưới thường gặp nhất. Đây là hiện tượng khí gas tích tụ nhiều trong ống tiêu hóa do bạn nuốt không khí khi ăn uống hoặc do ăn một số thực phẩm sinh ra khí, chẳng hạn như các loại đậu, hành tây, khoai tây… 

Cơn đau bụng do đầy hơi thường chỉ là cấp tính. Theo nhiều người chia sẻ, cơn đau sẽ biến mất nếu như luồng hơi này được “giải phóng” thông qua việc ợ hoặc đánh rắm.

2. Táo bón

Táo bón cũng có thể gây ra những cơn đau ở vùng hạ vị và khiến bạn cảm thấy khó chịu. Bạn có thể nghi ngờ mình bị đau bụng dưới do táo bón nếu:

  • Đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần
  • Khó đi ngoài do phân cứng, vón cục 
  • Có cảm giác như chưa tống hết phân ra ngoài sau khi đi ngoài

3. Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là tình trạng lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm, sưng tấy và dẫn đến các vết loét trên niêm mạc. Tình trạng này có thể gây đau bụng dưới kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần. Cùng với đó, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như có máu trong phân, đi ngoài thường xuyên, sút cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, thiếu máu, tiêu chảy…

4. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích cũng có thể là “thủ phạm” gây ra các cơn đau bụng dưới cũng như nhiều triệu chứng về đường tiêu hóa khác, bao gồm: 

  • Thay đổi nhu động ruột, bao gồm tiêu chảy, táo bón hoặc kết hợp cả hai
  • Đầy hơi, khó tiêu
  • Có chất nhầy trong phân

5. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới thường gặp nhất. Bạn có thể nghi ngờ mình bị đau bụng dưới do viêm ruột thừa nếu:

  • Cơn đau bụng xuất hiện đột ngột quanh rốn và lan sang vùng bụng dưới bên phải
  • Cơn đau giảm khi bạn dùng tay ấn lên vùng bụng bị đau nhưng sau đó lại quay lại khi bạn bỏ tay ra
  • Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi bạn di chuyển, hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi
  • Cơn đau ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian

Viêm ruột thừa là một tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp y tế ngay lập tức để tránh vỡ ruột thừa. Nếu bạn nhận thấy cơn đau bụng dưới có những biểu hiện kể trên thì nên đến bệnh viện ngay. 

6. Bệnh Crohn

Một bệnh lý khác cũng có thể gây đau vùng bụng dưới là bệnh Crohn. Đây là một bệnh viêm ruột không rõ nguyên nhân, thường ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ. Với bệnh Crohn, tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa nhưng thường xuất hiện nhiều nhất ở phần cuối cùng của ruột non và phần ruột già tiếp giáp ngay sau đó.

7. Bệnh túi thừa

Bệnh liên quan đến túi thừa sẽ gồm bệnh túi thừa và viêm túi thừa. Bệnh túi thừa là tình trạng xuất hiện các túi nhỏ, phồng lên và nhô ra khỏi đại tràng. Bệnh lý này thường gặp nhiều ở người lớn tuổi. Một số trường hợp sẽ không có triệu chứng nhưng cũng có trường hợp túi thừa gây ra các cơn đau bụng dưới cũng như tình trạng đầy bụng, táo bón. 

Nếu các túi thừa này bị kích ứng, chúng có thể bị viêm và dẫn đến viêm túi thừa. Cơn đau do viêm túi thừa thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng như buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh…

8. Ung thư ở các cơ quan tiêu hóa

Ngoài các nguyên nhân kể trên, đau vùng hạ vị hay đau bụng dưới cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư ở các cơ quan tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất là ung thư đại trực tràng. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên bị đau bụng dưới, đau âm ỉ, dai dẳng hoặc không thuyên giảm thì nên sắp xếp thời gian đi khám nhé. 

Các vấn đề ở đường tiết niệu

Ngoài các vấn đề ở đường tiêu hóa, các vấn đề ở đường tiết niệu cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau thắt bụng dưới. Các vấn đề này bao gồm:

9. Bí tiểu cấp tính

Bí tiểu cấp tính là tình trạng bạn đột ngột không thể đi tiểu được. Khi không thể đi tiểu, bạn có khả năng bị đau tức bụng dưới dữ dội. Nếu bạn bị đau bụng dưới kèm theo tình trạng không thể đi tiểu, tốt nhất hãy đi khám ngay.

10. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiểu là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu và gây viêm nhiễm. Tình trạng này thường phổ biến ở nữ giới do có niệu đạo ngắn và nằm gần hậu môn. Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau nhưng thường bao gồm đau nặng vùng bụng dưới, đau khi đi tiểu, nước tiểu có lẫn máu…

11. Sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là các tinh thể cứng, có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau trong đường tiết niệu. Những viên sỏi này có khả năng di chuyển và mắc kẹt trong đường tiết niệu, gây đau dữ dội. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thắt lưng nhưng có thể lan sang vùng bụng dưới hoặc vùng chậu. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp phải một số triệu chứng khác như tiểu rát, tiểu buốt, tiểu ra máu…

12. Viêm bàng quang

Nếu bạn tự hỏi “Đau vùng bụng dưới là bệnh gì?” thì một trong những nguyên nhân là viêm bàng quang. Bạn có thể nghi ngờ mình bị viêm bàng quang nếu nhận thấy các cơn đau bụng dưới kèm theo những triệu chứng như đau lưng, nước tiểu có lẫn máu, nước tiểu có mùi hôi, sốt nhẹ, đau rát khi đi tiểu… Viêm bàng quang thường gặp ở nữ nhiều hơn nam giới.

Các vấn đề liên quan đến hệ thống sinh sản nữ và kinh nguyệt

Đau bụng dưới ở nữ giới có thể do đang bước vào thời gian rụng trứng, hành kinh
Đau bụng dưới ở nữ giới có thể do đang bước vào thời gian rụng trứng, hành kinh hoặc đôi khi cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý phụ khoa.

Dưới đây là một số nguyên nhân liên quan đến hệ thống sinh sản và kinh nguyệt có thể gây đau bụng dưới ở nữ:

13. Rụng trứng

Phụ nữ bị đau bụng dưới có thể là dấu hiệu cho thấy đã bước vào thời kỳ rụng trứng. Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng họ hay cảm thấy đau ở một bên của vùng bụng dưới trong thời gian rụng trứng (thường xảy ra trước khi hành kinh khoảng 14 ngày). Cơn đau bụng dưới do rụng trứng có thể kéo dài khoảng vài phút hoặc lên đến 1 – 2 ngày. 

14. Chu kỳ kinh nguyệt

Đau bụng dưới cũng là tình trạng rất thường gặp trong các kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân gây ra tình trạng đến tháng đau bụng này là do tử cung co thắt và dẫn đến các cơn đau nhẹ, vừa hoặc nặng. Ngoài đau bụng dưới, bạn cũng có thể bị đau lưng, mệt mỏi, tiêu chảy…

15. Mang thai

Đau bụng dưới là một dấu hiệu mang thai sớm. Bạn có thể nghi ngờ mình mang thai khi bị đau bụng dưới nếu từng quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp tránh thai trước đó và có các dấu hiệu mang thai khác như trễ kinh, đau căng vú, mệt mỏi, nôn nghén… Nguyên nhân gây đau bụng dưới trong trường hợp này có thể là do lưu lượng máu ở vùng chậu tăng lên hoặc do những thay đổi ở vùng chậu để chuẩn bị cho sự phát triển của em bé. 

Tuy nhiên, nếu bạn mang thai mà bị đau bụng dưới dữ dội hoặc một bên của vùng bụng thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo thai ngoài tử cung – tình trạng phôi thai phát triển và làm tổ bên ngoài tử cung. Ngoài ra, một số trường hợp đau bụng dưới trong thai kỳ cũng có thể là dấu hiệu của sinh non. Với những trường hợp này, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. 

16. Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu cũng có thể là “thủ phạm” gây đau bụng dưới ở phụ nữ. Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở hệ thống sinh sản nữ, từ âm đạo, cổ tử cung đến nội mạc tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Ngoài đau bụng dưới, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng dịch âm đạo có màu trắng hoặc vàng, đau khi quan hệ, sốt, mệt mỏi…

17. Xoắn buồng trứng

Một trong những bệnh lý có thể nghĩ đến khi phụ nữ bị đau bụng dưới là xoắn buồng trứng. Đây là tình trạng một buồng trứng bị xoắn xung quanh các dây chằng khiến lưu lượng máu đến buồng trứng, vòi trứng bị tắc nghẽn đột ngột. 

Các triệu chứng thường gặp khi bị xoắn buồng trứng là đau dữ dội ở bụng dưới và vùng chậu, buồn nôn, nôn. Cơn đau thường xuất hiện liên tục hoặc nhiều lúc theo từng cơn, có thể dịu đi nếu buồng trứng tự tháo xoắn. Tuy nhiên, đây là tình trạng nguy hiểm và bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. 

18. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Điều này dẫn đến các cơn đau ở vùng bụng dưới, nhất là trong giai đoạn hành kinh và cơn đau có thể tăng dần theo thời gian.

19. U xơ tử cung

U xơ tử cung thường xảy ra khi phụ nữ bước vào tuổi 30 và có thể là nguyên nhân của những cơn đau bụng dưới ở nữ giới. Khi bị u xơ tử cung, bạn sẽ thường xuyên bị đau bụng dưới, đau lưng, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ tình dục…

20. U nang buồng trứng

U nang là những túi chứa đầy dịch phát triển ở trong hoặc trên bề mặt của buồng trứng và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Nếu các u nang này lớn, chúng có thể gây đau bụng dưới, đau vùng chậu, chèn ép bàng quang và khiến bạn đi tiểu nhiều lần. Ngoài ra, phụ nữ bị u nang buồng trứng cũng có thể gặp phải một số triệu chứng như đau khi quan hệ tình dục, buồn nôn, nôn…

21. Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là một vấn đề về nội tiết khá thường gặp ở phụ nữ. Hội chứng này thường đặc trưng bởi tình trạng kinh nguyệt không đều (chậm kinh hoặc vô kinh). Nếu bị buồng trứng đa nang, khi siêu âm sẽ thấy 2 buồng trứng có nhiều nang nhỏ và các nang này chính là “thủ phạm” làm cản trở quá trình rụng trứng. Ngoài biểu hiện chính là kinh nguyệt không đều, người bị buồng trứng đa nang cũng có thể bị đau buốt vùng bụng dưới, lông tóc phát triển rậm rạp…

22. Ung thư tử cung, buồng trứng

Ngoài các nguyên nhân kể trên, trong một số trường hợp, đau bụng dưới ở nữ giới cũng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh ung thư như ung thư tử cung, buồng trứng… Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ mắc các loại ung thư kể trên, chẳng hạn như gia đình có người bị ung thư… thì tốt nhất nên sắp xếp thời gian đi khám. 

Các vấn đề ở hệ thống sinh sản nam

Tương tự như ở nữ giới, các vấn đề ở hệ thống sinh sản nam sau đây cũng có thể khiến đàn ông bị đau tức bụng dưới:

23. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý thường xảy ra ở các bé trai. Đây là tình trạng tinh hoàn bị xoắn quanh ống sinh tinh, gây cản trở hoặc tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Các triệu chứng thường gặp là đau tinh hoàn dữ dội kèm theo sưng, đau ở bìu, đau vùng bụng dưới và háng… Đây là tình trạng cần được can thiệp y tế ngay bởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. 

24. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng trong ổ bụng “chui qua” ống bẹn hoặc các điểm yếu tự nhiên của thành bụng, vùng trên nếp bẹn. Nếu đau bụng dưới do nguyên nhân này, nam giới còn có thể gặp phải các triệu chứng như tức nặng vùng bẹn, xuất hiện khối phồng vùng bẹn, đau và khó chịu vùng bẹn khi chuyển động. Cũng giống như xoắn tinh hoàn, thoát vị bẹn cũng là tình trạng cần được can thiệp y tế.

25. Viêm tuyến tiền liệt và tinh hoàn

Viêm tuyến tiền liệt, tinh hoàn là tình trạng tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn bị viêm nhiễm, khiến nam giới bị đau bụng dưới hoặc thắt lưng, nhất là khu vực giữa bìu và xương mu. Ngoài ra, nam giới bị đau bụng dưới do nguyên nhân này cũng có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, tiểu thường xuyên, tiểu buốt, đau khi xuất tinh…

26. Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Một nguyên nhân khác cũng có thể khiến nam giới bị đau bụng dưới hay đau vùng hạ vị là phì đại lành tính tuyến tiền liệt (hay còn gọi là u xơ tuyến tiền liệt). Đây là tình trạng xảy ra khi tuyến tiền liệt bị phình to, gây đè ép lên niệu đạo, dẫn đến khó tiểu, đau vùng chậu, đau bụng dưới…

Bài viết liên quan:

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây đau bụng dưới ở nam
Nam giới trung niên bị đau bụng dưới có thể là do các vấn đề về tuyến tiền liệt.

27. Ung thư

Cũng giống như nữ giới, đau bụng dưới ở nam giới cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư ở các cơ quan trong hệ thống sinh sản nam như tuyến tiền liệt, tinh hoàn… Tuy nhiên, các trường hợp này thường hiếm gặp. 

Các biện pháp giúp giảm cơn đau tức bụng dưới tại nhà

Đau bụng dưới là tình trạng rất thường gặp và phần lớn đến từ các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa… hoặc do các vấn đề về sinh lý ở phụ nữ như hành kinh, rụng trứng… Do đó, khi bị đau bụng dưới, tốt nhất, bạn nên dành thời gian theo dõi triệu chứng, đồng thời thực hiện một số cách giúp giảm đau bụng dưới tại nhà như:

  • Chườm ấm bằng cách đặt một chai nước nóng hoặc túi ấm lên bụng
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm
  • Uống nhiều nước
  • Hạn chế uống cà phê, trà và rượu vì các thức uống này có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn
  • Ăn các món lỏng, dễ tiêu, các món nhạt như bánh quy giòn, cơm, chuối hoặc bánh mì nướng
  • Thử một số loại trà thảo mộc như trà bạc hà, cam thảo, trà gừng… 
  • Chú ý nghỉ ngơi đầy đủ
  • Nếu bạn bị đau bụng dưới do đầy hơi, hãy thử đi dạo hoặc massage nhẹ nhàng vùng bụng
  • Uống thuốc giảm đau như paracetamol, tránh dùng aspirin hoặc thuốc chống viêm trừ khi được bác sĩ chỉ định.

Nếu bị đau co thắt bụng dưới, khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Trong quá trình quan sát, theo dõi triệu chứng và chờ đợi, nếu bạn thấy các biểu hiện sau thì cần đi khám ngay:

  • Cơn đau không thuyên giảm sau 2 giờ thực hiện các biện pháp giảm đau tại nhà
  • Vùng bụng dưới rất đau, đau đến nỗi bạn không thể đi lại
  • Cơn đau trở nên tồi tệ hơn theo thời gian hoặc trở nên dữ dội hơn ở một vị trí
  • Bụng trở nên căng cứng hoặc nhô ra hơn bình thường
  • Bạn không thể ngừng nôn
  • Bạn đã không đi tiêu trong 3 ngày
  • Có máu trong chất nôn, nước tiểu, phân hoặc chảy máu âm đạo không phải do kinh nguyệt
  • Có các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt, chóng mặt, đặc biệt nếu chúng trở nên tồi tệ hơn hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới
  • Kết quả của que thử thai cho thấy bạn mang thai

Còn nếu có các biểu hiện sau, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức:

  • Xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, dữ dội
  • Đau khi bạn chạm vào bụng
  • Bạn nôn ra máu hoặc chất giống như cà phê xay
  • Đi ngoài ra máu
  • Ngất xỉu hoặc xanh xao
  • Cảm thấy khó thở
  • Không thể đi tiểu
  • Cảm thấy tức hoặc nặng ngực
  • Cơn đau lan lên ngực, cổ hoặc vai

Tóm lại, đau bụng dưới rất thường gặp và rất khó để biết chính xác nguyên nhân bởi có quá nhiều tình trạng có biểu hiện này. Do đó, khi bị đau bụng dưới, bạn sẽ cần chú ý theo dõi. Nếu cơn đau kéo dài, không thuyên giảm hoặc đi kèm với các triệu chứng như sốt, nôn, có máu trong phân, nước tiểu… thì bạn nên sắp xếp thời gian đi khám ngay.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Đau 1 bên họng là bệnh gì? 13 lý do khiến bạn bị đau 1 bên cổ họng Đau 1 bên họng là bệnh gì? 13 lý do khiến bạn bị đau 1 bên cổ họng
Kiến thức sức khỏe

Đau 1 bên họng là bệnh gì? 13 lý do khiến bạn bị đau 1 bên cổ họng

Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây! Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây!
Kiến thức sức khỏe

Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây!

Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây! Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây!
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây!

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK