Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng co thắt từng cơn: Cẩn trọng với các bệnh về tiêu hóa

Đau bụng co thắt là tình trạng đau bụng xảy ra do các cơ ở những cơ quan tại khu vực bụng co lại. Một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này là căng cơ, đầy hơi, thậm chí có những trường hợp nặng hơn là do viêm ruột, tắc ruột, hội chứng ruột kích thích…
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-27
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Nguyên nhân gây đau bụng co thắtBiện pháp giúp giảm tình trạng đau bụng co thắt tại nhàNhững trường hợp đau bụng co thắt cần đến gặp bác sĩ ngay
Đau bụng co thắt từng cơn: Cẩn trọng với các bệnh về tiêu hóa

Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây đau bụng co thắt từng cơn cùng với một số cách giúp giảm nhẹ các cơn đau này tại nhà, mời bạn cùng theo dõi nội dung trong bài viết sau đây của Bảo hiểm trực tuyến Bowtie nhé!

Nguyên nhân gây đau bụng co thắt

Đau bụng co thắt đôi khi là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe không quá nghiêm trọng như căng cơ, mất nước, đầy hơi, hành kinh… Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà chủ quan khi gặp phải tình trạng này. Bởi trong nhiều trường hợp khác, đây là dấu hiệu của các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm ruột, tắc ruột, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột thừa… cần được điều trị chuyên khoa hơn.

1. Căng cơ

Khi cơ bụng làm việc quá mức, chúng có thể bị co thắt và gây ra những cơn đau. Các cơn đau thắt cơ bụng thường trở nên tồi tệ hơn khi bạn di chuyển. Tình trạng này có xu hướng xảy ra nhiều ở những người tập thể dục với cường độ nặng thường xuyên, đặc biệt khi thực hiện các động tác như hít đất và gập bụng. 

2. Mất nước

Mất chất điện giải do mất nước (vì đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy quá nhiều) có thể dẫn đến tình trạng co thắt các cơ trên khắp cơ thể, bao gồm cả cơ bụng và các cơ thuộc một số cơ quan nằm ở vùng bụng. Sở dĩ như vậy là do cơ bắp cần các chất điện giải như canxi, kali, magie để duy trì hoạt động bình thường. 

Khi thiếu hụt chất điện giải do mất nước, cơ bắp có thể bắt đầu hoạt động bất thường và co giật. Một số biểu hiện của tình trạng mất nước, thiếu nước là khô miệng, luôn trong tình trạng khát nước, nhức đầu, chóng mặt, nước tiểu có màu vàng đậm… 

3. Đầy hơi, chướng bụng

Đôi khi đầy hơi, chướng bụng cũng khiến một số người đối mặt với các cơn đau bụng co thắt. Sự tích tụ khí trong dạ dày có thể làm cơ ruột co lại để cố gắng giải phóng khí ra ngoài. Nếu bạn uống rượu bia, nước có ga thì sẽ càng khiến tình trạng này thêm tồi tệ hơn.

4. Táo bón

Khi bị táo bón, ruột của bạn phải căng ra để đáp ứng với áp lực gia tăng bên trong, từ đó có thể làm chúng bị co thắt và gây đau. Ngoài đau bụng co thắt, người bị táo bón còn gặp phải các triệu chứng như ít đi đại tiện (ít hơn 3 lần/tuần), đi phân cứng, khô hoặc vón cục, đầy bụng, căng thẳng khi đi đại tiện. 

5. Viêm ruột

Nếu bị đau bụng co thắt từng cơn, bạn có thể nghĩ đến việc mình bị viêm ruột, với 2 dạng bệnh thường gặp là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Trong khi bệnh Crohn ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào của đường tiêu hóa thì viêm loét đại tràng thường chỉ ảnh hưởng đến đại tràng (ruột già). 

Tình trạng viêm trong cả 2 bệnh lý này có thể gây co thắt ruột. Các triệu chứng khác của bệnh viêm ruột là tiêu chảy, giảm cân, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm, táo bón, cảm giác như cần đi vệ sinh gấp.

6. Viêm ruột thừa

Đau bụng co thắt từng cơn có thể là biểu hiện của viêm ruột thừa. Các cơn đau trong trường hợp này thường bắt đầu từ vùng xung quanh rốn, sau đó lan sang vùng bụng dưới bên phải. Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng khác đi kèm như buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, sốt, mệt mỏi… 

7. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý mạn tính ảnh hưởng đến ruột già. Bệnh không gây ra những thay đổi thực thể như viêm ruột nhưng có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự, bao gồm đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy (đôi khi táo bón và tiêu chảy xen kẽ)…

8. Viêm dạ dày – ruột

Viêm dạ dày – ruột là tình trạng viêm xảy ra ở dạ dày và ruột mà nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm dạ dày – ruột sẽ bao gồm đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đầy hơi…

9. Tắc ruột

Tình trạng tắc ruột sẽ khiến ruột tích tụ nhiều dịch và khí, từ đó gây giãn và đau ruột. Nhiễm trùng, viêm, phẫu thuật vùng bụng… là một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị tắc ruột. Ngoài đau bụng co thắt, người bị tắc ruột còn nhận thấy các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, ợ hơi, đầy bụng, giảm cảm giác ngon miệng, ăn nhanh no…

10. Hành kinh

Khi hành kinh, một số phụ nữ gặp phải tình trạng đau co thắt ở bụng, gọi là đau bụng kinh. Các cơn đau bụng kinh xảy ra do thành tử cung bắt đầu co bóp để làm bong lớp niêm mạc tử cung. Khi tử cung co bóp, mạch máu sẽ bị nén lại và làm gián đoạn tạm thời nguồn cung cấp máu cho các mô ở tử cung. Vì không nhận đủ oxy, các mô trong tử cung bắt đầu giải phóng một số hóa chất gây đau.

Thêm vào đó, trong giai đoạn này, cơ thể cũng giải phóng prostaglandin. Đây là hợp chất có thể khiến tử cung co bóp nhiều hơn, từ đó làm tăng thêm mức độ đau. 

Đau bụng co thắt do hành kinh
Một số phụ nữ bị đau bụng co thắt trong giai đoạn hành kinh.

11. Mang thai

Những thay đổi của cơ thể khi mang thai có thể dẫn đến đau bụng co thắt. Hầu hết các trường hợp co thắt này thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị đau bụng co thắt thường xuyên hoặc nghiêm trọng thì nên trao đổi ngay với bác sĩ. Dưới đây là một số lý do có thể gây đau bụng co thắt trong thai kỳ:

  • Các cơn co thắt Braxton-Hicks (cơn gò chuyển dạ giả): Các cơn gò này thường xuất hiện vào tam cá nguyệt thứ 3 với cường độ không đều và không có tính chu kỳ. Sở dĩ xuất hiện các cơn gò chuyển dạ giả là do cơ thể đang bắt đầu “tập dợt” để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ thật sự. Thông thường, các cơn co thắt này không gây hại. 
  • Đầy hơi: Nồng độ progesterone trong cơ thể tăng lên khiến cơ ruột giãn ra và làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó dẫn đến tích tụ khí.
  • Em bé di chuyển: Khi em bé di chuyển hoặc đá, bạn có thể cảm thấy các cơ ở bụng bị co thắt và đau. 
  • Giãn cơ: Khi em bé phát triển, các cơ ở bụng của mẹ cũng phải căng ra để đáp ứng với sự phát triển này và đôi khi dẫn đến đau thắt cơ bụng.

Bài viết liên quan:

Biện pháp giúp giảm tình trạng đau bụng co thắt tại nhà

Khi bị đau bụng co thắt, bạn có thể chủ động giảm đau tại nhà bằng nhiều cách đơn giản. Tuy nhiên cần lưu ý, đây chỉ là một số biện pháp tạm thời. Nếu cơn đau trở nên tồi tệ, bạn sẽ cần tìm đến các phương pháp can thiệp chuyên khoa hơn. 

  • Nghỉ ngơi: Những người bị đau bụng co thắt do căng cơ sẽ cảm thấy đỡ hơn khi ngừng tập thể dục và để các cơ bụng được thư giãn. Theo đó, bạn nên nằm nghỉ trên một chiếc nệm êm ái cho đến khi các cơn đau qua đi.
  • Chườm nóng: Khi bị đau bụng co thắt, bạn có thể thử chườm nóng bằng cách đặt túi chườm, khăn ấm hoặc chai nước ấm lên vùng bụng bị đau. Hơi ấm từ đây sẽ giúp thư giãn các cơ và giảm nhẹ tình trạng co thắt. 
  • Xoa bóp: Xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng bị đau có thể cải thiện lưu lượng máu và làm giảm bớt tình trạng co thắt. 
  • Uống nhiều nước và các loại trà thảo mộc: Nếu nguyên nhân gây đau bụng co thắt là do mất nước thì việc bổ sung đủ lượng nước cần thiết hằng ngày sẽ giúp bạn giảm thiểu tình trạng này. Ngoài ra, một số loại trà thảo mộc cũng giúp làm dịu nhanh cảm giác khó chịu do đau bụng gây ra. Theo đó, tốt nhất bạn nên uống nước hoặc trà ấm. 
  • Bổ sung điện giải: Bạn có thể bổ sung các chất điện giải như kali, canxi, magie cho cơ thể thông qua một số loại thức ăn, nước uống giàu các chất này, chẳng hạn như chuối, cam, dưa, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, nước dừa, sữa…
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm nhẹ tình trạng đau bụng co thắt do đầy hơi, táo bón hoặc hội chứng ruột kích thích. Theo đó, bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…, đồng thời nên hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn cay, thức ăn gây kích ứng dạ dày, rượu bia và nước có ga. 
Biện pháp giúp giảm tình trạng đau bụng co thắt tại nhà
Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp hạn chế tình trạng đau bụng co thắt.

Những trường hợp đau bụng co thắt cần đến gặp bác sĩ ngay

Hầu hết các cơn đau bụng co thắt thường nhẹ và sẽ thuyên giảm theo thời gian. Tuy nhiên, nếu chúng xuất hiện thường xuyên, kéo dài và nghiêm trọng, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời. Theo đó, bạn nên đi khám ngay nếu nhận thấy: 

  • Đau bụng co thắt kéo dài hoặc xuất hiện rồi biến mất nhiều lần
  • Tình trạng đau bụng co thắt gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi
  • Đau dữ dội vùng bụng, kèm theo đau ngực
  • Nôn mửa, mặt mũi tái xanh
  • Có máu xuất hiện trong phân 
  • Sốt cao, khó thở, thở hụt hơi
  • Giảm cân nhanh
  • Vàng da

Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đã nắm được một số nguyên nhân gây đau bụng co thắt để bớt lo lắng cũng như bình tĩnh xử lý, giảm đau bụng tại nhà. Với các trường hợp đau bụng co thắt ở mức độ nặng hoặc bất thường, bạn cần đến thăm khám, tư vấn tại bệnh viện để được điều trị hiệu quả. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mách bạn 3 tư thế chữa gù lưng khi ngủ hiệu quả, dễ thực hiện Mách bạn 3 tư thế chữa gù lưng khi ngủ hiệu quả, dễ thực hiện
Kiến thức sức khỏe

Mách bạn 3 tư thế chữa gù lưng khi ngủ hiệu quả, dễ thực hiện

Ngủ tiêu hao bao nhiêu calo? Mẹo hay giảm cân ngay cả khi đang ngủ Ngủ tiêu hao bao nhiêu calo? Mẹo hay giảm cân ngay cả khi đang ngủ
Kiến thức sức khỏe

Ngủ tiêu hao bao nhiêu calo? Mẹo hay giảm cân ngay cả khi đang ngủ

Viên ngậm đau họng và tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả Viên ngậm đau họng và tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Viên ngậm đau họng và tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK