Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Đái tháo đường type 1 và những điều cần biết

Đái tháo đường type 1 (tiểu đường type 1) chiếm khoảng 5% tổng số ca đái tháo đường. Hiểu rõ đái tháo đường type 1 là gì cũng như các thông tin về bệnh sẽ giúp bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu các biến chứng mà bệnh gây ra.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-03
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Đái tháo đường type 1 là gì?Triệu chứng đái tháo đường type 1Nguyên nhân gây đái tháo đường type 1Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 1Biến chứng đái tháo đường type 1Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường type 1Phương pháp điều trị đái tháo đường type 1Cách sống chung với bệnh đái tháo đường type 1Câu hỏi thường gặp về đái tháo đường type 1
Bệnh đái tháo đường type 1

Vậy đái tháo đường type 1 là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh và làm sao để nhận biết? Cùng Website Bowtie tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Đái tháo đường type 1 là gì?

Đái tháo đường type 1 (đái tháo đường phụ thuộc insulin) là một bệnh lý tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào beta của đảo tụy (tế bào sản xuất insulin), gây thiếu hụt insulin trong cơ thể. Khi không có đủ insulin, glucose không di chuyển được vào tế bào để tạo ra năng lượng, từ đó tích tụ trong máu và gây tăng đường huyết. 

Triệu chứng đái tháo đường type 1

Vì cơ thể thiếu hụt insulin nghiêm trọng nên các triệu chứng đái tháo đường type 1 thường khá rõ ràng. Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện đột ngột và xảy ra trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Một số dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 1 là:

  • Cảm thấy đói và khát hơn bình thường
  • Đi tiểu liên tục, thường xuyên
  • Sụt cân đột ngột, nhanh chóng, không rõ nguyên nhân
  • Cơ thể mệt mỏi, mất sức
  • Thị lực giảm, nhìn mờ
  • Vết thương, vết loét chậm lành hơn bình thường
  • Ngứa ran, tê bì tay chân
  • Tâm trạng thất thường, dễ cáu kỉnh, nổi nóng và khó kiểm soát cảm xúc

Nguyên nhân gây đái tháo đường type 1

Như đã đề cập, bệnh đái tháo đường type 1 xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào tạo ra insulin trong tuyến tụy. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này nhưng họ tin rằng đái tháo đường type 1 có liên quan đến di truyền cũng như việc tiếp xúc với một số tác nhân trong môi trường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 1

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 1:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh đái tháo đường type 1 thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Một số gen di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 1.
  • Yếu tố môi trường: Việc tiếp xúc với các virus hoặc độc tố từ môi trường có thể kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào tuyến tụy, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 1.
  • Tuổi tác: Đái tháo đường type 1 có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào nhưng phổ biến ở trẻ em, thanh thiếu niên và thường được phát hiện trước 19 tuổi. Trong đó, trẻ 4-7 tuổi và 10-14 tuổi thường là nhóm đối tượng được chẩn đoán đái tháo đường type 1 nhiều nhất.
Đái tháo đường type 1 ở trẻ em
Đái tháo đường type 1 thường được phát hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Biến chứng đái tháo đường type 1

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính có diễn biến vô cùng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Một số biến chứng của bệnh đái tháo đường type 1 bao gồm:

  • Vấn đề tim mạch: Bệnh nhân đái tháo đường type 1 thường có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, nghiêm trọng hơn là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Tổn thương dây thần kinh: Khi đường huyết tăng cao, mạch máu nhỏ nuôi dưỡng các dây thần kinh có thể bị tổn thương, nhất là ở tứ chi. Chính vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường type 1 thường cảm thấy ngứa ran, tê bì chân tay. Một số trường hợp mất hoàn toàn cảm giác ở các chi, từ đó khiến việc kiểm soát viêm nhiễm, lở loét trở nên khó khăn, dễ dẫn đến hoại tử và phải cắt bỏ chi.
  • Tổn thương mắt: Bệnh có thể gây tổn thương các mạch máu của mắt và dẫn đến bệnh võng mạc đái tháo đường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn.
  • Bệnh thận: Bệnh nhân đái tháo đường type 1 có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới thận do mức đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống lọc của thận.
  • Các vấn đề về da: Đái tháo đường type 1 có thể gây ra các vấn đề về da như lở loét, nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm.

Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường type 1

Bên cạnh việc khai thác tiền sử bệnh lý, các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu nhằm chẩn đoán chính xác bệnh. Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường type 1 bao gồm:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Sau khi nhịn ăn 8 tiếng, bệnh nhân sẽ được lấy máu để tiến hành đo đường huyết.
  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Khi thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân không cần phải nhịn ăn. Bác sĩ sẽ tiến hành đo đường huyết và đánh giá kết quả ở thời điểm bất kỳ.
  • Xét nghiệm HbA1c: Xét nghiệm này giúp xác định mức đường huyết trung bình của bạn trong khoảng 2 – 3 tháng qua. 
  • Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định xem bạn mắc đái tháo đường type 1 hay type 2.
Chẩn đoán đái tháo đường type 1
Các xét nghiệm máu thường được sử dụng để chẩn đoán đái tháo đường type 1.

Phương pháp điều trị đái tháo đường type 1

Các chuyên gia khuyến cáo, để điều trị đái tháo đường type 1, người bệnh cần kết hợp giữa việc sử dụng insulin và thay đổi lối sống nhằm giữ lượng đường trong máu gần với mức bình thường nhất. Điều này sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Theo đó, bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần:

  • Dùng insulin: Vì tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin nên bệnh nhân đái tháo đường type 1 bắt buộc phải sử dụng insulin hàng ngày để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Để kiểm soát tốt lượng đường trong máu cũng như hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh, bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý. Theo đó, thực đơn của bệnh nhân nên chứa nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ và ít chất béo như trái cây, rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt… Bệnh nhân đái tháo đường cũng cần học cách đếm lượng carbohydrate tiêu thụ mỗi ngày để sử dụng insulin một cách phù hợp.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Duy trì thói quen tập thể dục thể thao hoặc vận động nhẹ nhàng ít nhất 150 phút mỗi tuần sẽ giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên: Thông thường, bệnh nhân đái tháo đường type 1 được khuyến nghị kiểm tra và ghi lại mức đường huyết của mình ít nhất 4 lần/ngày. Số lần kiểm tra sẽ phụ thuộc vào loại insulin mà bạn sử dụng.

Cách sống chung với bệnh đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type 1 là bệnh lý mạn tính có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoàn toàn có thể sống chung và giảm thiểu biến chứng của bệnh nếu duy trì lối sống khoa học, lành mạnh, cụ thể:

  • Điều trị đái tháo đường theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
  • Khám sức khỏe định kỳ
  • Tiêm phòng đầy đủ
  • Chú ý chăm sóc đến bàn chân thường xuyên để ngăn ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường
  • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu bia, thức uống có cồn
  • Thực hiện các biện pháp để kiểm soát căng thẳng

Câu hỏi thường gặp về đái tháo đường type 1

Bệnh đái tháo đường type 1 có di truyền không?

Bệnh đái tháo đường type 1 xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó di truyền và môi trường là hai yếu tố quan trọng. Một người có thể thừa hưởng một hoặc một số gen di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Sau đó, các yếu tố môi trường có thể kích hoạt bệnh. 

Nếu một người đàn ông mắc bệnh đái tháo đường type 1, tỷ lệ con của họ phát triển bệnh là 1/17. Nguy cơ này sẽ là 1/25 ở những đứa trẻ có mẹ mắc bệnh và sinh con trước 25 tuổi. Nếu nữ giới mắc bệnh và sinh con sau 25 tuổi, nguy cơ con bị đái tháo đường type 1 sẽ là 1/100. Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh thì nguy cơ này có thể tăng lên 1/10 đến 1/4.

Đái tháo đường type 1 có chữa khỏi được không?

Đái tháo đường type 1 là một bệnh lý mạn tính chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ phải dùng insulin suốt đời để kiểm soát bệnh. Tùy vào loại insulin mà số lần cần sử dụng mỗi ngày sẽ khác nhau và bệnh nhân phải đo đường huyết thường xuyên để kiểm soát lượng đường trong máu.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh đái tháo đường type 1. Đây là một bệnh lý mạn tính nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến bệnh viện thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm phổi Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm phổi
Các bệnh lý khác

Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm phổi

Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ
Các bệnh lý khác

Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ

10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác 10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác
Các bệnh lý khác

10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK