Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B

Cúm A và cúm B là hai loại cúm mùa thường xuyên lưu hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm Việt Nam. Vậy cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Cúm A hay cúm B nặng hơn? Đây là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm. Bởi như chúng ta đã biết, bệnh cúm mùa có thể tự khỏi nhưng đồng thời cũng có nguy cơ tiến triển theo chiều hướng nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong trong một số trường hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-27
Cập nhật ngày 2023-07-27
Nội dung chính
Cúm A và cúm B là gì?Những điểm giống nhau giữa cúm A và cúm BCúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B
Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B

Vậy để tìm hiểu xem bệnh cúm A khác cúm B như thế nào cũng như mức độ nguy hiểm ra sao, mời bạn hãy cùng Bowtie theo dõi các nội dung trong bài viết dưới đây nhé! 

Cúm A và cúm B là gì?

Cúm là tình trạng nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở đường hô hấp do sự tấn công của virus đối với cơ thể. Các chủng virus gây bệnh cúm được phân loại thành 4 type A, B, C, D – là nguyên nhân tương ứng của bệnh cúm A, cúm B, cúm C và cúm D. 

Trong đó, cúm A và cúm B là hai dạng cúm được ghi nhận phổ biến ở người, thường xuất hiện theo mùa và có khả năng lây lan rộng rãi, trở thành dịch cúm mùa hàng năm. Khác với nhiễm trùng hô hấp trong bệnh cảm lạnh thông thường, cúm A và cúm B có phần đáng lo ngại hơn do tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể cướp đi mạng sống của người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời. 

Những điểm giống nhau giữa cúm A và cúm B

Cùng một cơ chế gây bệnh, đều liên quan đến việc virus xâm nhập vào đường hô hấp nên không quá ngạc nhiên khi một số đặc điểm của bệnh cúm A sẽ giống với cúm B và ngược lại. Những điểm giống nhau giữa cúm A và cúm B có thể kể đến như là:

Đường lây truyền bệnh

Cúm A và cúm B dễ dàng lây truyền từ người bệnh sang những người xung quanh trong thời gian rất ngắn, chủ yếu là thông qua con đường tiếp xúc gồm có:

  • Nuốt và/hoặc hít phải các giọt bắn có chứa virus cúm do bệnh nhân, động vật nhiễm bệnh phát tán vào không khí. Giọt bắn chứa virus có thể làm lây lan bệnh ở khoảng cách lên đến 2m.
  • Chạm tay vào các bề mặt, vật dụng bị nhiễm virus, sau đó đưa tay lên chạm vào mắt, mũi hoặc miệng

Hầu hết những người mắc bệnh cúm có khả năng lây lan virus cho người khác mạnh nhất bắt đầu vào thời điểm 3 – 4 ngày sau khi nhiễm bệnh. Bất kể khi đó đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh cúm hay chưa. 

Các biểu hiện và triệu chứng bệnh

Nhìn chung, các triệu chứng do bệnh cúm A và cúm B gây ra thường giống nhau, đồng thời cũng tương tự với một số biểu hiện của tình trạng cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân cúm A, cúm B là:

  • Sốt cao, ớn lạnh
  • Mệt mỏi, nhức đầu
  • Đau mỏi các khớp và cơ bắp toàn thân
  • Ho khan, đau họng
  • Nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi
  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn (xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em)
Cúm A và cúm B giống nhau, khác nhau như thế nào? Triệu chứng bệnh
Sốt cao đột ngột là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh cúm A và cúm B.

Đa số các triệu chứng của bệnh cúm thường diễn ra trong vòng vài ngày cho đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có hệ miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh mạn tính… có thể trải qua các triệu chứng với thời gian lâu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân còn nhận thấy các biểu hiện đau tức ngực, khó thở, hụt hơi, chóng mặt dữ dội, co giật, mất ý thức, hôn mê… khi bệnh có xu hướng tiến triển nghiêm trọng. 

Mặt khác, vấn đề sức khỏe của mỗi người là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển các triệu chứng của bất kỳ bệnh lý nào. Do đó, ngay cả khi có cùng kết quả chẩn đoán thì các biểu hiện và triệu chứng bệnh mà mỗi người gặp phải cũng có thể khác nhau về đặc điểm, mức độ nặng nhẹ và tần suất xảy ra. 

Phương pháp chẩn đoán

Kết hợp với việc khai thác thông tin bệnh sử cũng như kiểm tra các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm cần thiết để tìm kiếm và nhận định nguyên nhân gây bệnh trước khi đưa ra chẩn đoán kết luận. Các kỹ thuật xét nghiệm có giá trị trong việc chẩn đoán – phân loại bệnh cúm A và cúm B thường là:

  • Xét nghiệm chẩn đoán nhanh virus cúm (RIDT): Là kỹ thuật xét nghiệm cúm phổ biến nhất, giúp phát hiện nhanh các kháng nguyên của virus trong vòng 15 phút thông qua mẫu bệnh phẩm là dịch mũi. 
  • Xét nghiệm phân tử nhanh: Mục đích xét nghiệm là để ghi nhận và phân tích các thông tin di truyền của virus. Xét nghiệm thường cho kết quả sau 30 phút.
  • Xét nghiệm Real time RT – PCR: Kỹ thuật này dựa trên phản ứng chuỗi polymerase theo mốc thời gian thực để kiểm tra vật liệu di truyền của virus. Dù mất nhiều thời gian để có được kết quả nhưng RT – PCR được đánh giá là phương pháp chẩn đoán xác định và phân biệt cúm A, cúm B chính xác nhất hiện nay.

Biện pháp điều trị

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh cúm A và cúm B có thể thuyên giảm dần sau đó tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Điều quan trọng mà bệnh nhân cần làm là theo dõi chặt chẽ các triệu chứng để kịp thời xử lý khi bệnh có dấu hiệu tệ hơn, tránh nguy hiểm đến tính mạng. 

Việc dùng thuốc đôi khi có thể cần thiết để đẩy nhanh quá trình hồi phục, giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn cũng như ngăn ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng nặng đối với các trường hợp đặc biệt. Tính đến hiện tại, chưa có bất kỳ loại thuốc nào tiêu diệt được virus nói chung cũng như virus gây bệnh cúm A và cúm B nói riêng. Điều trị cúm chủ yếu là sử dụng những loại thuốc có hiệu quả làm chậm sự phát triển của virus cùng với các thuốc giảm triệu chứng và tăng cường sức mạnh cho cơ thể. Một số loại thuốc thường được dùng cho bệnh nhân cúm A và cúm B là:

  • Thuốc kháng virus kê đơn như zanamivir, oseltamivir, peramivir… 
  • Thuốc giảm đau – hạ sốt không kê đơn như paracetamol, ibuprofen…
  • Thuốc giảm các triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi…
Cúm A và cúm B giống nhau, khác nhau như thế nào? Biện pháp điều trị
Thuốc kháng virus có thể được chỉ định để giảm nhẹ bệnh cúm A và cúm B.

Bên cạnh đó, các biện pháp chăm sóc tại nhà cũng đóng góp rất lớn vào quá trình hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân. Lời khuyên cho người mắc bệnh cúm A, cúm B là nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn, lên thực đơn ăn uống dinh dưỡng lành mạnh và phải uống đủ nước để tránh việc cơ thể bị mất nước.

Giải pháp phòng ngừa

Mặc dù virus cúm có khả năng tấn công mạnh mẽ hơn ở một số đối tượng đặc biệt, nhưng thực tế là bất cứ ai cũng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Để phòng ngừa và giảm sự lây lan của bệnh cúm A và cúm B trong cộng đồng, tốt hơn hết bạn nên:

  • Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh
  • Chủ động cách ly tại nhà nếu không may nhiễm bệnh
  • Che kín mũi, miệng nếu ho hoặc hắt hơi
  • Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài
  • Hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
  • Xịt khử khuẩn không khí và trên các bề mặt thường hay tiếp xúc
  • Tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm A, B

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B

Bên cạnh các điểm tương đồng kể trên thì bệnh cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Thêm nữa là bệnh cúm A và cúm B cái nào nặng hơn? Theo dữ liệu nghiên cứu cho thấy, sự phát triển và khả năng di truyền của virus cúm A và virus cúm B có những đặc điểm hoàn toàn khác nhau, do đó bệnh cúm A và cúm B cũng mang một số điểm khác biệt như:

Nguồn gốc

Các chủng virus gây bệnh cúm A được phát hiện thấy ở nhiều vật chủ khác nhau, trong đó bao gồm các loài động vật như gia cầm, chim, lợn và kể cả cơ thể người. Vì lý do này mà virus cúm A là loại duy nhất có khả năng lây lan rộng rãi đến nhiều khu vực trên thế giới, gây ra đại dịch toàn cầu. Trong khi đó, sự lưu hành của virus gây bệnh cúm B cho đến nay chỉ được ghi nhận ở người.

Phân loại virus

Cấu tạo bên ngoài của virus cúm A là một lớp vỏ có mang 2 loại protein bề mặt – hay còn gọi là kháng nguyên, bao gồm hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được tổng cộng 18 nhóm hemagglutinin và 11 nhóm neuraminidase khác nhau ở virus cúm A, được ký hiệu lần lượt là H1 – H18 và N1 – N11.

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Phân loại virus
Virus cúm A được bao bọc bởi lớp vỏ có mang 2 loại kháng nguyên H và N.

Dựa trên các tổ hợp được xây dựng từ 2 loại kháng nguyên bề mặt (H-N), người ta chia virus cúm A thành nhiều phân nhóm phụ và đặt tên theo ký hiệu của kháng nguyên được tìm thấy. Một số ví dụ để hình dung rõ hơn về chủng phụ của virus cúm A đó là:

  • Chủng cúm A/H5N1: Virus type A, phân nhóm H5N1
  • Chủng cúm A/H1N1: Virus type A, phân nhóm H1N1
  • Chủng cúm A/H3N2: Virus type A, phân nhóm H3N2

Cách phân loại virus cúm B không phụ thuộc vào các tổ hợp kháng nguyên, thay vào đó chúng được chia thành 2 dòng chính là B/Yamagata và B/Victoria. Trong những năm gần đây, sự lưu hành của virus cúm B/Victoria thường xuyên được ghi nhận trên toàn cầu hơn so với B/Yamagata.

Tỷ lệ mắc bệnh

Cả cúm A và cúm B đều phổ biến trong quần thể người và có khả năng gây ra dịch bệnh. Tuy nhiên, số liệu thống kê đã xác nhận tỷ lệ cúm A chiếm phần lớn hơn với 75% trên tổng số ca nhiễm bệnh. Còn lại là các trường hợp mắc bệnh cúm B, rơi vào khoảng 25% và thường xảy ra chủ yếu ở giai đoạn cuối mùa cúm. 

Mức độ nguy hiểm và khả năng phục hồi

Đối với người có thể trạng sức khỏe bình thường, bệnh cúm A và cúm B có thể gây ra các biểu hiện nhiễm trùng hô hấp cấp tính kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần nhưng không phải là mối đe dọa nguy hiểm. Ngoại trừ trường hợp nhiễm virus cúm A/H3N2, do có liên quan đến nhiều ca nhập viện và tử vong ở trẻ em và người lớn tuổi.

Vậy nếu so sánh với nhau thì cúm A hay cúm B nguy hiểm hơn? Nhiều ý kiến cho rằng cúm A có khả năng để lại hậu quả và biến chứng nghiêm trọng hơn cúm B. Tuy nhiên, điều này chưa thể khẳng định được bởi vì đã có nghiên cứu chứng minh về nguy cơ xảy ra biến chứng nặng và gây tử vong của cả hai là như nhau. 

Hơn nữa, các nhà khoa học tại Canada cũng từng đưa ra bằng chứng cho thấy cúm B có xu hướng tiến triển nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao hơn khi phơi nhiễm ở trẻ dưới 16 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Do đó, chưa thể khẳng định bệnh cúm A hay cúm B nguy hiểm hơn.

Như vậy, với những thông tin mà bài viết chia sẻ, bạn đã phần nào biết được cúm A và cúm B khác nhau như thế nào, đồng thời cũng hiểu rõ hơn về các đặc điểm chung của cả hai loại cúm này. Trường hợp gặp phải biểu hiện nghi ngờ cúm mùa, bạn hãy liên hệ đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị sớm, giúp hạn chế tối đa các rủi ro có liên quan. Điều cuối cùng và cũng quan trọng nhất đó là hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm mùa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bạn nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Các bệnh lý khác

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Nguyên nhân bị cúm A: Ai có nhiều nguy cơ, làm sao phòng ngừa? Nguyên nhân bị cúm A: Ai có nhiều nguy cơ, làm sao phòng ngừa?
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân bị cúm A: Ai có nhiều nguy cơ, làm sao phòng ngừa?

Tiêu chảy cấp và những điều bạn chưa biết Tiêu chảy cấp và những điều bạn chưa biết
Các bệnh lý khác

Tiêu chảy cấp và những điều bạn chưa biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK