Vậy bệnh cúm A có lây không và lây qua đường nào? Làm thế nào để phòng ngừa bệnh hiệu quả? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu chi tiết về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các chủng virus cúm A gây ra. Một số chủng virus cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9.
Bệnh có xu hướng xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng và ho. Người bị cúm A thường có biểu hiện nhẹ và có thể tự hồi phục trong vòng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, một số đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh mạn tính… có nguy cơ gặp phải các biến chứng của cúm A.
Bệnh cúm nói chung và cúm A nói riêng có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh trong cộng đồng. Các chủng virus gây bệnh biến đổi liên tục và có thể gây ra những trận dịch hoặc đại dịch lớn.
Nhìn chung, bệnh cúm A lây lan qua giọt bắn hô hấp hoặc do tiếp xúc, chạm vào bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng, mắt. Vì virus đi vào cơ thể qua đường mũi họng nên khả năng lây lan bệnh thường rất cao ở những nơi đông người như trường học, nhà trẻ…
Đặc biệt, virus cúm có thể tồn tại hàng giờ trong môi trường bên ngoài, nhất là khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Trong thời tiết này, các tế bào đường hô hấp cũng dễ bị tổn thương hơn bình thường nên càng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đây cũng là lý do giải thích vì sao bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, khi bắt đầu chuyển sang lạnh.
Virus cúm A có thể lây truyền từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Đường lây cúm A cụ thể như sau:
Bệnh cúm A có thể lây truyền từ người sang người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Không những vậy, người bình thường cũng có thể mắc bệnh khi chạm tay vào các bề mặt, vật dụng bị nhiễm virus, rồi đưa lên mắt, mũi hoặc miệng. Virus sau đó sẽ đi vào cơ thể qua đường mũi họng.
Khả năng lây lan cúm A càng mạnh khi bệnh nhân có càng nhiều tiếp xúc trực tiếp và thân mật. Vì vậy, người bệnh được khuyến khích nên nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Theo các chuyên gia, người bệnh sẽ có khả năng lây truyền virus cúm A trong khoảng thời gian từ 1 – 2 ngày trước khi khởi phát bệnh đến 3 – 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có khả năng lây nhiễm bệnh trong thời gian dài hơn.
Virus cúm A có khả năng gây nhiễm ở động vật. Chẳng hạn, các chủng A/H5N1, A/H7N9, A/H9N2 sẽ gây bệnh ở gia cầm, trong khi đó các chủng A/H1N1, A/H1N2, A/H3N2 thường gây bệnh ở lợn.
Trong một số trường hợp, các chủng virus này có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Người bị nhiễm virus chủ yếu thông qua việc tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm. Cụ thể, con người có khả năng bị lây nhiễm virus cúm A do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật bị bệnh.
Cúm A gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Vì vậy, điều quan trọng mà chúng ta cần làm là tìm cách phòng ngừa bệnh từ sớm. Theo đó, bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm A bằng những cách đơn giản sau:
Tiêm vaccine hằng năm là biện pháp phòng ngừa cúm A hiệu quả nhất hiện nay. Khi đi vào cơ thể, vaccine sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch để tạo ra kháng thể nhằm chống lại các đợt tấn công của virus cúm A trong tương lai. Sau khi tiêm phòng, cơ thể bạn thường phải mất khoảng hai tuần để phát triển khả năng miễn dịch với bệnh cúm.
Để phòng ngừa cúm A, bạn nên duy trì thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong khoảng 30 giây, đặc biệt là trước khi ăn, khi đi từ ngoài về hoặc sau khi đi vệ sinh. Bạn cũng có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay. Đồng thời, bạn cần hạn chế việc đưa tay chạm vào mắt, mũi và miệng.
Ngoài ra, việc giữ môi trường xung quanh sạch sẽ sẽ giúp hạn chế được sự phát triển của virus cúm A. Vì vậy, bạn hãy cố gắng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, nơi làm việc thường xuyên, đồng thời định kỳ sát khuẩn đồ dùng cá nhân.
Cúm A rất dễ lây lan từ người sang người thông qua đường hô hấp. Vì vậy, bạn nên tránh tụ tập ở nơi đông người, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
Bạn có thể tăng cường sức đề kháng bằng cách xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Ngoài ra, việc bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn uống cũng sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe, phòng ngừa cúm A hiệu quả.
Thời gian ủ bệnh từ khi bị nhiễm virus cúm A đến khi xuất hiện các triệu chứng thường là 1 – 5 ngày, trung bình là 2 ngày. Trong đó, thời gian lây truyền virus cúm mạnh nhất là khoảng 1 – 2 ngày trước khi bệnh khởi phát và 3 – 5 ngày sau khi biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ bị cúm A. Tuy nhiên, một số đối tượng sau đây cần đặc biệt chú ý bởi có khả năng mắc bệnh cao hơn và chuyển biến nặng hơn:
Hy vọng bài viết này Website Bowtie đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Cúm A có lây không và lây qua đường nào?”. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh trong cộng đồng. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp mà Bowtie đã giới thiệu trong bài viết để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ngay hôm nay.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.