Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế?

Cúm A bội nhiễm là gì? Đó là một biến chứng nghiêm trọng mà bệnh nhân cúm A có thể gặp phải khiến tình trạng sức khỏe càng trở nên tệ hơn. Nếu không sớm có biện pháp can thiệp và điều trị hợp lý, bội nhiễm cúm A có khả năng kéo theo nhiều hậu quả nguy hiểm. Trong đó, phần lớn các trường hợp tử vong do bệnh cúm A thường có liên quan đến tình trạng này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-02
Cập nhật ngày 2023-08-02
Nội dung chính
Cúm A bội nhiễm là gì?Vì sao bệnh nhân cúm A dễ bị bội nhiễm?Cúm A bội nhiễm có nguy hiểm không?Những đối tượng có nguy cơ cao bị bội nhiễm khi mắc cúm ALàm thế nào để phòng ngừa tình trạng bội nhiễm ở bệnh nhân cúm A?
Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế?

Để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm khi bệnh nhân cúm A bị bội nhiễm cũng như biết được một số biện pháp có thể giúp người bệnh hạn chế tình trạng này, mời bạn hãy dành chút ít thời gian cùng Công ty Bowtie theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Cúm A bội nhiễm là gì?

Bội nhiễm cúm A được hiểu là tình trạng mắc phải các dạng nhiễm trùng khác, bao gồm nhiễm vi khuẩn và cả virus (hay còn gọi là nhiễm trùng thứ cấp) trong khi cơ thể đang phát triển bệnh cúm A. Tác nhân bội nhiễm với virus cúm A có thể là bất kỳ loại vi khuẩn hoặc virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, khi xem xét trên thực tế thì các tác nhân thường gặp có thể gây bội nhiễm với cúm A là: 

  • Phế cầu khuẩn – Streptococcus pneumoniae
  • Trực khuẩn hô hấp – Haemophilus influenzae
  • Liên cầu khuẩn nhóm A – Streptococcus A
  • Tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus (thường là chủng kháng thuốc MRSA)

Nhiễm trùng thứ cấp được xem là biến chứng nặng nhất của bệnh cúm A, làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và số ca nhập viện điều trị do bệnh diễn biến xấu. Bằng chứng nổi bật là trong đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918, có đến 95% các trường hợp tử vong được xác định là do nhiễm trùng phổi liên quan đến phế cầu khuẩn. Tương tự, các trận đại dịch cúm A xảy ra sau đó vào năm 1957 và năm 2009 cũng thống kê được tình trạng bội nhiễm vẫn chiếm xấp xỉ 50% trên tổng số bệnh nhân cần đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Vì sao bệnh nhân cúm A dễ bị bội nhiễm?

Cúm A là một trong những bệnh lý rất dễ xuất hiện tình trạng bội nhiễm. Vậy lý do gây ra cúm A bội nhiễm là gì? Các nghiên cứu và thử nghiệm khoa học đã xác định được hai vấn đề chính dẫn đến việc tăng tính nhạy cảm đối với vi khuẩn, virus ở bệnh nhân cúm A.

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là khả năng làm suy yếu hệ thống miễn dịch của virus cúm A giúp cho các tác nhân gây hại khác thuận lợi xâm nhập và phát triển bên trong cơ thể. Quan sát kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy sự hiện diện của virus cúm A có thể gây giảm số lượng và rối loạn chức năng của các tế bào miễn dịch. Điều này trực tiếp làm cho cơ thể mất đi khả năng chống lại nhiễm trùng, cuối cùng không thể loại bỏ vi khuẩn, virus và khiến chúng tiếp tục nhân lên với số lượng nhiều hơn. 

Cúm A bội nhiễm là gì và vì sao bệnh nhân dễ bị bội nhiễm?
Virus cúm A phá hủy hàng rào miễn dịch làm tăng nguy cơ xảy ra bội nhiễm.

Nguyên nhân tiếp theo là do hậu quả của việc virus cúm A tác động lên đường hô hấp. Theo đó, virus cúm A có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm mất đi lớp chất nhầy bảo vệ ở niêm mạc đường hô hấp, tạo ra nhiều điểm bám dính để vi khuẩn có thể “cư trú” dễ dàng. Đồng thời, các biểu mô tế bào cũng bị phá hủy nghiêm trọng dưới sự tấn công của virus cúm A, cho phép vi khuẩn, virus lây lan và phát triển rộng rãi gây ra nhiễm trùng xâm lấn.

Cúm A bội nhiễm có nguy hiểm không?

Mặc dù độc lực của virus cúm A thường không trực tiếp gây chết người nhưng bệnh cúm A vẫn luôn được xem là tình trạng nhiễm trùng hô hấp cực kỳ nguy hiểm với khả năng đe dọa tính mạng cao. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu thường có liên quan đến tình trạng bội nhiễm cũng như sự xuất hiện của các biến chứng nặng kèm theo.

Theo số liệu ghi nhận từ những đợt bùng phát đại dịch cúm A đã diễn ra trên thế giới cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong hoặc tiến triển bệnh nặng cần phải nhập viện đều được xác nhận là có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn liên quan đến cúm A.

So với trường hợp chỉ mắc bệnh cúm A hoặc một loại nhiễm trùng đơn độc, những người bị cúm A bội nhiễm thường có diễn biến bệnh rất phức tạp và dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi vi khuẩn, viêm màng não, nhiễm trùng huyết… Hậu quả là làm tăng thêm mức độ tổn thương đối với sức khỏe của người bệnh. Khi đó, việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn và nếu tình trạng bệnh tiếp tục tiến triển theo chiều hướng xấu thì có thể dẫn đến tử vong. 

Những đối tượng có nguy cơ cao bị bội nhiễm khi mắc cúm A

Virus cúm A có thể tấn công hầu hết tất cả mọi người và bất kỳ ai cũng có nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng liên quan đến bệnh cúm A tiến triển. Tuy nhiên, trong đó, cần lưu ý một số đối tượng đặc biệt có nguy cơ bị bội nhiễm cao khi mắc cúm A, chẳng hạn có thể kể đến như là:

  • Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh
  • Người cao tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu 
  • Trường hợp mắc các bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, cholesterol cao, béo phì…) 

Bài viết hữu ích:

Cúm A bội nhiễm là gì và ai dễ gặp phải?
Trẻ em là đối tượng có nhiều nguy cơ gặp phải bệnh cúm A bội nhiễm.

Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng bội nhiễm ở bệnh nhân cúm A?

Bệnh cúm A do virus gây ra là một trong những bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị đúng cách để hạn chế các biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhất là tình trạng bội nhiễm. Nhưng vì hiện nay không có loại thuốc nào có thể tiêu diệt virus, do đó việc kiểm soát và điều trị hiệu quả các triệu chứng của bệnh chính là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A bội nhiễm. 

Hơn nữa, cần tập trung nâng cao sức đề kháng và thể trạng chung của người bệnh để đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng như hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bội nhiễm từ bên ngoài. Trong đó, việc bổ sung đầy đủ lượng nước và dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân là điều không thể thiếu. Lời khuyên của các chuyên gia là nên lựa chọn những loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa đồng thời có thể kết hợp thêm nước trái cây, hoa quả tươi để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Cuối cùng, để giảm nguy cơ bội nhiễm ở bệnh nhân cúm A thì việc quan trọng là phải ngăn chặn các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể bằng cách:

  • Chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, đặc biệt là trước và sau khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh
  • Bảo vệ đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc đến những khu vực bị ô nhiễm, đông người 
  • Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để rửa mũi và súc miệng mỗi ngày nhằm làm sạch bụi bẩn, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, virus ở đường hô hấp
  • Chăm sóc và vệ sinh không gian sống thường xuyên, giữ cho môi trường xung quanh được thông thoáng và sạch sẽ để ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh
  • Tránh đến nơi đông người và hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là những người đang mắc bệnh truyền nhiễm
  • Đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh khi lựa chọn, chế biến và sử dụng các loại thực phẩm có trong chế độ ăn uống hàng ngày

Như vậy, bài viết đã phần nào giúp bạn hiểu được bệnh cúm A bội nhiễm là gì cũng như mức độ nguy hiểm mà chúng có thể gây ra đối với người bệnh. Qua đó, hy vọng bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để phòng ngừa bệnh cúm A bội nhiễm. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm A, bạn nên nhanh chóng tìm đến các bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để được kiểm tra và hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân cúm A nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các rủi ro không đáng có, bao gồm cả tình trạng bội nhiễm nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trĩ nội: Búi trĩ hình thành phía trên đường lược Trĩ nội: Búi trĩ hình thành phía trên đường lược
Các bệnh lý khác

Trĩ nội: Búi trĩ hình thành phía trên đường lược

Phụ nữ mắc bệnh giang mai có nên sinh con không? Phụ nữ mắc bệnh giang mai có nên sinh con không?
Các bệnh lý khác

Phụ nữ mắc bệnh giang mai có nên sinh con không?

Những điều bạn cần biết về hội chứng ruột kích thích Những điều bạn cần biết về hội chứng ruột kích thích
Các bệnh lý khác

Những điều bạn cần biết về hội chứng ruột kích thích

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK