Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới

Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ. Chúng không chỉ liên quan đến “thiên chức” làm mẹ mà còn có khả năng gây ra một số vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý chung của chị em.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-01-19
Cập nhật ngày 2023-05-21
Nội dung chính
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?Các giai đoạn trong một chu kỳ kinh nguyệtChu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài bao nhiêu ngày?Cách tính chu kỳ kinh nguyệt đơn giảnCâu hỏi thường gặp về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ
Những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới

Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu rõ chu kỳ kinh nguyệt là gì. Chính vì điều đó, bài viết này muốn chia sẻ với bạn một số kiến thức cơ bản nhưng vô cùng hữu ích về chu kỳ kinh nguyệt, mời bạn cùng công ty Bowtie theo dõi nhé!

Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ chung dùng để mô tả một chuỗi các sự kiện xảy ra mỗi tháng trong cơ thể phụ nữ, được thúc đẩy bởi các hormone để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình mang thai. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày hành kinh đầu tiên đến ngày đầu tiên của đợt kinh nguyệt tiếp theo. 

Phụ nữ không phải có kinh nguyệt khi vừa mới sinh ra. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở nữ giới sẽ xuất hiện vào độ tuổi 8 – 12, muộn nhất là 16 tuổi. Trong khi đó, chu kỳ kinh nguyệt có xu hướng chấm dứt hoàn toàn khi người phụ nữ bước vào giai đoạn 50 – 55 tuổi, được gọi là mãn kinh. 

Các giai đoạn trong một chu kỳ kinh nguyệt

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ sẽ bao gồm 4 giai đoạn là:

  • Giai đoạn hành kinh: Nếu không xảy ra hiện tượng thụ thai, lớp niêm mạc tử cung sẽ bắt đầu bong tróc và thoát ra ngoài theo đường âm đạo, dẫn đến hiện tượng chảy máu. Giai đoạn hành kinh được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện máu kinh nguyệt và thường kéo dài khoảng 3 – 5 ngày.
  • Giai đoạn nang trứng: Giai đoạn này thường diễn ra từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 14 trong mỗi chu kỳ. Lúc này, lượng hormone estrogen trong cơ thể có sự gia tăng, làm cho niêm mạc tử cung phát triển và dày lên. Đồng thời, các hormone kích thích nang trứng (FSH) cũng bắt đầu hoạt động để tạo ra trứng trưởng thành hoàn toàn (noãn) ở ngày thứ 10 đến ngày 14.
  • Giai đoạn rụng trứng: Đây là giai đoạn có sự gia tăng đột ngột của hormone tạo hoàng thể (LH), khiến buồng trứng giải phóng ra một hoặc nhiều trứng trưởng thành. Hiện tượng rụng trứng thường xảy ra vào ngày thứ 14 trong một chu kỳ 28 ngày. Đối với trường hợp khác, cần dựa vào việc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu để xác định thời điểm rụng trứng.
  • Giai đoạn hoàng thể: Ở ngày thứ 15 đến ngày thứ 28 của chu kỳ, sau khi ra khỏi buồng trứng, trứng bắt đầu di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung để sẵn sàng cho việc thụ tinh. Nếu được thụ tinh, trứng sẽ gắn vào thành tử cung để làm tổ. Nếu quá trình này không xảy ra, nồng độ hormone estrogen và progesterone sẽ giảm xuống đáng kể, khiến cho lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và trở lại giai đoạn hành kinh ban đầu.

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài bao nhiêu ngày?

Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chúng có thể thay đổi theo thời gian. Mặc dù chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ dao động từ 21 đến 35 ngày nhưng hầu hết phụ nữ thường có chu kỳ kinh nguyệt dài 28 ngày và hành kinh trong vòng 3 – 7 ngày. 

Ở độ tuổi thiếu niên, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc lượng máu nhiều hơn trong những lần đầu có kinh nguyệt là điều bình thường. Bạn có thể mất đến vài năm để chu kỳ kinh nguyệt trở nên ổn định và đều đặn, thông thường là khi bước vào độ tuổi 20. 

Không dừng lại ở đó, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể tiếp tục thay đổi khi đến thời kỳ mãn kinh. Lúc này, các kỳ kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện thưa dần rồi biến mất hoàn toàn. Một người được xem là mãn kinh nếu như ở độ tuổi trên 50 và không có kinh nguyệt từ 1 năm trở lên.

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt
Giai đoạn hành kinh ở phụ nữ thường kéo dài khoảng 5 ngày.

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt đơn giản

Chu kỳ kinh nguyệt và thụ thai là hai vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thông qua việc tính chu kỳ có thể xác định được thời điểm rụng trứng, từ đó giúp chị em phụ nữ xây dựng kế hoạch mang thai phù hợp. Ngoài ra, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hiệu quả cũng là cách giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho các sự kiện quan trọng hoặc những chuyến du lịch cùng gia đình và bạn bè mà không lo “dính ngày đèn đỏ”.

Để thực hiện điều đó, bạn có thể tham khảo cách tính chu kỳ kinh nguyệt bằng các bước đơn giản sau đây:

  • Bước 1. Đánh dấu ngày đầu tiên hành kinh trên lịch bằng dấu X
  • Bước 2. Tiếp tục đánh dấu X vào những ngày sau đó cho đến khi máu kinh nguyệt hết hẳn
  • Bước 3. Khi nhận thấy máu kinh nguyệt xuất hiện trở lại, hãy thực hiện thao tác đánh dấu X như bước 1 và bước 2

Số ngày giữa hai dấu X đầu tiên của mỗi kỳ kinh sẽ cho bạn biết chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu và số lượng các dấu X liên tiếp nhau sẽ tiết lộ giai đoạn hành kinh của bạn thường diễn ra trong bao nhiêu ngày.

Câu hỏi thường gặp về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ

Giai đoạn hành kinh thường kéo dài bao lâu?

Ở những người có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, giai đoạn hành kinh thường diễn ra trong khoảng 3 – 7 ngày. Một vài trường hợp có thể kéo dài đến 7 ngày và điều này được xem là bình thường, không đáng lo ngại.

Máu kinh như thế nào là bình thường?

Màu sắc của máu kinh nguyệt được quyết định bởi khoảng thời gian mà máu được giữ lại trong tử cung và âm đạo. Thông thường, khi bắt đầu giai đoạn hành kinh, máu có thể mang màu đỏ tươi hoặc màu hồng do trộn lẫn với một ít dịch nhầy ở âm đạo. 

Vài ngày tiếp theo, bạn có thể dễ dàng nhận thấy máu kinh nguyệt đã chuyển sang màu đỏ sẫm hơn và đôi khi có xuất hiện những cục máu đông kích thước to nhỏ khác nhau. Cuối cùng là thời điểm máu trở nên nhạt màu hoặc có màu nâu. Đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn hành kinh sắp kết thúc. 

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt

Nguyên nhân dẫn đến một số thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể liên quan đến:

  • Lối sống thường ngày: Việc tăng hoặc giảm cân đáng kể, chế độ ăn uống, dinh dưỡng kém, thay đổi thói quen luyện tập thể dục, tâm trạng căng thẳng, stress… đều có khả năng ảnh hưởng đến vòng kinh nguyệt
  • Sử dụng thuốc tránh thai: Phần lớn thuốc tránh thai hoạt động với cơ chế ngăn cản quá trình rụng trứng ở phụ nữ. Điều này có thể gây xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến tình trạng mất kinh, kinh nguyệt không đều hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh.
  • Các bệnh lý ảnh hưởng đến tử cung và buồng trứng: Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như polyp tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm, ung thư cổ tử cung…
  • Một số yếu tố khác ít phổ biến hơn: Bao gồm dùng thuốc steroid hoặc thuốc chống đông máu, rối loạn chảy máu, suy giáp, cường giáp, tuyến yên hoạt động bất thường, sảy thai, mang thai ngoài tử cung…
Những bất thường nào xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt cần đến gặp bác sĩ?

Hãy dành thời gian đến gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên nhận thấy các biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như:

  • Đau bụng dữ dội trong giai đoạn hành kinh
  • Chảy nhiều máu hoặc ra cục máu đông lớn
  • Dịch tiết âm đạo bất thường hoặc có mùi hôi
  • Sốt cao, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt hoặc ngất xỉu (triệu chứng sốc nhiễm độc) khi hành kinh
  • Giai đoạn hành kinh kéo dài hơn 7 ngày
  • Chảy máu ở giữa chu kỳ hoặc sau khi đã mãn kinh
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, đột nhiên đến sớm hoặc trễ hơn bình thường
  • Không có kinh nguyệt trong vòng ba tháng trở lên, mặc dù không dùng thuốc tránh thai và không mang thai

Ngoài ra, các trường hợp chưa xuất hiện kinh nguyệt khi đã qua 16 tuổi cũng nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn phần nào hiểu được chu kỳ kinh nguyệt là gì cũng như biết cách tính chu kỳ kinh nguyệt đơn giản mà chính xác. Bên cạnh đó, để góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất, bạn đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ nếu như nhận thấy các dấu hiệu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Dấu hiệu mang thai con rạ - Nhiều khác biệt so với sinh con so Dấu hiệu mang thai con rạ - Nhiều khác biệt so với sinh con so
Sản phụ khoa

Dấu hiệu mang thai con rạ - Nhiều khác biệt so với sinh con so

Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng
Sản phụ khoa

Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng

11 dấu hiệu mang thai con gái giúp mẹ bầu tự kiểm tra ngay tại nhà 11 dấu hiệu mang thai con gái giúp mẹ bầu tự kiểm tra ngay tại nhà
Sản phụ khoa

11 dấu hiệu mang thai con gái giúp mẹ bầu tự kiểm tra ngay tại nhà

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK