Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Chỉ số cholesterol cao là bao nhiêu? Cách kiểm soát chỉ số này

Lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn uống nhiều chất béo có thể làm chỉ số cholesterol tăng cao. Cholesterol cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-28
Cập nhật ngày 2023-06-28
Nội dung chính
Các loại cholesterol trong cơ thểCác chỉ số cholesterol bạn cần lưu ýChỉ số cholesterol bình thường là bao nhiêu? Bao nhiêu là vượt ngưỡng?Những ảnh hưởng khi cholesterol tăng caoNguyên nhân gây cholesterol cao và cách xử lýKhi nào bệnh nhân cần sử dụng thuốc để kiểm soát mức cholesterol?Lưu ý về chế độ ăn uống khi chỉ số cholesterol tăng caoDanh sách các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterolNhững thói quen sinh hoạt giúp ngăn ngừa tình trạng cholesterol cao
Chỉ số cholesterol cao là bao nhiêu? Cách kiểm soát chỉ số này

Trong bài viết này, Bowtie sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng cholesterol cao cũng như lưu ý về chế độ ăn uống và lối sống khi gặp phải tình trạng này.  

Các loại cholesterol trong cơ thể

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu. Chỉ khoảng 20 – 30% lượng cholesterol trong cơ thể được hấp thu trực tiếp từ thực phẩm, phần còn lại sẽ được sản xuất bởi gan. Trong đó, cholesterol lại được chia thành nhiều loại dựa trên tỷ trọng của protein gắn kết. Hai loại cholesterol quan trọng thường được quan tâm là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – cholesterol) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – cholesterol).

  • Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – cholesterol) được xem là một cholesterol xấu, có vai trò mang cholesterol vào trong tế bào và dễ bị tích tụ trên thành mạch, làm tăng tốc độ xơ cứng động mạch.
  • Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – cholesterol) là một cholesterol tốt. Chúng giúp “thu thập” và vận chuyển cholesterol dư thừa từ các cơ quan trở về gan, đồng thời giúp hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch, giảm sự tích tụ chất béo và bảo vệ thành mạch, từ đó góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài cholesterol, khi nhắc về mỡ máu, người ta cũng thường quan tâm đến chỉ số triglyceride. Triglyceride (TG) là một loại chất béo trung tính có trong máu. Mức triglyceride cao cũng có liên quan mật thiết đến tình trạng xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch khác. 

Các chỉ số cholesterol bạn cần lưu ý

Các chỉ số cholesterol mà bạn cần quan tâm là:

  • Chỉ số lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – cholesterol)
  • Chỉ số lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – cholesterol)
  • Cholesterol toàn phần

Bên cạnh đó, khi xét nghiệm chỉ số mỡ máu, bác sĩ cũng thường xem xét cả chỉ số triglyceride. Để xác định được các chỉ số này, bác sĩ sẽ lấy một ít máu của bạn và tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ xem xét xem các chỉ số có nằm trong mức bình thường hay không.

Chỉ số cholesterol bình thường là bao nhiêu? Bao nhiêu là vượt ngưỡng?

Theo Chương trình Giáo dục Cholesterol Quốc gia Mỹ (NCEP – ATP III) thì chỉ số cholesterol và triglyceride bình thường ở người lớn sẽ là:

Chỉ số Đơn vị Bình thường Cao Vượt ngưỡng (quá cao hoặc quá thấp)
LDL – cholesterol  mmol/L Dưới 2,6 3,4 – 4,1 Trên 4,1
mg/dL Dưới 100 130 – 159 Trên 159
HDL – cholesterol  mmol/L 1,6 hoặc cao hơn / Dưới 1
mg/dL ≥ 60 / Dưới 40
Triglyceride mmol/L Dưới 1,7 1,7 – 2,2 Trên 2,2
mg/dL Dưới 150 150 – 199 Trên 199
Cholesterol toàn phần mmol/L Dưới 5,2 5,2 – 6,2 Trên 6,2
mg/dL Dưới 200 200 – 239 ≥ 240

Những ảnh hưởng khi cholesterol tăng cao

Nếu mức LDL-cholesterol và triglyceride trong máu tăng cao hoặc vượt ngưỡng, chất béo có thể tích tụ trên thành động mạch, làm thu hẹp động mạch, hình thành các mảng xơ vữa và gây tắc nghẽn mạch máu. 

Nếu vị trí tắc nghẽn nằm bên trong các động mạch cung cấp máu cho tim, bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim… Triệu chứng thường gặp của các tình trạng này là đau thắt ngực.

Nếu mạch máu ở não bị tắc nghẽn hoặc vỡ do tích tụ cholesterol, bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ. Đây là một tình trạng nguy hiểm có khả năng dẫn đến liệt nửa người hoặc thậm chí tử vong.

Nếu động mạch ở chi bị tắc nghẽn do mảng xơ vữa, bạn có thể bị đau các chi, nghiêm trọng hơn là dẫn đến hoại tử tế bào và buộc phải đoạn chi. 

Nguyên nhân gây cholesterol cao và cách xử lý

Nguyên nhân gây nên tình trạng cholesterol cao rất đa dạng, có thể liên quan đến di truyền và lối sống. 

Nguyên nhân liên quan đến di truyền

Tình trạng cholesterol cao đôi khi liên quan đến di truyền. Nếu trong gia đình có người từng được chẩn đoán cholesterol cao thì tỷ lệ mắc bệnh của bạn có thể cao hơn gấp 2 – 3 lần so với người bình thường. Hầu hết bệnh nhân mắc phải tình trạng cholesterol cao do di truyền cần phải sử dụng thuốc giảm cholesterol thuộc nhóm statin và tuân thủ chế độ ăn uống ít chất béo để giảm mức cholesterol. Một số bệnh nhân chống chỉ định với thuốc statin sẽ được cân nhắc sử dụng thuốc khác.

Nguyên nhân liên quan đến lối sống

Những người có chỉ số cholesterol trong máu cao do lối sống cần hạn chế tiêu thụ cholesterol và chất béo trong chế độ ăn uống, đặc biệt là chất béo bão hòa và đường. Ngược lại, bệnh nhân cần bổ sung các dưỡng chất khác có lợi cho sức khỏe và giữ cân nặng ở mức lý tưởng để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Sau khi được chẩn đoán bệnh, bệnh nhân cần sử dụng thuốc giảm cholesterol theo đúng chỉ định của bác sĩ. 

Khi nào bệnh nhân cần sử dụng thuốc để kiểm soát mức cholesterol?

Sau khi đã thay đổi lối sống bằng các phương pháp như hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol từ thực phẩm, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng…, nếu vẫn không thể đưa chỉ số cholesterol về mức mục tiêu thì bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc để giảm mức cholesterol trong máu. Khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các yếu tố sau:

  • Chỉ số cholesterol và triglyceride của bệnh nhân
  • Các bệnh nền đi kèm
  • Các thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng

Lưu ý về chế độ ăn uống khi chỉ số cholesterol tăng cao

Để kiểm soát mức cholesterol trong máu, trước tiên bạn cần phải xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, chú ý và kiểm soát lượng chất béo bão hòa cũng như cholesterol tiêu thụ. Theo đó, bạn nên:

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và ít chất béo, giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Chất béo bão hòa có nguồn gốc chủ yếu từ động vật, một số ít từ thực vật. Loại chất béo này thúc đẩy gan sản xuất cholesterol, tăng hàm lượng cholesterol xấu trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến xơ cứng động mạch, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Chất béo chuyển hóa được tạo thành trong quá trình hydrogen hóa dầu thực vật. Chất béo này không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol xấu trong máu mà còn làm giảm hàm lượng cholesterol tốt, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.  

Loại chất béo Nguồn thực phẩm
Chất béo bão hòa có nguồn gốc động vật Mỡ động vật, thịt có nhiều mỡ, bơ, sữa và các sản phẩm từ sữa nguyên kem
Chất béo bão hòa có nguồn gốc thực vật Dầu cọ, dầu dừa và các chế phẩm từ dừa (như nước dừa, dừa nạo)
Chất béo chuyển hóa Bơ thực vật, dầu shortening, các loại thực phẩm chiên và nướng được làm từ những loại dầu béo này (như bánh quy, snack giòn, bánh ngọt, nước trộn salad, khoai tây chiên…)

Tiêu thụ đủ lượng chất béo không bão hòa

Chất béo không bão hòa được chia thành chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đôi. 

  • Chất béo không bão hòa đơn có thể làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, giữ cho mạch máu được “thông thoáng”.
  • Chất béo không bão hòa đa như acid linoleic và acid linolenic là các acid béo thiết yếu cần thiết cho cơ thể và phải được hấp thụ từ thực phẩm. Các chất béo này làm giảm độ nhớt của máu, giảm huyết áp và cải thiện chức năng của hệ miễn dịch. Đồng thời, chúng cũng giúp làm giảm tổng lượng cholesterol trong máu.

Chất béo không bão hòa chủ yếu có nguồn gốc từ dầu thực vật. Tuy nhiên, một số loại hạt và trái cây cũng có chứa loại chất béo này.

Nguồn chất béo không bão hòa Một số loại thực phẩm cụ thể
Dầu thực vật Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng, dầu ngô
Các loại hạt Mè, hạt thông, hạt quả hồ đào, hạt điều
Trái cây Quả bơ

Tiêu thụ càng ít thực phẩm chứa cholesterol trong chế độ ăn uống càng tốt

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng cholesterol tiêu thụ trong chế độ ăn uống càng ít thì càng tốt cho sức khỏe. Theo đó, mọi người nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol không lành mạnh và có thể thay thế chúng bằng các loại thực phẩm chứa cholesterol tốt cho sức khỏe hơn như trứng, động vật có vỏ (tôm, cua), mực…

Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan

Chất xơ hòa tan có trong rau củ, trái cây, các loại đậu… có thể “gắn kết” với những chất béo tương tự cholesterol và đưa chúng ra khỏi cơ thể, từ đó giúp giảm lượng cholesterol trong máu.

Danh sách các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol

Một người bình thường cần nạp khoảng 2000 calo mỗi ngày. Theo khuyến nghị, bạn nên giới hạn lượng chất béo bão hòa tiêu thụ ở mức dưới 20g. Tuy nhiên, nếu đang bị cholesterol cao hoặc các bệnh mạn tính khác, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về chế độ dinh dưỡng hằng ngày thay vì ăn theo các thực đơn trên mạng.

Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol mà bạn cần chú ý khi bổ sung trong chế độ ăn uống: 

Loại thực phẩm Hàm lượng chất béo bão hòa (gam) Hàm lượng cholesterol (mg)
Các loại thịt (100g)
Thịt cừu  32 90
Xúc xích 18,4 150
Thịt sườn (nửa nạc nửa mỡ) 7,5 80
Cánh gà (có da) 4,5 77
Thịt vịt 13,2 76
Nội tạng (100g)
Gan ngỗng 1,6 515
Não heo 2,4 2530
Cật heo 1 319
Gan heo 1,2 301
Hải sản (100g)
Bào ngư 0,2 85
Tôm 0,3 152
Mực ống 0,4 233
Mực nang 0,1 112
Sữa và sản phẩm từ sữa
Sữa tươi nguyên kem (1 cốc) 5,1 33
Kem (29g) 6,7 32
Phô mai cheddar (30g) 6 30
Trứng
Lòng đỏ trứng (1 quả) 1,6 213
Trứng vịt (1 quả) 2,6 619
Các loại dầu mỡ, bơ (100g)
51,4 215
Mỡ heo 38 95
Bánh ngọt
Cheesecake (1 miếng, 126g) 15,1 164
Bánh Chiffon (1 miếng, 77g) 3,5 146

Những thói quen sinh hoạt giúp ngăn ngừa tình trạng cholesterol cao

  • Giữ mức cân nặng lý tưởng: Chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng của người châu Á nằm trong khoảng từ 18,5 đến 22,9.
  • Thường xuyên tập thể dục: Người trưởng thành nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 30 phút mỗi ngày với các hoạt động thể chất có cường độ vừa phải để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Không hút thuốc.
  • Bỏ rượu bia hoặc hạn chế lượng rượu bia tiêu thụ để giảm các vấn đề liên quan đến loại thức uống này.
  • Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch máu, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về chỉ số cholesterol cao trong máu và những cách để kiểm soát chỉ số này. Bạn hãy cố gắng thay đổi chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ do tình trạng cholesterol cao nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp

Bạn có sở hữu yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch? Bạn có sở hữu yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch?
Bệnh tim mạch

Bạn có sở hữu yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch?

11 cách kiểm soát tăng huyết áp tại nhà bạn cần lưu lại ngay 11 cách kiểm soát tăng huyết áp tại nhà bạn cần lưu lại ngay
Bệnh tim mạch

11 cách kiểm soát tăng huyết áp tại nhà bạn cần lưu lại ngay

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK