Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp khoa học giúp điều trị hiệu quả

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Việc chẩn đoán tăng huyết áp sớm, chính xác bằng các phương pháp đo huyết áp có thể giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời, hiệu quả.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-27
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
Đôi nét về “kẻ giết người thầm lặng" mang tên tăng huyết ápTiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết ápCác phương pháp chẩn đoán xác định tăng huyết áp
Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp khoa học giúp điều trị hiệu quả

Trong bài viết này, mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu tiêu chuẩn cũng như các phương pháp chẩn đoán xác định tăng huyết áp đang được áp dụng hiện nay nhé.

Đôi nét về “kẻ giết người thầm lặng" mang tên tăng huyết áp

Tình trạng tăng huyết áp xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch ở mức quá cao, vượt ngưỡng cho phép. Người bị tăng huyết áp thì chỉ số huyết áp đo được sẽ lớn hơn 140/90mmHg. 

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tiến triển âm thầm với rất ít biểu hiện. Vì vậy, người bệnh thường chỉ nhận biết tăng huyết áp khi đo huyết áp trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ, chẩn đoán các bệnh lý khác hoặc khi bệnh đã gây ra các biến chứng nặng nề. 

Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp

Hiện nay, có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp khác nhau được xây dựng như tiêu chuẩn theo JNC 7, ISH, ESC/ESH 2018… Tuy nhiên, ở Việt Nam, tiêu chuẩn hiện được áp dụng chính là tiêu chuẩn dựa trên Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp của Bộ Y tế.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp mới nhất theo Bộ Y tế sẽ quy định tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp cụ thể đối với người lớn. Trong khi đó, tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em không phải là những con số cố định mà sẽ thay đổi dựa trên mức huyết áp ở các bách phân vị theo độ tuổi, giới tính và chiều cao của trẻ.

Theo Bộ Y tế, tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp ở người lớn sẽ là trị số huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/ hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên sau khi tiến hành đo huyết áp đúng quy trình. Nếu chỉ có huyết áp tâm thu tăng đến ngưỡng này trong khi huyết áp tâm trương vẫn bình thường (dưới 90mmHg) thì người bệnh được chẩn đoán mắc tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Ngoài ra, tùy mức biến động của trị số huyết áp mà bệnh sẽ được chia thành các phân độ tăng huyết áp khác nhau, từ độ 1 đến độ 3. 

Ngoài trị số huyết áp, trong quá trình chẩn đoán tăng huyết áp, bác sĩ cũng đánh giá thêm nguy cơ tim mạch của bệnh nhân thông qua việc xác định các yếu tố nguy cơ, các tổn thương cơ quan, bệnh lý và triệu chứng lâm sàng đi kèm. Đồng thời, bác sĩ cũng tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm để tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán xác định tăng huyết áp

Đo huyết áp là phương pháp chính được sử dụng để chẩn đoán xác định tăng huyết áp. Quá trình đo huyết áp có thể được tiến hành tại cơ sở y tế, tại nhà hoặc đo huyết áp bằng máy đo tự động 24 giờ. Theo đó, mỗi cách đo đều có những đặc thù riêng. Ngoài ra, bác sĩ cũng tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm khác nhằm tìm kiếm nguyên nhân gây tăng huyết áp. 

Đo huyết áp tại cơ sở y tế

Có thể nói, đo huyết áp tại cơ sở y tế là phương pháp tiêu chuẩn được Bộ Y tế khuyến nghị thực hiện để đảm bảo việc chẩn đoán tăng huyết áp chính xác nhất. Tại cơ sở y tế, quy trình đo huyết áp sẽ hiệu quả hơn do được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ y tế giàu năng lực chuyên môn với các thiết bị đo huyết áp chuyên dụng. 

Chẩn đoán tăng huyết áp tại cơ sở y tế
Đo huyết áp tại cơ sở y tế được thực hiện bởi cán bộ y tế có chuyên môn và kỹ thuật.

Theo Bộ Y tế, với phương pháp đo huyết áp tại bệnh viện, phòng khám do cán bộ y tế thực hiện theo đúng quy trình, ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp sẽ là huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Quy trình đo huyết áp tại cơ sở y tế thường gồm các bước sau đây: 

  • Bước 1: Người bệnh được yêu cầu thư giãn, nghỉ ngơi khoảng vài phút 
  • Bước 2: Người bệnh ngồi thẳng người, cánh tay duỗi trên bàn, khuỷu tay ngang với tim. Trong một số trường hợp, cán bộ y tế có thể đo huyết áp khi bệnh nhân nằm hoặc đứng. 
  • Bước 3: Cán bộ y tế tiến hành đo huyết áp cho bệnh nhân bằng huyết áp kế đã được kiểm tra và hiệu chỉnh định kỳ. Ở lần đo đầu tiên, cán bộ y tế sẽ đo huyết áp ở cả hai cánh tay để xác định tay nào có trị số huyết áp cao hơn. Sau này, tay đó sẽ được dùng để theo dõi huyết áp ở các lần tiếp theo. 
  • Bước 4: Cán bộ y tế để bệnh nhân nghỉ ngơi khoảng vài phút, sau đó đo lại huyết áp lần hai. Nếu số đo giữa 2 lần chênh nhau trên 10mmHg thì sẽ đo thêm nhiều lần sau khi bệnh nhân nghỉ ngơi trên 5 phút. 
  • Bước 5: Ghi chép lại các chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương, sau đó báo kết quả đo huyết áp với người bệnh. 

Tuy nhiên, để kết quả đo huyết áp ở cơ sở y tế chính xác hơn, người bệnh cần lưu ý không tập thể dục, uống cà phê hoặc hút thuốc trong vòng 2 tiếng trước khi đo huyết áp. Thêm vào đó, bạn hãy đi vệ sinh và dành 5 – 10 phút nghỉ ngơi để ổn định huyết áp trước khi đo. Trong quá trình đo, bạn cũng cần ngồi thẳng, không bắt chéo chân và hạn chế nói chuyện.

Dù được xem là chính xác nhất nhưng không phải bệnh nhân nào cũng được chẩn đoán tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp tại cơ sở y tế. Với những đối tượng nghi ngờ bị tăng huyết áp ẩn giấu (chỉ số huyết áp đo ở bên ngoài cao nhưng đo tại cơ sở y tế bình thường) hoặc tăng huyết áp áo choàng trắng (chỉ số huyết áp đo ở bên ngoài thì bình thường nhưng đo tại cơ sở y tế cao), bác sĩ có thể chỉ định những cách đo huyết áp khác. Các phương pháp này bao gồm đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ hoặc đo huyết áp tại nhà. 

Đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ

Ngoài đo huyết áp tại cơ sở y tế, bạn cũng có thể được chỉ định đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ để chẩn đoán tăng huyết áp. Theo đó, bệnh nhân sẽ đeo một thiết bị theo dõi huyết áp (Holter huyết áp) suốt cả ngày.

Chẩn đoán tăng huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ
Máy theo dõi huyết áp tự động 24 giờ sẽ ghi lại trị số huyết áp của bệnh nhân cả ngày.

Thiết bị này sẽ đo và ghi lại huyết áp của bệnh nhân trong suốt 24 tiếng, bất kể đang làm gì. Theo đó, các trị số huyết áp thường được ghi lại mỗi 15 – 30 phút vào ban ngày và 60 phút vào ban đêm. Dựa vào dữ liệu này, bác sĩ sẽ tính được huyết áp trung bình của bệnh nhân trong 24 giờ. Ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp khi đo huyết áp bằng máy theo dõi huyết áp tự động 24 giờ sẽ là huyết áp tâm thu ≥ 130mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 80mmHg.

Phương pháp đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ có nhiều ưu điểm vượt trội như:

  • Xác định được tình trạng tăng huyết áp ẩn giấu và tăng huyết áp áo choàng trắng
  • Giúp bác sĩ đánh giá được tiên lượng của bệnh nhân
  • Theo dõi được trị số huyết áp suốt cả ngày, đo được trị số huyết áp về đêm và trong bối cảnh thực tế
  • Cung cấp được nhiều thông tin cho bác sĩ về tình trạng bệnh chỉ trong một lần đo

Bên cạnh ưu điểm thì phương pháp này cũng có những nhược điểm và mặt hạn chế riêng. Đầu tiên, việc phải đeo máy đo suốt cả ngày có thể gây bất tiện cho người bệnh. Phương pháp này cũng tương đối đắt tiền và có tính khả dụng không cao. Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải một số vấn đề khó chịu như đau nhức cánh tay do vòng bít căng lên mỗi lần đo huyết áp hoặc rối loạn giấc ngủ, kích ứng da. 

Đo huyết áp tại nhà

Ngoài đo huyết áp tại cơ sở y tế và đo huyết áp bằng máy đo tự động 24 giờ thì đo huyết áp tại nhà cũng là một phương pháp có thể được áp dụng để chẩn đoán tăng huyết áp. Theo đó, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị tăng huyết áp ẩn giấu hoặc tăng huyết áp áo choàng trắng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách đo huyết áp tại nhà.

Bài viết liên quan:

Chẩn đoán tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà
Việc đo huyết áp tại nhà cũng có thể được dùng làm cơ sở để chẩn đoán tăng huyết áp.

Ưu điểm của phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp này là có thể xác định được tình trạng tăng huyết áp áo choàng trắng và tăng huyết áp ẩn giấu. Đồng thời, phương pháp này cũng rẻ tiền, có sẵn và dễ thực hiện nhiều lần.

Theo đó, bệnh nhân sẽ sử dụng máy đo huyết áp tại nhà để đo huyết áp. Bạn nên tiến hành đo huyết áp ở tư thế ngồi, tay để trên bàn ngang với tim. Bạn quấn bao đo vào tay theo đúng hướng dẫn và chờ để máy báo trị số huyết áp. 

Để chẩn đoán tăng huyết áp bằng phương pháp đo huyết áp tại nhà, bạn sẽ cần đo liên tục trong nhiều ngày, lý tưởng là 7 ngày. Mỗi ngày, bạn tiến hành đo huyết áp vào 2 buổi sáng và tối. Ở mỗi buổi, hãy đo 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 – 2 phút.

Mỗi ngày đo, bạn cần ghi chép lại trị số huyết áp. Sau đó, hãy cung cấp các số đo này cho bác sĩ để giúp họ tính được mức huyết áp trung bình của bạn. Thông thường, bác sĩ sẽ loại bỏ số liệu của ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại để khẳng định tăng huyết áp. Ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp với cách đo này là huyết áp tâm thu ≥ 135mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 85mmHg. 

Các phương pháp, xét nghiệm xác định nguyên nhân tăng huyết áp

Sau khi đã chẩn đoán xác định tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm một số kiểm tra, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Các kiểm tra, xét nghiệm này thường bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ được bác sĩ chỉ định nhằm tìm kiếm các vấn đề sức khỏe có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp. 
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đây là kiểm tra đơn giản để đo hoạt động điện của tim nhằm xác định xem tim đập nhanh hay chậm. 
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim sẽ giúp bác sĩ theo dõi nhịp tim và phát hiện ra những bất thường ở tim nếu có. 

Chẩn đoán điều dưỡng của bệnh tăng huyết áp

Chẩn đoán điều dưỡng về bệnh tăng huyết áp là cách phát hiện những triệu chứng bất thường của người bệnh, bất thường khi sử dụng thuốc hay khả năng dẫn đến biến chứng của bệnh tăng huyết áp để từ đó xây dựng được kế hoạch điều trị và chăm sóc bệnh nhân phù hợp. Khi chẩn đoán điều dưỡng bệnh tăng huyết áp, bác sĩ sẽ tập trung đảm bảo đo huyết áp đúng kỹ thuật, xác định đúng dạng bệnh (tăng huyết áp nguyên phát hay thứ phát), nhận định về các yếu tố liên quan đến người bệnh như tâm lý, môi trường, tài chính…

Trên đây là thông tin về tiêu chuẩn và các phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp đang được áp dụng hiện nay. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị tăng huyết áp, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ đo huyết áp theo đúng quy trình hoặc được hướng dẫn cách đo huyết áp ngoài bệnh viện, phòng khám hiệu quả nhằm chẩn đoán bệnh kịp thời. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nguyên nhân viêm cơ tim và yếu tố nguy cơ Nguyên nhân viêm cơ tim và yếu tố nguy cơ
Bệnh tim mạch

Nguyên nhân viêm cơ tim và yếu tố nguy cơ

Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát): Mối nguy khôn lường cần lưu ý Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát): Mối nguy khôn lường cần lưu ý
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát): Mối nguy khôn lường cần lưu ý

Lập kế hoạch phòng chống bệnh tăng huyết áp với 9 cách đơn giản Lập kế hoạch phòng chống bệnh tăng huyết áp với 9 cách đơn giản
Bệnh tim mạch

Lập kế hoạch phòng chống bệnh tăng huyết áp với 9 cách đơn giản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK