Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Áp dụng ngay 9 cách phòng chống bệnh cúm A cho bản thân, gia đình

Trong thời gian gần đây, số ca mắc cúm A lại có xu hướng tăng lên. Một số trường hợp cúm nhẹ nhưng cũng có nhiều ca bệnh nặng dẫn tới suy hô hấp và có thể gây tử vong. Áp dụng các cách phòng chống bệnh cúm A cho chính bản thân và gia đình là việc làm cần thiết để hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-22
Cập nhật ngày 2023-07-22
Nội dung chính
1. Tiêm vaccine ngừa cúm A2. Tránh tiếp xúc với người và động vật nhiễm bệnh3. Rửa tay thường xuyên 4. Không đưa tay lên chạm mắt, mũi, miệng 5. Thường xuyên vệ sinh các không gian sinh hoạt6. Hạn chế nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài7. Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối8. Thực hiện các biện pháp giúp tăng cường miễn dịch9. Bỏ hút thuốc
Áp dụng ngay 9 cách phòng chống bệnh cúm A cho bản thân, gia đình

Ở các nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, cúm A có thể xảy ra thường xuyên và gây ra nhiều đợt bùng phát. Các triệu chứng phổ biến nhất của cúm A bao gồm sốt, ho khan, nhức đầu, đau cơ, sổ mũi… Để bảo vệ chính mình cũng như người thân khỏi bệnh lý này, bạn có thể áp dụng ngay 9 cách phòng chống bệnh cúm A sau đây:

1. Tiêm vaccine ngừa cúm A

Vaccine cúm A có nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến là các loại vaccine cúm tứ giá. Sở dĩ gọi là vaccine cúm tứ giá vì chúng có thể giúp ngăn ngừa 4 chủng virus cúm, thường bao gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria). 

Về cơ bản, tiêm chủng là phương pháp phòng ngừa bệnh cúm A hiệu quả nhất hiện nay. Việc tiêm vaccine cúm A giúp mang đến cho bạn nhiều lợi ích thiết thực, bao gồm:

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh cúm lên đến 40 – 60%
  • Giảm số lần nhập viện do các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm ở trẻ em lên đến 60%
  • Khi mẹ bầu tiêm vaccine cúm trong thai kỳ, số ca nhiễm cúm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi được sinh ra sẽ giảm 70%
  • Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, việc tiêm phòng cúm giúp giảm 30% tỷ lệ nhập viện do đột quỵ, 22% tỷ lệ nhập viện do suy tim và 15% tỷ lệ nhập viện do viêm phổi và cúm.

Theo đó, những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh như người lớn trên 65 tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người có hệ miễn dịch suy yếu, người có nhiều bệnh nền… nên tiến hành tiêm vaccine định kỳ hằng năm. Lịch tiêm phòng vaccine cúm A sẽ dựa vào độ tuổi của từng đối tượng. Với trẻ em và người lớn, tần suất tiêm vaccine cúm tứ giá hiện nay có sự khác nhau như sau:

  • Trẻ em từ 6 – 9 tháng tuổi: Tiêm 2 mũi, mũi tiêm trước cách mũi tiêm sau ít nhất 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại hằng năm
  • Trẻ em từ 9 tuổi và người lớn: Tiêm duy nhất 1 mũi, sau đó tiêm nhắc lại vào hằng năm

Tiêm vaccine cúm A thường có hiệu lực ngăn ngừa bệnh rất cao. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng bảo vệ bạn trong khoảng 6 – 12 tháng bởi các loại virus cúm thường có tính đột biến và liên tục thay đổi cấu trúc. Do đó, tiêm các mũi tiêm nhắc lại hàng năm là điều vô cùng cần thiết. 

2. Tránh tiếp xúc với người và động vật nhiễm bệnh

Cúm A là bệnh lây nhiễm từ người sang người và có thể từ động vật sang người. Do đó, cách phòng chống bệnh cúm A tốt nhất là tránh tiếp xúc với người và động vật nhiễm bệnh bằng cách:

  • Duy trì khoảng cách ít nhất 1 mét với người đang có triệu chứng cúm hoặc tốt nhất là không nên tiếp xúc
  • Không đến thăm hỏi người bệnh cúm A khi không cần thiết
  • Nếu phải chăm sóc người bệnh thì nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc quá gần
  • Nếu chăm sóc em bé bị bệnh cúm A, bạn cần đặt đầu bé lên vai khi ôm để bé không ho hoặc hắt hơi vào mặt bạn
  • Hạn chế tiếp xúc với gia cầm hoặc động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh
  • Chọn mua và tiêu thụ thịt gia cầm, thịt động vật có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, đồng thời chế biến thịt hợp vệ sinh, nấu chín kỹ

3. Rửa tay thường xuyên

Rửa tay thường xuyên là việc làm vô cùng cần thiết để phòng chống bệnh cúm A. Bởi virus gây bệnh có thể tồn tại trên các bề mặt hoặc môi trường xung quanh và bám vào tay bạn. Nếu không rửa tay thường xuyên, virus có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua đường mắt, mũi, miệng khi bạn dùng tay chạm vào các cơ quan này.

Vì vậy, bạn nên duy trì thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước theo các bước sau:

  • Bước 1: Xả tay dưới vòi nước để làm ướt tay
  • Bước 2: Thêm xà phòng và rửa tay trong ít nhất 30 giây – 1 phút. Cách rửa đúng là rửa cả trong lòng bàn tay, mu bàn tay và các kẽ ngón tay
  • Bước 3: Rửa sạch tay với nước và lau khô tay
Rửa tay thường xuyên là cách phòng chống bệnh cúm a
Rửa tay thường xuyên là một cách phòng tránh dịch cúm A.

4. Không đưa tay lên chạm mắt, mũi, miệng

Mắt, mũi, miệng là những vị trí nhạy cảm, rất dễ bị vi khuẩn, virus và các mầm bệnh tấn công. Và như đã đề cập, một trong những con đường lây truyền bệnh cúm A chính là chạm tay vào các vật dụng nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Chính vì vậy, ngoài thực hiện rửa tay thường xuyên, bạn cần lưu ý không đưa tay, chạm tay, sờ tay lên mắt mũi miệng khi chưa rửa sạch. Bởi đây là một thói quen xấu, tạo điều kiện cho virus từ tay xâm nhập vào cơ thể.

5. Thường xuyên vệ sinh các không gian sinh hoạt

Vệ sinh nơi ở, giường ngủ, phòng khách, phòng bếp, nhà tắm… là một cách phòng chống bệnh cúm A hiệu quả nhờ tiêu diệt virus cúm A gây bệnh. Bởi thực tế, loại virus này có thể tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, cốc chén… Do đó, chúng ta cần khử trùng và thường xuyên lau chùi nhà cửa, đồng thời tăng cường lưu thông gió để không gian luôn thoáng đáng, sạch sẽ, không còn ẩm thấp.

6. Hạn chế nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài

Cúm A là một trong những loại bệnh truyền nhiễm và dễ dàng lây lan từ người này sang người khác. Chính vì vậy, để tránh bản thân bị nhiễm bệnh, bạn nên hạn chế đến những nơi đông người. Hoặc trường hợp bắt buộc phải đến nơi đông người, bạn nên đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm bệnh.

7. Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối

Như đã đề cập, mũi – họng là những bộ phận nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc và vệ sinh mỗi ngày. Theo đó, để phòng chống bệnh cúm A và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn nên xây dựng thói quen vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Theo đó, bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý vào mũi và thực hiện súc họng bằng dung dịch nước muối 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối để bảo vệ cơ thể khỏi virus.

8. Thực hiện các biện pháp giúp tăng cường miễn dịch

Xây dựng chế độ ăn uống, tập thể dục khoa học cũng là biện pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống bệnh cúm A vô cùng hiệu quả. Bởi khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể bạn sẽ có đủ sức để chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài, bao gồm cả virus cúm. Theo đó, bạn nên ăn uống với chế độ lành mạnh, nhiều chất xơ và vitamin thay vì sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất béo, dầu mỡ. 

Ngoài ăn uống thì bạn cũng nên có chế độ tập luyện khoa học để nâng cao sức khỏe. Bạn có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, bơi lội… để vận động các cơ và giúp cho máu dễ lưu thông. Đặc biệt, bạn nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng, stress kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

9. Bỏ hút thuốc

Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe và hệ hô hấp. Đặc biệt, hút thuốc lá nhiều còn làm tổn thương phổi và khiến phổi mất khả năng lọc các chất độc hại, đồng thời khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng hô hấp và dễ mắc cảm cúm hơn so với những người bình thường. Do đó, bỏ hút thuốc lá cũng là một trong những cách phòng chống bệnh cúm A hiệu quả mà bạn nên thực hiện ngay nếu đang sở hữu thói quen này. 

Trên đây là 9 cách phòng chống bệnh cúm A để giúp bạn bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh dịch. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh, từ bỏ những thói quen xấu và duy trì những thói quen tốt để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc cúm A và những biến chứng do bệnh gây ra nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Điều trị bệnh giang mai hiệu quả với 7 phương pháp đơn giản này! Điều trị bệnh giang mai hiệu quả với 7 phương pháp đơn giản này!
Các bệnh lý khác

Điều trị bệnh giang mai hiệu quả với 7 phương pháp đơn giản này!

Chớ bỏ qua 9 dấu hiệu bệnh gan đáng báo động này! Chớ bỏ qua 9 dấu hiệu bệnh gan đáng báo động này!
Các bệnh lý khác

Chớ bỏ qua 9 dấu hiệu bệnh gan đáng báo động này!

Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào? Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK