Ung thư
Ung thư

Cách kiểm tra ung thư vú tại nhà hữu ích mà bạn không nên bỏ qua

Bằng cách kiểm tra ung thư vú tại nhà thường xuyên, chị em phụ nữ có thể sớm phát hiện được các vấn đề bất thường cảnh báo ung thư vú để từ đó thăm khám, điều trị kịp thời.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-09-23
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Lợi ích của việc tự kiểm tra ung thư vú tại nhàCách kiểm tra ung thư vú tại nhà với 5 bước đơn giảnDấu hiệu bất thường cần quan tâm khi kiểm tra ung thư vúCần làm gì khi nhận thấy bất thường trong quá trình kiểm tra vú tại nhà?Phụ nữ nên kiểm tra ung thư vú tại nhà bao lâu một lần?
Cách kiểm tra ung thư vú tại nhà chỉ với 5 bước đơn giản

Ung thư vú là một căn bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh có tiên lượng tương đối khả quan. Việc tự kiểm tra ung thư vú thường xuyên tại nhà sẽ giúp bạn phát hiện sớm các bất thường cảnh báo bệnh để từ đó thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách kiểm tra ung thư vú bằng tay tại nhà không quá phức tạp nhưng không phải ai cũng biết rõ các bước thực hiện. Chính vì vậy, trong bài viết này, Bảo hiểm sức khỏe trực tuyến Bowtie sẽ giúp bạn tìm hiểu về cách khám ung thư vú tại nhà sao cho hiệu quả nhất nhé.

Lợi ích của việc tự kiểm tra ung thư vú tại nhà

Có rất nhiều trường hợp ung thư vú đã được chẩn đoán nhờ vào việc người bệnh tự sờ thấy khối u. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tự kiểm tra ung thư vú tại nhà. 

Thường xuyên thực hiện kiểm tra vú bằng tay sẽ giúp bạn làm quen với hình dáng và cảm giác bình thường ở vú. Khi đó, bạn có thể dễ dàng nhận ra sự xuất hiện của các vấn đề bất thường, chẳng hạn như khối u hoặc cảm giác khác lạ ở vú, da vùng vú. 

Mặc dù không giúp chẩn đoán xác định tình trạng ung thư mà cần phải kết hợp thêm nhiều xét nghiệm y tế khác nhưng cách kiểm tra ung thư vú tại nhà vẫn được xem là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh ung thư vú. Bởi khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh sẽ nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được thăm khám. 

Việc này góp phần làm tăng tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Khi đó, người bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi thành công. Không chỉ vậy, phương pháp kiểm tra vú tại nhà vừa tiện lợi, không tốn phí, lại có thể áp dụng thường xuyên cho mọi lứa tuổi. 

Cách kiểm tra ung thư vú tại nhà với 5 bước đơn giản

Thời điểm kiểm tra vú tốt nhất là sau hành kinh khoảng 5 ngày. Theo đó, cách kiểm tra ung thư vú bằng tay được thực hiện khá đơn giản tại nhà, bao gồm 5 bước sau đây:

Bước 1: Bạn cởi bỏ hết áo ngoài và áo ngực, đứng tư thế thẳng trước gương, hai tay thả lỏng sát vào người. Sau đó, hãy bắt đầu quan sát hình dạng và màu sắc của vú trong gương để tìm kiếm những bất thường. So sánh 2 bên vú.

Bước 2: Bạn chuyển sang tư thế hai tay chống hông và tiếp tục quan sát hình dạng, màu sắc của vú trong gương. So sánh 2 bên vú.

Bước 3: Tiếp theo, hãy giơ hai cánh tay lên cao và quan sát tương tự. Bạn cần chú ý các dấu hiệu cho thấy có chất dịch chảy ra từ một hoặc cả hai núm vú như mủ, máu… Có thể bóp nhẹ để xem có dịch tiết hay không và đừng quên kiểm tra phần bên dưới quầng vú. 

Bước 4: Ở bước 4, bạn sẽ kiểm tra vú ở tư thế nằm. Bạn nằm ngửa, hãy kê một chiếc gối dưới vai phải và đưa cánh tay phải qua khỏi đầu. Hãy duy trì tư thế thoải mái sao cho các mô vú trải đều dọc theo thành ngực. Tiếp theo, bạn sử dụng đầu các ngón tay trái để chạm nhẹ, rồi dùng lực ấn vừa phải theo chuyển động tròn đi khắp vú và phần nách bên phải. Bạn dùng tay phải để thực hiện tương tự cho phần vú và nách bên trái. Trong quá trình di chuyển, hãy cố gắng cảm nhận những cục u, phần da dày hoặc các thay đổi bất thường về cảm giác ở vú. Bạn cũng cần kiểm tra dịch tiết và vùng bên dưới quầng vú. 

Bước 5: Cuối cùng, bạn sử dụng các thao tác trong bước 4 để kiểm tra vú ở tư thế đứng hoặc ngồi. Bạn có thể thực hiện bước này trong phòng tắm, khi da còn ẩm ướt và trơn để có thể dễ dàng cảm nhận.

Cách kiểm tra ung thư vú tại nhà
Cách kiểm tra ung thư vú bằng tay có thể giúp phát hiện sớm các khối u bất thường.

Dấu hiệu bất thường cần quan tâm khi kiểm tra ung thư vú

Không ít người mang tâm lý hoảng sợ sau khi thực hiện cách kiểm tra ung thư vú bằng tay tại nhà và nhận thấy sự xuất hiện của các khối u ở vú hoặc vùng nách. Tuy nhiên, không phải khối u nào cũng là dấu hiệu của ung thư vú. Nếu bạn vẫn đang trong giai đoạn hành kinh, thì đây có thể chỉ là một sự thay đổi bình thường của cơ thể theo chu kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp, khối u có thể là một dạng u lành tính khác ở vú.

Mỗi người sẽ có hình dáng và màu sắc vú không giống nhau, cũng như vú có thể phát triển và biến đổi theo thời gian. Do đó, cảm nhận riêng của bản thân là yếu tố quan trọng để xác định các dấu hiệu bất thường trong quá trình tự khám ung thư vú tại nhà.

Một số bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú mà bạn cần đặc biệt quan tâm, theo dõi khi tự kiểm tra vú là:

  • Vú có sự thay đổi bất thường về kích thước hoặc hình dạng, chẳng hạn như vú to lên, bên to bên nhỏ…
  • Bề mặt da vú bị nhăn nheo, lõm xuống (lúm đồng tiền), “dấu da cam”, xuất hiện các nốt ban hoặc mẩn đỏ, đóng vảy, ngứa…
  • Cục u, nốt cứng xuất hiện ở vú hoặc vị trí dưới cánh tay 
  • Chảy dịch từ núm vú, dịch có thể lẫn máu 
  • Đầu núm vú bị kéo thụt vào bên trong (tụt núm vú) hoặc theo hướng khác
  • Cảm giác khó chịu và sưng đau ở một hoặc cả hai bên vú, đặc biệt nếu kéo dài

Cần làm gì khi nhận thấy bất thường trong quá trình kiểm tra vú tại nhà?

Nếu bạn dùng cách kiểm tra ung thư vú tại nhà theo 5 bước và nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên, hãy bình tĩnh và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ sẽ giúp bạn thăm khám và có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định ung thư vú. Dưới đây là một số kiểm tra, xét nghiệm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh:

  • Khám vú lâm sàng
  • Chụp nhũ ảnh
  • Siêu âm vú
  • Chụp cộng hưởng từ vú (MRI vú)
  • Sinh thiết vú
  • Chọc hút hạch
  • Một số phương pháp khác để xác định mức độ di căn của bệnh như siêu âm cổ, siêu âm bụng, xạ hình xương, chụp cắt lớp vi tính…

Phụ nữ nên kiểm tra ung thư vú tại nhà bao lâu một lần?

Theo khuyến cáo, chị em phụ nữ nên thực hiện cách kiểm tra ung thư vú tại nhà định kỳ mỗi tháng một lần. Đối với phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh và có chu kỳ đều đặn, việc khám ung thư vú nên được thực hiện sau mỗi kỳ kinh. 

Các trường hợp đã mãn kinh hoặc những người có chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể lựa chọn một ngày nhất định trong tháng để kiểm tra. Bạn nên ưu tiên chọn những ngày dễ nhớ để không lỡ mất việc kiểm tra ung thư vú định kỳ, chẳng hạn như ngày đầu tiên hoặc ngày cuối cùng của tháng. 

Khi thực hiện kiểm tra ung thư vú tại nhà, bạn nên ghi chép lại nhật ký về tình trạng của vú cũng như những lần phát hiện bất thường trong quá trình tự thăm khám của mình. Điều này có thể giúp bạn nhớ lâu hơn và dễ dàng phân biệt được như thế nào là tình trạng bình thường của vú. 

Một điều bạn cần lưu ý là, dù mang lại nhiều lợi ích nhưng cách kiểm tra ung thư vú tại nhà bằng tay không thể dùng thay thế các phương pháp chẩn đoán, tầm soát khác. Vì vậy, nếu có nhiều nguy cơ, bạn vẫn nên tiến hành tầm soát ung thư vú định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Như vậy, qua bài viết, bạn có thể thấy cách kiểm tra ung thư vú bằng tay khá đơn giản, không mất nhiều thời gian để thực hiện nhưng kết quả mang lại có thể giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Vì thế, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta nên thiết lập thói quen kiểm tra ung thư vú định kỳ để góp phần bảo vệ sức khỏe.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều bạn cần biết về ung thư vòm họng giai đoạn cuối Những điều bạn cần biết về ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Ung thư

Những điều bạn cần biết về ung thư vòm họng giai đoạn cuối

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu
Ung thư

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu

Điều trị ung thư gan ở đâu tốt? 10 địa chỉ bạn không nên bỏ qua Điều trị ung thư gan ở đâu tốt? 10 địa chỉ bạn không nên bỏ qua
Ung thư

Điều trị ung thư gan ở đâu tốt? 10 địa chỉ bạn không nên bỏ qua

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK