Vậy cúm A gây sốt cao bao nhiêu độ và sốt trong bao nhiêu ngày thì khỏi? Bệnh nhân sốt do cúm A nên làm gì để hạ sốt? Cùng Bowtie tìm hiểu ngay 8 cách hạ sốt nhanh cho bệnh nhân cúm A trong bài viết này nhé.
Cúm A là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng đường hô hấp và do virus cúm A gây ra, trong đó phổ biến là các chủng virus A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9. Bệnh thường xuất hiện vào cuối thu, đầu đông và có thể bùng phát nhanh chóng thành dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có các biểu hiện như sốt, hắt hơi, sổ mũi, ho, người mệt mỏi, đau rát họng. Người bị bệnh nặng còn có thể bị nhiễm trùng tai, buồn nôn, sốt cao kéo dài, tức ngực… Đặc biệt, sốt là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh mà ai cũng có thể gặp phải.
Những người bị cúm A thường có biểu hiện sốt và tình trạng sốt kéo dài từ 5 – 7 ngày. Thực tế, thời gian người bệnh bị sốt ngắn hay dài còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, sức đề kháng, mức độ nghiêm trọng của bệnh…
Theo đó, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ từ 37,5 – 38,5°C, một số trường hợp sốt cao có thể lên tới 39 – 41°C. Trẻ em thường có xu hướng sốt cao hơn người lớn.
Khi bị sốt do cúm A, bạn không nên hoang mang và quá lo lắng. Thay vào đó, hãy thử thực hiện 8 cách hạ sốt tại nhà cho bệnh nhân cúm A sau đây:
Bạn có thể uống các loại thuốc không kê đơn như paracetamol hoặc thuốc giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs) để hạ sốt tại nhà. Ngoài hạ sốt, các thuốc này còn giúp giảm tình trạng đau như đau đầu, đau nhức cơ thể…
Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc. Đặc biệt, với trẻ nhỏ dưới 18 tuổi, bạn tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc chứa thành phần aspirin để hạ sốt. Điều này là bởi trong một số trường hợp, trẻ em uống aspirin có thể gây ra hội chứng Reye – một tình trạng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng.
Miếng dán hạ sốt cũng là sản phẩm giúp bạn hạ thân nhiệt trong trường hợp bị sốt do cúm A. Sản phẩm này đặc biệt hiệu quả đối với trẻ nhỏ bởi khi mắc bệnh, trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc và biếng ăn nên khiến việc cho bé uống thuốc trở lên khó khăn hơn. Lúc này, việc sử dụng miếng dán hạ sốt là một trong những biện pháp thay thế phù hợp và hiệu quả nhất.
Khi bị sốt, cơ thể thường mất rất nhiều nước và cần được bổ sung đầy đủ để hạn chế tình trạng mất nước. Do đó, ngoài việc uống thuốc hạ sốt thì khi mắc cúm A, bạn cũng cần uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất cho cơ thể. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép trái cây hoặc uống oresol.
Khi bị sốt do cúm A, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên và bạn thường đổ nhiều mồ hôi. Lúc này, bạn nên mặc quần áo thoáng rộng, thấm hút mồ hôi tốt để cơ thể dễ thoát nhiệt. Việc mặc các loại trang phục bó sát, chật chội hoặc mặc các loại quần áo bí bách sẽ gây tích tụ nhiệt và làm bạn sốt cao hơn.
Chườm khăn mát lên người cũng là một cách hạ sốt nhanh cho bệnh nhân cúm A được nhiều người áp dụng. Bạn có thể sử dụng khăn mềm, nhúng vào nước rồi vắt kiệt, sau đó chườm khăn lên vùng trán, đùi, chân, tay, ngực hoặc toàn thân. Việc này sẽ giúp bạn giảm nhiệt độ cơ thể và hạ sốt nhanh hơn.
Khi bị sốt do cúm A, bạn cũng có thể tắm bằng nước ấm để giúp cho quá trình hạ sốt diễn ra nhanh hơn. Lúc này, hơi ấm từ nước sẽ thấm vào cơ thể và giúp cho thân nhiệt giảm xuống thay vì tăng lên. Hơi nước ấm cũng làm tăng lưu thông máu và giúp cơ thể dễ chịu hơn.
Việc nghỉ ngơi trong không gian mát mẻ, thoáng đãng có thể hỗ trợ quá trình thoát nhiệt và từ đó giúp bạn hạ sốt nhanh hơn. Vì vậy, bệnh nhân bị sốt do cúm A nên giữ môi trường xung quanh thoáng đãng, thông gió. Bạn có thể sử dụng quạt nhẹ để giúp không khí lưu thông tốt hơn nhé.
Một số loại trà thảo mộc cũng có khả năng giải cảm, hạ sốt, điển hình là trà gừng. Theo đó, để hạ sốt cho bệnh nhân cúm A, bạn có thể uống một tách trà gừng ấm để giúp cơ thể thoát nhiệt và toát mồ hôi. Cách làm trà gừng khá đơn giản, bạn chỉ cần lấy 1 nhánh gừng tươi, dùng dao đập dập rồi cho vào một cốc nước nóng, chờ khoảng 3 – 5 phút cho tinh chất gừng tiết ra là có thể uống.
Khi áp dụng các cách hạ sốt cho bệnh nhân cúm A, có những điều mà bạn cần đặc biệt lưu ý để tránh phản tác dụng và gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Để hạ sốt nhanh cho bệnh nhân cúm A, bạn chỉ nên chườm mát chứ không chườm lạnh. Điều này là bởi khi chườm bằng nước lạnh, hơi lạnh sẽ làm co các mạch máu và lỗ chân lông, khiến nhiệt độ trong cơ thể bị tích tụ lại và không thoát ra ngoài được, từ đó càng gây sốt cao hơn. Vì vậy, khi bị sốt, bạn chỉ nên giảm sốt bằng cách chườm mát thôi nhé.
Cồn là một dung dịch có khả năng sát khuẩn và làm mát. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo bạn không nên dùng cồn lau người như một cách hạ sốt cho bệnh nhân cúm A. Bởi bản chất cồn không có tác dụng hạ sốt, nếu dùng lau người có thể khiến bạn ớn lạnh hoặc thậm chí ngộ độc do cồn thấm vào da.
Nhiều người cho rằng bệnh nhân cúm A có biểu hiện sốt, ớn lạnh cần đắp thêm chăn để giảm tình trạng này. Tuy nhiên, việc đắp chăn cho người đang sốt sẽ không giúp họ “xua tan” cơn lạnh mà còn gây tình trạng bí bách, ủ hơi và khiến cơ thể rất khó thoát nhiệt, từ đó khiến thân nhiệt tăng cao hơn. Vì vậy, khi bị sốt, người bệnh không nên đắp chăn hoặc ủ quá ấm, nên mặc quần áo mỏng mát để cơ thể thoát nhiệt nhanh hơn.
Trong quá trình bị cúm A, bạn nên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt bằng nhiệt kế. Điều này sẽ giúp bạn biết mình đang sốt bao nhiêu độ và đã hạ sốt hay chưa. Nếu thấy thân nhiệt tăng quá cao, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và xử lý.
Với các bệnh nhân cúm A thì cách hạ sốt nhanh nhất là sử dụng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng 1 loại thuốc hạ sốt phù hợp với lứa tuổi hoặc tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau vì chúng có thể tương tác và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Trên thực tế, việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc hạ sốt không kê đơn cũng đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi dùng thuốc, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể chuyển biến nặng với các biểu hiện như sốt cao kéo dài, sốt kèm co giật, nôn mửa, mặt mày tím tái, cơ thể mệt mỏi, tức ngực, khó chịu, ho khan… Trẻ em bị cúm A diễn biến nặng còn có thể bỏ ăn, bỏ bú, lòng bàn chân và bàn tay lạnh, thở nhanh và nằm li bì… Với những trường hợp này, người nhà nên lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Trên đây là tổng hợp 8 cách hạ sốt nhanh cho bệnh nhân cúm A mà ai cũng nên biết để áp dụng cho bản thân và người thân khi mắc bệnh. Với các trường hợp sốt cao kéo dài, sốt bất thường kèm các triệu chứng nguy hiểm thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh chuyển biến xấu.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.