Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Bỏ túi ngay 8 cách giảm đau đầu khi bị sốt xuất huyết bạn cần biết

Đau đầu là một triệu chứng thường gặp ở người bệnh sốt xuất huyết cùng với sốt, buồn nôn, đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giảm đau đầu hiệu quả khi bị sốt xuất huyết.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-06
Cập nhật ngày 2023-07-06
Nội dung chính
Tại sao người bị sốt xuất huyết lại đau đầu?8 cách làm giảm tình trạng đau đầu khi bị sốt xuất huyết
Bỏ túi ngay 8 cách giảm đau đầu khi bị sốt xuất huyết bạn cần biết

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus DEN lây truyền từ muỗi sang người, thường gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các triệu chứng phổ biến ở người bệnh là sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban.

Hầu hết người bệnh sốt xuất huyết sẽ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và tự khỏe lại sau 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, một số người lại trải qua nhiều triệu chứng khó chịu hơn, thường xuất hiện sau 4 – 10 ngày nhiễm virus gây bệnh và kéo dài trong khoảng 2 – 7 ngày. Trong đó, một số người có thể cảm thấy đau đầu dữ dội. Bài viết sau đây sẽ mách bạn một số cách giúp giảm đau đầu hiệu quả khi bị sốt xuất huyết.

Tại sao người bị sốt xuất huyết lại đau đầu?

Triệu chứng đau đầu ở người bệnh sốt xuất huyết thường được miêu tả là đau dữ dội, cảm giác đau ở vùng trán và sau hốc mắt. Một nghiên cứu khảo sát trên 83 người được xác nhận bị sốt xuất huyết cho thấy có 81 người bệnh (97,6%) bị đau đầu. Thời gian sốt trung bình là 6 ± 2,6 ngày và thời gian bị đau đầu là 5 ± 2 ngày.

Đau đầu khi bị sốt xuất huyết có một số đặc điểm giống với chứng đau nửa đầu, chẳng hạn như cơn đau nhói lên, thường kèm theo triệu chứng buồn nôn, sợ âm thanh và ánh sáng. Tuy nhiên, dựa trên các biểu hiện lâm sàng như sốt, đau nhức cơ và dấu hiệu sốt xuất huyết khác mà bác sĩ có thể phân biệt hai tình trạng này dễ dàng. Việc chẩn đoán đúng bệnh sẽ giúp bác sĩ điều trị bệnh hiệu quả hơn, tránh dùng thuốc giảm đau không đúng có thể khiến sốt xuất huyết trở nặng thêm.

Cơn đau đầu liên quan đến tình trạng nhiễm virus trong sốt xuất huyết xảy ra được cho là do các cơ chế sau:

  • Do phản ứng viêm đối với virus xảy ra trong hệ thần kinh trung ương hoặc màng não
  • Do nhiễm virus toàn thân
  • Hậu quả của cơn sốt do sốt xuất huyết
  • Quá trình sản xuất các hóa chất trong cơ thể như oxit nitric có thể kích hoạt những cơ chế của hệ thần kinh trung ương và gây ra chứng đau đầu

Tuy nhiên, qua các xét nghiệm và kết quả ghi nhận được ở những người bệnh thì triệu chứng đau đầu là do nhiễm trùng toàn thân chứ không phải do virus xâm nhập trực tiếp vào nhu mô não và màng não.

Tại sao người bị sốt xuất huyết lại đau đầu và cách giảm đau đầu khi bị sốt xuất huyết
Đau đầu khi bị sốt xuất huyết có thể được giảm bớt bằng nhiều cách.

8 cách làm giảm tình trạng đau đầu khi bị sốt xuất huyết

Người bệnh sốt xuất huyết cần phải theo dõi các triệu chứng và đến cơ sở y tế khi nhận thấy có dấu hiệu xuất huyết để tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm. Với triệu chứng nhẹ, bạn có thể áp dụng các phương pháp giảm nhẹ tại nhà hoặc dùng thuốc không kê đơn để giảm bớt tình trạng bệnh. Trong đó, các cách làm giảm đau đầu khi bị sốt xuất huyết tại nhà là:

1. Uống nhiều nước

Cơ thể mất nước có thể khiến tình trạng đau đầu xảy ra, nhất là khi đang bị sốt. Việc bổ sung nhiều nước sẽ giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và thời gian cơn đau đầu diễn ra. 

Không những thế, việc này còn giúp bệnh nhân sốt xuất huyết ngăn ngừa mất nước do đổ mồ hôi, nôn mửa, sốt cao… Vì vây, bạn hãy cố gắng uống đủ nước mỗi ngày và ăn các thực phẩm có hàm lượng nước cao như trái cây, rau củ quả nếu đang bị sốt xuất huyết và đau đầu nhé.

2. Uống trà thảo mộc

Trà thảo mộc cũng là một lựa chọn tốt để giảm bớt tình trạng đau đầu nói chung và đau đầu khi bị sốt xuất huyết nói riêng. Cách này vừa giúp bạn bổ sung nước cho cơ thể vừa thu được những lợi ích sức khỏe từ các hợp chất tự nhiên có trong thảo mộc. Bạn có thể thử uống trà gừng, trà bạc hà, trà hoa cúc hoặc hoa oải hương.

3. Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ đôi khi góp phần khiến cho tình trạng đau đầu nặng hơn ở một số người. Đã có nghiên cứu cho thấy chất lượng giấc ngủ kém và chứng mất ngủ có liên quan đến mức độ nghiêm trọng và tần suất bị đau đầu. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng có thể gây ra đau đầu. Do đó, ngủ đủ giấc với thời gian ngủ cần thiết (từ 7 – 9 tiếng) là một cách giúp giảm bớt tình trạng đau đầu tự nhiên, kể cả ở người bệnh sốt xuất huyết.

4. Massage vùng đầu

Massage, xoa bóp vùng đầu có khả năng làm dịu cơn đau đầu vô cùng tuyệt vời vì giúp giảm bớt căng thẳng ở đầu. Bạn có thể thử xoa bóp một số vị trí như hai bên thái dương, khu vực giữa lông mày và hai điểm gốc chân mày ở hai bên sống mũi hoặc xoa bóp ở cổ gần đáy hộp sọ. Xoa các vị trí này giúp giảm bớt căng thẳng ở đầu hoặc hốc mắt, từ đó làm dịu cơn đau đầu của bạn.

5. Dùng tinh dầu

Liệu pháp mùi hương với việc sử dụng tinh dầu cũng giúp giảm nhẹ triệu chứng đau đầu, ở cả người bệnh sốt xuất huyết. Bạn có thể ngửi thử một số loại tinh dầu như tinh dầu hoa oải hương (lavender), tinh dầu bạc hà. Nếu thấy khó chịu, hãy thử một số tinh dầu khác miễn sao bạn cảm giác được thư giãn và bớt đau đầu hơn.

Cách giảm đau đầu khi bị sốt xuất huyết: Dùng tinh dầu
Mùi hương tinh dầu cũng giúp giảm nhẹ triệu chứng đau đầu, kể cả ở những người bệnh sốt xuất huyết.

6. Chườm lạnh

Một cách giúp giảm bớt đau đầu khi bị sốt xuất huyết bạn có thể thử là chườm lạnh ở vùng đầu hoặc cổ. Nhiệt độ thấp giúp giảm viêm, làm chậm quá trình dẫn truyền thần kinh và co mạch máu, nhờ vậy mà cơn đau đầu được xoa dịu. Bạn hãy bọc những viên đá lạnh trong một chiếc khăn bông mềm hoặc dùng túi chườm lạnh để áp lên vùng đầu cổ, tránh chườm trực tiếp đá lên da. Thời gian mỗi lần chườm lạnh không nên quá 10 phút.

7. Thử tập yoga hoặc hít thở

Tập yoga hoặc các bài tập hít thở có thể giúp giảm bớt căng thẳng, giảm đau đầu và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một nghiên cứu về tác động của việc thực hành yoga trên người bệnh đau nửa đầu mạn tính cho thấy tần suất và cường độ đau đã giảm đáng kể so với những người chỉ được chăm sóc thông thường. Vì vậy, nếu bị đau đầu do sốt xuất huyết, bạn có thể thử tập yoga khi cơn đau xuất hiện để nhận thấy hiệu quả giảm đau nhé.

8. Uống paracetamol

Nếu muốn uống thuốc, người bệnh sốt xuất huyết có thể lựa chọn các loại thuốc chứa paracetamol để giúp giảm đau đầu đồng thời cũng hạ sốt. Lưu ý, không nên dùng thuốc aspirin (axit acetylsalicylic), ibuprofen vì có khả năng khiến tình trạng xuất huyết xảy ra hoặc nặng hơn.

Khi theo dõi và điều trị các triệu chứng sốt xuất huyết tại nhà, nếu nhận thấy bệnh tiến triển với bất kỳ triệu chứng nặng nào sau đây thì bạn cần phải nhập viện ngay:

  • Đau cơ hoặc đau bụng dữ dội
  • Nôn mửa liên tục (hơn 3 lần trong 1 tiếng)
  • Nôn ra máu hoặc thấy máu trong phân
  • Thở nhanh, khó thở
  • Cảm thấy rất mệt mỏi, lừ đừ, sốt li bì
  • Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo bất thường
  • Lú lẫn, bị kích động
  • Bí tiểu, không tiểu tiện được trong hơn 6 giờ

Thực tế, người bệnh sốt xuất huyết thường dễ bị đau đầu. Lúc này, bạn có thể thử áp dụng các cách làm giảm bớt đau đầu khi bị sốt xuất huyết tại nhà trên đây, đồng thời đừng quên liên tục theo dõi diễn tiến của bệnh.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản và yếu tố nguy cơ Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản và yếu tố nguy cơ
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản và yếu tố nguy cơ

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có lây không và lây qua đường nào? Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có lây không và lây qua đường nào?

Mách bạn 9 cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết hiệu quả ngay Mách bạn 9 cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết hiệu quả ngay
Các bệnh lý khác

Mách bạn 9 cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết hiệu quả ngay

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK