Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà để giảm triệu chứng, nhanh khỏe

Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân cúm A sẽ được chỉ định điều trị và theo dõi bệnh tại nhà. Lúc này, việc biết và áp dụng những cách điều trị bệnh cúm A tại nhà hiệu quả sẽ giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng và nhanh khỏe hơn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-21
Cập nhật ngày 2023-07-21
Nội dung chính
Sơ lược về bệnh cúm ANhững trường hợp có thể điều trị cúm A tại nhàNgười bị cúm A phải làm gì? 12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhàNhững lưu ý trong quá trình điều trị bệnh cúm A tại nhà
12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà để giảm triệu chứng, nhanh khỏe

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như sốt, ho, đau họng, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi… Để điều trị cúm A tại nhà, bạn hãy cùng Bowtie tìm hiểu các biện pháp sau đây để giảm triệu chứng và nhanh khỏe nhé. 

Sơ lược về bệnh cúm A

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm A gây ra. Các triệu chứng của cúm A có thể kể đến là sốt và ớn lạnh, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, nhức đầu, mệt mỏi… Một số bệnh nhân còn bị nôn và tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em.

Bất cứ ai cũng có khả năng bị cúm A, ngay cả những người khỏe mạnh và các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo đó, bệnh cúm A dễ dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và làm trầm trọng thêm các bệnh lý mạn tính như suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc đái tháo đường. Chính vì vậy, việc tìm hiểu cách điều trị cúm A như thế nào hiệu quả là điều rất quan trọng để hạn chế bệnh chuyển biến nặng, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục. 

Những trường hợp có thể điều trị cúm A tại nhà

Nhìn chung, khi có biểu hiện của bệnh cúm A, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Trong quá trình kiểm tra, nếu bác sĩ xác định rằng bệnh tình chỉ ở mức nhẹ và bạn không có quá nhiều nguy cơ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại trú và hướng dẫn bạn một số cách chăm sóc tại nhà.

Trong khi đó, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ gặp phải biến chứng của cúm A, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng và quyết định xem bạn có cần phải nhập viện theo dõi hay không. Nhóm đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc cúm A thường là:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng đặc biệt là trẻ nhỏ hơn 2 tuổi
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Người có sức đề kháng kém, suy yếu 
  • Phụ nữ mang thai
  • Những người mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và đái tháo đường…

Người bị cúm A phải làm gì? 12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà

Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, bác sĩ thường hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc và kiểm soát bệnh tại nhà. Vậy người bệnh cúm A phải làm gì, điều trị như thế nào tại nhà cho nhanh khỏi? Cùng Bowtie tìm hiểu 12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà đơn giản để giảm nhẹ triệu chứng và nhanh chóng hồi phục nhé.

1. Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ

Khi cho bạn điều trị cúm A tại nhà, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để giảm triệu chứng, giúp bệnh mau khỏi hoặc hạn chế các biến chứng của bệnh, chẳng hạn như thuốc kháng virus, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc ho… Lúc này, điều bạn cần làm là uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dùng thêm thuốc hoặc ngừng dùng thuốc mà chưa tham khảo qua ý kiến của bác sĩ.

2. Nghỉ ngơi đầy đủ

Một trong những cách điều trị bệnh cúm A đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả chính là dành thời gian để nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp cơ thể “lấy lại sức” nhằm tăng cường khả năng chống lại nhiễm trùng. Theo đó, trong quá trình bị cúm A, bạn không nên cố gắng vận động hoặc làm việc quá sức, thay vào đó hãy dành thời gian nghỉ ngơi và cố gắng ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày. 

3. Uống nước hoặc trà thảo mộc

Cúm A có thể khiến bạn mất nước, đặc biệt nếu bị nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài. Để hạn chế tình trạng này, bạn hãy cố gắng bổ sung đủ lượng chất lỏng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây tươi hoặc nước điện giải. Ngoài ra, các loại trà thảo mộc, chẳng hạn như trà bạc hà, trà hoa cúc, trà gừng… kết hợp với mật ong cũng có thể giúp bạn làm dịu các triệu chứng của bệnh và thấy dễ chịu hơn. 

Uống nước hoặc trà thảo mộc là cách điều trị bệnh cúm a tại nhà
Uống trà thảo mộc khi điều trị cúm A tại nhà sẽ cung cấp thêm nước cho cơ thể, đồng thời làm dịu triệu chứng và giúp người bệnh dễ chịu hơn.

4. Đảm bảo dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng đóng một vai trò quan trọng khi điều trị cúm A tại nhà, giúp hỗ trợ quá trình hồi phục và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Một số món ăn phù hợp cho người bệnh khi mắc phải cúm A hoặc nhiễm trùng đường hô hấp là: 

  • Các món ăn loãng, nhạt và dễ tiêu hóa như súp gà, cháo loãng, canh xương…
  • Thịt nạc và các loại thực phẩm chứa nhiều protein khác như trứng, cá…
  • Trái cây và các loại rau củ chứa nhiều vitamin C như kiwi, dâu tây, cam, chanh, cà chua, bắp cải…
  • Thực phẩm chứa nhiều kẽm như thịt, các loại đậu, động vật có vỏ, trứng, ngũ cốc…
  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin D như các loại cá béo, lòng đỏ trứng gà, ngũ cốc nguyên hạt, động vật có vỏ…
  • Các loại gia vị như hành, gừng, nghệ, tỏi hoặc mật ong

5. Tăng độ ẩm không khí

Người bệnh cúm A thường dễ bị nghẹt mũi và ho. Các tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không khí trong phòng hoặc trong nhà hanh khô, thiếu độ ẩm. Vì vậy, nếu bạn hỏi “Khi bị cúm A nên làm gì?” thì một cách giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh chính là sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương để làm ẩm không khí. Tuy nhiên, bạn cần vệ sinh và giữ các thiết bị này sạch sẽ để tránh nấm mốc phát triển bên trong, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải các bệnh lý đường hô hấp khác.

6. Xông hơi

Xông hơi là cách điều trị cúm A tại nhà tiếp theo mà bạn có thể áp dụng. Không khí ẩm và nóng sẽ giúp cho tình trạng sổ mũi, đau họng hoặc nghẹt mũi thuyên giảm. Có nhiều cách xông hơi khác nhau mà bạn có thể thử. Chẳng hạn như bạn có thể mở vòi nước nóng và ngồi trong phòng tắm để hít thở hơi nước, hoặc hãy đưa mặt đến gần một chậu nước nóng rồi trùm khăn mặt che kín đầu trong 10 phút. 

7. Vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối

Súc miệng và vệ sinh mũi bằng nước muối có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cúm A, chẳng hạn như đau họng hoặc nghẹt mũi, từ đó giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, cách chữa bệnh cúm A tại nhà này còn làm loãng dịch nhầy có chứa virus và giúp loại thải chúng ra ngoài dễ dàng hơn. 

Vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối là cách điều trị bệnh cúm a tại nhà
Bệnh nhân nên vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối hằng ngày trong quá trình điều trị cúm A tại nhà.

8. Tắm nước ấm

Khi bị cúm A, bạn vẫn có thể tắm với nước ấm để vừa giữ gìn vệ sinh cơ thể, đem đến cảm giác thư giãn mà cũng vừa hỗ trợ giảm đờm hoặc chất nhầy ở mũi, họng. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tắm ở nơi kín gió, đồng thời tắm với nước ấm để hạn chế tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng thêm nhé! 

9. Vệ sinh cá nhân thường xuyên

Dẫu cảm giác mệt mỏi hoặc đau nhức cơ thể khi bị cúm A có thể khiến bạn chỉ muốn nằm nghỉ nhưng bạn vẫn nên dành thời gian để vệ sinh cá nhân thường xuyên nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác và phòng ngừa các biến chứng. Bạn hãy chú ý súc miệng, lau sạch thân người kỹ lưỡng cũng như rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống.

10. Sử dụng tinh dầu

Một số loại tinh dầu có thể giúp hỗ trợ điều trị cúm A hoặc các tình trạng về đường hô hấp khác nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau. Một số loại tinh dầu phù hợp để sử dụng khi bị cúm A là: 

  • Tinh dầu bạch đàn
  • Tinh dầu bạc hà 
  • Tinh dầu trầm hương 
  • Tinh dầu xạ hương 
  • Tinh dầu tràm trà

Bạn có thể sử dụng tinh dầu bằng cách kết hợp cùng máy khuếch tán hoặc thêm vài giọt tinh dầu vào bồn nước ấm và ngâm mình.

Sử dụng tinh dầu là cách điều trị bệnh cúm a tại nhà
Bạn có thể sử dụng tinh dầu trong quá trình điều trị cúm A tại nhà.

11. Kê gối cao khi ngủ

Virus cúm A có thể khiến cơ thể sản xuất nhiều dịch nhầy ở mũi và cổ họng. Nếu nằm ở tư thế đầu ngang với thân người, chất nhầy có thể chảy ngược vào trong và ứ đọng ở cổ họng cũng như mũi, từ đó gây ho và khiến tình trạng nghẹt mũi thêm trầm trọng hơn. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này cũng như hỗ trợ chất nhầy thoát ra ngoài dễ dàng, bạn nên kê gối cao khi ngủ. Tuy nhiên, bạn không nên kê gối quá cao để tránh mỏi cổ và vai gáy khi thức dậy nhé!

12. Chườm ấm hoặc chườm mát

Nếu đang cảm thấy đau đầu, đau mũi hoặc đau vùng xoang do cúm A, bạn hãy thử chườm khăn ấm lên vùng trán và mũi để làm giảm các triệu chứng khó chịu này. Bên cạnh đó, trong trường hợp lên cơn sốt, bạn cũng có thể chườm mát lên các vùng như trán, nách, bẹn, bụng… để làm giảm thân nhiệt.

Những lưu ý trong quá trình điều trị bệnh cúm A tại nhà

Bên cạnh tìm hiểu cách điều trị cúm A tại nhà, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau trong quá trình điều trị để giúp bệnh mau hồi phục, tránh cho những biến chứng có thể xảy đến, đồng thời hạn chế lây nhiễm bệnh cho người khác: 

  • Thực hiện cách ly với người khác: Cách ly khi bị cúm A là một biện pháp quan trọng để tránh lây nhiễm cho người khác và giúp bạn hồi phục nhanh chóng hơn. Người bệnh cúm A nên thực hiện cách ly ngay khi nhận thấy triệu chứng cho đến khi bệnh khỏi hẳn, thường khoảng 5 – 7 ngày.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng: Bạn hãy cố gắng giữ tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp cơ thể giảm bớt mệt mỏi, tăng cường miễn dịch cũng như hồi phục nhanh hơn.
  • Hạn chế dùng chất kích thích: Thuốc lá, thức uống có cồn và chất kích thích đều gây ảnh hưởng không tốt đến hệ miễn dịch, đồng thời có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Chính vì vậy, bạn cần hạn chế thuốc lá, thức uống có cồn và chất kích thích trong thời gian điều trị cúm A tại nhà. 
  • Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi: Khi bị cúm A, bạn hãy chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút tốt để giúp cơ thể được thoải mái, thoát hơi nóng lẫn giảm sốt hiệu quả. 
  • Theo dõi sát các triệu chứng để đến bệnh viện: Nếu nhận thấy những triệu chứng như đau ngực, khó thở, chóng mặt trong thời gian dài, co giật… trong quá trình điều trị cúm A tại nhà, bạn nên đến bệnh viện ngay nhằm hạn chế các biến chứng xấu có thể xảy đến.

Vừa rồi là thông tin chi tiết về 12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà, qua đó giúp bạn biết được những biện pháp có thể áp dụng để giảm triệu chứng và nhanh bình phục. Đừng quên truy cập Bowtie thường xuyên nhằm cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe cũng như bảo hiểm nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tiểu đường type 2 có chữa được không và điều trị thế nào? Tiểu đường type 2 có chữa được không và điều trị thế nào?
Các bệnh lý khác

Tiểu đường type 2 có chữa được không và điều trị thế nào?

Bị cúm A cần kiêng ăn uống những gì? Xem ngay 7 nhóm thực phẩm sau Bị cúm A cần kiêng ăn uống những gì? Xem ngay 7 nhóm thực phẩm sau
Các bệnh lý khác

Bị cúm A cần kiêng ăn uống những gì? Xem ngay 7 nhóm thực phẩm sau

Nhiễm trùng đường ruột (Nhiễm trùng đường tiêu hóa) và những điều cần biết Nhiễm trùng đường ruột (Nhiễm trùng đường tiêu hóa) và những điều cần biết
Các bệnh lý khác

Nhiễm trùng đường ruột (Nhiễm trùng đường tiêu hóa) và những điều cần biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK