Ung thư
Ung thư

Hỗ trợ điều trị với 8 cách chữa ung thư phổi bằng liệu pháp thay thế

Bên cạnh các phương pháp điều trị chính, bệnh nhân ung thư phổi và gia đình cũng thường tìm kiếm thêm các cách chữa ung thư phổi khác để giúp cải thiện tình trạng bệnh. Theo đó, một số liệu pháp thay thế có thể được sử dụng để giảm nhẹ triệu chứng ung thư phổi, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
1. Châm cứu2. Liệu pháp hương thơm hay liệu pháp tinh dầu3. Thảo dược4. Xoa bóp5. Liệu pháp dinh dưỡng6. Thiền7. Yoga8. Thái cực quyền
Hỗ trợ điều trị với 8 cách chữa ung thư phổi bằng liệu pháp thay thế

Dù không có khả năng điều trị hay chữa khỏi ung thư phổi nhưng các liệu pháp thay thế sẽ làm giảm bớt những triệu chứng do bệnh và các phương pháp điều trị gây ra, chẳng hạn như lo lắng, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó ngủ…, từ đó giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và khỏe hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp này trong quá trình điều trị ung thư phổi cần có sự tham vấn của bác sĩ và các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Trong bài viết này, Bowtie sẽ giới thiệu 8 cách hỗ trợ chữa ung thư phổi phổ biến để giúp bạn có thêm thông tin trao đổi với bác sĩ nhằm lựa chọn được phương pháp phù hợp cho bản thân hoặc người thân trong gia đình nếu mắc bệnh nhé.

1. Châm cứu

Châm cứu là một trong các liệu pháp điều trị bệnh theo y học cổ truyền của Trung Quốc. Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng những cây kim nhỏ, mỏng để đâm vào các huyệt vị trên cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy, châm cứu có thể giúp giảm buồn nôn, nôn do hóa trị. Ngoài ra, liệu pháp này cũng giúp giảm một số cơn đau cho người bệnh ung thư phổi. 

Châm cứu được xem là một cách hỗ trợ chữa ung thư phổi an toàn nếu được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm ở những cơ sở y tế uy tín. Tuy nhiên, tốt hơn hết, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi áp dụng bởi phương pháp này có thể không phù hợp cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu.

2. Liệu pháp hương thơm hay liệu pháp tinh dầu

Đây là phương pháp sử dụng các loại tinh dầu có mùi thơm để tạo cảm giác êm dịu, thư thái cho người bệnh. Các loại tinh dầu này có thể được dùng để massage, thêm vào nước tắm hoặc sử dụng với máy xông tinh dầu. Các nghiên cứu cho thấy, liệu pháp hương thơm mang lại lợi ích trong việc giảm buồn nôn, giảm đau và căng thẳng. Dưới đây là công dụng cụ thể của một số loại tinh dầu mà bạn có thể tham khảo:

  • Tinh dầu hoa oải hương (lavender) giúp tạo cảm giác thư thái, dễ chịu
  • Tinh dầu bạc hà giúp giảm buồn nôn
  • Tinh dầu hương thảo giúp giảm đau và tình trạng tắc nghẽn đường thở

Nhìn chung, liệu pháp hương thơm cũng được đánh giá là an toàn và bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, việc dùng loại tinh dầu nào sẽ cần hỏi ý kiến bác sĩ bởi một số loại tinh dầu có thể gây phản ứng dị ứng và tương tác với một số loại thuốc đang sử dụng.  

3. Thảo dược

Một số loại thảo dược, vị thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng ung thư phổi và tác dụng phụ của việc điều trị, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, chẳng hạn như: 

  • Hoàng kỳ: Giúp tăng cường miễn dịch, làm chậm sự phát triển của khối u và nâng cao hiệu quả của một số loại thuốc hóa trị
  • Nam sa sâm: Có khả năng giảm ho khan cho bệnh nhân ung thư phổi
  • Cam thảo: Vị thuốc này nổi tiếng với tác dụng long đờm và giúp đẩy nhanh quá trình bài tiết chất nhầy, thường được sử dụng để giảm ho và khó thở

Việc dùng thảo dược song song với các phương pháp điều trị ung thư phổi có thể gây ra tác dụng phụ hoặc biến chứng nghiêm trọng trong một số trường hợp. Do đó, điều quan trọng là bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hoặc các chế phẩm từ thảo dược nào.

4. Xoa bóp

Xoa bóp cũng là một trong những cách hỗ trợ chữa ung thư phổi được đánh giá là an toàn, hiệu quả. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, xoa bóp có thể mang lại lợi ích trong việc giảm đau cho người bị ung thư. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp giải tỏa lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi vô cùng hiệu quả.

Nhằm đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên để người có kinh nghiệm, thường xuyên điều trị cho bệnh nhân ung thư thực hiện xoa bóp cho bản thân hoặc người thân trong gia đình. Nếu muốn tự xoa bóp, bạn nên tham gia các khóa hướng dẫn xoa bóp cho người ung thư. Ngoài ra, khi xoa bóp, bạn cần tránh các khu vực gần vết sẹo phẫu thuật, vùng điều trị bức xạ hoặc khối u. Nếu bị ung thư phổi di căn xương hoặc các bệnh về xương khác, chẳng hạn như loãng xương, bạn chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng, tránh dùng lực quá mạnh. 

5. Liệu pháp dinh dưỡng

Dinh dưỡng cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị ung thư phổi. Theo đó, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng sẽ giúp bệnh nhân duy trì cân nặng ổn định, tăng cường sức khỏe và khả năng miễn dịch để chống chọi lại với bệnh. Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp giảm nhẹ tác dụng phụ của các phương pháp điều trị và tăng tốc độ hồi phục của bệnh nhân. Dưới đây là một số lời khuyên về dinh dưỡng cho người bị ung thư phổi bạn có thể tham khảo:

  • Bổ sung vào chế độ ăn uống của người bệnh các loại thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt… 
  • Hạn chế các loại thực phẩm ít calo, không lành mạnh như nước ngọt, khoai tây chiên
  • Cho người bệnh ăn bất cứ khi nào họ cảm thấy đói
  • Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị khi nấu ăn để món ăn của người bệnh hấp dẫn hơn
  • Cho người bệnh ăn các món lỏng hoặc xay nhuyễn nếu họ gặp khó khăn khi ăn thức ăn đặc
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn
  • Uống trà bạc hà và gừng để giảm buồn nôn
  • Ăn thức ăn nhạt nếu bị đau dạ dày hoặc miệng
  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ để giảm táo bón

Trên thực tế, người bị ung thư phổi không cần phải kiêng khem hay tuân theo bất kỳ chế độ ăn uống nghiêm ngặt nào. Điều quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư phổi là cần duy trì cân nặng ổn định và đảm bảo người bệnh nhận được đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để vượt qua quá trình điều trị.

Bài viết liên quan:

6. Thiền

Bạn nghe nói thiền cũng là một cách chữa bệnh ung thư phổi hiệu quả, liệu điều này có đúng? Cũng giống như các liệu pháp thay thế khác, thiền không chữa khỏi ung thư phổi và cũng không thể thay thế các phương pháp điều trị ung thư chuyên khoa. Tuy nhiên, phương pháp này có thể giúp người bệnh giảm lo lắng, căng thẳng và cải thiện tâm trạng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi ngày, người bệnh có thể ngồi thiền 1 – 2 lần trong vài phút hoặc tham gia các khóa thiền trực tuyến. 

Cách hỗ trợ chữa ung thư phổi bằng thiền
Thiền giúp bệnh nhân ung thư phổi giảm lo lắng, căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

7. Yoga

Một trong những liệu pháp thay thế khác bạn có thể tham khảo là yoga. Bộ môn kết hợp giữa các bài tập kéo giãn và hít thở sâu này có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng như giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, giảm mệt mỏi… Tuy nhiên, cũng giống như các liệu pháp khác, bạn nên tập yoga theo sự hướng dẫn của giáo viên hoặc huấn luyện viên có kinh nghiệm. Đồng thời, đừng quên chia sẻ với giáo viên tình trạng sức khỏe của bản thân để họ hướng dẫn bạn những tư thế an toàn nhất.

8. Thái cực quyền

Thái cực quyền là bộ môn có sự kết hợp giữa các động tác nhẹ nhàng và các bài tập hít thở sâu, có thể giúp người bệnh ung thư phổi giảm căng thẳng rất hiệu quả. Nhìn chung, việc tập thái cực quyền cũng được đánh giá là an toàn cho người bị ung thư phổi bởi các động tác không đòi hỏi sức lực quá nhiều và có thể dễ dàng điều chỉnh theo khả năng. Dù vậy, người bệnh vẫn nên trao đổi với bác sĩ trước khi tập luyện bộ môn này.

Trên đây là 8 liệu pháp thay thế có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị ung thư phổi mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Dù không thể thay thế những cách chữa ung thư phổi chuyên khoa đang được chỉ định bởi bác sĩ nhưng các liệu pháp này sẽ giảm nhẹ triệu chứng do ung thư cũng như các phương pháp điều trị gây ra, từ đó giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp nào, bạn nên trao đổi với bác sĩ để xem liệu pháp ấy có phù hợp với mình không nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay
Ung thư

Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay

Điểm qua 8+ biến chứng ung thư cổ tử cung nguy hiểm bạn cần biết Điểm qua 8+ biến chứng ung thư cổ tử cung nguy hiểm bạn cần biết
Ung thư

Điểm qua 8+ biến chứng ung thư cổ tử cung nguy hiểm bạn cần biết

Tổng hợp đầy đủ các loại ung thư vú mà bệnh nhân có thể gặp phải Tổng hợp đầy đủ các loại ung thư vú mà bệnh nhân có thể gặp phải
Ung thư

Tổng hợp đầy đủ các loại ung thư vú mà bệnh nhân có thể gặp phải

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK